VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM.
Vào lúc 9 giờ ngày 01/9/2024, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp,Tp.HCM), CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Văn học Đô thị miền Nam”. Đã có 23 người tham dự, đặc biệt có sự hiện diện của GS Đoàn Lê Giang, PGS.Ts Phạm Thị Phương và Ts Bùi Trân Phượng.
Cùng với những tác phẩm, tuyển tập của các nhà văn, nhà lý luận – phê bình về Văn học đô thị miền Nam được trưng bày và qua màn hình trình chiếu là Ấn phẩm định kỳ số 137 với các bài viết giúp bạn đọc hiểu biết thêm về văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975:
MỖI SỐ 1 CHÂN DUNG: Nhìn lại một nền văn học (Lê Hoài Nguyên) – Văn học đô thị miền Nam (Thụy Khuê) – Văn học miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 (Huỳnh Như Phương) – Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam (Mai Anh Tuấn) – Hai mươi năm văn học miền Nam và các giải thưởng văn chương (Nguyễn Mạnh Trinh) – Văn học miền Nam trước 1975 (Võ Xuân Tòng).
NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN: Nguyễn Huy Tưởng: “Đất Nam kỳ là đất tiểu thuyết” (Xuân Xuân Vũ).
TRÊN GIÁ SÁCH CỦA CHÚNG TÔI: Bình Nguyên Lộc cùng Thanh Nam – Những cặp vợ chồng nhà văn. – Thanh Tâm Tuyền tôn Vũ Hoàng Chương là vua thơ – Nghề kiếm sống của các nhà văn – Mai Thảo đặt tay chỗ nào.
Mở đầu nội dung tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường (CN PTC) giới thiệu đến cử tọa vài nét về tình hình nghiên cứu, xuất bản Văn học đô thị miền Nam (VHMN) trong lĩnh vực sáng tác, phê bình, khảo cứu, dịch thuật qua bài viết của các nhà lý luận – phê bình văn học hiện nay: Đặc điểm chính của nền VHMN từ 1954 đến 1975, là đã thoát khỏi văn học thế kỷ XIX lãng mạn tiền chiến. Nhiểu nhà văn đã tìm cách xây dựng tư tưởng trên nền triết học hiện đại, đưa con người về hướng tìm hiểu chính mình. Giới trí thức, học sinh, sinh viên có thể tìm đến các loại sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê, sách truyện của Phan Du, Võ Hồng, Võ Phiến… Người bình dân miền Nam thích đọc nhật báo và các loại truyện của Ngọc Linh, Ngọc Sơn, An Khê, bà Tùng Long… Sách cho thiếu nhi từ đầu thập niên 60 phát triển rất nhanh về số lượng lẫn đề tài và hình thức thể hiện. Ngoài những tác phẩm đề cao lòng nhân ái, giá trị đạo đức con người của Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Minh Quân… hàng loạt tác phẩm của tủ sách Tuổi Hoa gồm các loại Hoa xanh, Hoa đỏ, Hoa tím… in giấy khổ nhỏ, phổ biến cho đủ mọi lứa tuổi và các loại truyện tranh. Duyên Anh thành lập nhà xuất bản Tuổi Ngọc chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi và ông cũng là tác giả của nhiều truyện dành cho độc giả tuổi từ 13, 14 trở lên, lứa tuổi bắt đầu thích khẳng định cá tính, sự tự do, hứng thú phiêu lưu và cả những kiểu yêng hùng mới lạ… VHMN giai đoạn 1954-1975 đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo, dân chủ và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại. Những tác phẩm này sáng tác và xuất bản rất phong phú, đa dạng theo nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng, về nghệ thuật. Đó một nền văn học khá cởi mở qua việc tiếp nhận các nền văn hóa Đông, Tây và văn hóa Mỹ; tiếp nhận một cách khách quan, khoa học đối với giá trị của nhiều hiện tượng văn học, trong đó có tác phẩm của các nhà văn, thơ thời Tiền chiến và thời kháng chiến chống Pháp đang sống, làm việc ở miền Bắc. Việc đọc, thẩm định tác phẩm của nhiều gương mặt quan trọng làm nên diện mạo VHMN như: Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Tràng Thiên, Nguyễn Thị Thụy Vũ… Sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cùng tác phẩm Vòng tay học trò của bà được công chúng đón nhận nồng nhiệt cũng là một tín hiệu cho thấy sức sống của bộ phận văn học này trong đời sống văn học hôm nay. Bộ sách Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới của Nguyễn Q. Thắng xuất bản sau năm 1975 có đề cập tới 53 nhà văn, mỗi người được tác giả gắn cho một nhãn hiệu. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Trung là “nhà văn nhập cuộc”, Cao Xuân Hạo “nhà lập thuyết ngữ học”, Nguyễn Ngọc Lan “nhà văn Công giáo”…Một số sách xuất bản ở miền Nam trước 1975 nay đã được in lại, và càng ngày càng có một nhu cầu muốn tìm hiểu và phục hồi lại nền văn học đã mai một này. Sau 1975, Từ điển văn học bộ mới cũng được phép in một số mục từ về Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng…
Không khí tọa đàm rất sôi nổi, có phản biện, có chính kiến, có “trái kiến”:
Theo PGS. Đoàn Trọng Huy (PGS), sau năm 1975, văn học công khai miền Nam ít xuất hiện trước công chúng. Gần đây, việc in ấn lại một số tác phẩm thuộc nhiều thể loại từng được phổ biến ở miền Nam trước tháng 4.1975 đã tạo nên những điểm riêng biệt đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà. Giới trí thức thời nào cũng có những đại biểu cho tinh thần nhân bản, cho tinh hoa văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. PGS mong có một ngày, các nhà lý luận – phê bình sẽ làm một tổng hợp về VHMN, có tính hệ thống để việc nghiên cứu quy mô, bài bản hơn.
Nói về VHMN sau ngày thống nhất đất nước PGS Đoàn Lê Giang nhớ đến hiện tượng đốt sách qua chiến dịch Bài trừ Văn hóa Đồi trụy-Phản động. Theo ông, miền Nam rất phong phú về sách báo, từ sáng tác đến dịch thuật, từ chính luận đến phiếm luận. Người đọc đủ sáng suốt để lọc ra những gì với họ là tinh túy để giữ lại, hoặc giấu nếu cần. Sự trở lại của VHMN giai đoạn 1954 – 1975 ở lĩnh vực xuất bản trong những năm gần đây là một tất yếu sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nên tác phẩm nào tốt thì cần có sự thừa nhận, quảng bá…
Giáo sư Phạm Thị Phương, nghiên cứu bối cảnh VHMN bằng tác phong của người miền Bắc, theo GS thì VHMN từ hình thành đến phát triển trong tình hình chính trị, xã hội liên tục biến động, tạo nên những sắc thái khác nhau trong từng thởi kỳ. VHMN giai đoạn 1954 -1975, so với nền văn học cùng thời ở miền Bắc, có chỗ hơn cũng có chỗ kém; về sáng tác, miền Bắc không phong phú bằng miền Nam; về dịch, miền Bắc cũng ít hơn miền Nam. Nhờ sự nối kết với các trào lưu văn học và tư tưởng nước ngoài mà miền Nam đã xây dựng được một nền văn học đa dạng trong hoàn cảnh chiến tranh và bất ổn chính trị. Cô chia sẻ những tâm đắc khi lần đầu tiếp cận nhà văn Võ Phiến: văn hay, cách viết dí dỏm, nguyên tắc, cung cách có một nét lôi cuốn đặc biệt.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, tuy ở miền Bắc nhưng anh đã đọc rất nhiều sách VHMN, nhiều hiện tượng văn học miền Nam trước 1975 thực ra đã đến với độc giả miền Bắc từ rất sớm, bằng những cách thức và con đường khác nhau.
Theo Bác sĩ Đinh Tiến Long, VHMN so với miền Bắc, thế nào là hơn, được? chỉ là sở thích mỗi người khi tiếp cận nền văn học hai miền.
Kỹ sư Võ Xuân Tòng, tác giả bài viết “Văn học miền Nam trước 1975” trong tập san đã nhận định: dòng văn học nào cũng là suối nguồn yêu thương để tưới mát cho những cánh đồng tác phẩm đơm hoa kết trái, mà người gặt hái là những thế hệ mai sau. Chúng ta mong sớm được tiếp cận với nhiểu tác phẩm văn học miền Nam, một di sản văn chương dân tộc cần được trao truyền và gìn giữ.
Trong một chia sẻ của mình, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nói bà không ngờ ý kiến tọa đàm hôm nay hầu như toàn người Bắc mà hiểu biết trân trọng VHMN, đối với số đông người đọc trong nước, có thể nói vẫn còn khá xa lạ nhưng nhờ internet mà chúng ta dưới góc độ người đọc được biết thêm nhiều về VHMN trước 1975. Hiện nay, quan điểm ứng xử đối với khu vực văn học này đã có những thay đổi mạnh mẽ vì văn học nghệ thuật miền Nam có nhiều tác phẩm hoàn toàn nhân bản, không chống lại cách mạng, ví như các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, Minh Quân, Kim Hài…
Anh Nguyễn Văn Điệp nói về tình hình văn học dịch thuật nở rộ ở miền Nam trước 1975. Chia sẻ về lãnh vực này, tác giả viết bản tin xin nêu môt sự kiện: Ngày 22/11/1957 tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được phát hành bằng tiếng Ý, tung ra thị trường châu Âu, ngày 23/10/1958 giải Nobel văn học được công bố trao cho tác giả Pasternak, ngay lập tức Tạp chí Đô thị miền Nam ra hàng loạt bài về sự kiện này, sang năm 1959 Sài Gòn đã có bản dịch tác phẩm từ tiếng Anh và Pháp, đến 1960 có thêm bản dịch nữa từ tiếng Ý. Cho thấy tình hình cập nhật tin tức và du nhập văn hóa phẩm ở miền Nam khá nhanh nhạy, kịp dòng thời sự.
CN Phạm Thế Cường chia sẻ thêm với cử tọa về tạp chí Bách khoa: Nhóm Bách Khoa ra đời tháng 1/1957 quy tụ được nhiều tầng lớp nhà văn khác nhau thuộc mọi lứa tuổi. Những cây bút nổi tiếng cộng tác thường xuyên với Bách Khoa là Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc…. Bách Khoa là nguyệt san văn học nghệ thuật có tuổi thọ dài nhất 18 năm với 426 số cho đến tháng 4/1975. Bộ báo Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang điều hành trong những năm đầu. Đến 1963, khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, Huỳnh Văn Lang bị tù, Lê Ngộ Châu điều hành tòa soạn. Theo Võ Phiến, trong thời kỳ cực thịnh, tức là khoảng 1959-1963, mỗi số Bách Khoa bán được 4500 đến 5000 bản. Hiện nay, đã có đĩa DVD chứa toàn bộ 426 số báo Bách Khoa được số hoá, lưu trữ và phổ biến miễn phí trên mạng.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm CLB NYS, CN PTC cảm ơn các vị Giáo sư, P.GS, tiến sĩ và các thành viên CLB NYS về dự và thông báo chủ đề kỳ sinh hoạt vào ngày 06/10/2024: “VĂN HỌC VIẾT VỀ HÀ NỘI” nhân dịp 70 năm tiếp quản Thủ đô và kỷ niệm 13 năm thành lập CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng.
Ngọc Dung