Xem vở ĐẠI BỘI ở lễ hội bà Chúa Xứ

Ngày đăng: 10/06/2016 11:34:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Đại bội là một vở hát lớn mô tả sự tiến hóa của con người theo truyền thuyết dân gian của Trung Quốc.
– Lễ Khai thiên, Lập địa : tượng trưng cho vũ trụ vừa mới được hình thành. Theo truyền thuyết của dân gian này, lúc đầu tiên vũ trụ là một khối hỗn độn gọi là “thái cực”. Lúc đó ông Bàn Cỗ được sinh ra nên nhân vật đầu tiên xuất hiện là ông Bàn Cỗ hóa trang mặt rằn như chim, áo ngạch dơi, tay cầm bó nhang ra múa gọi là “điềm hương chiếu lộng bốn phương trời”.Ông chỉ múa mà không hát. Múa xong nhang này được rước lên bàn thờ.
– Lễ Xang Nhật Nguyệt hay còn gọi là “ lưỡng nghi” tượng trưng cho âm và dương sinh ra từ Thái Cực. Nhân vật nam là Thái Dương mặt đỏ, mặt áo long bào màu đỏ, mang giáp, chân đi hia, tay cầm hình tượng ngọn lửa tượng trưng cho dương là mặt trời . Nhân vật nữ đóng vai Thái Âm mặt trắng, áo trắng, cài trâm, tay mang hình tượng gương sen biểu trưng cho âm là mặt trăng.

Thái Dương và Thái Âm múa xong rồi úp ngọn lửa và gương sen lại với nhau gọi là “ Âm Dương giao hòa” biểu thị rằng vũ trụ bắt đầu sinh sôi nẩy nở.
– Lễ Tam Tài : hay còn gọi là Tam Tinh. Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân còn Tam Tinh là Phúc, Lộc, Thọ. Biểu trưng cho Phúc là ông già mặt trắng, râu năm chòm đen, đội mũ đằng cân, áo xiêm trường, chân đi hài. Một tay ông bồng một hài nhi còn tay kia cầm quạt lông, cốt cách thần tiên. Biểu trưng cho Lộc là ông già mặt trắng, đội mũ bình thiên, áo đạo bào một tay cầm bình hoa còn tay kia cầm quạt. Để biểu trưng cho Thọ, diễn viên hóa trang thành ông già, da đồi mồi, lông mày bạc, râu năm chòm bạc, đầu bịt khăn đỏ, mặc áo tiên, quần đỏ, một tay cầm dĩa đựng quả đào tiên biểu thị cho sự trường thọ, một tay chống gậy có treo bầu rượu.

Ba người này còn được gọi là Tam Hiền hát câu chúc tụng cho địa phương và dân chúng dự lễ. Sau đó hoa và quả đào tiên được hiến tặng cho ban Quản trị Lăng miếu để lấy lộc.
– Lễ Tứ Thiên Vương : tượng trưng cho tứ tượng : Thái dương, Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm. Tứ Thiên Vương này là bốn vị thần gốc đạo Bà La Môn trấn giữ bốn cửa trời Đông, Tây, Nam, Bắc là : Trì Quốc Thiên Vương ( Virudhaka: Ma Lê Thọ) ; Quảng Mục Thiên Vương (Viruphaksa: Ma Lê Hồng) ; Tăng Trưởng Thiên Vương ( Dhrtarãsha : Ma Lê Thanh) ; và Đa Văn Thiên vương ( Dhanada : Ma Lê Hải ). Trong các chùa của đạo Phật thường thờ bốn vị Thiên Vương này : Đông Phương Ma Lê Thọ cầm con Hoa Hồ Điêu, Tây Phương Ma Lê Hồng tay cầm đàn Tỳ Bà, Nam Phương Ma Lê Thanh cầm cây Thanh Quang Bửu Kiếm, Bắc Phương Ma Lê Hải cầm cây Hỗn Nguyên Châu Tán. Bốn vị thần này có nhiệm vụ tạo ra sấm sét gió mưa điều hòa khí hậu trong dân gian.
Bốn vị Thiên Vương mặt trắng, đội mũ kim khôi, mình đeo giáp, thắt lưng đỏ, chân đi hia, lưng đeo 6 cờ lệnh diễn động tác từ trên trời bay xuống. Mỗi người mang một câu liễn với nội dung như sau :

Phước Như Đông Hải

Thọ Tỷ Nam San,

Quốc Thái Dân An hay Thánh Thọ Vô Cương

Phong Điều Vũ Thuận.

Các Thiên Vương này múa chung với nhau. Điệu múa có động tác mạnh mẽ, đội hình thay đổi, lúc tan lúc hợp tạo bố cục khác nhau : Các tấm liễn có lúc tạo thành hình vuông, có lúc hai ngang hai chéo, có lúc nằm song song nhau theo hình ngang và có lúc cả 4 đồng đứng thẳng.

Đây là điệu múa cung đình tên là “ Trình Tường Tập Khánh” thường được biểu diễn vào các dịp mừng thọ, đại khánh của vua chúa nhà Nguyễn. Từ đó mới lan truyền ra trong dân gian.

Sau khi múa xong các diễn viên dâng 4 câu liễn cho ban Quản Trị lăng miếu. Đại diện Ban Quản Trị tiếp lấy và thưởng tiền cho các diễn viên.
– Lễ Ngũ Hành : Lễ này còn gọi là Lễ Đứng Cái hay Chưng Đại Bộ .

Để tượng trưng cho ngũ hành ( kim , mộc, thủy, hỏa, thổ) năm diễn viên gồm : một kép đứng ở giữa thủ vai “Cái”, bốn cô đào thủ vai “Con” đứng bốn bên. Vì vậy mà lễ này còn được gọi là “Lễ Đứng Cái”. “ Cái” mặc hoàng bào, đội mão Cửu Long, mặt trắng, tay cầm quạt gọi là “Mã Viên” tượng trưng cho Thổ là vị trí trung ương, bốn “Con” tượng trưng cho tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông hay 4 yếu tố của ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa.

– Mã Xuân Mai mặc áo xanh, tượng trưng cho mùa Xuân thuộc về hành Mộc.

– Mã Hạ Lan mặc áo đỏ, tượng trưng cho mùa hạ thuộc về hành Hỏa.

– Mã Thu Cúc mặc áo trắng, tượng trưng cho mùa Thu thuộc về hành Kim.

– Mã Đông Trúc mặc áo tím hay đen, tượng trưng cho mùa Đông thuộc về hành Thủy.

Câu chúc tụng của “Cái và 4 Con” ngụ ý chúc cho Vua chúa được vững nghiệp, lê dân được hưởng thái bình, no ấm.
-Lễ Gia Quan Tấn Tước : dân gian thường gọi là “Thổ Địa dâng liễn”. Lễ này thật ra không nằm trong nghi thức Đại Bội mà là một lễ phụ để kết thúc Đại bội . Người đóng vai này được gọi là “Linh Quan” mặc áo bào đỏ, đầu đội mảo tam tài, mang mặt nạ trắng, chân đi hia, một tay cầm viết và giấy hồng đơn, một tay cầm tráp mực. Người này viết những câu liễn chúc tụng cho lăng miếu và địa phương mà dân gian tin rằng nó sẽ rất linh ứng. Người dân gọi là ông Địa và ông còn được ngành hát bộ coi là tổ của vai hề.
Sau phần đại bội là phần trình diễn các tuồng hát được nhiều người ưa thích như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần Nữ dâng Ngũ Linh kỳ, Tiết Đinh San cầu Phàn lê Huê. Lưu Bị cầu hôn Giang Tả…

Bài & ảnh: Lâm Quang Hiển

0 daiboi 1      H10 daiboi 2     H20 daiboi 3     H30 daiboi 4       H40 daiboi 6     H50 daiboi 8     H60 daiboi 10       H70 daiboi 11        H80 daiboi 13     H90 daiboi 15     H10    0 daiboi 17   H11                             tác giả đang ghi hình0 daiboi 18H12                               Lâm Quang Hiển

Có 3 bình luận về Xem vở ĐẠI BỘI ở lễ hội bà Chúa Xứ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài nghiên cứu công phu.

    Hình ảnh đẹp quá.

  2. My Nguyen nói:

    Bài viết thật hay, có tính biên khảo một cách chuyên nghiệp. Hình ảnh đẹp như tranh. Xin cảm ơn tác giả Lâm Quang Hiển.

  3. Bài viết quá công phu , có  giá trị cao  về Văn học Nghê thuật, Văn hóa Cổ truyền. Hình ảnh rất đẹp, bố cục rõ ràng. Xin chân thành cám ơn tác giả Lâm Quang Hiển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác