Dòng sông bên trời

Ngày đăng: 20/07/2015 08:46:51 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Ngày ấy tôi là một gã dạy đàn nghèo ở phố Sinh Từ (cùng với Pháp), chơi khá thân với Phụng và Pháp. Hai bạn này thỉnh thoảng lại đến lớp nhạc của tôi để nghe tôi chơi đàn Tây Ban Cầm. Pháp rất thích nghe tôi độc tấu những bài nhạc cổ điển Tây phương. Anh có lần nhờ tôi chỉ vẽ đôi chút ngón đàn nhưng chỉ học vài buổi thì bỏ. Tôi nghĩ anh không có khiếu âm nhạc cho lắm. Bạn từ Lầu Hạc lên đường/Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng/Bóng thuyền đã khuất bầu không,/Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Bài thơ này của Lý Bạch mà Ngô Tất Tố chuyển sang Việt Ngữ rất tài tình, tôi đã đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc nó, tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến những người bạn thân yêu đã quá vãng, những người đã cùng tôi trải qua tuổi hoa niên nơi Hà Nội yêu dấu xưa nào. Trong số họ, tôi đặc biệt nhớ Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Nhược Pháp, hai cây bút tài hoa thời Tiền Chiến. Ngày ấy tôi là một gã dạy đàn nghèo ở phố Sinh Từ (cùng với Pháp), chơi khá thân với Phụng và Pháp. Hai bạn này thỉnh thoảng lại đến lớp nhạc của tôi để nghe tôi chơi đàn Tây Ban Cầm. Pháp rất thích nghe tôi độc tấu những bài nhạc cổ điển Tây phương. Anh có lần nhờ tôi chỉ vẽ đôi chút ngón đàn nhưng chỉ học vài buổi thì bỏ. Tôi nghĩ anh không có khiếu âm nhạc cho lắm.

Một ngày sau khi tờ L’Annam Nouveau của Nguyễn Văn Vĩnh (bố đẻ của Pháp) đình bản, Vũ Trọng Phụng rũ tôi đến nhà Pháp chơi. Thấy chúng tôi, Pháp vồn vã nhưng gương mặt anh có vẻ hơi buồn. anh cho biết bố anh vừa sang Lào với người bạn thân là ông Amédée Clémenti, vốn là chủ bút tờ L’Argus Indochinois.

images

ảnh minh họa Nguyễn Nhược Pháp (nguồn Net)

– Bác trai sang đấy có chuyện gì thế? Tôi hỏi.

– Tìm vàng, anh ạ! Pháp cười. Do kiệt quệ về tài chính nên bố tôi đóng cửa tờ bào. Nay nghe lời ông Clémenti rủ sang Lào với hy vọng tìm được vàng. Ông Clémenti bảo vài người bạn của ông ta đã trúng được nhiều vàng lắm.

Dừng một chút Pháp lại tiếp, vẻ đăm chiêu:

– Bố tôi là người có máu mạo hiểm. Biết có tìm ra vàng không, chỉ sợ sinh bệnh. Dù sao cũng nên thử cho biết.

– Thế sao cậu không đi theo? Phụng vừa hỏi vừa húng hắng ho. Sức khỏe anh dạo này có vẻ kém.

– Thì tôi cũng muốn theo lắm. Pháp đáp, miệng múm mím cười. Nhưng bố tôi bảo cứ để ông đi trước. nếu gặt hái bước đầu sẽ cho tôi theo sau.

– Ái chà, tôi cười. nếu có lần sau thì chúng tôi đi theo anh. Tôi nói thật đấy.

– Có các cậu đi cùng thì càng vui chứ sao. Cả Nguyễn Vỹ cũng muốn vậy. trông anh ta háo hức lắm. Nhưng hẵng chờ cái đã. Pháp lại cười, nụ cười lúc nào cũng hùng hậu, dễ mến. Nếu tìm được vàng thì ắt hẳn Vũ Trọng Phụng sẽ viết tiếp “Số Đỏ” quyển nhì còn tôi sẽ không phải tiếp tục ăn cơm rau chấm tương như mấy hôm nay.

Tôi biết Pháp nói thực. Ít ai biết cả nhà anh nhiều lúc chẳng còn đồng nào, phải đi vay người quen ít tiền để đóng gạo. Vũ Trọng Phụng tết vừa rồi anh còn vay tôi mấy đồng để mua áo cho con. Gương mặt anh chẳng mấy khi cười có lẽ vì lúc nào cũng phải lo lắng chuyện cơm áo. Các nhà xuất bản thường chậm chạp trả tiền tác quyền cho anh dù sách của anh bán rất được.

***

Nguyễn Văn Vĩnh mất ngày 1/5/1936 tại Tchépone (Lào) vì bệnh sốt rét rừng, hưởng dương 54 tuổi.

Tin ông qua đời khiến cả quốc dân đau buồn, thương tiếc một bậc văn hào đầy lòng yêu nước và trong sạch, không màng hư danh,người đã từng khước từ huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh ( Légion d’Honneur) của chính phủ Pháp.

Quan tài của Nguyễn Văn Vĩnh được đưa xe lửa từ Lào về đến ga Thường Tín ở phía nam Hà Nội. Hàng chục ngàn người đã đến tận nơi để đón linh cữu ông. Tôi nhớ trong số những người ghé vai khiêng quan tài cụ Vĩnh về nơi an nghỉ có cả Nguyễn Vỹ, người bạn rất thân của Nguyễn Nhược Pháp. Anh vừa khiêng vừa khóc. Khóc cho người quá cố mà anh yêu kính như cha, và có lẽ khóc cho cả giấc mộng viễn du tìm vàng sớm tan thành mây khói, để tiếp tục ngâm câu thơ “Nhà văn An Nam khổ như chó” trong bài thơ “Gửi Trương Tửu” nổi tiếng của anh!

***

Số phận thật trớ trêu. Nó không cho Phụng và Pháp theo cụ Vĩnh sang Lào nhưng lại cho các anh sớm theo cụ về thế giới bên kia.

Nguyễn Nhược Pháp mất năm 1938 vì bệnh thương hàn, hai năm sau khi bố anh qua đời, hưởng dương 24 tuổi. Đám tang anh thật lặng lẽ, âm thầm trong một chiều mưa phùn lạnh giá.

Một năm sau đó, năm 1939, Vũ Trọng Phụng cũng lìa trần vì bệnh lao, hưởng dương 28 tuổi.

Tất cả họ đều ra đi trong cảnh túng thiếu, nghèo nàn. Họ chẳng bao giờ tìm thấy vàng. Có hề chi, những gì họ để lại cho hậu thế hóa ra còn quý hơn vàng. Nguyễn Văn Vĩnh hiến tặng cho đời cả một công trình dịch thuật và trước tác đồ sộ. Chỉ riêng bản dịch ra tiếng Việt các bài thơ ngụ ngôn của La fontaine cũng đủ làm cho mọi người phải khâm phục vì khó ai có thể làm tốt hơn ông. Nguyễn Văn Vĩnh xứng đáng là nhà học giả lớn của thời đại mình. Vũ Trọng Phụng thì để lại những thiên tiểu thuyết độc đáo, lột tả chân thực bộ mặt xã hội thời ấy. Thật khó tưởng tượng một người chỉ sống trên đời 28 năm lại có thể viết được nhiều và hay đến thế. Còn Nguyễn Nhược Pháp dù chỉ mới xuất bản tập thơ “Ngày xưa” nhưng với tác phẩm này, anh xứng đáng là một gương mặt thơ đáng nhớ, đáng yêu nhất, và bài thơ “Chùa Hương” của anh sẽ mãi mãi là một trong các bài thơ hay nhất, đẹp nhất của nền thi ca Việt Nam.

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác