CUỘC HỘI NGỘ CỦA “GIA ĐÌNH NGỌC”

Ngày đăng: 6/04/2020 11:30:36 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Mùng hai tết, Xuân đã sang,nắng vàng lên rực rỡ mang đến cho thế gian một sức sống tràn trề, một linh hồn tươi mát, cây cỏ hoa lá mĩm cười chào đón Xuân..!

Trên đường trải nhựa cặp bờ sông, làng quê tôi đã thay đổi nhiều :bờ sông không còn những ngôi nhà sàn chen nhau, hai bên đường  được đặt những tản đá làm bờ kè, trên bờ có hàng cây bằng lăng nằm dọc theo…Gió xuân lùa qua kẻ lá, mơn man ve vuốt những cành non, hoa tím đâm màu tỏa hương thơm.

Như một người nhàn rổi, tôi dạo bước trên bờ sông, lòng cảm thấy xao động, rộn ràng  với những kỷ niệm tuổi thơ ở đây!

Trời xanh mây trắng, tôi nhìn đám lục bình trôi trên sông, chiếc xuồng của ai neo đậu, hình ảnh cây vú sữa, căn nhà của nội tôi vụt qua trí nhớ..Hồi ấy, tôi thường ngồi ở cửa sau nhà nội, nhìn nắng chiều tắt dần bên kia sông, con nước lặn lờ trôi. Con sông này uốn lượn quanh co từ vàm đình ở ngã ba sông Cửu Long rồi chảy vào vàm Xẻo Trầu, Xẻo Sâu, An Khánh, Xẻo Mác, An Phú Thuận, rồi tới tận Bình Minh (Vĩnh Long)

Tuổi thơ có rất nhiều điều đáng nhớ, kỷ niệm nào cũng để lại trong lòng tôi những tình cảm sâu đậm đó là quê tôi có những dòng sông êm ả mà tôi không bao giờ quên!

Mặt trời lên tới đỉnh đầu, tôi chậm bước, nắng như đổ lửa, mặt sông nhấp nháy ánh sáng. Đương lơ đãng, tôi chợt nghe tiếng bước chân ai , tôi nhìn qua thấy chị Cả Tùng trong gia đình Ngọc. Gia đình Ngọc có tất cả là 11 đóa hoa, chúng tôi chẳng còn nhớ hoàn cảnh hình thành, chỉ biết đa số có chữ lót là Ngọc, nên chọn chữ Ngọc làm tên gia đình.Và không ai còn nhớ vì sao đứa lớn tuổi lại là em, có lẽ hồi ấy chúng tôi sắp xếp theo vóc dáng(?) Chị cả đã đứng đó từ bao giờ, tay cầm nón lá, mắt nheo cười nhìn tôi. Giọng chị xôn xao, chị hỏi tôi một câu mà tôi không thích: – Nắng nóng như thiêu, sao em chưa về! Tôi cười đùa: Cô thôn nữ này ngại gì nắng mưa!

Cả bật cười thật tươi: – Cô thôn nữ đẹp nhất làng tôi ơi, nắng cháy tóc em rồi ,không thấy sao! Cả nói tiếp: -Nắng làm ngầy ngật phải không ?

Tôi chợt tỉnh ra, chạy đến ôm chầm lấy Cả. Trời ơi, bao nhiêu năm xa cách, giờ đây gặp lại nhau. Tôi và Cả im lặng, rồi nói với nhau, trong niềm xúc động nghẹn ngào..Ba mươi năm có lẻ, chúng tôi xa nhau, Gia đình Ngọc tan rả vì cuộc sống có quá nhiều đổi thay! Mỗi đứa một ngã, sau khi từ giả làng quê này tìm cách mưu sinh. Có người đã ra đi xa tít phương trời xa lạ, để nhận Mỹ, Úc, Canada, Pháp làm quê hương thứ hai. Riêng Cả, vẫn cứ bám lấy cái làng quê này, làm nhà mô phạm mẫu mực. Cuộc sống của cả cũng lắm nỗi gian truân.

Tôi và cả triền miên trong câu chuyện, chúng tôi ngồi lê trên thảm cỏ lưa thưa dưới gốc cây bàng quên đi cả thời gian.

Chiều, mặt trời đỏ thẳm, tròn như cái nia chìm sâu đáy sông, ánh hồng hắt lên rực rỡ. Ngồi bên nhau, sau câu chuyện dài lê thê không có lối ra!

Cả bảo, Ngọc Ẩn nói em đi vì không ở đây được nữa! Tôi nói, em không muốn nhìn nắng lên, hoàng hôn xuống, không muốn nghe tiếng lá dừa xào xạc trên cao. Em đi vì em quá yêu nơi này..!

Chị cả nắm tay tôi, nhắc từng thói quen của từng đứa em, Ngọc Bình trăn trở trong cuộc sống, vì phải chơi vơi trong nghịch cảnh, từ giàu sang phú quý xuống nghèo túng, nó lao đao vất vã kiếm tiền nuôi gia đình, bên người chồng bị tâm thần cùng ba con còn đang ăn học. Thế nên Ngọc Bình phải tìm đường ra đi!

Cả không nói chuyện của cả, nhưng từ trong sâu thẳm của cuộc đời, chúng tôi đã tự tìm hiểu cuộc sống của nhau, chuyển cho nhau thông tin, rồi không biết chúng tôi đã bắt đầu liên lạc lại với nhau từ lúc nào trên mảnh đất thân yêu Cái Tàu Hạ này ?

—-00—-

Quán Cà phê Nhớ, nằm trong khu vườn rộng, cảnh trí nên thơ, bên dòng nước trong lung linh ánh đèn màu, róc rách chảy quanh bờ mương nhỏ. Mỗi líp vườn có một túp lều tranh đèn mờ, vách che hờ hửng. Phía cuối vườn có cây đa sum xuê tàn lá rể treo giăng giăng chảy xuống như bức màn thưa. Chúng tôi ngồi với nhau trên những ghế đá, bàn đá. Cảnh trí ở đây không phù hợp lắm cho lứa tuổi của chúng tôi, nhưng vì không còn nơi nào khác để có thể cùng nhau trò chuyện dài lâu. Khung cảnh sum họp này không giống như khung cảnh của ngày xưa, thời chúng tôi còn thơ ấu, nhưng nó vẫn làm chúng tôi vui sướng biết bao, khi mà mỗi đứa giờ đây từ khắp nơi trên bốn phương trời có dip gặp lại nhau , khi mà tuổi xuân không còn nữa.

Chúng tôi trò chuyện với nhau, lúc nhỏ, lúc to có khi ồn ào cả một gốc vườn, làm mọi người phải để ý liếc qua.

Cả bắt đầu câu chuyện, bằng lối kể chuyện không trực tuyến, cũng không lung khởi, lúc xa, lúc gần về hoàn cảnh chia tay của mỗi đứa trong gia đình Ngọc. Chị kể như  trù trừ, ngắt đoạn, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Đó là một câu chuyện dài về cuộc sống của mỗi đứa trong gia đình. Cha mẹ của mỗi đứa có nghề nghiệp khác nhau, nhưng tựu trung lại đều thuộc gia đình lao động nghèo trong làng Phú Hựu-Cái Tàu Hạ này.

Chúng tôi là những đóa hoa trong thế giới lộng lẩy của muôn hoa, muôn sắc, mỗi loài mỗi vẻ. Khi nói về cuộc đời của mỗi “đóa hoa”, chúng tôi thường tự hào nhưng tức tưởi!

– “Hoa nở,hoa tàn trong điều kiện duyên sinh,duyên hợp..!”

-Chị cả như đóa hoa Quỳnh, quỳnh hoa tinh khiết cao sang, tay chân thon thả, dáng yểu điệu thục nữ dễ thương. Lúc nửa vành trăng nhô lên khỏi ngọn cây, là lúc mọi người mơ màng nghe sự im lặng của màn đêm, đó là lúc quỳnh hoa khai hoa nở nhụy. Có người sau giây phút mê mẩn của tâm hồn vì sự ra đời và vẻ đẹp lêu trai của đóa quỳnh, đã để tâm hồn hòa nhập vào hoa..Nhưng khi những giọt sương mai còn đọng trên mi em thì quỳnh hoa ngã gục. Người giử vườn nâng cầm Quỳnh hoa, nhưng người nở lòng nào đi tìm loài hoa khác ! Cả của chúng tôi là vậy đó, chị lặng thầm chịu đựng nghịch cảnh tình cảm của mình, để an lành trong nghề nghiệp và trở thành giáo viên ưu tú..Học trò là niềm vui , là tình yêu của Cả!

Còn Linh, chị cả bảo em như đóa Phù Dung, luôn đứng một góc ở hàng sau cùng của khu vườn, vị trí mà em được chọn lựa là đứa em út trong gia đình, em có tâm hồn dễ xúc cảm, dễ vui, dễ buồn, thoáng chút hương trinh, làn môi chum chím, khóe mắt nheo cười, hay đài hoa rơi rụng, cũng đã chinh phục người khác..Nên đóa hoa này đành đau khổ chịu đựng duyên hợp, duyên tan .

Ngọc Ẩn nói em là hoa Trinh Nữ, hoa mắc cở đó mà, em dễ thương thật, nhưng mà thương không dễ. Tôi thấy da thịt em mơn mởn, chân tay em tròn lẵn, tóc xanh mướt và môi luôn mỉm cười, em vui vẻ hồn nhiên cợt đùa với gió, với bướm ,với ong nhưng nếu có bàn tay chàng nào chạm đến, cũng đủ làm em vội vàng nhắm mắt. Hai lần lên xe hoa, mà lần nào cũng đầy ấp tiếng cười rộn ràng, vì đó là những quyết định đúng .

Ngọc Diệp tự hào mình là hoa Anh Đào, có sắc đẹp kiêu xa, dáng thanh tú nhẹ nhàng, nên được nuông chìu, tỏa hương thơm khắp vùng, cho mọi người tha hồ nhìn ngắm, sắc hoa rơi rụng sau mùa xuân. Em đau lòng ngắm nhìn mình buồn bả chia tay với  mọi người. Thương tiếc một cành vàng lá ngọc, hồng nhan bạc mệnh .

Em Phấn là hoa Bông Bụp, nở tàn theo thời gian không phân định thời tiết nắng  mưa, em là hàng rào chở che cho cả gia đình trong ngôi nhà hy vong. Lá xanh , bông đỏ, cảm nhận hạnh phúc muộn màng, nhưng mãi mãi là một bông hoa đẹp.

Ngọc Anh ví mình là loài cỏ Ngọc, ngọc ẩn trong đá, lẫn khuất trong khe, rồi chìm đắm trong muôn vàng nghịch cảnh, vẫn tưởng hơi cùng lực kiệt, bị giẫm đạp bởi những bước chân nhưng hoa vẫn nằm đấy chịu đựng rồi cũng đâm chồi, nẩy lộc vượt lên.

Các em Ngọc Lệ là Tường Vy, Ngọc Nga là Thủy Tiên, Cẩm là Mẫu Đơn luôn thích lộ hình khoe sắc, đưa vào hồn họa sỹ, thi sỹ những nét đoan thanh nỏn nà. Thi nhân đâu, thi sỹ đâu hãy nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lẫn tâm hồn. Đừng để chúng tôi  chơi vơi hạnh phúc mong manh dễ vỡ..!

Trong dòng họ hoa của chúng tôi, đứa nào cũng tự hào mình là duyên dáng, chúng tôi không có tính khoe khoang, không muốn người ta ngắm hết những gì chúng tôi có, mặc dù chúng tôi vẫn muốn dâng hết cho đời tình cảm và cái chất thanh tao của mình.

Ngồi quay quần bên nhau, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, vì được thả hồn vào trong kỷ niệm, ký ức tuổi thơ, mơ màng trong những ước mơ nhỏ bé hồi nào lúc tuổi trăng tròn.

Thắm thoát mà đã ba mươi năm có lẻ, xa nhau trong thời gian dài như thế, nhưng chúng tôi luôn mãi là của nhau trong tình thân rất đậm đà, chia sẻ yêu thương, chia sẻ vật chất khi hoàn cảnh khó khan.

Nói cho vui, nhắc cho vui trong ngày hội ngộ sum vầy, chúng tôi đang ở bầu trời thơ, chúng tôi đang ở bầu trời ký ức..chúng đang trào dâng, trào dâng mãi trong cuộc trò chuyện này.  Hồi ấy chiều nào cũng vậy, cả gia đình Ngọc thường rũ nhau ra Cầu Tàu, để cùng nhau ngắm nhìn những chiếc ghe Bầu,có cánh bườm lắc lư trong gió. Đó là nhà của những người Trung lưu kạc sống trên sông nước, họ nhịp nhàng trong mái chèo, trong những cái chài, được quăng ra, và khi họ kéo chài lên, những con cá mè dinh, những con tôm càng xanh mắc lưới đang vùng vẩy.Họ gở từng con cá, con tôm ra khỏi lưới. Trên bờ sông, những cánh tay của chúng tôi dang ra chỉ trỏ, trong tiếng reo hò mừng rở.

Khi con nước ròng, nhiều lần chúng tôi xắn quần, đi dọc bờ sông, cùng nhau bắt ốc ,bắt cua, đùa giởn ,bắt những con cá thòi lòi đang nhảy nhót trên bờ cát mịn, chen lẫn trong đám lục bình mắc cạn. Những gợn sóng con ùa vào, rút ra theo tiếng máy Koler trên chiếc tam bản của ai đó vừa mới chạy qua.

Buổi tối, vào những đêm trăng rằm, cả bọn nhà Ngọc cũng thường ra bến đò trên sông, len lỏi qua lại trên những con thuyền chỡ đầy trái cây. Những người phu khuân vác, làm việc cật lưc. Nào cam, nào bưởi, nào xoài ổi được họ chăm chút chất đầy vào cần xé, rồi đậy lại bằng tấm đệm khô, khâu lại. Chờ cho thương lái trái cây giao hàng lên xe tải xong,  chúng tôi túa ra cùng nhặt những trái cây dạt, chia nhau, rồi lên bờ hò hát, hát bài ca con khỉ  vang khắp bến tàu ,vui ơi là vui.-“Ngó lên chót vót, bân rồi lại cây bân , tang tít tịt tình tang, có cái con khỉ đột nó ăn, nó ăn trái bần , chúng nó ăn trái xoài, trái xoài rồi lại trái ổi, nó lượm ở dưới ghe ha há hả hà ha…”

 

Đêm đã khuya. Khách trong quán ai nấy đều lui bước về nhà, quán Nhớ chỉ còn lại gia đình Ngọc, Chấm dứt ngày mùng hai tết là những nụ cười rạng rỡ của chúng tôi trong ngày sum họp này.

bài và ảnh  Phạm Ngoc Anh

h1

h2

h3

h4

h5

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác