MỘT NGÀY TRÊN ĐỈNH BOKOR

Ngày đăng: 7/06/2016 11:00:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Bokor là tên một ngọn núi cao nhất nằm trong dãy núi Dram-rey thuộc tỉnh Kampot của vương quốc Campuchia. Theo tiếng Khmer thì “bokor” là lưng của con bò vì đỉnh núi có hình cong giống như lưng bò, còn tên Việt Nam được nhiều người biết đến là núi Tà Lơn. Rất nhiều huyền thoại của người Việt về sự linh thiêng và huyền bí của ngọn núi này như giai thoại về Đơn Hùng Tín , một tướng cướp nổi danh ở miền Nam thời Pháp thuộc trước khi hạ sơn đã từng tu luyện tại đây. Nhiều nhân vật lãnh đạo các tôn giáo ở miền Nam trước đây như Đức Bổn sư Ngô Lợi, Đức Phật Trùm, Sư vải Bán khoai, Huỳnh Phú Sổ, cụ Cử Đa…. cũng tìm đến đây tu hành trước khi hành đạo.

Để đến Bokor, chúng tôi theo hướng từ thị xã Châu Đốc đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, một trong những cửa khẩu vốn rất nổi tiếng của tỉnh An Giang về giao thương. Ngoài các xe hàng tải trọng lớn chở ăm ắp nhiều mặt hàng bách hóa, còn có đội ngũ xe ba gác chở các loại nông sản từ Việt Nam sang nước bạn chủ yếu như rau quả, bầu bí, đậu bắp… Còn phía bên kia mang sang sầu riêng, bòn bon, măng cụt…. thường là những đặc sản của tỉnh Kampot. Xe ba gác của nước bạn cũng khác hẳn xe ba gác của Việt Nam. Nó được tận dụng tối đa để có thể chở được nhiều hàng hóa. Nhìn chiếc thùng kéo có chiều ngang 2m còn chiều dài hơn 4m khiến tôi giật mình vì tính “liều mạng” của các bác tài người Campuchia hơn hẳn Việt Nam. Loại xe này nếu lưu hành ở Việt Nam chắc chắn sẽ bị công an thổi còi nhưng ở Campuchia thì “vô tư”, miễn là không gây ra tai nạn thì thôi.
Từ Trạm cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, đoàn xe tham quan đi dọc theo quốc lộ số 2 của Campuchia đến thị xã Tà keo, sau đó mới rẻ trái theo liên tỉnh lộ 22 để đến khu Công viên quốc gia núi Bokor có diện tích 1.580 km2, là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm. Trong suốt đoạn đường đi qua chẳng thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông nhưng người lái xe vẫn không chạy vượt quá tốc độ mặc dầu đường thì rất tốt và lượng xe lưu thông trên đường cũng ít. Trên những cánh đồng lúa mênh mông nặng trĩu những hạt lúa đang chờ thu hoạch, thỉnh thoảng hiện ra những hàng cây thốt nốt đặc trưng cho xứ chùa Tháp. Người Campuchia những năm gần đây đã học được cách làm lúa 2 – 3 vụ của Việt Nam nên cuộc sống đỡ hơn trước đây rất nhiều. Nhiều thửa ruộng làm không xuể thì họ cho người Việt mướn lại. Vào mùa thu hoạch, những ghe xuồng của nông dân người Việt này chở lúa từ nước bạn về góp phần vào sản lượng lúa của địa phương.
Hơn hai giờ ngồi trên xe tốc hành đến chân núi Bokor thì trời cũng đã hửng nắng. Từ chân núi nhìn lên, ta có thể thấy mây trắng bay quanh lưng chừng núi khiến không gian đượm nét lung linh kỳ ảo.Từ đây còn phải đi một đoạn đường dài khoảng 34 cây số nữa mới lên được đỉnh núi là nơi có nhiều di tích lịch sử và tôn giáo tồn tại hàng trăm năm qua.
Khi xâm chiếm đất nước Chùa Tháp này vào cuối thế kỷ thứ 19, thực dân Pháp đã khám phá vùng núi Bokor này với độ cao khoảng 1.075m với khu rừng nguyên sinh rộng lớn là nơi nghỉ mát lý tưởng cho các viên chức người Pháp và địa phương vào những ngày nghỉ cuối tuần. Vào năm 1917 khu nhà nghỉ dưỡng French Palace Casino & Resort được khởi công và hoàn thành vào năm 1925 để dành cho giới thượng lưu người Pháp và các viên chức hoàng gia trốn tránh sự ẩm ướt và nóng bức của thủ đô Phom Penh. Một nhà thờ công giáo cũng đã được xây dựng để các con chiên có thể làm lễ vào ngày chủ nhật. Kiến trúc của những nơi này mang phong cách của nền văn hóa Pháp và vẫn còn tồn tại mặc dầu đã trãi qua gần 100 năm.
Con đường của người Pháp xây dựng cách nay gần 100 năm đã được mở rộng nhiều để hai xe lớn chạy ngược chiều thoải mái mà không phải dừng lại để tránh nhau. Hai bên đường một bên là bờ vực sâu đã được kè đá cẩn thận còn một bên là vách núi đã được cải tạo theo hình bậc thang. Đôi khi đường đi cắt qua ngọn đồi đã được bạt phẵng, hai bên là vách núi cao. Thỉnh thoảng ta bắt gặp những con đường cũ có những chiếc cầu bằng bê tông bắc ngang dòng suối do người Pháp xây dựng trước đây vẫn được giữ nguyên. Nét độc đáo là hệ thống thoát nước và bờ kè hiện tại đã được xây dựng một cách công phu và bài bản. Ngoài những nơi có những con suối nhỏ thoát nước tự nhiên, nhà thiết kế đã tính toán một cách chu đáo : Cách nhau chừng vài chục mét là các máng nước hình bậc thang có chiều rộng gần 1m để nước có thể chảy xuống các rảnh thoát nước được thiết kế dọc theo hai bên đường. Ở nơi không thể xây dựng máng hình bậc thang được thì được bê tông hóa và dẫn xuống bằng nhiều ống nước nhỏ. Bên bờ vực thì nhà đầu tư cho kè bằng những rọ đá và trồng những cây cọ nhập từ Mã Lai về bên cạnh những cây rừng nguyên thủy để giữ đất. Tất cả những công trình giao thông và khu rừng nguyên sinh này đều được giao cho tập đoàn tư nhân Sokimex làm chủ đầu tư và quản lý. Du khách có thể thoải mái tham quan những di tích và công trình trên mà không bị thu một khoản phí nào.
Điểm dừng chân đầu tiên là pho tượng của Lork Yeay Mao được đặt trên một bệ cao khoảng 29m với hình dáng của một người phụ nữ mặc áo dân tộc ngồi xếp bằng, hai tay để trên đùi. Theo truyền thuyết của người Khmer thì bà là nữ thần đất bảo vệ cho ngư dân vùng biển, thợ săn ở phía nam vương quốc này. Một truyền thuyết khác thì bà là vợ của một trưởng làng làm việc trên hòn đảo thuộc vùng biển Koh Kong. Trong một chuyến đi thăm chồng, thuyền của bà gặp bảo và bị chìm. Bà hóa thân thành một pho tượng nhìn ra biển ngóng chồng và bảo vệ cho người đi biển. Thời gian gần đây tượng của bà được xây dựng trên đỉnh núi Bokor để phù hộ cho khách du lịch đến đây tham quan. Khách hành hương thường mua hoa sen và trái cây dâng cúng bà để lấy lộc. Trên đường lên bệ đặt bức tượng Lork Yeay Mao còn có tượng của Neak Tà (ông Tà) tuy nhỏ hơn nhưng có niên đại hàng trăm năm . Ông được người dân khoác thêm chiếc áo choàng đỏ và đặt hoa sen vào tay để thể hiện sự tôn kính.
Đi thêm một đoạn đường nữa là đến nhà hàng, khách sạn mang tên Thansur Bokor Highland Resort có nghĩa là “Thiên đường nghỉ dưỡng trên đỉnh Bokor”. Nhà hàng này vừa mới xây dựng thuộc tập đoàn Sokimex vốn là chủ đầu tư và quản lý toàn bộ các công trình nêu trên. Khi chúng tôi đến đây vào khoảng tháng 9, do vào mùa mưa, thời tiết trên đỉnh Bokor cũng rất lạ, chợt mưa rồi lại chợt nắng. Vừa bước xuống xe, không khí mát lạnh với những cơn mưa phùn khiến ta có cảm tưởng như đang sống ở Đà Lạt của Việt Nam. Khách hành hương cũng nhanh chóng vào nhà hàng tham quan để tránh mưa phùn đang bay lất phất ngoài trời. Phía tiền sảnh nhà hàng, khách sạn là khoảng không gian rộng thoáng để khách thưởng thức những ly cà phê tuyệt hảo còn phía bên phải là cửa hàng ăn uống tự chọn với đầy đủ các món ăn Âu Á. Một casino mini với những bàn quay roulet và các máy đánh bạc tự động có biệt danh là “ Tướng cướp một tay” để du khách giải trí.
Mưa vừa ngưng hạt là các du khách vội vàng lên xe để đến đỉnh của ngọn Bokor, nơi có chùa Wat Sampov Pram nổi tiếng mà người Việt gọi là chùa Năm Thuyền. Tên của nó xuất phát từ 5 hòn đá tự nhiên có hình chiếc thuyền ở trước chùa. Lịch sử của 5 chiếc thuyền này dựa trên truyền thuyết của người Khmer cổ. Ngày xưa đất nước này có một hoàng tử tên là Preah Thong vì chán ngán sự tranh giành ngôi báu trong hoàng tộc đã xin vua cha rời đất nước của mình để đi du ngoạn. Một hôm khi đang dạo chơi trên bãi biển, ông bắt gặp các nàng thiếu nữ đang chơi đùa ở đó. Bị thu hút bởi sắc đẹp của nàng công chúa Nagani của Thủy cung, ông ngỏ lời cầu hôn và được công chúa dẫn về ra mắt cha mình nơi thủy cung. Hoàng tử nắm lấy đuôi áo của công chúa để nàng rẻ nước đưa chàng về gặp mặt Long Vương. Ngài rất hài lòng về Hoàng tử Preah Thong và cho phép hai người kết hôn. Điển tích này thường được tái hiện trong các đám cưới của người Khmer. Sau khi làm lễ cưới, chàng rể nắm lấy vạt áo của cô dâu để bước vào phòng hoa chúc.
Sau 7 ngày sống nơi thủy cung, Hoàng tử Preah Thong xin với Long Vương cho phép mình đưa người vợ mới cưới đi du ngoạn và tìm nơi để xây dựng vương quốc riêng cho mình. Long vương chấp thuận và tặng hai vợ chồng mới cưới 5 chiếc thuyền lớn chở đầy châu báu cùng với 500 gia nhân làm của hồi môn để lập nghiệp. Đến vùng đất mà hiện nay là vị trí của chùa Năm Thuyền, Hoàng tử quyết định lập vương quốc của mình tại đây. Thời gian trôi qua nhiều thiên niên kỷ, nước biển rút đi, mặt đất nâng cao và 5 chiếc thuyền biến thành đá tồn tại trên đỉnh Bokor này. Hoàng tử Preah Thong chính là người khai sáng nền văn minh Khmer thời cổ đại.
Trước mặt 5 chiếc thuyền đá này là một ngôi chùa mang phong cách Khmer với mái ngói uốn cong hình rắn thần Nagar được xây dựng vào năm 1924. Bên trong chùa là Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo dưới gốc bồ đề, trên trời là những thần tiên bay đến chúc mừng. Xung quanh là các bức tượng Phật nhỏ hơn với kiểu dáng khác nhau. Trên tường là những bức tranh mô tả cuộc đời của Đức Phật từ lúc đản sinh đến khi nhập niết bàn. Chùa này hiện nay là điểm tham quan của nhiều đoàn khách hành hương đến đây cúng bái và cầu cho gia đạo bình an.
Đứng trên đỉnh núi này, ta có thể nhìn thấy mây trắng đang bay dưới chân mình, thưởng thức được không khí yên bình, mát lạnh đúng như tên gọi “Thiên đường trên đỉnh Bokor”. Vào những ngày đẹp trời, từ đây ta có thể nhìn thấy được đảo Phú Quốc của Việt Nam đang ẩn hiện ở phía xa.
Còn rất nhiều thắng cảnh trên đỉnh Bokor như chùa 500 vị Phật, nhà thờ Thiên chúa  Giáo xưa, Casino thời Pháp, thác Popokvil…. mà mỗi nơi đều mang một sắc thái rất riêng, hoặc êm đềm, hoài cổ, hoặc huyền bí linh thiêng… nhưng thời gian không cho phép nên chúng tôi đành từ giả với mong ước rằng lần sau có thể nán lại ở đây vài ngày để có thể tham quan hết các cảnh đẹp. Khu rừng nguyên sinh với nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử này đã để lại trong lòng khách tham quan những ấn tượng đẹp khó phai về một phần của đất nước Chùa Tháp.…
LÂM THANH QUANG. ảnh Lương Minh

DSC_1731H1

DSC00643

h2

IMG_5101h3

 

Có 6 bình luận về MỘT NGÀY TRÊN ĐỈNH BOKOR

  1. Bài viết thật công phu và thú vị, rất quý báu về những chi tiết lịch sử vui ít người biết đến .Xin có lời cám ơn tác giả Lâm Thanh Quang và Lương Minh.

    • Luong Minh nói:

      Anh Lâm Thanh Quang là nhà nghiên cứu về văn hóa, phong tục nhất là ở ĐBSCL. Anh còn có but hiệu khác là Ngô Quang Hiền. Anh hiện nay sống ở Châu Đốc(an Giang)

      • Lâm Quang Hiển nói:

        Lâm Quang Hiển là tên thật của mình, con Lâm Thanh Quang là bút danh lấy từ hai chữ lót của mình Lâm Quang Hiển và bà xã là Trần thị Thanh Nguyên.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Nghe tác giả tả, muốn đến tham quan ngay.

  3. Bài viết của tác giả Lâm Thanh Quang thật hay bao gồm tất cả những điều mà người đọc muốn biết về Bokor, phong cảnh, truyền thuyết, lịch sử, địa lý và con người……khiến người đọc cũng muốn một ngày nào đó sẽ có dịp viếng thăm cảnh đẹp này tại xứ Chùa Tháp. Cám ơn tác giả và mong còn được đọc được nhiều bài biên khảo của tác giả trong tương lai.

  4. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay , sống động ,, hình ảnh đẹp , rõ nét    , tác giả đã giới thiệu  đất nước Chùa Tháp với vẻ huy hoàng, mời mọc   của nó khiến những ai  chưa đến  cũng đều  mơ ước một  chuyến đi !               Hoành Châu  (Gia đình C  )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác