Hát nuôi phần hồn

Ngày đăng: 23/07/2017 08:52:48 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Nguyễn Ngọc là bút danh của Nguyễn Văn Tấn, phóng viên của báo Giáo dục Thời đại. Anh là người con của quê hương Vĩnh Long, chuyên viết sưu khảo về văn hóa ĐBSCL. Xin giới thiệu cùng anh em bài viết về hát ru, ca dao của anh (SOS)2022
Về quê tuần rồi thăm nhà ngoại ở Cù Lao Minh, Bến Tre. Đứa em trai con cậu út, ngoài 35 tuổi, là cán bộ bảo tàng vừa có con trai đầu lòng. Thực sự là cháu “đích tôn” nhà ngoại, kế thừa “vùa hương, bàn tổ” theo quan niệm của cụ Đồ Chiểu. Thế nhưng “em” cán bộ bảo tàng của tôi ru con suốt một tiếng đồng hồ bằng cái giọng “hù hu, hú hu!” không ra chữ, cũng không ra nhạc gì cả. Thằng ‘đích tôn” có lẽ nghe “nhức tai” quá nên ngủ khò!
Ở cơ quan văn hóa một huyện của tỉnh Vĩnh Long, một bà mẹ trẻ tròn 30 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngữ văn, làm cán bộ, sinh con đầu lòng. Cô ru con ngủ bằng nôi… máy, đầu nôi có bắc một máy cassette nhỏ hát nhạc thiếu nhi!
Tôi bần thần nhớ hai câu thơ của Nguyễn Duy:
“ Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”
Bởi tôi lớn lên bên bầu sữa mẹ, bởi mẹ “nhai cơm búng, lưỡi lùa cá xương”, để đúc cho tôi, bởi những câu hát ru bên cánh võng mà cả đời tôi chưa hiểu hết…Tội nghiệp những đứa trẻ đời nay!
Tập tểnh vào đời qua tiếng ầu ơ
Tuổi thơ của tôi no nê sữa mẹ, say giấc nồng trong tiếng ầu ơ, bên nhịp võng kẽo cà, kẽo kẹt như giàn nhạc đệm. Nhận thức đầu đời về thế giới xung quanh trước khi cắp cặp đến trường qua câu hát ru của mẹ.
“Tháp Mười sông nước quanh co
Đồng xanh bay mỏi cánh cò con ơi
Mai sau con lớn khôn rồi
Nhớ ơn bông lúa Tháp Mười nuôi con!”
Tôi thắc mắc, sao lại là lúa Tháp Mười? Tháp Mười là cái gì? Nhà tôi xưa không có đất, hàng năm mẹ phải đi cắt lúa mướn ở Đồng Tháp Mười, một mẫu được 20 giạ (400 kg). Mội năm mẹ đi một tháng giáp Tết là đủ lúa ăn cả năm. Đồng Tháp Mười là cánh đồng lớn lắm, ở giữa có ngọn tháp mười tầng. Mẹ nói vậy!
Những địa danh nghe “bắc mê” trong câu hát ru của mẹ:
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
Hay:
“Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về anh học chữ Nhu
Chín Đông em đợi, mười Thu em chờ”
Hoặc:
“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bãnh bằng gái Nha Mân”
Hoặc:
“Ghe ai đỏ mũi, xanh lườn
Giông ghe Gia Định xuống vườn thăm em”
Những địa danh đồng bằng như thế cứ đi vào ký ức.
Độc đáo nhất là những bài tập “thể dục” lúc tôi mới bước đi lẩm đẩm. Mẹ nắm hai tay tôi đưa qua đưa lại, kèm theo câu đồng dao:
“Giặt chiếu
Phơi khô
Trời mưa
Cuốn lại!”
Xong mẹ lại dạy tôi vỗ tay (cũng lại là bài tập thể dục khác):
“Vỗ tay
Bà cho
Ăn bánh
Không vỗ
Bà đánh
Trên tay
Cái chách!”
Sau mỗi bài tập tôi lăn ra cười ngặt nghẽo. Đó là bài tập tay, mẹ có bài tập thể dục toàn thân hấp dẫn hơn nữa. Mẹ ngồi trên bộ ván, hoặc chổng tre, hai chân buông thỏng. Mẹ bồng con để ngồi trên hai mu bàn chân, lưng dực vào đầu gối như chiếc đu. Mẹ vừa đánh đu vừa hát đồng dao:
“Xích đu lơ
Chờ đu mỏng
Chổng đu bầu
Vung đu méo
Kéo thợ may
Cày làm ruộng
Xuổng đắp bờ
Lờ đặt cá
Ná đi săn
Khăn bịt đầu
Trầu ăn chơi
Nơi năm ngủ
Tủ thầy thuốc
Bớ làng bớ tổng ơi!”
Cái cảm giác vừa sợ té, vừa ngây ngây theo lời ru…Những lời mẹ đọc lại quen quen lạ lạ….
Những trãi nghiệm đầu đời của một đứa trẻ về thế giới xung quanh: cái gì? Cứ thế đứa trẻ lên hai, lên ba… luôn miệng hỏi. Mẹ trẻ lời xong, lại hỏi tiếp vì chẳng thể nào nhớ hết nhưng thứ quá lạ lẫm xung quanh. Mẹ lại ru con qua cánh võng:
“Con chồn, con chuột có lông
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai”
Hoặc:
“Ví dầu lịch vắn, lươn dài
Quạ đen, cò trắng, thằng chài xanh lông”
Hay:
“Trồng trầu mà lộn dây tiêu
Con theo hát Bội mẹ liều con hư”
Thú thiệt, đôi khi tôi không phân biệt được giữa dây trầu với dây tiêu đâu nha! Càng lớn lên, tiếp xúc với thiên nhiên biết bao điều lạ lẫm nữa. Trăng sao lúc tròn, lúc méo? Mẹ dạy cho câu đồng dao:
“Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
…………..
Mười ba trăng lặn gà kêu
Mười bốn trăng lặn gà đều gáy vang
Rằm trăng náo
Mười sáu trăng treo
Mười bảy trăng trèo
Mười tám nám trấu
Mười chín nín canh
Hai mươi giáp cốt
Hăm mốt nửa đêm”
Từ nhỏ tới năm 50 tuổi, tôi không hiểu tại sao “hai mươi giáp cốt”. Một số anh bạn giải thích là “giấc tốt!” nghe cũng có lý. Một lần có một vị Tiến sĩ ở Pháp, thầy Nguyễn Ngọc Trân, về Việt Nam, ông đố, tôi cũng giải thích như vậy. Ông cười: “Anh có biết cái cốt xe bò, xe ngựa không. Hãy coi trăng là bánh xe ngựa. Tối hai mươi âm lịch nó giáp cốt!”
Ở tuổi cắp sách đến trường, mẹ dạy tôi bài đồng dao hết sức lắc léo. Có lẻ bà dạy tôi một triết lý đặc biệt của người Nam bộ: “Thấy vậy, không phải vậy mà là vậy!”. Đó là bài vè nói ngược:
“Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè nói ngược
Ngựa đua dưới nước
Tàu chạy trên bờ
Trên núi đặt lờ
Dưới sông bửa củi
Gà cồ hay ủi
Heo nái hay bươi
Nước kém ba mươi
Mùng mười nước dậy
Ghe nổi thì đẩy
Ghe cạn thì chèo
Mấy chú nhà nghèo
Cho vay bạc nợ
Nhà giàu ở đợ
Thiếu trước hụt sau
Đòn xóc bửa cau
Dao bầu gánh lúa
May quần bằng búa
Bửa củi bằng kim
Xỏ kim bằng lác
Nhà lành dột nát
Nhà rách không dột
Ăn trầu bằng bột
Gói bánh bằng vôi
Giã gạo bằng nồi
Nấu cơm bằng cối
Ngày rằm lại tối
Mùng 1 sáng trăng
Mấy đứa lăng xăng
Nấu chè ăn hết!”
Rèn nhân cách qua lời ru của mẹ
Người mẹ Việt Nam nào cũng giáo dục con cái mình trước tiên là hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nhưng thật lạ lùng, mẹ tôi không có câu hát ru nào kể công của mình kiểu dân ca miền Bắc, Trung:
“Cái ngủ, mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con giếc, con trê
Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn”
Người mẹ Nam bộ dạy con hiếu thảo bằng cách lấy cuộc đời chính mình theo triết lý “có sinh con mới thấu lòng cha mẹ.” Vì thế mẹ thường hát ru về thân phận mình để giáo huấn con cái:
“Chim đa đa, đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lậy để lậy chồng xa
Mai sao cha yếu mẹ già
Chén canh đôi đủa, bộ kỷ trà ai dưng”
Đôi khi, nỗi nhớ thương cha mẹ kín đáo hơn:
“Chiều chiều ra đứng ngỏ sau
Trông về quê mẹ ruột đau như dần”
Và cái nguyên nhân sâu kín của nhớ thương ấy là:
“Cây khô đâu dễ mọc chồi
Mẹ già đâu dễ sống đời với con”.
Hoặc:
“Cha già ở túp lều tranh
Đói no không biết, rách lành không hay”.
Từ chỗ sâu thẳm ấy, mẹ dạy con chẳng những thương yêu cha, mẹ mà còn thương yêu ông bà nữa.
Qua lời ru bên cánh võng, mẹ day các con nhân cách làm người: thủy chung, không tham sang phụ khó:
“Áo vá vai vợ ai không biết
Chớ áo vá quàng nhất quyết vợ anh”
Người con gái biết vá quàng rất khéo tay, và cái áo rách đến nổi không thể vá vai được nữa rồi. Con người như thế rất quý, chớ không phải tiền của.
Hãy nghe một triết lý của mẹ:
“Họa hổ, hoa bì nan họa cốt
Tri nhơn, tri diện bất tri tâm
Ở xa không biết thì lầm
Bây giờ rõ lại, vàng cầm cũng buông!”
Mẹ dạy con trong nhân cách hơn vàng.
Còn đây là nhân cách kinh điển của người Nam bộ:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uông rượu, mượn đờn kéo chơi!”
Cái tư chất hiếu khách, đam mê nghệ thuật là vấn đề máu thịt trong nhân cách.
Trong tình yêu, mẹ lại dạy con tình cảm thủy chung son sắt:
“Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ!”
Nhưng khi tính cách không hợp, gia đình không xứng, hoàn cảnh éo le… thì mẹ dạy con:
“Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai nấy gặp, đừng chờ uổng công!”
Đã là tình yêu, nên vợ chồng, có gia đình mẹ là người bao dung trước bao lầm lở của người đầu ắp tay gối:
“Gió đưa buội chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay nào xách nước, tay nào vo cơm!”
Nhẹ nhàng, kín đáo vậy ai mà nở bỏ. Nó tạo nên tính cách bình tỉnh, mềm mại, thủy chung, có trách nhiệm với con cái… tạo nên sự hấp dẫn trong tính các người phụ nữ Nam bộ.
Đặc biệt, mẹ dạy con hòa hợp dân tộc bất kể vùng miền, tình tương thân tương ái, nghĩa đồng bào trong câu hát ru đậm chất sông nước Cửu Long:
“Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế đồng Nai
Nước sông trong, chảy lộn sông ngoài
Thương người xứ lạ….
Lạc loài đến đây!”
Vẫn chưa đi hết những lời mẹ ru
Hiện tại, người viết đã quá tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nhưng trong lòng vẫn còn canh cánh về những câu hát ru của mẹ không tài nào giải thích hết.
Có một số câu sau này mới “ngộ” ra được:
“Ví dầu, ví dẩu, ví dâu
Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng!”
Ai đã từng trãi qua thời kỳ nô lệ dưói ách thực dân Pháp, Mỹ sẽ thắm thía với lời ru của mẹ; vừa dí dòm kiểu đồng dao, vừa như tiếng than số kiếp!
Sau khi đọc hàng trăm quyển sách lịch sử, một ngày gần đây tôi hiểu ra câu hát ru:
“Chiều chiều vịt lội cò bay
Ông voi bẽ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây
Đem về thắt giống sau nầy đi buôn
Đi buôn, đi bán lập quán chính tầng
Bán buôn nuôi mẹ cầm chừng chờ em!”
Bài hát ru nói về chuổi sự kiện chiến tranh thế giới thứ hai, Cách mạng Tháng Tám và 9 năm kháng chiến chống Pháp một cách tinh tế mà không kẻ địch nào hiểu nổi.
Tuy nhiên còn nhiều câu hát ru bí hiểm ở Nam bộ mà đến giờ này nhiều người còn tranh cải:
“Chiều chiều ông Lữ đi đăn
Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài
Gió đưa mười tám lá xoài
Bên văn bên võ, có tài hát hay
Hát hay tao hát với mày
Mày đưa tao về tời chợ u du
Tao mua cho mấy một cây dù che nắng che mưa!”
Hoặc nhưa câu:
“Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm!”
Cảm ơn mẹ “hát nuôi phần hồn” cho con! Thôi thì con cũng cố gắng hết sức mình hát ru cho các cháu của mẹ. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu mẹ nhé!


Nguyễn Ngọc

Có 2 bình luận về Hát nuôi phần hồn

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tác giả Nguyễn Ngọc viết rất hay, minh chứng rõ tiêu đề : hát nuôi phần hồn của đứa trẻ, của con người.

    Cảm ơn những sưu tầm, trích dẫn quý báu của tác giả.

  2. VÕ THỊ LÀI nói:

    Nguyễn Ngọc thân mến ! mới đọc tựa ” Hát Nuôi Phần Hồn ” mình thấy lạ không hiểu nội dung viết gì đây . Nhưng khi thấy người mẹ ngồi bên chiếc võng ru con mình mới hiểu ra , đọc qua bài viết thấy thương mẹ quá ,bây giờ khó tìm hình ảnh ru con như ngày xưa . Cám ơn Nguyễn  Ngọc  đã cho thưởng thức những bài hát ru dân gian xa xưa tưởng chừng như mình quên .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác