Đạt Maniac – Rapper quen thuộc

Ngày đăng: 7/06/2019 09:23:15 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Với loại nhạc Rap đường phố quả là xa lạ với chúng ta. Tôi không có một chút kiến thức về loại nhạc này, thậm chí có cố tình nghe cũng không hiểu. Tôi lượm được bài viết này trên mạng VTV viết về Trần Sơn Đạt, con trai của Nguyễn Kiều Phương, cộng tác viên thân thiết với trang nhà ở các mục Bếp Ấm; Nhật ký luân phiên. Do vậy, để biết thêm về mãng này, trang nhà đăng lại bài của VTV, anh chị em nào muốn xem cho biết thì xem, không thì khỏi ghé mắt tới. bài viết thì nằm trên đây, khi nào đọc cũng được (Lương Minh)

“Ăn sườn đi man?” – Đạt Maniac, trong một quán nhỏ ở Quận 3, TP. HCM, đưa cho người thực hiện bài viết này một phần đồ ăn – thực tế, đó là bữa trưa của Đạt, vào lúc 16h, sau khi chàng Rapper vừa thực hiện xong một buổi thu âm. Trong ánh mắt có phần ngạc nhiên từ người đối diện, Đạt vô tư ngấu nghiến, hấp thụ vào người dinh dưỡng sau giờ làm việc, gia vị gồm cả nắng, gió, bụi… Sài Gòn một cách đầy thích thú, “thật” như cách bản thân vẫn thưởng thức cuộc sống xung quanh qua lời nhạc.

Rapper vừa trở về sau khi đại diện Việt Nam tham dự một chương trình Hiphop danh giá, không cho thấy dáng dấp của một “ngôi sao” trong làng Hiphop Việt mà “bình thường” theo cách không thể nào bình thường hơn. Chiếc nón rộng vành, bộ quần áo thùng thình “phủ bụi” Hiphop, nhấp vội ly trà đá mát lạnh trong tiết trời oi nồng khúc giao mùa, Đạt Maniac – Rapper vốn “lắm mồm” trong nhạc nhưng rất kiệm lời ngoài đời, cũng thoải mái hơn khi nói về mình.

HIPHOP ĐÃ BẮT TÔI ĐI

Hiphop, một cách thật tình cờ, đã đến với cậu thiếu niên tên Trần Sơn Đạt vốn là một tín đồ nhạc Rock. Nhận những chiếc đĩa CD Eminem từ bạn mình, Đạt Maniac không nghĩ đó là thứ thay đổi hoàn toàn cuộc đời. “Tôi đang nghe cái gì thế này?” – Đạt Maniac nói về cảm xúc lần đầu tiên nghe Rap – “Khái niệm ban đầu về Rap với tôi rất mơ hồ, giống như người ta đang nói chuyện trên nền nhạc vậy. Rồi tôi bắt đầu nghe thêm về các Rapper Việt Nam để hiểu nhạc Rap là như thế nào.

“Từ đó, tôi thấy hứng thú với thể loại âm nhạc này. Khi được nói lên những cảm xúc của mình trong âm nhạc, tôi thấy tự do. Thời gian đầu, tôi có một nhóm bạn chơi Rap chung, thu nhạc bằng máy vi tính và những chiếc micro từ headphone, gửi nhạc cho nhau nghe qua yahoo, up lên các trang mạng chuyên về nhạc. Khi đó, chẳng ai nghĩ gì xa xôi cả, chỉ đơn giản được chơi Rap là được sống với đam mê của mình”.

Đạt biết mình có năng khiếu về Rap khi trở thành thành viên của G-Fam – một trong những tổ chức Hiphop có uy tín trong cộng đồng Underground phía Nam. Và sự tự tin theo đuổi đam mê này cũng đến ít lâu sau khi những đồng thù lao xuất hiện. 50.000 đồng – đó là những gì Đạt Maniac nhận được cho lần đầu tiên đứng trên sân khấu và thể hiện một bản Rap do chính mình sáng tác.

Nhưng nói thêm về bức tranh toàn cảnh nhạc Rap trong những năm cuối của thập kỷ trước, những người lạc quan nhất chắc hẳn cũng không nghĩ rằng dòng nhạc vốn xuất phát từ “cống ngầm” này lại có sự vươn mình mạnh mẽ như ngày nay. Cát-xê lên đến vài triệu đồng thậm chí vài chục triệu có lẽ chỉ là “chuyện cổ tích”. Hay bằng một cách diễn đạt khác, 50.000 đồng mà Đạt nhận được khi đó, mang dấu ấn chiến công của tuổi trẻ cuồng nhiệt, của việc thể hiện cái tôi, nhiều hơn là cái nhìn khả quan cho một tương lai sống mái với Hiphop.

Chia sẻ ý thức hệ với đại bộ phận người trẻ đắm say trong những giai điệu nhạc Rap bấy giờ, Đạt cũng từng cất mic vào một góc đam mê vì nghĩ tới việc đi làm để nuôi sống bản thân và gia đình, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Tự nhận mình là một người không thích học, Đạt thổ lộ từng băn khoăn việc có Rap tiếp hay không khi đứng giữa lựa chọn đi học và đi làm. Với cá nhân Rapper sinh năm 1992, mỗi ngày đi học giống như đối phó trong khi hàng tháng gia đình vẫn đóng tiền để cho anh đến lớp. Cuối cùng, Đạt quyết định không học lên nữa mà đi làm để phụ giúp gia đình – “Tôi đã làm đủ nghề để kiếm sống. Khi đi làm phục vụ, tiếp thực trong nhà hàng trong đầu tôi luôn bay nhảy những câu từ. Không có thằng phục vụ bàn nào giống tôi hết, cái phong thái nó rất là kỳ quặc. Tôi có thể đặt tên hay thậm chí là Rap về bất cứ sự vật, hiện tượng nào nhìn thấy như miếng thịt, mớ rau… Một lần nữa, tôi lại bị Hiphop bắt đi”.

NHỜ CÓ MẸ TÔI BIẾT MÌNH THUỘC VỀ HIPHOP

Hiphop “bắt” Đạt đi, nhưng mẹ chính là người truyền cảm hứng, để Đạt biết rằng thứ âm nhạc từng mang nhiều định kiến này, đã trở thành một phần của cuộc đời mình. Khi mới du nhập về Việt Nam đầu những năm 2000, Rap chưa được định danh một cách rõ ràng. Như một lẽ thường tình, những thứ lạ lẫm, nếu không khiến người ta tò mò thích thú hay khám phá, thường sẽ mang lại cảm xúc sợ hãi, xa lánh. “Nhạc chế” là cụm từ mà người ta gán cho Rap, đặt bối cảnh vào xã hội Việt Nam thời điểm đó, khi những đứa con trẻ say sưa với thứ âm nhạc mới mẻ và giàu năng lượng, phụ huynh lại băn khoăn rằng thứ đó không hơn gì là văn hóa độc hại, kém văn minh.

Theo cách này hay cách khác, câu chuyện về Đạt Maniac cũng mang những nét tương đồng. “Phụ huynh thường quan tâm nhiều tới con cái mà! Thời gian đầu mới nghe Rap Việt, tôi hay bật loa bài GVR don’t Fking Care. Mẹ đi qua nghe thấy có nói: Nhạc gì cứ chửi bới um sùm. Nhưng rồi mẹ thấy con mình say sưa với thể loại nhạc này, sáng tác nhạc, bà thấy con mình vui thú với Rap và không làm hại đến ai cả. Có lẽ là từ đó mẹ đã có cách nhìn khác”.

“Những định kiến từ gia đình luôn là điều mình dễ thuyết phục nhất. Khi gia đình thấy được rằng mình chơi Rap, mình luôn giàu năng lượng, gia đình không ngăn cấm nữa. Đạt biết mẹ ủng hộ mình chơi Rap khi mẹ cho tiền Đạt đi taxi để dự một cuộc thi nhạc Rap.

“Khi Đạt dần chứng tỏ được khả năng của mình, mẹ cũng thường xuyên đi cổ vũ cho Đạt. Ít nhất đã hơn 5 lần tôi đứng trên sân khấu và nhìn thấy mẹ ở dưới. Có lúc, diễn cũng hơi khớp. Đôi khi tôi mong rằng mẹ đứng ở góc nào đó mà tôi không nhìn thấy để diễn cho thật đã. Nhưng tôi thấy hạnh phúc khi mẹ đứng chung với một đám người trẻ của thế hệ này và nhún nhảy. Mẹ không ngồi nhé mà đứng và phiêu theo điệu nhạc trong suốt phần trình diễn của tôi” – Đạt say sưa kể.

RAPER  CẦN KỶ NĂNG ĐỂ THÊM GIA VỊ

Tài năng của Đạt Maniac được chứng minh với danh hiệu quán quân chương trình Rhymes Fes 2012 – một sự kiện Hiphop gây được sự chú ý lớn từ cộng đồng yêu nhạc Rap.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, Đạt Maniac từng nổi đình nổi đám với clip “Đọc Rap nhanh nhất Việt Nam” được đăng tải trên Youtube ngày 06/01/2013. Clip thu hút sự chú ý của cộng động mạng bởi khả năng Rap nhanh chóng mặt của chàng Rapper trẻ. Chưa dừng lại ở đó, khả năng Rap nhanh của Đạt càng được khẳng định rõ nét hơn qua tác phẩm “Côn đồ trên con đò”, lập kỷ lục 176 từ trong 20 giây (từ 1:09 đến 1:29), trung bình 8,8 từ/giây.

“Côn đồ trên con đò” khi ra đời đã gây được sự quan tâm lớn từ cộng đồng yêu nhạc rap vì tốc độ rap cực nhanh của Đạt Maniac.

Tự thừa nhận được truyền cảm hứng từ kỷ lục của Eminem trong Rap God với đoạn twist 97 từ trong 15 giây, trung bình 6,5 từ/giây, 20 giây mà Đạt Maniac truyền tải ở “Côn đồ trên con đò” khiến Rapper sinh năm 1992 phải “xé nháp” trong khoảng thời gian dài.

“Khi tôi nghe được Rap God – của Eminem, tôi đã nghĩ rằng: Trời ơi, trình độ của anh ấy khủng khiếp quá. Ba năm sau, “Côn đồ trên con đò” giống như một phép đo trình độ của tôi, để tôi biết xem mình đang ở đâu trong Rap. “Côn đồ trên con đò” là một nhạc phẩm tôi chơi nhiều skill (kỹ năng – PV) và bắt đầu gọt giũa nhiều hơn về câu từ của mình. Bởi vì Rap nhanh sẽ có rất nhiều từ trong một câu và đòi hỏi người chơi Rap phải lựa chọn kỹ càng hơn về câu chữ, thanh dấu” – Đạt Maniac lý giải – “Riêng đoạn twist 20 giây trong Côn đồ trên con đò, tôi đã viết trong vòng 1 tháng. Khi dừng đèn đỏ, số đếm ngược về 20 giây thì tôi bắt đầu tập Rap. Ban đầu tôi dự tính Rap đoạn đó trong 15 giây – giống như cách Eminem làm trong Rap God nhưng 20 giây có vẻ hợp lý hơn. Việc sử dụng tiếng Việt tốt, bao gồm cả cách sắp xếp các từ ngữ, thanh dấu trong câu cũng giúp cho đoạn Rap nghe hấp dẫn hơn”.

Nhưng với nhạc Rap của Đạt Maniac, twist không phải là tất cả. Ngoài “tốc độ” Rap đáng nể, âm nhạc của Đạt là những ca từ chân thật mộc mạc gần gũi với cuộc sống, qua đó gửi những tâm tư suy ngẫm về con người, xã hội.

Trưởng thành trong một gia đình ở Quận 1, cứ bước chân xuống đường là trung tâm TP.HCM, Đạt Maniac có dịp chứng kiến nhiều mảnh đời, nhiều câu chuyện cuộc sống tréo ngoe ngay chính mảnh đất phồn hoa này. Tận hưởng sự muôn màu, anh không cho rằng mình thuộc một trường phái cụ thể nào.

Đạt nói: “Tôi có suy nghĩ bài nhạc Rap giống như món ăn do Rapper là người đầu bếp chế biến. Trong đó, kỹ năng chơi Rap giống như gia vị vậy, nấu nướng thế nào cho ngon là nghệ thuật của người đầu bếp. Có thể đoạn này tôi sẽ chơi Rap nhanh, đoạn khác tôi sẽ Rap chậm lại, phô diễn những kỹ năng khác. Tôi không bó buộc bản thân theo một thể loại nào hết, tôi chỉ muốn chơi Rap theo cách Việt Nam nhất, được học hỏi từ đồng nghiệp, được quan sát cuộc sống, được sáng tác từ chính những câu chuyện của người Việt. Hiphop Việt mang hơi thở của người Việt, tôi muốn được là mình nhất trong lời nhạc và âm nhạc của tôi xuất phát từ bên trong ra”.

                                             TỪ TỔ QUẠ ĐẾN YO! MTV RAPS

Thứ luôn phát ra từ bên trong một cách tự nhiên khiến những sự kết hợp trong âm nhạc của Đạt Maniac cũng rất… ngẫu hứng. Bên cạnh việc Rap chung với những người anh em trong cộng đồng của mình, Đạt Maniac cũng từng làm nhạc với Cá Hồi hoang (Ngày nào); với producer Nguyễn Hồng Giang (Không sờ vào được; Mỡ mỏng…). Năm 2018, cơ duyên đưa Đạt Maniac đến với Tổ Quạ (Crow n Hyenas) – tổ chức Hiphop underground có uy tín nhất phía Nam hiện nay.

Cần phải nói thêm rằng, Tổ Quạ không chỉ được biết đến từ việc tập hợp nhiều Rapper tên tuổi trong cộng đồng như Táo, Cam, Blacka, Pain… mà còn là bởi sự xuất hiện của nhiều producer tài năng như Lil Ce, Pain… và nhà sản xuất MV “mát tay” Lâm Tấn Huy. Từ đó, các sản phẩm của Tổ Quạ luôn được trau chuốt về mặt hình ảnh, âm thanh và độ “chất” là thứ dễ thấy ở tổ chức này.

“Năm 2018, Blacka (Rapper Black Murder – PV) thay mặt Tổ Quạ gửi lời mời đến tôi. Tôi  không  suy nghĩ nhiều mà nhận lời tham gia ngay. Thật tốt khi được làm việc cùng với những người có chung tư duy nghệ thuật. Mình không phải làm mọi việc một mình nữa, mình có nhiều sức mạnh hơn để đưa cộng đồng đi lên. Tất cả thành viên Tổ Quạ đều nhìn chung về một hướng là phát triển nền âm nhạc Hiphop nước nhà” – Đạt Maniac nói.

Tích cực hoạt động trong âm nhạc, tin vui đến với Đạt Maniac vào cuối năm 2018 khi chàng Rapper sinh năm 1992 nhận được lời mời tham dự chương trình Yo! MTV Raps phiên bản châu Á.  Lời mời lớn đến một cách… không bình thường khiến Đạt Maniac cảm thấy bối rối – “Tôi nhận được lời mời từ… Facebook. Tôi còn không tin đó là sự thật, phải đi kiểm tra xem mức độ uy tín của tài khoản gửi lời mời cho tôi đến đâu. Khi tôi biết đó không phải là tin tức giả mạo, tôi đã rất vui. Tôi coi đó là một thành tựu trong sự nghiệp chơi Rap của mình. Việc được mời sang Malaysia tham dự chương trình cũng là cơ hội để tôi có cuốn hộ chiếu đầu tiên trong đời. Anh em chơi cùng cũng vui lây, sợ tôi lỡ mất dịp này nên cứ liên tục nhắc tôi làm hộ chiếu đi”.

Sự bất ngờ và hồi hộp nhanh chóng được Đạt Maniac chuyển thành năng lượng tích cực khi đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ Hiphop tên tuổi hàng đầu châu Á. Theo tiết lộ, Đạt Maniac đã trình diễn một sản phẩm mới mang tên Đỉnh núi tuyết của nuối tiếc – “Các nghệ sĩ khác tỏ ra bất ngờ khi một gương mặt đến từ Việt Nam lại chơi Rap với năng lượng như vậy. Trong buổi cypher đó, Đạt là người đi đầu tiên và đã khiến mọi người rất hào hứng để tiếp nối. Trong một khoảnh khắc, tôi thấy tất cả những ngôi sao Hiphop xung quanh mình đều như những người bạn và chúng tôi có chung một niềm đam mê với thể loại âm nhạc này.

“Nhưng cảm xúc khi tham gia chương trình đó với Đạt không giống như lần đầu tiên đứng trên sân khấu. Tôi tâm niệm rằng mình phải chơi với tất cả phong độ sau những năm tháng chơi nhạc Rap vì khi đó, tôi đang đại diện cho Hiphop Việt Nam” – Tình yêu với Hiphop dễ nhận thấy ngay trong ánh mắt của Đạt Maniac.

Đang say sưa kể về những bất ngờ thú vị cho người hâm mộ mà bản thân ấp ủ trong tương lai gần, Đạt Maniac bất giác nhận ra đối tác trong dự án gần nhất đã xuất hiện tại điểm hẹn.

Tôi và Đạt Maniac đều thống nhất rằng nên tạm dừng buổi trò chuyện này, dù vẫn còn nhiều tâm sự và trăn trở với Rap mà Rapper sinh năm 1992 chưa kịp thổ lộ. Chúng tôi nghĩ rằng, âm nhạc của Đạt Maniac sẽ thay anh lên tiếng…

Thực hiện: L.S

VTV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác