Bình Luận Văn Học Tập 4 của Hoàng Thị Bích Hà
Tác giả Hoàng Thị Bích Hà gửi cho đọc Bình Luận Văn Học, cho biết là tập cuối và mong tôi hồi đáp một vài cảm nghĩ.
Nhìn chung, các bình luận văn học của HTBH trong tập 4 này đa dạng về thể loại, chủ đề và về các tác giả ở trong cũng như ngoài nước. Bà thích thưởng thức văn chương, siêng năng theo dõi các sinh hoạt văn nghệ, chứng tỏ có tài quan sát, đi sâu vào nội dung cùng hình thức sử dụng của các nhà văn nhà thơ đã thành danh cũng như mới xuất hiện trong làng văn – và cả bản thảo các nhà văn thân quen hoặc nhờ đến.
Hoàng Thị Bích Hà từng nhận mình là “tín đồ của văn chương” và vì yêu thơ văn nên bà dễ nhập vào tác phẩm và hiểu nguồn cơn cũng như chất liệu cuộc sống tác giả của chúng đã đưa vào thơ văn.
HTBH viết khá đạt về Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng khi nhận xét NTH đã đi trước thời đại, là người đầu tiên đem đời tư vào văn chương, như một cách sống thật mình. Phải chăng cùng gốc Huế nên HTBH khi viết về những tác giả vùng sông Hương núi Ngự như Nguyễn Thị Hoàng, Trần Dzạ Lữ, Trần Kiêm Đoàn, Dzạ Lữ Kiều, … thì chữ dùng, mạch văn bà mạnh mẽ và nhiều tầng bậc cảm xúc tỏ rõ sự say mê của một tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật. Trần Kiêm Đoàn sống ớ xứ người nhớ Huế rồi “về Huế” một cách đặc biệt – rất Huế, được HTBH ghi lại trong “Hồn cốt Huế trong ‘Truyện Khảo…’ của một nhà văn rặt Huế” như cùng nhịp tim khi hướng về Huế. Về nhà thơ Trần Dzạ Lữ cũng vậy, có một sự đồng cảm rõ rệt – HTBH từng thổ lộ với nhà thơ: “thỉnh thoảng nếu cảm xúc bất chợt trào lên thì em cũng ghi lại đôi dòng về thơ hay tản văn, truyện ngắn gì đó để trải nghiệm thú vui của người sáng tác. Với em viết theo cảm xúc, viết vì đam mê và còn viết để hạnh phúc nữa. Còn bạn đọc đón nhận được chừng nào tốt chừng đó bằng không thì thơ văn vẫn là nơi cho mình gửi gắm cảm xúc! Chừng đó thôi thì cũng đủ ý nghĩa rồi!”.
Với thơ Lê Hữu Minh Toán, HTBH cũng tỏ ra đồng cảm khi dõi theo bước đường của nhà thơ ngày trở lại những chốn xưa ngày cũ “Thơ anh là những dòng xúc cảm chân thành đầy tình người, tình đời. Thi nhân yêu đời, yêu cuộc sống, yêu quê hương với những vần thơ là nỗi niềm đau đáu của kẻ ly hương, luôn vọng tưởng quê nhà!” và nhận xét rằng “thơ anh có những bài đọc lên đã thấy hay nhưng cũng có những bài phải đọc thật chậm, thật kỹ mới tìm được tiếng nói tri âm, đồng cảm sẻ chia. Vì vậy cảm và luận về thơ có thể mỗi người mỗi khác, tùy theo cảm quan nghệ thuật, tâm trạng, thời điểm, cảnh ngộ và tư duy thẩm mỹ riêng của người đọc”.
Đặng Châu Long qua tác phẩm đã xuất bản, được HTBH đánh giá là “người lưu giữ ký ức và kỷ niệm”. Với nhà văn Nguyễn Châu, bà nhận định “Phải nói là “Đi, đọc và viết” là sở thích cũng là điều kiện cần để nhà văn tích lũy vốn sống. Điều đó đối với nhà văn Nguyễn Châu thì sự đi (xê dịch) đó là quá đủ để anh không những có dịp quan sát mà còn trải nghiệm thực tế cuộc sống từ khắp nhiều vùng miền của đất nước từ Nam chí Bắc. Đi qua những thăng trầm cuộc đời của chính nhà văn, anh đã tái hiện cuộc sống lên trang viết sinh động, mang hơi thở của cuộc sống. Đó là những chiêm nghiệm chứa tư tưởng thẩm mỹ và thông điệp gửi gắm trong tác phẩm…”.
Khi viết về truyện ngắn Cơn Gió Bên Bờ Vực của Trương Văn Dân, HTBH cho rằng “Nhà văn là thư ký của thời đại. Và mỗi người sẽ có một góc nhìn, một cảm quan nghệ thuật riêng… Văn chương là cuộc đời nhưng không phải bản phô tô cuộc đời. Mà phải qua lăng kính của nhà văn đến tác phẩm là cả quá trình ấp ủ cảm hứng sáng tạo. Cảm xúc thúc bách ở bên trong con người, cần bộc lộ. Và tự thấy trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời. Đi vào tác phẩm là đi vào thế giới tâm hồn của nhà văn …”.
Viết về “Văn truyện của Phạm Ngọc Dũ”, HTBH đưa ra nhận xét: “Trong tác phẩm mỗi nhân vật ít nhiều có bóng dáng tác giả, ở một mặt nào đó hay mỗi nhân vật anh gửi gắm vài đặc điểm hình thức hay tính cách. Hình bóng tác giả – chủ thể sáng tạo trong tác phẩm, độc giả thấy một Phạm Ngọc Dũ hiện ra phong trần và lãng tử. Anh đi qua những biến động của lịch sử như một nhân chứng dâu bể, tang điền qua ngòi bút chân thực và lãng mạn và nhân ái, bao dung, có trách nhiệm với cuộc đời”.
Thật vậy, không những viết cảm nhận văn chương mà HTBH lại còn đưa suy nghĩ và lý luận khi bàn đến thể loại như về thơ, truyện, phim,… Trong “Thơ Tình và người viết Tình Thơ”, bà nhận định: “Thơ là tiếng lòng, điều đó hẳn rồi! Người làm thơ dùng câu chữ để giải bày cảm xúc của mình, trong đó cũng có thể nói hộ lòng người. Người đọc tìm thấy bóng mình trong đó như tìm thấy một tiếng nói tri âm, đồng cảm. Nhưng đôi khi cũng nói giùm người khác. Câu chữ của tác giả chạm được đến con tim người đọc khi họ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, đồng cảnh ngộ, người ta có thể mượn câu chữ của thi nhân để bộc lộ nỗi niềm. Người làm thơ cũng là người nghệ sĩ có thể hóa thân vào nhân vật, nhập vai rất tròn trịa để diễn tả giùm cảm xúc của người khác…”. HTBH lên tiếng “Hãy điềm đạm khi khen chê và đừng hiếp đáp cảm xúc” trong bài viết tiếp theo về thơ.
Các bình luận của HTBH trong tập này nói chung mang tính sư phạm, đầy đặn trước sau và hài hòa cũng như “đến với” nhiều hơn là chỉ đơn thuần bình luận. Với những tác phẩm Hoàng Thị Bích Hà đắc ý, bà như nhập tâm với nhân vật hoặc hồn thơ đánh động, lời cảm nhận bay bổng theo nghệ thuật của tác phẩm hoặc tính sáng tạo của các nhà văn nhà thơ.
Viết là chia sẻ, người sáng tác cũng như nhà bình luận. Chúng tôi vừa chia sẻ vài cảm nhận nhân đọc Bình Luận Văn Học. Giờ đây xin mời bạn đọc đi vào nội dung những cảm nhận văn chương mới nhất của nhà văn Hoàng Thị Bích Hà.
Toronto, Canada, ngày
22-8-2024
Nguyễn Vy Khanh
————————————————–
(*)Lời tựa của Nguyễn Vy Khanh trong Bình Luận Văn Học (T4) của Hoàng Thị Bích Hà