NGUYỄN BẠCH DƯƠNG và TÔI

Ngày đăng: 7/12/2017 09:13:57 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Tôi biết NB Dương từ rất lâu nhưng đến sau 75 mới có dịp gặp và thân nhau như đôi bạn. Anh lấy bút hiệu mới: Lê Trung Hiệp, là thư ký toà soạn của tạp chí Cửu Long. Trong chuyến về Trà Vinh, anh đi tìm những anh em ” viết cũ” để tâm sự và mong muốn anh em viết lại sau một thời.. quên viết. Tôi là một trong những người đó.
Cái khó của chúng tôi là tự thấy mình lạc nhịp, càng cố thì càng thất bại! Sau hơn 5 năm bỏ viết, viết lại nó.. sao sao ấy. Thơ dở òm! Lòng tự trọng không cho phép, nên việc gửi bài đăng báo là không thể. Anh lại xuống Trà Vinh, mang theo sách báo để anh em đọc, làm quen, và tâm sự. Vậy là chúng tôi lần lượt xuất hiện, chập chửng… đến hôm nay. Anh như một sứ giả, truyền rao, nhóm lại bếp lửa văn chương từ tàn tro nguội lạnh. Từ anh, tôi biết thêm những anh em khác, trong đó có Lương Minh ( Lúc đó LM chưa vào nghề báo).
Phải nói gia đình NBD quá nghèo. Tôi từng ăn, ngủ trong căn nhà thuê mướn của gia đình anh, với ba con gái, bên dòng kênh mang cái tên ám ảnh: Kinh Cụt. Nghèo nhưng ăn mặc chỉn chu và sống với lòng tự trọng. Tôi nhớ có lần tôi và đứa em đi Đalat cùng gia đình chú ấy. Tôi rủ Nguyễn Bạch Dương cùng đi. Cùng ăn, thăm thú, ngủ nghỉ. Hôm cuối, lên xe về, Dương dành trả tiền cafe. Tôi để anh trả! Lên xe, anh nói với tôi: “Tôi thích ông, tôi có dịp được trả một lần, để gọi là!”  Chầu cafe ấy, tôi biết- với anh là không hề nhỏ. Mâm cơm nhà anh phải bớt đi cọng rau, con cá!
Và vợ anh : Chị Nở, trạc tuổi tôi, chu toàn con cái, vất vả. Sáng, tôi thức dậy, đã thấy thau nước để sẵn bên chiếc khăn mặt, dành cho khách, tươm tất. Ngày tôi cùng anh ra Kontum, quê chị, nơi chị về tá túc bên cha mẹ ruột, tôi biết anh em văn nghệ ngoài ấy: Tạ Văn Sĩ, Trần Quang Thiếu..
Ngày anh chuẩn bị vào phòng mổ, tôi điện thoại thăm hỏi. Ca mổ đình lại… Tôi hẹn lên Saigon thăm anh. Lúc này anh quá ốm, suy sụp đến tôi không nhìn ra. Đi đứng nhanh nhẹn, nói chuyện rõ, nhưng không hơn 30kg. Anh kể tôi nghe chuyện anh đã chết rồi sống lại, với niềm tin của một tín đồ Phật giáo
Rồi căn bệnh oan nghiệt ấy cũng mang anh đi xa, vĩnh viễn…
Nguyễn Bạch Dương, sinh năm 1943. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Mất lúc 2g30 ngày 11-12-2006 tại Saigon.
Nhân đến ngày giỗ anh, viết đôi dòng tưởng niệm. Mong anh tiếp tục an hưởng niềm vui nơi đất bạc non vàng. Ghi lại bài thơ của anh với tấm lòng mến mộ, thương tiếc bậc tài hoa…

LẶNG LẼ THỜI GIAN

Người đàn bà hỏi cành hoa:
– Có phải hoa đánh cắp nhan sắc nàng để rực rỡ
Hoa không đáp
Lăng lẽ thắm tươi
Lặng lẽ úa tàn

Người đàn bà hỏi vầng trăng
-Có phải trăng đã lấy đi sự tươi sáng trên gương mặt nàng
Trăng không nói
Lặng lẽ sáng
Lặng lẽ chìm vào đêm ba mươi

Người đàn bà hỏi bình minh
Phải chăng bình minh lấy trộm thời trẻ trung của nàng
Bình minh im lặng
Thong dong bước về xế trưa,
Thong dong chờ đêm ập xuống

Nàng thất vọng
Tìm người yêu
Chàng lặng lẽ
Quay về hướng khác
Bỏ rơi nàng
Giữa giả thật vờn quanh.

Nàng chợt hiểu
Rằng thời gian lặng lẽ
Đã lấy đi
Lặng lẽ
Cuộc đời nàng.
Nguyễn Bạch Dương
( trích 210 bài thơ tình hay nhất, nhiều,tác giả, trang 83, 84. NXB Đồng Nai, 1996

Travinh 6/12/2017
Hồng Băng

 

Có 2 bình luận về NGUYỄN BẠCH DƯƠNG và TÔI

  1. My Nguyen nói:

    Bài viết của anh Hồng Băng đã cho chúng ta hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Bạch Dương. Qua đó cũng học tập được nhân cách sống của con người, của những người yêu văn thơ, nghệ thuật…đã cư xử với nhau thật ấm tình, chẳng khác nào ruột thịt. Nhân ngày giỗ của anh, tôi xin thắp một nén nhang lòng tưởng nhớ.

  2. Luong Minh nói:

    Tôi không nói về tài năng của Lê Trung Hiệp, nhưng tôi biết anh vào làng văn khá sớm trước năm 1975 với bút danh Lê Thị Tư, đăng ở tạp chí Văn của Nguyễn đình Vượng. Do vậy mà bạn văn với anh như Ngô Nguyên Nghiễm, Hồ Duy, Nguyễn Thanh Xuân, Võ Chân Cửu, đều có mối thâm tình. Bạn văn nghệ nào hoạt động trước 75, chưa quen với môi trường mới anh đều tìm đến động viên kêu gửi bài hoặc giới thiệu với các báo bạn như Tô Nhược Châu (bến Tre).

    Thời điểm này, Kiến Thức Ngày nay là tờ tạp chí  bán chạy nhất, in đẹp và nhuận bút cao, ấy vậy mà năm nào tờ báo xuân KTNN cũng có bài thơ của Nguyễn Bạch Dương. Tôi hỏi bí quyết vì sao, tháng 11 gửi bài rồi , làm sao thơ có hơi xuân. Anh nói tết năm nay làm sẳn để năm sau gửi đăng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác