CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “KÝ TỰ TRÔI” CỦA LÊ ĐỖ LAN ANH

Ngày đăng: 20/10/2022 12:17:44 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi biết người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt chữ điền này cùng với cái tên có họ và chữ lót “Lê Đỗ” – điều khiến người ta dễ liên tưởng đến bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan- trong lần cùng dự chung Trại Sáng tác do Hội Văn học-Nghệ thuật Vĩnh Long tổ chức gần mười năm về trước. Lúc ấy, Lan Anh vừa mới được kết nạp vào Phân hội Mỹ thuật tỉnh nhà.

Khoảng thời gian này, thì thoảng tôi thấy tranh do Lan Anh vẽ xuất hiện trong những lần triển lãm do Hội Văn nghệ tổ chức. Thế nhưng, dưới góc nhìn chủ quan của tôi, tranh của cô chưa tạo ra được ấn tượng nào mạnh mẽ lắm cho người thưởng ngoạn!

Lần tình cờ gặp nhau vào năm ngoái tại quán café trong khuôn viên Hội, khi bàn về thơ văn, Lan Anh nói với tôi là cô ấy vừa sáng tác một bài thơ. Theo sự yêu cầu của tôi, cô ấy đã rút ra từ trong sắc tay bài thơ vừa mới làm đưa cho tôi đọc!

Thú thật, bản tính cố hữu của tôi từ xưa đến nay là rất yêu thơ! Hễ gặp thơ là đọc, hay hay dở gì cũng đọc! Nếu hay, tôi lấy sổ tay ghi lại hoặc đọc thuộc; còn ngược lại thì đọc rồi quên! Tôi đọc miệt mài, từ thơ Cổ phong, Đường thi, đến thơ Mới, thơ Tự do, thơ Xuôi. Đặc biệt, tôi chú trọng quan tâm đến khuynh hướng thơ Tự do và thơ Xuôi hơn vì hai hình thức này mang tính đương đại, đồng thời dễ dàng thể hiện trong ngôn ngữ những bứt phá nội tâm của con người do không có sự gò bó về niêm luật. (Xin nói thêm về thơ Tự do: mặc dù về mặt hình thức thể loại thơ này giống như thơ Cổ phong, nhưng thật ra nó xuất phát từ Âu Mỹ).

Cầm bài thơ của Lan Anh đưa, theo phép lịch sự tôi liền đọc ngay! Bất giác, tôi giật mình và hết sức ngạc nhiên vì tứ thơ của cô ấy lạ lẫm quá – cái lạ lẫm mà tôi đã từng trải qua từ nhiều năm trước với tác giả Phước Châu, thành viên của bút nhóm Áo trắng Vĩnh Long ngày xưa-. Nhưng ngay lập tức tôi cũng nhận ra là có sự khác biệt về tính cách: khi đọc thơ của Phước Châu, tôi có cảm tưởng như đang xem tranh Siêu thực vì nó nhẹ nhàng, lãng đãng làm sao, như trời và đất giao hòa thuở hồng hoang; còn khi đọc thơ Lan Anh, tôi lại có cảm giác như đối diện với thể loại tranh Biểu hiện hay Dã thú!

“câu thơ gọi

tặng tôi một một bông hồng gai

bàn tay rươm rướm

trái tim câm lặng

 

giọt máu

chiết xuất từ ánh sáng lời nguyền

loang trôi thân thể giàn giụa

 

ngày tôi trao tâm hồn

câu thơ tìm nơi để khóc

để tự thắt cổ mình cho lần nguyện ước…”

(Câu thơ và ngày mai)

    Sau lần đó, tôi có khuyến khích Lan Anh nên tiếp tục đi theo con đường làm thơ, nhưng tránh sa vào hiện tượng sáng tác thơ theo kiểu “phúng đám cưới, mừng đám ma!”

Thời gian lại qua đi. Tôi thấy Lan Anh có thơ đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, rồi báo Văn nghệ Thủ đô… Gần đây, Lan Anh mới gởi tặng cho tôi tập thơ đầu tay của cô mang tên “Ký tự trôi!”

Tập thơ “Ký tự trôi” có số lượng gồm ba mươi tám bài. Trong đó, toàn bộ được Lan Anh sáng tác theo hình thức thơ Tự do. Nội dung mà tác giả chuyển tải trong suốt tập thơ tựu chung là nói đến cái tôi, cái bản ngã của chính cô -cái bản ngã gánh gồng những suy tư về thân phận con người- . Đối với tác giả, mọi thứ bên ngoài chủ thể, chỉ như là bóng lá, hồn hoa!

Ngôn ngữ trong thơ được tác giả sử dụng rất mới, rất lạ, rất hiện đại dù có đôi lúc tối nghĩa và phi tưởng được lồng ghép trong các câu chữ có lúc dài, lúc cắt khúc gãy góc gọn lỏn! Đây là điều mà các nhà phê bình văn thơ hiện đại cho rằng đó là cách “làm thơ thị giác”. Nó còn đặc biệt hơn nữa khi tác giả sử dụng cùng lúc cả hai khuynh hướng bút pháp Hiện thực và Phi hiện thực. Hai khuynh hướng trái ngược nhau ấy hòa quyện với cách sử dụng từ ngữ trong thơ, đã tạo ra cho các bài thơ của Lan Anh có những nét độc, lạ. Và cũng chính điều này đã khiến cho một số độc giả thật sự cảm thấy hết sức bất ngờ nhưng rất thích thú! Như bản thân tôi, đã cảm thấy rất vui khi bắt gặp từ “tàn lang” ở trang 50 và 51 của tập thơ. Ở đó, tôi như đã trở về thuở thiếu thời xa xưa, những ngày nắng gắt vào mùa khô, tàn lang (tên gọi khác của bồ hóng) từ trên các ngọn núi bay xuống, là đà trong không gian. Bọn con nít chúng tôi ngỡ là mây liền chạy đuổi theo chụp nắm trong tay, nhưng than ôi chúng đã tan loãng ngay lập tức!

Tuy nhiên, cũng có một số người cảm thấy dị ứng với chúng vì họ chưa quen với cách thể hiện ngôn ngữ thơ như vậy, bởi vì thông thường, bất cứ cái gì mới thường bị những người nệ cổ phản ứng gắt gao!

“nhặt hạt sương khô

trên thềm đá

những tì vết rươm rướm giữa lòng bàn tay

đã từng say mê

tia nắng thắp sáng bởi những ưu tư của bầu trời

và khát vọng mang tên gió

 

nắn nót hình hài lấm lem

chiếc hộp thời gian chứa vô vàn tia khát

cháy lên trong nồng nàn tuyệt vọng

 

dường như

loang lổ những mảnh xương vỡ ra từ hiện thực

cứa rách phận người

trong hình dung lạ”

(Hạt sương khô – Đã đăng trong tạp chí Cửu Long số 177)

Có đôi khi, tôi bắt gặp Lan Anh đang ở trong trạng thái Vong thân, là một trạng thái tâm lý bày tỏ tình cảm con người đã đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình! “Mất” ở đây không phải là không còn nữa vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn đó, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình!

“Khi câu thơ

không thể nào bay lên áng mây tìm luồng sáng

không đủ sức quẳng mình vào mộ địa cho bóng tối

câu thơ

 ngoi lên từ xác thân

đầy vết…

 

Vẫn đôi mắt khước từ lời nguyền

vẫn đôi môi mang hơi thở nhục hình

trong từng tia lửa cạn

đêm cháy như tiếng thảm thiết của loài bọ

chừng ấy chiêm bao

chừng ấy khát cuồng

 

Khi không thể mang về trái tim

góc khuất nhuộm màu

câu thơ tự vẫn

… bên lời nguyện ước”

(Lời nguyền)

Khi tìm hiểu sâu về Lan Anh, tôi mới hiểu, hóa ra trong đời thường của cô, tuy lúc nào bề ngoài cũng tạo ra vẻ bình thản, nhưng trong tâm hồn lại ẩn tàng những niềm đau sâu kín! Dường như cô đã từng kết bạn và tiễn đưa những đêm trắng, từng khắc khoải đối diện với sự đơn độc, lẻ loi, quờ quạng đi tìm hình bóng của chính mình cùng với tâm trạng tìm hy vọng trong sự tuyệt vọng

“người đàn bà mang tôi về thân xác này

thân xác mục rữa cùng ý nghĩ thời gian

người đàn bà mang vết thù đại dương sâu thẳm

ngoi lên dưới tầng tháp đổ

kiêu hãnh nụ cười

cùng giấc mơ

không tên không tuổi không bóng

những nỗi đau bụi trần

đôi chân rách bươm trên cánh đồng đầy nắng

mặt trời thiêu vết dung nham trên gương mặt lửa

tiếng hát ngân vang

một nửa bỏ lại phía xa

một nửa cùng lũ chim bay trong ý niệm

chết dần của tôi

 

người đàn bà

ngồi khóc…

khi tôi bật dậy chải tóc mặt trời bằng ánh sáng mặt trăng”

(Người đàn bà trong giấc mơ)

Trong đêm đen, cô đã moi những dòng chữ từ trong trái tim rỉ máu của chính mình ra để chúng trở thành những câu thơ thống khổ! Phải chăng cuộc đời thật của cô giống như cách nói của thi sĩ bất hạnh Hàn Mặc Tử “cười là tiếng khóc khô không lệ?”.

“Có thể là

tiếng vọng của đêm tháo chạy

băng qua những giọt sương trên gương

điệu nhảy hoang tàn

đứa trẻ phía sau cánh cửa

ánh mắt như làn sóng mang hơi thở đi hoang

 

Có đôi chân

lướt nhanh trên cánh đồng ngấm mùi tang tóc

đầu gối đóng khuôn

lòng bàn chân như những vết đinh

đỏ lên từ phía nào ánh sáng

 

Triệu hồi bầy chim

nơi sa mạc

nơi bóng tối

niềm tin cứu rỗi

tư thế hành hình

chiếc đầm xinh”

(Trước linh hồn)

Vâng đúng thế, chữ nghĩa mà Lan Anh sử dụng đã vượt qua mọi rào chắn, những định kiến của xã hội. Cánh cửa nội tâm như mở toang đón nhận những cơn lốc xoáy của ngôn từ. Chúng như sóng tràn bờ, cuồn cuộn dâng cao rồi ập xuống vỡ tan. Tác giả có những lúc như đang ở trong tâm trạng vượt thoát

“…Tôi vẫn hôn

cánh cửa địa ngục mở toang

những con quỷ sẽ mang tôi khỏi đôi môi em

khát

dâng hiến nỗi ám ảnh cuối cùng

khi tôi khép mắt và khoét mòn

đôi mắt

Bay

trong ý niệm

giữa không gian thời gian

đến khi thân thể bị vùi lấp

trong đống tro ngàn năm luân chuyển

tôi vẫn tìm em trong tàng thức

khỏa trần nhau”

(Đôi mắt)

Từ ghép “tàng thức” trong triết học Phật giáo được Lan Anh dùng ở đây tương đương với từ “vô thức” trong Phân tâm học của S. Freud để diễn giải sự xung đột các ý niệm trong ngõ ngách tận cùng của trí não tác giả.

Chao ơi, có chăng những câu thơ khác thường ấy, những từ ngữ lạ lẫm ấy  chính là lời oán thán lý giải cho những nỗi đau trong đời thường của cô -một bà mẹ đơn thân, một phụ nữ có những nỗi niềm, những rạo rực, những khát vọng cháy bỏng- luôn muốn vượt lên nỗi đau thầm kín nào đó mà cô đang phải gánh chịu!

tôi nằm cạnh con giun

thanh lọc đời bằng lý lẽ đa mang

cuộc đối thoại ngừng khi những âm thanh bên ngoài

ngoạm lấy giấc mơ

nắn hương vị lòng tin

xói mòn niềm hoan lạc

 

khoảnh khắc mục

ăn vào tủy những con giun

khi chúng chui xuống đáy ngục tìm đôi mắt loài người

 

như những cánh dơi mắc cạn bóng tối

nằm yên trong lớp thủy ngân

những con giun quấn trí nhớ tôi

…tắt ngấm”

(Đối thoại)

Rốt lại, phong cách của Lan Anh trong tập thơ cũng chính là phong cách của đa phần các nhà thơ trẻ Việt Nam chúng ta sử dụng trong thế giới đa tạp hiện nay. Nó xuất phát từ trào lưu văn chương đương đại trong giai đoạn toàn cầu hóa của một thế giới phẳng! Các tác gia đã thể hiện cho chúng ta thấy sự thay đổi về cách nhìn nhận mọi sự vật khác hẳn cả phong cách, giọng điệu cùng vô vàn hệ lụy khác của tất thảy các khuynh hướng thơ trước đây! Nó đi vào sự tận cùng, sự nhỏ lẻ của đời sống thường nhật, ngập chìm và cuốn xoáy ngay trong cả thế giới ảo. Con người cảm và nghĩ qua, với, cùng sự ảo. Ảo từ ý tưởng, tuổi tên cho đến các sự việc. Cũng có đôi khi, tất cả mọi thứ cùng biến mất, ngắc ngứ, không còn ảo hay thực nữa!

Vì thế, chúng ta cần nên có một lối tiếp nhận mới, một phương cách phê bình mới về trào lưu thơ hiện đại này, giúp cho sự diễn dịch và tương tác ngày càng mở, rộng và xa hơn, để dòng thơ này trở nên nhanh nhạy cùng đuổi bắt song hành với các khuynh hướng thơ truyền thống đã xuất hiện sẵn có từ trước!

Trên đây là một số ý tưởng của tôi về tập thơ “Ký tự trôi” của tác giả trẻ Lê Đỗ Lan Anh. Mong rằng với sức sáng tạo mạnh mẽ, trong tương lai cô sẽ cho ra đời thêm nhiều đứa con tinh thần, có nhiều tiến bộ thêm nữa, ngỏ hầu góp phần tươi thắm cho vườn hoa thơ tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung ngày càng thêm phong phú hơn!

               TÍN ĐỨC

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác