Đình Hồi Long ở Tân An Luông

Ngày đăng: 25/12/2015 08:50:08 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

Xã Tân An Luông có một ngôi đình tọa lạc tại Gò Ân cách chợ khoảng hai cây số tên là Hồi Long. Tôi không biết ngôi đình được xây vào năm nào. Hồi tôi còn nhỏ lắm, có thể khoảng năm 1957 hay 1958, có một lần đến  sân vận động khá lớn ở gần đình, chứ chưa bao giờ vào đình. Đó là ngày 26 tháng 10, tổ chức những cuộc tranh tài tại sân vận động, ba tôi là cầu thủ trong đội bóng chuyền của xã. Chú tôi dẫn tôi đi xem đội bóng chuyền của ba tôi tranh tài. Tôi chỉ nhớ mang máng vậy thôi. Ngày 26 tháng 10 khoảng năm 1960 tổ chức những trò chơi tại công sở của xã. Thi chạy từ đầu cầu Cầu Mới  xuống Quang Phú. Trò chơi đi trên cầu bằng tre bắc ra sông, thân tre thoa dầu mỡ cho thật trơn, thi đua trong một buổi chẳng thấy ai đi đến đoạn cuối cầu. Ngay cửa vào công sở chưng một cây ớt thật to đầy trái chín đỏ làm bằng bột. Còn nhớ chú tám Chung đóng một vai trong một vở kịch. Nguyễn Gương chắc không biết chú tám Chung. Chú tám Chung là anh vợ của Út Mad, chắc Nguyễn Gương biết Út Mad. Út Mad là anh chồng của cô giáo Tiên dạy ở Cầu Mới.
Năm đó cũng có cuộc đua xe đạp từ Sài Gòn xuống Trà Vinh, khi chạy ngang Cầu Mới, nghe mọi người reo lên, người mặc áo vàng là Ngô Thành Liêm. Hôm đó không nghe ai nhắc đến Nguyễn văn Châu.
Những năm sau này đường bộ từ chợ đi đến đình không được thông. Không biết từ bao từ bao giờ, mỗi năm ông hai Nàm đại diện bà con quanh chợ tổ chức cúng đình thần tại nhà lồng chợ Cầu Mới. Ngày đó dưới đình cũng có cúng, thường do bác Năm Trung chủ nhà máy chà gạo tài trợ. Bà con quanh chợ rất tôn kính đình thầnTân an Luông. Có một việc nghi oan nào đó, người bị nghi oan đưa tay lên thề với ông thần  Tân an Luông, coi như sự nghi kỵ đó được giải tỏa. Suốt những năm chiến tranh chưa bao giờ có trái đạn nào rơi vào chợ Tân an Luông, do đó người trong chợ càng tin tưởng vào sự che chở của đình Thần. Trong công sở xã Tân an Luông cũng có thờ bài vị của đình Thần. Từ đầu cho đến cuối cuộc chiến chỉ có một trái đạn rơi gần công sở, làm bị thương trung úy Cổ Thượng Tân. Người y tá kể lại, Cổ Thượng Tân bị thương không nặng, nhưng la hét suốt đêm, gần sáng chưa kịp tải thương thì đã trút hơi thở cuối cùng. Năm 1974 là lần cúng đình cuối cùng. Năm đó rất may tôi về ngay dịp cúng đình Thần. Ông hai Nàm giao tôi một số tiền, nhờ đi đặt bánh bò của bà Tư. Ông đưa nhiều tiền lắm, ông nói tiền dư cho hết bà Tư, bà nghèo lắm. Sau này nhớ lại chuyện này tôi tự trách, đến thấy bà Tư thật nghèo và ở một mình. Lúc đó trong túi tôi có khá nhiều tiền, sao không cho bà Tư thêm.
Ngày cúng đình Thần thật vui, tất cả bà con trong khu chợ cùng nhau như một đại gia đình, mỗi người một việc lo cúng kiến chung. Phần tôi chạy xuống tiệm đồ gốm bác ba Đây, tự nhiên lấy chén tô tộ đũa muỗng lau chùi sạch đem đến những chiếc bàn đặt dài trong nhà lồng chợ. Ăn xong, tự nhiên vào mấy tiệm hàng xén lấy xà bông, cùng đem chén tô tộ xuống bến chợ  rửa, lau khô đem trả lại cho bác ba Đây.
Gần bốn mươi năm sau, em Thành con bác chín Cốm đại diện cho thế hệ sau đến ủy ban xã xin phép cúng đình thần tại nhà lồng chợ. Ủy ban chấp thuận, em Thành xuống đình xin phép tổ chức buổi cúng đình tại nhà lồng chợ cũng nhộn nhịp như ngày xưa, những người ngày xưa đa số đã ra người thiên cổ. Chỉ còn lại một vài người như bác tư Hồng Phát, mẹ của Nguyễn Gương. .  Sau khi cúng, mọi người cùng đưa ra ý kiến, nhờ em Thành đại diện những người trong khu chợ tiếp tục cúng đình thần mỗi năm. Em Thành trả lời, chưa biết sang năm Thành có cúng được không. Chưa đến ngày cúng đình thần năm sau, em Thành vĩnh viễn ra đi.
Còn mấy hôm nữa đến ngày cúng đình. Nguyễn Gương đến đình “viết bài phóng sự” được không?

Hoàng Hưng, ảnh Nguyễn Gương

dinh 3h1

dinh 2h2

dinh 1h3

h4

h5

h6

Có 5 bình luận về Đình Hồi Long ở Tân An Luông

  1. Phan Lương nói:

    Hi hi

    Anh nhắc em nhớ lại , năm cúng đình 74 đó em mới vào lớp 6 ,khi đó có chú Tám Răng ( hay Găng gì đó ) hát bội nửa,chú ấy hát bội hay lắm ,hát tuồng Chung Vô Diệm thật hay

    Bây giờ chú ấy còn không nhỉ ?

    • Hoàng Hưng nói:

      Chú hát bội là chú 2 Răng. 8 Răng là em cô giáo Nhuyển và là anh của thầy 10 dạy ở trường Tân an Luông.  Sau 75 chú 2 Răng trở về quê miệt Trà Vinh.

  2. NGUYỄN VĂN GƯƠNG nói:

    Anh Hòang Hưng kể chuyện Tân An Luông bị pháo kích có một chi tiết chưa nói: Khỏang năm 196o mươi mấy  ( Trước Mậu Thân )  Có đêm bên ngòai pháo vào 2 quả pháo 61 ly trúng chợ.

    + Trái thứ nhất rơi bên dãy nhà Bà Mười bán gạo (  dãy Hà Vinh ).

    + Trái thứ hai rơi bên nhà Chín Năm Hưng.

    Cả hai trái  đều bị  ” tịt ngòi ” không nổ. Thế mới  là lạ….

    Nguyễn Gương nói.

    • Hoàng Hưng nói:

      Nhà cô 9 ở trên con đường từ lộ đi vô chợ, cách lộ xe khoảng 20m. Một buổi tối cô 9 ra đóng cửa, một trái đạn rớt cách cô 9 khoảng 3m, nhưng không nổ.  Khoảng năm 68 hay 69 tại một vùng ở Sa Đéc, một trái đạn bay ngang một người, rớt phía trước mặt người ấy khoảng vài mét, không nổ. Người ấy reo lên, may quá tịt ngồi rồi. Người ấy nhìn trước mặt thấy một cánh tay. Người ấy nhìn chung quanh tìm và hỏi, đứa tay của đứa nào vậy, đứa nào bị thương vậy. Người trung úy đứng gần mếu máo, tay của đại úy đó. Người đó nhìn xuống tay mình, không còn nữa. Trái B40 đi nhanh quá, hệ thần kinh chưa làm việc kịp.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    3 nhà văn chòm xóm nói chuyện rôm rả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác