XEM VỞ KỊCH “SÀI GÒN” CỦA ĐOÀN KỊCH PHÁP

Ngày đăng: 25/09/2018 09:04:14 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Vở kịch Sai Gon vừa được công diễn trong hai ngày 21 & 22/9 tại nhà hát Bến Thành, quận 1. Đây là vở kịch được nữ đạo diễn Algerie gốc Việt dàn dựng, được trình diễn vào hè năm ngoái tại Liên hoan sân khấu Avignon, sau đó vỡ kịch tạo được tiếng vang tại Paris và nhiều thành phố khác trên thế giới. Tuần san Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 23/9/2018 đã có bài giới thiệu về vở kịch này thông qua bài phỏng vấn đạo diễn Caroline Guiela Nguyên của nhà báo Lê Hồng Lâm. Tuy nhiên vở kịch này được khán giả ở Sài Gòn nhận định ra sao, chúng ta hãy đọc bài của chị Nguyễn Kiều Phương viết riêng cho trang tongphuochiep-vinhlong.com (LM)

Không nhiều lời hoa mỹ, không những tiếng gào khóc thê lương, chỉ có nhạc và hình ảnh các món ăn nhưng vở kịch làm tôi xúc động. Câu chuyện diễn ra trong một nhà hàng Việt tại Việt Nam mà chủ quán là bà Marie- Antoinette cùng cô cháu gái tên Lam. Năm 1956, đó là thời kỳ Pháp thua trận phải rút khỏi Đông Dương. Vở kịch nói về thân phận của ba nhân vật bị dòng lịch sử cuốn đi tha hương. Đó là Marie- Antoinette, Linh và Hào. Bà Marie- Antoinette, tên này người Pháp đặt cho bà, mở quán ăn phục vụ cho lính Pháp và những người Pháp đến Việt Nam thời kỳ đó. Bà có đứa con trai bị bắt lính, quân đội Pháp đã đưa con bà đi đánh thuê tận Châu Âu. Có lẽ bà mở quán cũng vì muốn tìm tung tích đứa con đã hơn 17 năm mất liên lạc. Trong vai chủ quán, tiếp xúc với nhiều thực khách bà vô tình chứng kiến những câu chuyện riêng tư của họ. Họ cũng bị tác động bởi sự kiện lịch sử lúc đó. Khi biết được con trai đã mất trong chiến tranh, bà Marie- Antoinette gần như suy sụp hoàn toàn, bao hy vọng, bao chờ đợi trong hân hoan lẫn nước mắt, hôm đó một lần cuối cùng bà tuôn hết… Rồi bà sống với những ngày tháng còn lại như chấp nhận  số phận đặt sẳn một cách đơn điệu. May là bà còn có Lam đứa cháu gọi bà là dì, Lam sống âm thầm như chiếc bóng, nhỏ nhẹ như làn hơi và là chỗ để mọi cơn phiền muộn của mọi người trút vào.

Trong vở kịch có người lính viễn chinh Pháp tên Edouard không muốn theo đơn vị của mình rút khỏi Việt Nam, anh có một mối tình sâu nặng với cô gái Việt, chuyện tình của anh không phải là trường hợp duy nhất nhưng mối tình đó làm tôi xúc động nhất. Edouard tìm cách đưa Linh, người yêu của anh, về Pháp. Anh là một quân nhân giải ngũ không nhận được tiền hậu chiến, anh hứa hẹn xây dựng tương lai với người yêu bằng những điều mơ ước. Một đám cưới buồn không nhẫn, không người thân, có lẽ thân nhân của họ đã mất trong chiến tranh, chỉ còn một người bạn đến dự… Linh chấp nhận hết những thiệt thòi, mất mát bởi trong cô có một tình yêu nồng cháy.  Một chuyện tình khác  của cô gái Việt Nam tên Mai, cô này hiền hòa nhân hậu và yêu nước. Cô quan niệm rằng phục vụ người Pháp và quân đội Pháp là phản quốc, thế nên cô lên án mạnh mẽ điều này khi biết được Hào, người yêu cô làm trong quán ăn phục vụ người Pháp. Hào đã giấu không cho Mai biết việc anh làm. Cho đến ngày đối mặt với sự thật cũng là ngày quân Pháp rời khỏi Đông Dương…Những người từng phục vụ cho Pháp, trong đó có Hào, đã theo đoàn lính viễn chinh về Pháp, mỗi người có mục đích khác nhau, những lý do khác nhau nhưng cùng chung một ý nghĩ rồi mình sẽ được trở về. Mai tuyệt vọng và cô biến mất như câu chuyện tình trong tiểu thuyết.

Ngày Hào trở về sau 40 năm xa quê hương, tất cả đều thay đổi, từ cảnh vật đến con người kể cả ngôn ngữ. Anh cứ ngỡ mình đã sống trong một xã hội văn minh tiến bộ thì con người mình cũng trở thành cao quý hơn, đẳng cấp hơn. Anh vấp phải những phản ứng của cô gái mà anh gặp tại quê nhà khi trở về vì không biết cách bày tỏ, khi anh nghĩ rằng mình có quyền ban phát hạnh phúc cho người khác! Ngôn ngữ ở trong vở kịch tưởng chừng như mờ nhạt khi diễn viên không cài micro nhưng thực chất ngôn ngữ ở trong vở kịch là phần quan trọng nhất. Điều này ta thấy rõ khi Hào cố diễn giải tình cảm mình dành cho cô bé sinh viên phục vụ trong nhà hàng mang dáng dấp, hình bóng của Mai. Và ngược lại, cô bé diễn đạt bằng ngôn ngữ thực nhất để cho Hào biết rằng cô không nhận sự giúp đỡ của một người không quen biết. Hào ngỡ ngàng và bối rối trong âm thanh của bản nhạc tình…

Ở nước Pháp, cuộc sống của Linh và con trai bà có sự cách ngăn bởi hai người ở hai thế hệ, hai nền văn hóa khác nhau. Vì muốn con hội nhập với xã hội Pháp, người đàn bà Việt này đã không dạy con tiếng Việt, bà muốn cuộc sống của con sẽ nhẹ nhàng hơn khi hấp thụ trọn vẹn nền văn hóa Pháp. Mâu thuẫn bắt đầu từ hai nền văn hóa trong gia đình Linh như thể không bao giờ chấm dứt dù con trai  của Linh tức Antoine rất thương mẹ. Sự cam chịu và nhẫn nhịn của người phụ nữ phương Đông trong người Linh luôn bị con trai thắc mắc. Cậu Antoine luôn hằn học và tỏ ra khó chịu khi mẹ mình cứ nói tiếng Việt, cái ngôn ngữ mà anh không thể biết được mẹ mình đang nói gì. Một lần nữa, ngôn ngữ ở vở kịch làm nên câu chuyện, tất cả diễn viên cứ thoải mái với ngôn ngữ của mình, lúc có phụ đề Việt Ngữ, lúc không, âm thanh không micro lúc vang, lúc trầm…nhưng khán giả có thể nắm bắt câu chuyện mạch lạc vì thỉnh thoảng có một giọng kể trong sân khấu đan xen vào và diễn xuất tài năng của diễn viên nói lên được tất cả. Có những yếu tố tưởng chừng mờ nhạt nhưng cũng tạo nên sự gay cấn đến hồi hộp cho vở kịch. Theo tôi, lúc bà Gauthier một thực khách thân thuộc nhận thông tin về đứa con của bà Marie- Antoinette rồi ra đi, tôi thật bất ngờ khi bà ấy quay trở lại nhà hàng, thuật lại với giọng thong thả chậm rãi rất Pháp đến sốt ruột, bà nói về Trần Phương Nam, con của bà Marie- Antoinette đã chết. Mặc dù trong thâm tâm và ý thức tự nhiên, khán giả có thể đoán cậu ta không còn ở trên đời, nhưng khi nghe đoạn kể của bà Gauthier sao ta vẫn thấy chút đau buồn vì biết một hung tin!

Thêm một gay cấn tưởng mờ nhạt, nó rất đời thường và tất yếu, nhưng khi thấy đoạn Hào lúc mới sang Pháp dứt khoát không nhận sự giúp đỡ của cô gái Pháp Cecile. Họ giằng co, níu kéo, bịn rịn…làm cho tôi phải thót tim vì sợ anh chàng này xiêu lòng…Một đoạn diễn hay, theo tôi, có lẽ  nó làm tôi xúc động. Dàn diễn viên kịch đều nhau, tự nhiên như đang sống. Tôi thích họ bình luận về Phở, về tương ớt, về…Diễm xưa. Tôi thích những bài hát họ lồng vào đan xen trong vở kịch, nó giống như khúc tương tư, thay cho nổi lòng người xa xứ nhớ quê hương và họ diễn tả lớp trẻ hiện tại ở Saigon với góc nhìn rất dễ thương.

Xin cám ơn ” SAIGON ”

Cám ơn đạo diễn Caroline Guiela Nguyen

Cám ơn nhà hát Les Hommes Approximatifs

Nguyễn Kiều Phương

hình

Hinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác