NỖI LÒNG HOA PHƯỢNG….

Ngày đăng: 29/08/2019 10:31:24 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Riêng tặng cô Đoàn Kim Anh.

Xem trên Phây của Oanh Đoàn. Cựu học sinh trường Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long, bài : Hè Đã Hết….. Giã từ những ngày tháng vui chơi, xác phượng, tiếng ve, những trò chơi, những chốn tham quan, trời cao biển rộng Rồi đây, tối là thấy sách vở, sáng là thấy cổng trường..
Những dòng viết cho “Hè đã hết”không riêng học sinh, thầy cô giáo mà cho cả những bậc phụ huynh từng nghỉ hè theo cháu con và cùng trở lại trường cùng con cháu
Mình nói vậy có đúng không các bạn, còn mình là vậy đó!! Oanh Đoàn.

Trong số các bản nhạc viết về Hè, về Phượng như : Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Phượng buồn, Ngày tạm biệt… tôi thích nhất là bản : Ngày tạm biệt của Lam Phương, vì các bản nhạc khác viết là chia tay… nhưng chỉ chia tay 90 ngày thôi, rồi gặp lại, tiếp tục học hành… còn Ngày tạm biệt là chia tay luôn, rồi vào đời, mỗi người mỗi hướng đi…không chắc gì sẽ gặp lại…

Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau 
bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao, 
Lời vui thắm thiết đưa trao như khi mới gặp nhau; 
Nhưng anh ơi ngày mai ta cách xa : 
Anh kinh đô tôi phải về miền xa, 
Biệt ly ai khéo gieo chi lên bao mái đầu xanh ! …………..

Nữ cựu học sinh, sau này là cô giáo viết về Hè đã hết , bài viết nhẹ nhàng, làm người ta hồi tưởng ngay đến thời còn đi học, nhất là nhắc lại bài Tôi đi học của Thanh Tịnh…bài này tôi cũng được cô Tuyết, dạy Văn, năm đệ Thất cho học ( cô Tuyết hiện còn sống, đã yếu).

Nay cũng gần thất thập cổ lai hy, chuyện đời từng nếm…buồn nhiều hơn vui…nhưng khi có dịp họp mặt lại các bạn học, đọc những bài văn, bài thơ nhắc lại kỷ niệm tuổi học trò…là nỗi buồn tạm lánh…

Thời ấy, kể từ 1965 – 1975, chiến tranh vô cùng ác liệt, nhất là cái Tết năm Mậu Thân…các học sinh nữ thì không sao, cứ học, cứ hẹn hò, cứ làm thơ…ở lại lớp hay thi rớt..cũng không sao…học tiếp. Riêng số học sinh nam thì áp lực nặng nề….Mỗi năm đều phải lên lớp, thi là phải đậu…vì rớt là phải nhập ngũ, là quân trường gọi ngay…bản thân phải lo, cả cha mẹ cũng rất lo…có ai muốn con em của mình ra chiến trận đâu….

Còn nhớ kỳ thi Tú Tài 1 niên khóa 1968-1969, số thí sinh bị đánh rớt tỉ lệ cao nhất, Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc thời ấy hứa xem xét sẽ vớt điểm, nhưng không có, theo các báo đối lập là chính phủ cần thêm lính phục vụ cho chiến trường….

Rớt Tú Tài, anh đi Trung Sĩ.
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
Chừng nào xong việc nước non.
Anh về, anh có Mỹ con …anh bồng…

Câu ca dao thời đại nầy rất là thực tế và cũng rất đau lòng…Khi anh chàng thi rớt, đi khóa Đồng Đế…thì chuyện hẹn hò ngày xưa xem như gió thoảng mây bay…nàng còn đi học, thì nàng phải
mơ lấy người bạn đời phải là những bác sĩ, kỹ sư, còn chiến binh phải mai vàng, mai trắng….

Cuộc chiến đã qua hơn 40 năm, bạn học trước năm 1975 đều có mặt ở 2 chiến tuyến, may sao chúng không chết, sau gặp lại cùng họp mặt, cùng cởi áo uống rượu chung…chuyện gì qua…cho qua vậy…

Năm nay, thằng cháu ngoại vừa lên lớp 10, nhớ lại cũng năm ấy, mình cũng học lớp 10 (Đệ Tam) mà sao nhiều lo toan quá…

Nghe Võ Phước Triệu (người bạn thân) kể lại, năm học Đệ Nhất C, thầy dạy môn Triết, cho thuyết trình trong lớp, đề tài : Suy nghĩ của thanh niên trong hiện tình đất nước…

Triệu nói : Hiện nay, các thầy cô là những cái máy phát, còn học trò là những máy thu, hai loại máy hoạt động đều đặn suốt 1 niên học, sản xuất ra được các tờ giấy xanh xanh, đỏ đỏ…mà người ta gọi đó là “Bằng Cấp”, với cái Bằng cấp này, con trai thì được hoãn dịch (chưa ra trận tuyến) 1 năm, còn con gái thì khi về nhà chồng, được sự nễ vì……

Thời chiến, thời loạn lạc cái sự học năm xưa lại có nhiều kỷ niệm vui và hay, ngày nay xem báo, xem đài, xem mạng thấy cái học ngày nay sao tệ quá…mua bán bằng cấp, kể cả bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…nhất là thấy anh Phùng Xuân Nhạ là ngày đó nuốt cơm không trôi…kiếm mối nhậu…vậy ….

29/08/2019

Trịnh Kim Thuấn

H1

 

H2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác