Ca dao miệt vườn – sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử

Ngày đăng: 19/04/2017 08:55:17 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Khi về dạy học tại trường trung hoc Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long), thầy Đoàn Xuân Kiên đã thường đi về các vùng quê cùng học trò vào những dịp nghỉ cuối tuần. Qua những buổi điền đã đó, thầy đã cùng học trò Niên khoá 1972-1973 bước đầu tìm hiểu và sưu tập ca dao miệt vườn. Một ấn bản in ronéo của bộ sưu tập ca dao miệt vườn đã ra mắt năm 1973. Sau đó, thầy đã dùng cơ sở tài liệu sưu tập trong thời gian đó để biên soạn một thiên nghiên cứu về ca dao miệt vườn. Trang nhà tongphuochiep-vinhlong.com sẽ lần lượt đăng hai trích đoạn của thiên khảo luận này, xem như chút tình của thầy gửi lại miệt vườn. (SOS)

                                              Ca dao miệt vườn

                              Sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử

Năm 1971-1972, một số học sinh lớp lớn thường tổ chức những cuộc du ngoạn đồng quê. Tôi bị hấp lực của cảnh trí và người miệt vườn, bèn cùng học trò sưu tập lại các câu hò hát miệt vườn. Những học sinh cũ của tôi lúc ấy rất bé bỏng, nay chắc còn có thể nhớ lại thấy Kiên “bắt” mình về nghe ông bà, ba má… ca lại những bài hò hát để cho các em ghi lại. Đó chính là công trình sưu tập mà tôi cho ấn hành tại Vĩnh Long, mang tên Tâm sự Cửu Long (nhà xuất bản Phố Tịnh, 1973), hình bìa do người bạn miệt vườn Lê Triều Điển vẽ trên giấy stencil.

Trong lời tựa (“Những tiếng hát bỏ quên”), tôi viết rằng: “Chúng tôi cũng ghi nhận tinh thần sốt sắng của các học sinh lớp 6/6, 6/7, 9/6, 11A3 nk 1972-1973 trung học Tống Phước Hiệp. Tinh thần nhiệt nồng của các em đã khích lệ chúng tôi nhiều lắm”.

Nay xin ghi lại hai trích đoạn trong số những chương tôi viết về ca dao miệt trong thời gian ở trường Tống Phước Hiệp, như một vết tích kỉ niệm ở Phố Tịnh. ( ĐXK )

000-TSCL

I

                                                               Miệt Vườn

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất rộng mênh mông, màu mỡ, bao gồm một phần khá lớn đất đai miền Nam.  Phong nhiêu màu mỡ nhất là dải đất nằm hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu.

Người Việt đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở miền đất này từ bao giờ, nay ta chưa thể dò biết chắc chắn.  Nhưng có thể biết được điều này:  những tập đoàn người Việt đến sinh sống tại vùng đất này đã từ khoảng nửa sau thế kỉ XVII, khi đất nước bùng ra những biến động lịch sử dẫn đến những biến động dân số vào thời kì bấy giờ.

Cho đến đầu thế kỉ XX thì đồng bằng sông Cửu Long mênh mông từ vùng đất Ba Giồng đến tận miệt Rạch Giá, Cà Mau ở phía dưới, đâu đâu cũng in đậm dấu tích của công trình lao động của người Việt trên bước đường lưu xứ.  Địa thế khá phức tạp, đến nỗi một người ở Gò Công, Tân An, khó hình dung được cảnh đất Rạch Giá;  người ở Cái Bè lên thăm miệt Tân Châu sẽ không khỏi ngỡ ngàng với cảnh đất nơi đây.  Tên gọi  “đồng bằng sông Cửu long” cũng chỉ là một tên gọi mới có từ vài chục năm nay thôi.  Theo kinh nghiệm hiểu biết của dân chúng sinh sống ở đây, người ta đã phân cách rạch ròi từng vùng đất nhỏ, dựa theo những tính cách riêng của địa thế từng vùng:

o Miệt trên:  vùng đất miền đông, bao gồm khoảng đất Biên Hoà, Bình Dương xuống khoảng Long An;

o Miệt vườn: bao gồm vùng đất màu mỡ ven sông Tiền xuống tận ven bờ sông Hậu, nay là khoảng đất chạy dài từ Cái Bè xuống Vĩnh Long, Cần Thơ;

o Miệt Tháp Mười: vùng đất phèn trũng Đồng Tháp;

o Miệt Hai Huyện: vùng đất cồn Cù Lao Ông Chưởng nối sông Hậu qua sông Tiền ở mé trên, nay thuộc khoảng đất Long Xuyên;

o Miệt Xà Tón, Bảy Núi: vùng đất xa xôi ở phía biên giới phía nam, nay thuộc khoảng đất Châu Đốc;

o Miệt dưới: vùng đất phèn mặn ở Rạch Giá, Cà Mau.

Trong những miệt đất nói trên thì đến thế kỉ XIX, Miệt trênMiệt vườn đã sớm trở thành những trung tâm kinh tế sầm uất, nổi bật là Cù Lao Phố, vùng Bến Nghé, Ba Giồng và cảnh chợ Long Hồ.  Đời sống vật chất thoải mái, Miệt vườnMiệt trên sớm được xem là đất văn vật ở vùng Lục Tỉnh (1).

Biểu hiện của văn vật miền Lục Tỉnh này chính là kho tàng văn học dân gian phong phú, gắn liền với gia tài dân ca cũng không kém phần độc đáo.  Trên các con sông dài ngút mắt vang ngân tiếng hát những tay lái thương hồ, hoặc để tức cảnh mây nước hữu tình, hoặc để đối đáp với những bạn ghe khác cũng đang cùng lênh đênh trên sông nước cảnh xa.  Những câu hát điệu hò dần dần tạo nên bản sắc riêng mà về sau phân thành những tên gọi khác nhau cho từng làn điệu:  hò Cần Thơ, hò Đồng Tháp, hò Ngã Bảy, hò Cái Bè, hò Vĩnh Long… Hò hát đã trở thành một sinh hoạt gắn bó với lao động ( hò cấy, hò chèo ghe…), khi vui chơi (lí qua cầu, lí chim khuyên…).

*

Đến cuối thế kỉ XIX, sinh hoạt miệt vườn càng thêm sầm uất, nhờ có công cuộc mở mang kinh tế (đào kinh, khẩn hoang đất đai), ruộng lúa được bội thu, buôn bán phát đạt.  Từ đó mà dẫn  theo cả sự bộc phát phong trào văn nghệ. Sách báo bắt đầu ra nhiều, nhà in tung ra hàng loạt ấn phẩm đáp ứng nhu cầu nói thơ trong dân gian, truyện tàu được dịch ra ồ ạt phục vụ cho phong trào nói truyện, rồi đến phong trào ca nhạc tài tử, ca ra bộ ra đời bên cạnh hình thái tuồng quen thuộc đã từ lâu.  Tất cả đã tạo nên một khung cảnh sinh hoạt văn nghệ độc đáo; hò, hát, nói thơ, nói truyện, ca nhạc tài tử đã gắn bó với sinh hoạt miệt vườn mãi đến những năm hai mươi của thế kỉ XX.

Nhưng đến những năm ba mươi thì tình hình có khác. Từ những năm tháng sau 1929 trở đi, miệt vườn chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới, cũng là thời kì câu hát dạ cổ hoài lang (vọng cổ) và hát cải lương đã chiếm lĩnh vai trò, thay thế hò hát, nói thơ, nói truyện. Ca dao miệt vườn, và gắn liền với nó là sinh hoạt hò hát dân gian, chỉ còn lờ mờ trong trí nhớ của người dân miệt vườn, không còn là thứ giải trí tinh thần gắn liền với sinh hoạt hằng ngày nữa. Đã hết rồi những câu hò thậm thượt của anh thương hồ như muốn thi với chiều dài của con sông không chỗ tới; đã không còn nữa những cuộc hò đối đáp giữa các cặp trai gái ở ngoài đồng đang cấy vần công… Trong các sinh hoạt tập thể, hình thức trình diễn phổ biến vẫn là mấy câu vọng cổ mùi rệu, giàu tính nhạc, lại vừa giữ được tính dân gian như trong hò hát ngày nào mà không kém phần ‘văn minh lịch sự’. Từ đó, ca dao lui về bên chiếc nôi ru em hay trong khoảnh bếp nhà khiêm nhường, âm thầm tự bảo dưỡng trong một thời thế nhiều bể dâu của xã hội miệt vườn trong khoảng năm mươi năm nay. Mới chỉ năm mươi năm mà như thể đã lâu lắm, vì khác với ca dao ở đàng ngoài thường có một lịch sử lâu dài cho việc trau chuốt các câu ca bài hò cũng như việc lưu truyền trong quảng đại quần chúng, ca dao miệt vườn – trái lại- chỉ mới khai sinh không lâu, chưa có bao lăm thời gian để gọt dũa và bảo tồn thì thời thế đã đẩy vào lãng quên. Ca dao miệt vườn ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như thế nên đến hôm nay chúng ta không thể không băn khoăn là có hay chăng một thành phần văn học dân gian gọi là ca dao miệt vườn.

Thật ra, văn học dân gian miệt vườn vẫn còn đó, ca dao miệt vườn vẫn sống âm thầm trong sinh hoạt thường ngày của người dân dưới dạng những câu hát ru em… Nhưng nó không hiện diện ồn ào trong nghệ thuật diễn xướng như những ngày thịnh đạt xa xưa.

*

Cho đến nay, việc tìm hiểu nghiên cứu ca dao miệt vườn chỉ mới ở bước đầu. Các công trình giới thiệu, sưu tầm, nghiên cứu ca dao- dân ca- hay nói chung, văn học dân gian – thường có khuynh hướng chú ý đến những câu ca bài hát tiêu biểu chung cho cả nước, nhưng thật ra là chỉ tham khảo những câu ca bài hò trong kho tàng ca dao- dân ca miền ngoài. Tuyển tập đồ sộ và rất có giá trị của nhà giáo học giả Nguyễn Văn Ngọc chẳng hạn, chỉ sưu tập ca dao đồng bằng sông Hồng; về sau này, các sách giáo khoa hoặc nghiên cứu vẫn thường trích dẫn từ pho Tục Ngữ Phong Dao của ông, không khỏi gây ấn tượng thiên lệch về giá trị văn học của ca dao các địa phương khác. Tình trạng ấy kéo dài mãi về sau 1954, khi ở cả hai miền bắt đầu xuất hiện thêm những công trình nghiên cứu mới. Ngoài Bắc, sách Tục ngữ, Ca dao và Dân ca của Vũ Ngọc Phan đáng kể là một công trình sưu tập nghiên cứu có giá trị nhờ ở kho tài liệu phong phú về ca dao ba miền đất nước. Trong Nam, sách Ca Dao Giảng Luận của Thuần Phong có thể xem như tài liệu đầu tiên nghiên cứu các mặt đề tài, nội dung, nghệ thuật ca dao miền nam. Thuần Phong cũng là người khơi dậy ý hướng sưu tập nghiên cứu văn học dân gian vùng đồng bằng Nam bộ trong các giảng đường đại học, mà kết quả bước đầu là công trình giới thiệu Câu Hò Giải Thoát của Ngô Thuần Phượng, và tiểu luận cao học của Nguyễn Kiến Thiết có tựa đề là Mấy tính cách đặc thù của ca dao miền Nam. Tiếc là hai công trình nghiên cứu của trường văn khoa vừa kể trên chưa thoát ra khỏi khuôn khổ những bài tập nhà trường, lại thêm ý hướng tự hào địa phương, nên không mấy giá trị về mặt nghiên cứu.

Ta có thể kể thêm vào bảng danh sách này vài quyển sách mỏng của một nhà văn sinh trưởng ở miền Nam: Nói về Miền NamVăn Minh Miệt Vườn của Sơn Nam. Trong hai tập vừa kể, rải rác có những nhận định của tác giả về các mặt sinh hoạt văn học dân gian miệt vườn mà hò hát là phần chủ yếu.

Những năm sau này, theo với nhịp tiến triển của của khoa nghiên cứu văn học, ý thức sưu tập và nghiên cứu của ca dao – dân ca các miền đất nước được đặt thành mục tiêu nghiêm chỉnh. Đó là sự hứa hẹn ban đầu rất đáng khích lệ.

Điểm qua tình hình nghiên cứu, sưu tập ca dao và dân ca vùng đất phía nam, ta không khỏi ngạc nhiên là kết quả còn rất sơ sài. Nguyên nhân của sự thể này là sự thiếu vắng một thái độ nghiên cứu nghiêm túc nên dễ rơi vào một trong hai cực đoan: hoặc là dựa trên cơ sở tự hào địa phương chật hẹp, hoặc là sự xem thường giá trị của kho tàng văn học dân gian địa phương.

Ngày nay, nghiên cứu và sưu tập văn học dân gian miệt vườn là một việc nên và cần làm. Trước tiên là về mặt phương pháp, chúng ta đã thừa hưởng những thành tựu về mặt phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian. Nhưng lí lẽ thuyết phục hơn cả vẫn là ở chính bản thân văn học dân gian miệt vườn.  Ca dao – dân ca miệt vườn đã trước bạ sự có mặt của cộng đồng người Việt tại vùng đất này từ hơn ba trăm năm nay. Hò hát đã từng là sinh hoạt gắn bó với công việc hàng ngày của người địa phương, đã là vốn liếng tinh thần của họ. Vốn cũ này chỉ thu hẹp trong những khung cảnh giới hạn, và có nguy cơ tiêu trầm vì thiếu nuôi dưỡng. Một thành trì cuối cùng của ca dao miệt vườn nằm ở sinh hoạt ru em, cũng đã tỏ ra lung lay quá; người ta không chuộng ca dao nữa mà hát nhạc mới, ngâm ngợi mấy câu vọng cổ, hoặc thậm chí nhờ máy hát. Cho nên thu thập ca dao miệt vườn có nghĩa là nhặt nhạnh những mảnh vụn tản mát trong trí nhớ đã mơ hồ, kề cận với lãng quên.

Ca dao – dân ca miệt vườn cũng như bao nhiêu địa phương khác, mang dấu vết của cá tính con người địa phương cũng như xã hội đặc thù của địa phương đó. Tìm hiểu ca dao miệt vườn, chúng ta sẽ gặp lại con người trong bối cảnh sống của họ. Điều đó rất có ý nghĩa, vì ăn sâu những đặc trưng của văn học là những vẻ dáng riêng của con người quen thuộc trong khung cảnh quen. Vẻ riêng ấy không hề làm nhẹ đi dáng chung của toàn cảnh xã hội của dân tộc. Giới hạn trong văn học, có thể nói rằng nghiên cứu văn học dân gian địa phương sẽ giúp ta nhìn rõ hơn vẻ đa dạng những vần thống nhất của văn học dân gian của cả dân tộc. Và đó là ý nghĩa đặc sắc của việc tìm hiểu nghiên cứu văn học dân gian địa phương vậy.

Để tiến hành việc tìm hiểu ca dao miệt vườn, cần phải trả lời thanh thoả một vài câu hỏi về mặt lí luận.

Trước nay, khái niệm văn học dân gian miệt vườn chưa được phổ thông, bất quá chỉ có ‘văn học dân gian miền Nam’ mà thôi, hiểu như là vùng văn học dân gian bao trùm Lục Tỉnh ngày xưa. Tự thân văn học dân gian các miền này có những nét giống nhau về đề tài, chủ đề, thể loại, cách biểu diễn, phong cách ngôn ngữ; nét giống nhau này còn có thể mở rộng thêm ra đến cả địa giới của Nam Trung Bộ nữa. Thật vậy, so sánh các câu ca dao Lục Tỉnh – đặc biệt là ở miền Đông – với các câu hát Nam Trung Bộ, có thể thấy những nét gần gũi về nội dung và cấu trúc câu hát; điểm gần gũi còn hiển nhiên ở phong cách âm nhạc của câu dân ca: so sánh bài hát chòi Bình Định với lối nói thơ pha tuồng ở miền Trung với ca ra bộ trong Nam, giữa các điệu lí ở các vùng đất đàng trong này…

Tuy thế, trong những nét tương đồng vẫn hiện lộ dáng vẻ đặc thù của địa phương. Càng tiến về nam, câu hát điệu hò càng trở nên phóng túng hơn, mềm mại hơn: điệu nói thơ Vân Tiên ở Nam không mạnh và chắc như câu hò thai ở Trung, câu hò miền Nam như muốn dài ra… Câu lục bát từ miền Đông Nam Bộ xuống đến miệt vườn đã khác lắm. Những nét dị biệt như thế không phải là tình cờ và tản mạn, mà ngược lại rất có hệ thống, đủ giúp cho ta vạch những đường ranh khoanh lại những vùng văn học dân gian riêng biệt.

Một vấn đề khác nữa là cách gọi tên đối tượng tìm hiểu. Trong dân gian miệt vườn không thấy nói đến ca dao – dân ca, mà chỉ noi đến hò, hát: hò Cái Bè, hò chèo ghe, hát huê tình… Sinh hoạt hò hát là sinh hoạt âm nhạc diễn xướng dân gian (dân ca) hay là sinh hoạt văn học (ca dao) ? Dựa vào tính cách của hò hát trong dân gian chúng ta hiểu rằng trong sinh hoạt, quần chúng không phân chia rạch ròi ranh giới giữa văn học và nghệ thuật trình diễn; người ta cứ hò, hát, cứ sáng tác các câu hát bài hò sao cho có thể diễn đạt đầy đủ nhất những cảm xúc của họ trước ngoại cảnh. Nhận thức nghệ thuật dân gian không phân biệt loại hình sáng tác và trình diễn: trong khi hò hát, người ta phải ứng tác tại chỗ một tác phẩm bằng lời (đó là sáng tác văn học), tác phẩm này sẽ được hát lên theo cung bậc nào đó với những nhịp điệu tiết tấu ổn định (đó là hoạt động âm nhạc, trình diễn), nhiều khi còn phải phối hợp cả dáng điệu, cử chỉ (đó là hoạt động trình diễn). Nói cách khác, hò hát trong dân gian kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật thuộc về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau; sự phối hợp này diễn ra cộng thời trong một quá trình trình diễn/ sáng tác/ trình diễn của một nghệ nhân. Đặc trưng nghệ thuật này chính là tính cách nguyên hợp của văn học nghệ thuật dân gian.

Nhìn từ quan điểm này, ca dao miệt vườn không phải là một bản văn tĩnh tại mà nhất thiết phải gắn liền với sắc thái âm nhạc và hoạt động trình diễn của nó. Nhìn nhận tính cách đặc thù của văn học dân gian như thế thì có thể không cần bó hẹp nội dung của từ ngữ ‘ca dao’ như cách hiểu phổ biến hiện nay trong một số sách giáo khoa văn học. Theo cách hiểu này, ca dao là những câu thơ dân gian sáng tác theo những khuôn khổ thi ca dân tộc, và vì vậy thuộc về lĩnh vực văn học; trong khi đó, dân ca là những câu hát, và thuộc phạm vi tìm hiểu của âm nhạc. Sự phân biệt như thế mặc dù khá phân minh nhưng sẽ khiến chúng ta bối rối khi muốn tìm hiểu ca dao miệt vườn. Tính cách nguyên hợp của văn học dân gian ở đây xem ra trùng khít với cách hiểu đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ “ca dao” trong sách vở Trung Hoa (2).

Vì thế, chúng tôi nghĩ là không có gì gượng ép khi gọi tên sinh hoạt hò hát dân gian miệt vườn là ca dao miệt vườn. Trong chừng mức đòi hỏi của ngành folklore, chúng ta có thể giới hạn ý nghĩa của từ ‘dân ca’ trong âm nhạc, còn thuật ngữ ca dao thì dành cho văn học dân gian – hiểu theo nghĩa nguyên hợp của từ ngữ.

       Đoàn Xuân Kiên

 

  1. Lục Tỉnh là tên gọi cũ của phần đất miền Nam thuộc khu vực đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long.  Lục Tỉnh gồm có ba tỉnh miền Đông (là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và ba tỉnh miền Tây (là Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ).
  2. Trong Kinh Thi có câu: “Tâm chi ưu hi, ngã ca thả dao” (lòng buồn bã, ta ca và dao) [Ngụy Phong, bài Viên Hữu Đạo]. Sách Mao Truyện thì viết rằng: “Khúc hợp nhạc viết ca, do ca viết dao” (khúc hát có nhạc đệm theo thì gọi là ca, hát trơn thì gọi là dao). Sách Cổ Dao Ngan có bài Phạm Lễ phân biệt thêm: ca khác dao ở chỗ dao có thế lợi của nhiều bài ca.

Cách hiểu như thế hoàn toàn phù hợp với định nghĩa trong các từ điển củaTrung Hoa. Từ Nguyên định nghĩa ca là khúc hát đặt hợp với một giai điệu âm nhạc; dao là hát suông, không cần dựa vào nhạc. Khang Hi Từ Điển cũng hiểu như thế khi định nghĩa ‘dao’ là kéo dài giọng nói, trẻ con cũng làm được.

 

Có 2 bình luận về Ca dao miệt vườn – sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử

  1. Cám ơn thầy Kiên đã cho đăng bài viết “Ca dao miệt vườn” để chúng tôi có dịp mở mang thêm kiến thức về văn học dân dã của nước Việt thuở xa xưa. Mong còn được đọc thêm nhiều bài viết của thầy Đoàn Xuân Kiên trong những ngày sắp tới.

  2. Hoành Châu nói:

    “Những tiếng hát bỏ quên” ,,, một công trình nghiên cứu nghệ thuật  thật sự chiếm ưu thế vì tính chính xác của nó ,   hình thành  lại một tư liệu  tương đối hoàn chỉnh  rất  giá trị cho người đời sau   !  .Cảm ơn Thầy Đoàn Xuân Kiên cùng các Phụ huynh của các trò nhỏ của Thầy  đã gầy nên tuyệt tác này  . Mong đọc thêm nhiều bài viết hay khác của Thầy nhé  !
    Hoành Châu (Gia đình C  )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác