SỰ LÝ CỦA TRE LÀ THẾ ĐÓ

Ngày đăng: 3/07/2020 07:55:24 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Từ lũy tre xanh bên mặt nước ao làng, phóng tầm mắt nhìn vào thời đại với những công trình đô thị ngày càng cao ngất ngưỡng, đầy năng động của nhịp sống công nghiệp, khiến ta chợt nhận ra rằng nhiều lũy tre làng đã và đang bị đào tận gốc để thay bằng những hàng rào bê tông cốt thép, nhiều làng quê đã mất hẳn hình ảnh của những bụi tre, lũy tre quằn mình trên những ngõ đường, vọng lên từ đó tiếng kẽo kẹt mỗi buổi trưa hè hoặc soi bóng thanh bình trên những dòng sông thơ mộng, khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng, luyến tiếc!

Ngắm bụi tre già cằn cỗi, trơ gan cùng tuế nguyệt, sừng sững đứng giữa trời mây, chứng kiến bao cuộc thăng trầm của non nước, nhưng lá vẫn xanh mà lòng không vướng bận. Tre tượng trưng cho người trượng phu, quân tử, có chí khí kiên cường bất khuất, biết tùy thời tùy thế, sống với hoàn cảnh nào cũng được, khắp vạn nẻo đường đất nước đâu đâu cũng có bóng tre. Thân hình gầy guộc nhưng thẳng tính cao vút, bất khuất, vươn lên bầu trời cao. Dáng tre tuy có vẻ khẳng khiu nhưng thân tre luôn mọc thẳng. Không chỉ có thế, từng cành nhỏ bé với những chiếc lá xanh mỏng manh đã cùng thân tre chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt nhất.

Lại nữa, tre không chiếm giữ một vị thế cố định của nhân sinh, gió lay tre phất, gió lặng tre ngừng. Tre không e thẹn với đêm thu mưa đổ, không rên rỉ với nắng chiều oi, không rộn ràng với ánh xuân chói rạng và cũng chẳng tê tái với đỗ quyên gọi bạn giữa sương đông canh vắng. Tre nhập thế, mà thế nào có biết sự ngộ nhập của tre. Trong lúc đất nước chống xâm lăng, tre sẳn sàng đưa mũi nhọn để giữ nước cứu dân, tre đã có thân cao mà không ham cao, nên nghiêng đầu xuống thấp. Tre đã có rễ ăn sâu vào đất thấp, mà không chán thấp, nên cứ tiếp tục cho măng. Dù người đời bảo tre là loài hoang dại, tre vẫn khe khẽ gập đầu, dù người đời gọi tre là quân tử, tre cũng hé mắt mà nhìn. Với tre ta không có sự hối hả bâng khuâng gì cả. Tính cách vô tư không tùy thuộc của tre cho thấy tre có một sự hoàn toàn biệt vị mà người xưa đã dành tặng tre “tiết thực tâm hư”.

Trong khi cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng cho tính cộng đồng làng xã, thì lũy tre là biểu tượng của tính tự trị. Lũy tre như là một thành lũy kiên cố, đốt khó cháy, chặt khó đứt, trèo khó qua. Tre xanh bốn mùa, suốt thời gian mà vờn với gió, mà đùa với trăng. Mặc cho cái nắng quai, nắng quắc, nứt đất khô người, mặc cho cái mưa lũ tơi bời gió bão rít từng hồi quằn ngang quằn dọc, cây tre vươn lên thi gan cùng trời đất. Dù gầy guộc nhưng tre vẫn biết sống chung, biết kết nên lũy nên thành. Sự đoàn kết đó không sức mạnh nào tàn phá nổi.

Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hoá Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẻ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng: “ Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước_tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam…

bài và ảnh Nguyễn Hiếu Tín

h2

h3

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác