Nửa đêm ngoài phố

Ngày đăng: 16/06/2019 11:00:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Bây giờ, “Nửa đêm ngoài phố” có còn không? Người ngay không dám đi nửa đêm ngoài phố vì sợ nhiều thứ lắm, sợ hết hồn, và vì an ninh bản thân không được bảo đảm. Cái thời mà Trúc Phương viết “Nửa đêm ngoài phố” là thời chiến tranh, ấy vậy mà lòng người miền Nam vẫn cứ nghe nhạc hòa bình. Nửa đêm ra phố để có một mối tình đẹp: “Đường phố vắng đêm nao quen một người mà yêu thương trót trao nhau trọn lời” (Nửa đêm ngoài phố). Bình Tuy-Lagi, một thời tôi yêu mảnh đất vô ngần. Nửa đêm ngoài phố vẫn là những bước chân âm thầm và lặng lẽ dù thời bấy giờ đèn đường không đủ sáng, phố không đủ rộng, đường không đủ dài… Nửa đêm đi ngoài phố chợ nghe đạn nổ nơi xa, vẫn cảm thấy bình yên chi lạ!

Bây giờ tôi viết “Nửa đêm ngoài phố” là vì tôi nhớ Bình Tuy, một nỗi nhớ thời gian, mù khơi một thời quá khứ, xa vời những thương yêu, đầy vơi với những hẹn hò thâu đêm, những câu chuyện tình của những đêm co ro vì lạnh, bàn tay tôi nắm tay em không làm em đủ ấm, tóc em dính đầy hơi nước biển phả nhẹ vào mặt tôi, những đêm gió bấc lùa về, sát bên nhau im lặng mà đi, vì nói sao cũng không vừa!
“Nửa đêm ngoài phố”, tên một bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương mang giai điệu Boléro, một thời đã làm rung động biết bao con tim, và cho đến hôm nay người ta có dịp hát và nghe lại nhạc phẩm này vẫn thấy nó không lạc lõng trong thời đại yêu cuồng sống vội:
Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời:
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…

Nhạc sĩ Trúc Phương, ông hoàng Boléro qua đời vào ngày 18.9.1995 tại Sài Gòn. Anh tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh năm 1932 tại Trà Vinh. Cái chết của anh đã gây xúc động cho nhiều người, nhất là giới nghệ sĩ cùng thời với anh (phần đông sống ở hải ngoại), và đặc biệt ca sĩ Thanh Thúy, người một thời đã làm người nghe “chết mê chết mệt” với những tình khúc mang giai điệu Boléro của anh. Có thể nói ở đâu có ca sĩ Thanh Thúy thì ở đó nhạc Trúc Phương!
Trong bài viết tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương trong tạp chí “Thế giới nghệ sĩ” phát hành tháng 02.1996 tại hải ngoại, ca sĩ Thanh Thúy đã viết: “Tin anh qua đời đến với tôi khá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này… Tôi đã mất anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa anh và tôi, cùng bao nhiêu lời ca tôi đã thuộc nằm lòng…”.
Có một điều mà người nghe nhạc Boléro của Trúc Phương vẫn thường tự hỏi: ca sĩ Thanh Thúy đã làm nên tên tuổi Trúc Phương hay nhạc Trúc Phương làm nên tên tuổi Thanh Thúy?.
Sau khi nhạc sĩ Trúc Phương qua đời, nhiều bài báo đã viết về anh, nhưng có một điều là người viết đã quên hoặc không biết, đó là: nhạc sĩ Trúc Phương đã ở tỉnh Bình Tuy một thời gian khá lâu (nay là huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận). Người ta không biết đích xác ông đến và đi khỏi Bình Tuy từ năm nào, nhưng từ năm 1959 đến 1963, Trúc Phương là nhạc sĩ, kịch sĩ trong đoàn văn công của Nha công tác miền Thượng trình diễn tại Bình Tuy. Và chính nơi Bình Tuy này có núi, sông, biển, có khu Rừng lá “một thời oanh liệt” đã hợp “phong thổ” để anh viết nên những ca khúc “chính hiệu con nai vàng Boléro” làm say mê hàng triệu thính giả “miệt vườn” lẫn học sinh, sinh viên và cả giới trí thức thời bấy giờ!
Ông ra đi, nhưng để lại cho Bình Tuy một tuyệt phẩm, mà ông đã trút hết nỗi lòng cùng những tình cảm đặc biệt mà ông đã dành cho Bình Tuy, trong giai điệu Rumba Boléro:
Đây Bình Tuy nước mặn về muôn hướng
Bên đại dương sóng dâng tình muôn phương
Dưới ánh nắng mai tiếng hát của dân chài
Nhịp nhàng êm ái…
Đây Bình Tuy mấy mùa trăng vương vấn…

(Đường về Bình Tuy – Trúc Phương)
Bình Tuy, cái tỉnh lẻ “đi dăm ba phút lại về chỗ cũ…” ấy, vậy mà cũng đã sản sinh được những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, đạo diễn, M.C: Lê Phương Chi, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Ngọc Thuần, Võ Thiện Thanh, Hồng Ngân, Đỗ Thụy… và Trúc Phương. Dù không phải là dân Bình Tuy, nhưng Trúc Phương cũng đã một thời “… Yêu Bình Tuy mấy mùa trăng vương vấn…” (nhạc phẩm Đường về Bình Tuy). “Mấy mùa trăng vương vấn” ấy, có phải Trúc Phương đã có nhiều kỷ niệm ở trường Trung học Bình Tuy với bạn bè yêu thương mà trong đó có Ch. cô nữ sinh có đôi mắt đẹp và buồn, hiện bán nồi cháo lòng nho nhỏ ở chợ Lagi?
Trúc Phương, người nhạc sĩ nhuần nhuyễn Boléro, một vũ điệu dân gian của Tây Ban Nha, và anh đã biến nó thành một thứ Boléro Việt Nam, đơn giản chỉ chách/ chách… chách… bùm bum… Anh là một nhạc sĩ “Bémol tình buồn”, vì hầu như anh thường sử dụng Bémol (giáng), âm giai thứ (gamme mineur) và bài hát nào cũng cho ta cảm giác “buồn vào hồn không tên”.
Điều đặc biệt, Trúc Phương có tám bản nhạc nổi tiếng, chia đều bốn bài chiều và bốn bài đêm: Chiều làng em, Đò chiều, Chiều cuối tuần, Bóng nhỏ đường chiều. Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm, Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố.
Hết chiều lại đến đêm. Cuộc đời lang bạc của Trúc Phương đã mang đến cho anh nhiều thất bại về tình và tiền. Vốn không phải “đẹp trai” và lại nghèo, cuộc đời anh khá vất vả trên đường mưu sinh. Anh không thể sống bằng nhạc, nhưng chính nhạc lại làm nên tên tuổi anh.
Giữa năm 1960, bỗng dưng người dân người nghe đón nhận nồng nhiệt nhạc phẩm “Nửa đêm ngoài phố” trong giai điệu Boléro, và đây là nhạc phẩm đưa tên tuổi Trúc Phương vào hàng “Top”, đẩy Boléro như một thương hiệu thời trang lúc bấy giờ. Nắm bắt thời cơ này, “cô Tư” tên thường gọi của ca sĩ Thanh Thúy đã thâu “Nửa đêm ngoài phố” vào dĩa ASIA do bà Phạm Thị Mỹ sản xuất.
“Nửa đêm ngoài phố” ra đời hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi lần nghe lại vẫn cảm thương cho Trúc Phương, một nhạc sĩ mang nỗi bâng khuâng của cuộc đời: “…Đời còn nhiều bâng khuâng, có ai vì thương góp nhặt tâm tình này, gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi”. (Nửa đêm ngoài phố).
Bài nhạc còn đó, nhưng sự lãng mạn của nửa đêm ngoài phố đã mất, rất tiếc nó không mất trong chiến tranh mà mất trong hòa bình, thế mới đau!

TRAN HUU NGU
(Một sáng chủ nhật bâng khuâng)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác