CÁI LÃI CỦA NGƯỜI BÁN SÁCH DẠO

Ngày đăng: 3/05/2018 11:10:12 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Cốp xe của mình thực sự … không phải dạng vừa đâu . Sáng nay chất đầy một thùng sách là gần 100 cuốn, đích thân mình đem đến những nơi đã đặt sách trước. Nhờ cốp xe giống như cái túi Doremon này mà mình không phải vất vả khuân vác. Vừa giao sách xong chưa kịp đóng lại thì có một thầy đi qua hỏi “bán sách mà bỏ lên xe bán lẻ thế này à?” – “Mua sách thường người ta mua từng cuốn chứ ít ai mua theo mớ như mua rau thầy ạ”
Cũng có lúc mình từng cho “tẩu tán” nguyên thùng nhưng vẫn nghĩ đó là bán lẻ bằng hình thức bán sỉ nghĩa là biết rõ người đó có thể đưa từng cuốn trong thùng sách đó đến từng người đọc thực sự thì mới bán. Ví dụ, bác Trưởng ban Tôn giáo toàn miền Nam mua nguyên thùng sách “Gía trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết” làm quà tặng cuối năm cho nhân viên. Ông giám đốc văn phòng chi nhánh Petrolimex phiá Nam cũng mua một thùng phát cho nhân viên đọc trong lúc rảnh rỗi ngồi chờ cả ngày không có một cái email công việc nào. Sếp tặng, không đọc thì cũng thuộc vào hạng … gan dạ !
Chưa ra đến cổng thì có một thầy nữa gọi giật lại “em ơi đi vội thế, sao bán cho toàn lãnh đạo không vậy, bán cho anh một cuốn”. Thấy thầy này dễ thương quá mình xin số điện thoại liên lạc để trao đổi về sách sau khi thầy đọc, ông thầy cười toe “Mua cuốn sách mấy chục ngàn mà quen được một cô gái thế này lời to” – “Chúc mừng thầy, em lưu số của thầy vào sổ chăm sóc khách hàng thôi ạ”

Bán sách, đương nhiên bán được nhiều thì thu về nhiều tiền. Cho nên các cuốn sách best seller đều nằm ở vị trí nổi bật nhất ở quầy sách. Tác giả cuốn sách đó trở nên nổi tiếng, nhà xuất bản thu lợi nhuận lớn, sách tái bản nhiều lần…. Hôm trước có một anh bạn nhờ PR cho anh quyển sách, nhưng nghe anh bảo là chỉ cần bán nhiều thôi, nghĩa là anh chỉ quan tâm đến số lượng, chỉ cần người ta đến mua trả tiền là anh thấy cuốn sách thành công. Nhưng nghĩ thế là rất ngắn… Trong cuốn sách 20/80 có nói đến tỉ lệ những cuốn sách nằm ở góc khuất trên kệ sách ở nhà sách lại là những cuốn sách có doanh thu ổn định và lâu bền. Sách bán chạy chỉ khẳng định định người bán nó có chiến lược tốt còn cuốn sách có thật sự thành công hay không phải nhìn vào mức độ tiếp nhận sách của người mua. Đó chính là chất lượng bán hàng. Giá trị của một cuốn sách không nằm giá sách mà nằm ở sự tiếp nhận sách. Người ta mua về lật ra đọc từ trang bìa đến trang cuối và khi gấp sách lại nhìn thấy giá sách ở bìa cuối họ phải nghĩ: sách quá rẻ so với với những gì họ đọc và họ đã quá lãi khi mua cuốn sách này.
Lần đến dự khai trương Cafe sách Đông tây sông phố cuốn giá “Giá trị thặng dự trong nền kinh tế nối kết” của Ts. Lê Thanh Hải được giới thiệu và nhiều người mua tại chỗ. Mình quan sát họ lật sách đọc ngay, có người đọc mục lục có người chọn 1 chương để đọc và hầu hết những người đó đều ngạc nhiên thắc mắc tại sao sách lại rẻ thế. Có người còn nhất định trả cao hơn giá bìa. Vì họ thấy họ cầm quyển sách về là được lời so với giá 52.000 đồng họ bỏ ra.
Điều này không có gì lạ. Mình có 3 ví dụ cụ thể hơn: một quyển sách bán trên amazon với giá 99$ và nếu để ý thì ta sẽ thấy link download sách nằm ngay đó, bạn có thể chọn mất tiền mua sách hoặc không thì tùy bạn nhưng để làm sao cho giá trị từ sách biến thành giá trị của bạn thì không dễ.
Hai là một tác giả trẻ khác, Phan An, anh có 2 cuốn sách đã ngừng xuất bản từ lâu nhưng độc giả vẫn nhắn cho anh, xin link đọc….
(giống anh Hải, bán sách nhưng ai thật sự muốn đọc thì anh sẵn sàng gửi file miễn phí, và nếu có độc giả đọc bản thảo mà muốn tài trợ tiền in ấn để cuốn sách được xuất bản, mấy trăm cuốn thôi không cần hàng chục nghìn bản cũng là một thành công hơn những cuốn best seller hiện hành).
Mình nghĩ đó là những người viết thực sự thành công. Họ đo lường sự thành công của cuốn sách mình viết bằng sự tiếp nhận chứ không bằng doanh thu hay số lượng.
Người bán sách và người bán mật ong cũng chẳng khác gì nhau. Có người cho mình là điên khùng khi suốt ngày nắng nôi hay ngập lụt mà  vẫn đi long nhong bán sách những lúc rảnh rỗi. Vì cái gì? Đương nhiên bởi vì mình là một con buôn. Vứt cái mác giáo viên, biên tập viên đi thì mình là đứa bán hàng con nhà nòi. Mình so sánh mình với cô bạn cũng là giáo viên và nghề tay trái hào nhoáng trên sân khấu  là nghề MC nhưng cô ta vẫn đi bán rau, bán mật ong. Cô ta kể, bán thêm cho vui thôi chứ chẳng được bao nhiêu tiền, thế mà có lần nó bán mật ong lòng vòng thế nào lại quen được gia đình ca sĩ Quang Dũng, những mối quan hệ để đến với show rộng mở thênh thang hơn. Mình đi bán sách cũng vậy thôi. Nhưng mà ông bà ta có câu “cho bạc cho vàng không ai trỏ đàng đi buôn”, ai muốn biết lợi nhuận to lớn của việc bán sách nằm ở đâu thì cứ đâm đầu vào làm sẽ biết .

Lạc Yên

ảnh minh họa, nguồn Net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác