NHÀ VĂN DƯƠNG HÀ VÀ “BÊN DÒNG SÔNG TRẸM”
Tôi qua phà Thủ Thiêm. Nhìn sông Saigon rộng lớn vỗ sóng bên mạn phà, tôi liên tưởng đến tên một con sông của cuốn truyện vừa mới xem. Sông Trèm Trẹm ở Cà Mau chia vùng U Minh thành hai miền U Minh Thượng và U Minh Hạ. Dòng sông chảy qua huyện An Minh (Kiên Giang) và Thới Bình (Cà Mau) đã trở thành nổi tiếng khi nó được đặt tựa cho một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Dương Hà: Bên Dòng Sông Trẹm. Tôi đang trên đường đến thăm nhà văn. Trước kia ông ở đường Cao Thắng- quận 3, nay dọn về Thủ Thiêm- quận 2 ở cùng với một người con gái. Con đi làm suốt ngày. Thủ Thiêm còn vắng vẻ, ít hàng quán, chợ búa nên thỉnh thoảng ông phải vào nội thành mua thức ăn về dự trữ. Một mình trong căn nhà rộng rãi, buồn quá nên ông ra quán nước gần đó. Điểm tâm xong, với ly bia trước mặt, ông thường ngồi đấy luôn từ sáng đến chiều tối mới về. Ngày nào cũng đều đặn, giống nhau như vậy.
Mặc dù bữa rượu hôm trước còn ngầy ngật nhưng ông vẫn nhất định kéo mọi người ra ngoài. Ông cười nói: Ngồi quán mới khí thế…
Nhà văn Dương Hà tên thật Dương Văn Chánh, sinh năm 1934 tại Bạc Liêu, đáng lẽ học ở Cần Thơ, ông bỏ quê lên Saigon sống. Ông là bạn đồng môn với nhà văn Ngọc Linh, Hoàng Hải Thủy, Phượng Hải ở trường Tân Thanh. Lúc bấy giờ Tân Thanh có hai chi nhánh. Một trường nằm trên đường Phạm Hồng Thái do kỹ sư Phan Út làm hiệu trưởng, trường kia nằm ở cư xá Đô Thành do ông Thái Sanh Khương đứng đầu nơi nhà thơ Trần Tuấn Kiệt theo học.
Ở thành phố một thời gian ngắn, ông bắt đầu thử sức vào nghiệp văn rất sớm. Từ năm mới mười mấy tuổi, ông đã gửi truyện ngắn cho báo Tin Điển của Nguyễn Dân.
Sau đó vào năm 1952, ông làm thư ký toà soạn cho tờ Mạch Sống, Nhân Loại. Rồi chuyển qua thử viết phóng sự gửi cho tờ Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc.
Khoảng 1953 – 1954, ông chuyển qua cộng tác với Saigon Mới. Bắt đầu công việc của một phóng viên quèn, ông chạy lui tới bệnh viện, tòa án, cò bót… để lượm lặt đủ loại tin cung cấp cho mục Từ thành Ra tỉnh. Tuy nhiên, bà Bút Trà rất biết nhìn người, sau này bà không giao cho ông chạy phóng sự nữa mà chỉ chuyên viết tiểu thuyết hàng ngày thôi. Ông rất hợp với cái “e” của bà Bút Trà. Dần dần, giã từ luôn công việc phóng viên chuyên đi lấy tin vặt, nhà văn Dương Hà chỉ chuyên tâm vào lãnh vực tiểu thuyết. Mọi việc trở nên dễ dàng với ông. Khoảng 1955 – 57, cùng lúc làm các phụ trang Điện Ảnh, Tân Nhạc, Kịch Trường, Sân Khấu…, ông viết feuilleton đầu tiên cho báo Saigon Mới, sau đó cùng lúc viết cho các tờ Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Thẩm Mỹ…
Truyện hàng ngày hấp dẫn, phù hợp với độc giả phụ nữ của báo. Loại tiểu thuyết này lôi kéo lượng độc giả tăng hẳn lên, nhờ thế báo bán rất chạy. Ông bắt đầu nổi tiếng nhà văn viết feuilleton ăn khách. Cứ vừa đăng hết truyện trên báo là ông cho ra sách ngay. Truyện đã lôi cuốn trên nhật báo nên khi in thành sách tiêu thụ rất nhanh. Những cuốn này về sau đều được tái bản nhiều lần.
Làm phóng viên phải chạy lấy tin nhưng viết tiểu thuyết chỉ cần nằm nhà. Ông thuê phòng ở khách sạn Đại Nam, ngồi viết miệt mài suốt ngày. Đến giờ, thợ sắp chữ các báo đến tận khách sạn lấy bản thảo của ông.
Sau thời kỳ Hồ Biểu Chánh là Lê Minh Hoàng Thái Sơn… Ngọc Sơn rồi đến giai đoạn tung hoành của thể loại tiểu thuyết tình cảm tâm lý xã hội feuilleton mà tiêu biểu là nhà văn Dương Hà, Trọng Nguyên, bà Tùng Long, bà Lan Phương…
Với giọng văn rặt Nam bộ, tiểu thuyết của ông rất được ưa thích. Ông lồng những câu chuyện tình yêu muôn đời vào bối cảnh thực tế. Khung cảnh, địa danh trong truyện đều có thật, ai cũng biết. Đó là màu đỏ quạch đặc biệt của nước sông Trèm Trẹm vào mùa mưa, hàng dừa nước ven kênh rạch, chiếc tam bản thương hồ ngược xuôi trên kinh Xã Thoàn, kinh Phó Sinh… Ngoài ra còn cảnh giã gạo, xay lúa, chèo thuyền… là những sinh hoạt ngày thường quen thuộc.
Vì thế khi đọc truyện, độc giả cảm thấy do địa danh có thực, trong bối cảnh với tình tiết thật mà ai nấy từng nghe đến, đi qua, thậm chí ở ngay đó. Những ngang trái, éo le, vì thế trở nên gần gũi, đời thường hơn. Câu truyện hư cấu dường như cũng biến thành chuyện thật xảy ra quanh quất. Tới nỗi ngay cả độc giả cũng có người tin nó từng xảy ra ở địa phương của mình.
Theo như cách viết tiểu thuyết bấy giờ, giống như Hồ Biểu Chánh, Lê văn Trương… nội dung truyện Dương Hà bao giờ cũng là những mối tình trắc trở, trong chiến tranh ác liệt, đạo lý cổ xưa vẫn được giữ gìn. Kẻ ác bị đền tội, người hiền lành nếu không nhận một kết cục có hậu thì đổi lại cũng được sự thông cảm, yêu mến của độc giả do nhân nghĩa luôn được đề cao.
Khi ấy thời kỳ hoàng kim của tiểu thuyết Dương Hà. Lúc đó, ông kết bạn thân với Hoàng Hải Thủy, Thanh Nam, Hoàng Anh Tuấn… Chủ nghĩa hiện sinh chỉ sau này mới xuất hiện với các nhân vật nổi loạn nằm trong một dòng văn học mới mẻ mang tên một loạt các tác giả mới.
Tác phẩm đầu tiên ra đời của ông là tập truyện ngắn có tên Bên Song Cửa. Sau này ông in sách ồ ạt. Tổng số đầu sách có đến năm, sáu chục quyển: Anh Ơi Đừng Yêu Em, Đứa Con Rơi, Em Vẫn Chờ Đợi Anh… Theo thời gian, sách bị mất, thất lạc, bị đốt cháy… nay chỉ còn sót giữ được độ bốn, năm quyển. May mắn trong đó có Bên Dòng Sông Trẹm.
Thật ra, đây không phải là cuốn tiểu thuyết ông thích nhất nhưng lại được độc giả ưa chuộng nhất. Khi nhắc đến tên Dương Hà là phải nhắc đến tác phẩm này. Đến nỗi rất nhiều người biết tiếng cuốn truyện dù chưa từng đọc qua.
Bên Dòng Sông Trẹm kể về mối tình trắc trở nhưng đẹp đẽ, đầy hy sinh cao quý giữa hai nhân vật chính là chàng điền chủ trẻ tuổi Triệu Vỹ và cô thôn nữ Mỹ Lan. Cuốn truyện phổ biến tới nỗi nhiều lần được đưa lên sân khấu kịch và cải lương. Hiện có hãng phim cũng đang muốn chuyển thể kịch bản dựng thành phim sau thành công của một số tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
Song song với việc viết feuilleton, ông còn ra báo. Đó là các tờ Miền Nam, Sống Mới, Diễn Đàn… nhất là nhật báo Dân và tuần báo Phụ Nữ Đẹp rất ăn khách. Vừa nhà xuất bản, vừa nhà in Đẹp, ông làm không xuể, lại cho ra nhà xuất bản Kim Lệ in sách của Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Nguyên Vũ… Nhà văn bản tính xuề xòa, công việc điều hành báo chí và nhà xuất bản chủ yếu do vợ ông trông nom. Bà quản lý giỏi nên nhà xuất bản phát triển mạnh mẽ. Vì thế ngoài lúc viết lách, ông dành thời gian chỉ rong chơi cùng bạn bè.
Vừa uống ngụm bia, ông lại nhấp ly rượu. Một vại bia và một ly rượu để trước mặt, ông uống xen kẽ tới lúc cả hai cùng cạn. Nhà tận ngoại ô, khó gặp bạn bè. Một bữa điểm tâm ngoài quán, một bữa tối sơ sài ở nhà, ông cứ mỗi ngày một mình đóng đô ngoài quán. Nhìn mông lung ra đằng trước quán, đám rau muống xanh biếc phủ dày mặt ao, ngoài xa xe cộ qua lại thưa thớt, ông than thở bạn già người mất hết, kẻ đi xa chẳng còn ai, độc ẩm mãi thật chán. Khi tôi hỏi còn viết tiểu thuyết nữa không, ông lắc đầu cười xòa:
– Tiểu thuyết gì nữa. Gác bút rồi. Bây giờ chỉ muốn viết hồi ký thôi.
Quả là ngay từ sát năm 75, ông đã bớt viết truyện mà chỉ in lại các tác phẩm cũ. Ông sống quá nhiều, kinh nghiệm, hiểu biết quá dày cho một cuốn hồi ký có thể ra đời. Nhưng rồi ông chỉ vào ly rượu trước mặt, lắc đầu nói ngay:
– Muốn viết lắm nhưng mắc cái này làm sao viết nổi!
Không phải bây giờ mới uống. Từ xưa vốn là người thích la cà, ông có thể ngồi uống với bạn bè cả ngày, cả buổi được. Một cuốn hồi ký chắc chắn rất hấp dẫn nhưng thật khó để thực hiện khi tuổi già đã nhấm nháp nỗi cô đơn vào men rượu.
Chỉ còn cuốn Bên Dòng Sông Trẹm mới tái bản nằm trước mặt ông. Đứa con yêu quý của đời văn sẽ còn lại mãi mãi với đời…
bài và ảnh Nguyễn thị Hàm Anh
Lần đi Cà Mau cách nay mấy năm, đoàn có vài mươi người thuộc Hội VHNT Bến Tre. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đi theo đoàn đến một số nơi, tôi cố nhìn dòng sông Trẹm nước đỏ lững lờ… nhớ “Bên Giòng Sông Trẹm, Đứa Con Rơi” từ hồi tuổi nhỏ lúc đó chưa biết tác giả Dương Hà là ai. Nay thấy hình ông vẫn khỏe, chúc mửng.