Thầy tôi

Ngày đăng: 19/11/2018 10:48:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nước sông dâng cao, đủ để chiếc ghe đi vào con rạch chật hẹp. Vừa cặp bến, một đoàn 61 người trên hai chiếc xe hàng từ Vĩnh Long đổ xuống tại cầu Quang Phú. Chia làm hai toán, mỗi toán 30 người, đưa xuống hai chiếc ghe đợi sẳn, khi người cuối cùng vừa vào khoan ghe, cửa ghe được đóng sầm lại.

Người đứng gần mình, trong một bộ đồ vải đen, mang một cặp kính trắng, có vẻ đang tư lự. Nhìn qua kẻ hở thành ghe, chỉ trông thấy toàn dừa nước, chúng mọc san sát nhau, những buồng dừa trĩu nặng, như muốn níu chặt từng mảng lục bình, cứ là đà trôi đi, khi thủy triều dâng cao.

Thấy người đàn ông khi nãy, tôi vội thốt:

–  Chào thầy! Em là học trò ngày xưa của thầy, em tên Châu thầy ạ!

Nhìn thoáng qua, người đàn ông nói khẻ:  Em vẫn khỏe, trông em còn trẻ quá.

–   Cám ơn thầy, em khỏe.

Rồi không ai bảo ai, cả một không gian chật hẹp, cả ba mươi người, cũng chẳng có nửa lời, tiếng máy ghe phát nổ, âm thanh chiếc lòi tói va chạm mũi ghe, tạo thành tiếng kêu buồn và sợ hải.

Hơn  mười phút sau, chiếc ghe chạy một đổi, tiếng máy thình thịch nghe như nhanh hơn, lớn hơn, nó đi vào con sông có chiều ngang rộng.

Có tiếng người thiếu nữ kêu ơi ới! Thì ra chiếc tam bản của thiếu nữ chở trấu đầy ấp, bị những đợt sóng nhẹ muốn làm chìm. Ghe máy chạy chậm lại, tiếng máy nổ dịu xuống.

Quay sang người đàn ông, tôi hỏi khẻ, Bây giờ, mình đi về đâu, hở thầy ?

– Thầy không biết  em ạ! Thầy cũng như em, thôi thì phó mặc cho định mệnh, chỉ biết cầu nguyện ơn trên, cho thầy cho em, cho tất cả…đều được khỏe, được bình yên.

Lắng lòng lại để trở về niềm tin tôn giáo, nghe lời khuyên nhủ của thầy…Như lâu lắm rồi, trên bục giảng thầy khuyên tôi cố gắng vẽ hình cho đẹp, không những học bài thuộc cũng chưa đủ, mà hình vẽ môn vạn vật cũng quan trọng nữa. Hiếm khi thời đi học, được học một thầy hai lần, ấy thế mà thầy dạy tôi hai lần. Một lần ở lớp đệ lục và một lần ở lớp đệ nhị ban A.

Đúng là một vị thầy khả ái, hiền, hiền lắm, luôn thương mến học trò, lại gần gủi mọi người. Giọng thầy không lớn cũng không nhỏ, bài thầy giảng dễ hiểu, mạch lạc có sức thu hút học sinh, mắt thầy luôn nhìn về từng em, từ gần rồi xa hơn, từ trái rồi chệch qua phải, như thấu hiểu tâm ý của từng đứa học trò một. Ngồi nghe thầy giảng bài mà đại ý của từng bài học đã đi vào bộ nhớ hồi nào không biết. Thầy vẽ hình đẹp luôn có dăm ba cây phấn màu trên bàn viết.

Bây giờ, ít nhất trong khoảng thời gian này, tôi không còn gọi thầy là thầy nữa, tôi chỉ gọi thầy là anh Sáu…như ngày xưa có những gia đình miền quê, vì lý do gì đó, có thể là kỵ tuổi, con gọi cha mẹ bằng anh, bằng chị, nhưng đó chỉ là ngôn từ, là lời nói, còn tình yêu vẫn là tình yêu, nó không thể đổi ngôi, nó không có hoàn cảnh, không có khung thời gian, vì nó là tuyệt vời, là trên tất cả.

Có những lúc tôi bị ốm nằm trong trại, không đi làm được, bên chiếc chăn rách để chống lại cơn sốt, nhìn thầy mang tô cháo trắng cho tôi mà lòng ấm lại, như người mẹ hiền lo cho con khi trời trở gió, con bị cảm mẹ nấu cho con miếng cháo ăn đở dạ, từng viên thuốc xuyên tâm liên anh trao cho em luôn căn dặn:

–     Thuốc tuy có đắng, nhưng hãy cố lên em, rồi bệnh sẽ chóng khỏi.

–   Dạ! Em cám ơn “anh”!

Muốn gọi “anh” bằng tiếng thầy, nhưng tôi không dám, sợ quen miệng cũng không nên. Thầy quay đi kéo vạt áo lên mí mắt, tôi  nhìn chổ khác để cho hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má hóp. Vị thuốc đắng, mà trong cuống họng tôi thấy ngọt ngào, nồng ấm như có một tình yêu, tình yêu của một ông thầy dành cho đứa học trò.

Mọi người rời khỏi trại đi lao động, thầy là một “quản gia” tuyệt vời, quét từng ngõ ngách, nhặt từng miếng rác, thỉnh thoảng xếp đặt lại từng cái chăn, mảnh vải ngăn nắp và chu đáo.

Hằng đêm, thầy khuyên mọi người sống trong căn nhà tập thể, phải giữ vệ sinh chung, giống như một ngôi nhà mà thuở xa xưa, sống bên cha mẹ, bên chị, bên em “giữ sạch, sống khỏe” chỉ ngần ấy là thầy đủ vui và thầy đã làm tròn thiên chức trưởng trại. Chỉ có thầy mới đảm đang nhiệm vụ đó,  sau này thầy ra trại về đoàn tụ gia đình, người khác cũng không đảm đương được như thầy.

Những đêm bình thường, không phải cuối tuần, thầy dặn dò trong một buổi họp thường lệ, chỉ dăm ba câu ngắn gọn, để mọi người có một giấc ngủ dài, chuẩn bị ngày mai lao động nữa, như “chú gà mẹ” túc con khi chiều xuống, đợi con vào chuồng , rồi mẹ vào sau cùng, mẹ không muốn mất đứa con nào, sáu mươi đứa con bên mẹ, đừng bao giờ đứa con sau cùng là năm mươi chin.

Nhưng rồi một ngày…mẹ và vài đứa con, thầy và vài đứa con đồng cảnh, được trở về mái ấm gia đình,  tôi và những người bạn khác ở lại. Thầy đi rồi, tôi buồn lắm, mất đi một người thầy, một ngừơi anh cả. Chắc lâu lắm tôi không gặp được thầy, nước mắt lăn dài, khóc xa thầy hay khóc thân phận đời tôi.  Tôi lau những dòng lệ, lẽ ra không nên có, vì giây phút này là giây phút tuyệt vời nhất, mong đợi nhất của thầy. Thầy sẽ gặp lại vợ con bên mái ấm, thầy chăm sóc các em, thầy bù đắp khoảng thời gian trống vắng mà cô đã lo cho con, rồi lo cho thầy. Thầy sẽ không còn giấc mơ buồn, mà bao lần, nhiều lần lắm thầy gát tay lên trán ở những đêm tối trời, mà em bắt gặp, cứ mỗi lần em đi vệ sinh trong đêm.

Năm ngoái, tôi hỏi thăm một đứa bạn trong lớp, được biết vào những năm 1978 -1980, thầy và chiếc xuồng nhỏ, sống bằng nghề câu tôm. Trên con sông nước chảy êm, sao mai đã mọc, mà thấy với chiếc cần câu, nghe bạn ấy kể, em chỉ biết kêu lên hai tiếng“Thầy ơi”.

Huỳnh Ngọc Châu

H                  ảnh minh họa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác