NHỚ NHÀ VĂN ĐOÀN VĂN ĐẠT.

Ngày đăng: 14/06/2022 10:48:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thắm thoát mà đã tròn bốn năm trôi qua kể từ ngày nhà văn Đoàn Văn Đạt bất ngờ ra đi về cõi vĩnh hằng sau một cơn suy tim đột ngột, để lại trong lòng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp làng xóm, thông gia bao niềm tiếc thương trân quý. Tác giả Truyện ngắn “Người chuyên viết điếu văn” được nhiều bạn đọc biết đến ở An Giang ra đi, Hội Nhà văn Việt Nam mất một hội viên nhà văn nhiệt tâm, có nhiều tác phẩm hay đóng góp cho sự nghiệp văn học nước nhà giai đoạn kiến thiết xây dựng quê hương, thống nhất đất nước. Làng văn nghệ An Giang nói chung, văn nghệ Châu Phú nói riêng mất một cây bút truyện ngắn hay, một cán bộ văn hóa đa năng cả đời cống hiến cho hoạt động thông tin tuyên truyền văn hóa nghệ thuật không mệt mỏi. Nhà văn Đoàn Văn Đạt là một nghệ sĩ đúng nghĩa. Bởi, anh không chỉ là một cây bút truyện ngắn tên tuổi của ĐBSCL thập niên 80-90, nhà văn Đoàn Văn Đạt còn là tác giả của nhiều bài thơ sâu lắng thấm đẫm tình người, anh đến với thơ trước khi viết văn xuôi. Và là một trong những người làm báo phát thanh đầu tiên ở huyện Châu Phú sau ngày 30 tháng 4 1975 lịch sử.

Tôi hân hạnh là một trong những “đồ đệ” có nhiều thời gian gắn bó với nhà văn Đoàn Văn Đạt trong hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật những ngày anh trực tiếp công tác ở địa bàn Châu Phú – Châu Đốc giai đoạn 1979-2017. Nhờ vậy, tôi có khá nhiều kỷ niệm khó quên với anh cả trong nghề nghiệp lẫn đời thường. Nhớ nhất những ngày lễ, tết nhàn nhã rảnh rang bên “chiếu trà mâm rượu” anh em có thời gian tâm sự thân tình chuyện đời, chuyện nghề với nhau tâm đắc.

 

ĐOÀN VĂN ĐẠT LÀM BÁO PHÁT THANH.     

Sau năm 1975, trong số những thanh niên huyện Châu Phú “tham gia cách mạng”, trực tiếp có mặt trong bộ máy chính quyền quân quản ngày ấy mà sau này tôi nghe kể lại đã có anh Đoàn Văn Đạt. Chàng trai xứ núi ấp Vĩnh Đông – xã Vĩnh Tế (lúc ấy Vĩnh Tế thuộc huyện Châu Phú, nay là phường Núi Sam- TP. Châu Đốc) đã nhiệt huyết tham gia công tác ở Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, rồi Đài truyền thanh h. Châu Phú. Từ một phóng viên, biên tập trong những ngày mới thành lập Đài, bằng khả năng viết giỏi và tài quản lý chuyên môn sâu sát. Chỉ sau vài năm anh được đề bạt giữ chức vụ Phó – rồi Trưởng Đài truyền thanh huyện. Và… tôi đã làm cộng tác viên cho Đài Truyền thanh huyện Châu Phú. Biết anh, được cộng tác với anh cũng từ thời điểm này. Trước đó, cuối năm 1979 đầu năm 1980 tôi đoạt danh hiệu “Học sinh giỏi Văn” cấp Tỉnh, tôi được vinh dự là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Văn tỉnh An Giang dự thi học sinh giỏi Văn cấp quốc gia tại Huế. Với tiêu chuẩn này tôi được Ty Giáo dục ưu ái đặc cách tuyển thẳng lên học cấp 3 không phải qua vòng thi chuyển cấp. Nhà văn Đoàn Văn Đạt bấy giờ là Phó Trưởng đài Truyền thanh huyện Châu Phú biết tôi có năng khiếu Văn đã tìm gặp gạ gẫm và “thuyết phục” tôi làm cộng tác viên chuyên viết về hoạt động giáo dục trong trường học gửi cho Đài anh phát trong chuyên mục “Tiếng nói Học Đường” phát thanh hàng tuần. Trong một lần gặp tôi, anh nói: “Học xong phổ thông em nên trở về tham gia công tác Đài truyền thanh huyện nhà với anh không cần phải thi vô bất kỳ ngành nào khác. Vì em có năng khiếu văn nghệ, khiếu văn chương em về đây làm phóng viên cho Đài anh là hợp lý nhất. Sau này, cơ quan sẽ cử em đi học các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn làm báo cũng có khác gì em học đại học đâu? Vừa học vừa làm nghề, không phải mất thời gian học chính quy lại ít tốn kém…”. Đến giờ, đã 36 năm trôi qua tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai giọng nói chậm rãi, chí tình, gần gũi, ấm áp, đầy thuyết phục bởi tấm lòng nghệ sĩ của anh. Xem như ngày ấy anh đã “chấm chọn” tôi về làm “lính” cơ quan anh cho dù tôi còn đang đi học.

Bây giờ, khi đã sống qua hơn nửa đời người tôi dần tin cuộc đời này con người ta gặp gỡ, qua lại với nhau, trai gái yêu thương nhau thành vợ thành chồng hoặc chia tay nhau như triết lý nhà Phật nói: “Tùy Duyên” – là có thật. Nếu không “duyên nợ” với nghề báo chí, không “duyên nợ” với ngành phát thanh cũng như nếu không có “duyên” với nhà văn đàn anh Đoàn Văn Đạt có lẽ tôi đã làm nghề “gõ đầu trẻ” hoặc ngành nghề kỷ thuật theo ý muốn của Ba tôi. Bởi, sau khi học xong phổ thông tôi thi và theo học ngành Sư phạm An Giang với ước mơ ra trường làm thầy giáo dạy môn Văn. Nhưng, có lẽ số phận an bày “mặc định” tôi làm văn nghệ chứ  không phù hợp với ngành nghề nào khác. Thay vì như những giáo sinh bạn sau 2 tháng lao động bắt buộc đầu năm ở trường sư phạm sẽ vào học chính khóa. Do không “kham” nổi việc ngày ngày cùng các giáo sinh bạn dọn cỏ sân trường sư phạm. Tôi đã vác hành lý trở về nhà và “đầu quân” vào Đài truyền thanh huyện làm phóng viên, bắt đầu nghiệp báo chí văn nghệ từ đó. Tại đây, tôi được làm việc chung với nhà văn Đoàn Văn Đạt. Tập tễnh bước vào làng báo phát thanh, chính thức viết những tin bài đầu tiên cho mỗi chương trình thời sự của Đài phát trên mạng lưới truyền thanh còn rất thô sơ ngày ấy. Tôi còn nhớ nhà văn Đoàn Văn Đạt làm báo phát thanh cũng chăm chút kỹ lưỡng từng câu, từng từ chẳng khác chi sáng tác truyện ngắn. Chương trình thời sự 15 phút hàng ngày của Đài mặc dù Ban biên tập đã xây dựng chọn lọc hoàn chỉnh sau đó trình lãnh đạo cơ quan ký duyệt. Vai trò Trưởng Đài chỉ mỗi thao tác đọc thông qua để kiểm tra nhằm tránh sai sót về quan điểm, đường lối chính trị của Đảng và đặt bút ký duyệt. Thế nhưng! Với mỗi bản tin, mỗi bài viết ở bất kỳ thể loại nào nhà văn Đoàn Văn Đạt luôn chịu khó đọc kỹ từng câu, từng từ, chỉnh sửa chi tiết từng dấu chấm, phẩy để chương trình hoàn chỉnh. Những ngày không bận rộn việc khách khứa, việc cơ quan anh đều dành thời gian ngồi nghe lại băng chương trình do phát thanh viên vừa thu thanh xong. Qua đó, kịp thời giúp phát thanh viên uốn nắn chỉnh sửa lại những đoạn những câu ghi âm phạm lỗi thể hiện, kể cả lỗi kỷ thuật viên thu pha chương trình bị sai sót. Những lúc Nhóm chương trình “thiếu vai” nhân vật Câu chuyện Truyền thanh, anh đều “sẵn sàng” tham gia cùng Nhóm chương trình vào vai nhân vật ấy và diễn đạt rất ăn ý với anh em. Anh đặc biệt chú trọng chăm chút giọng đọc của từng phát thanh viên. Họp chuyên môn anh thường nhắc nhở anh chị em làm nhiệm vụ phát thanh viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu nghể, gắn bó với nghề để mỗi ngày mỗi nâng cao hơn chất giọng, mỗi ngày mỗi đọc hay hơn để thu hút người nghe. Anh nhấn mạnh: “Phát thanh viên là người phóng viên thứ hai “lột tả” chính xác cái “hồn” mỗi tác phẩm báo chí… Với binh chủng phát thanh còn gọi là “báo nói” thì “giọng đọc” thu hút của phát thanh viên là yếu tố quyết định đến chất lương nội dung tuyên truyền lay động, thuyết phục người nghe”. Riêng, vào những ngày kỷ niệm lịch sử đất nước anh đều trực tiếp chịu trách nhiệm biên tập chương trình phát thanh đồng thời viết những bài “đinh” chương trình qua các thể loại bút ký, bình luận, phân tích các vấn đề chính trị thời sự đầy tính lạc quan, nhân văn sâu sắc…

Công tác ở Đài một thời gian, cùng với được cơ quan cử tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn ngắn hạn, dài hạn của ngành tổ chức như lời anh hứa trước kia. Qua làm việc trực tiếp với anh mà tôi “hấp thụ” được khá nhiều “vốn liếng”, kỷ năng làm báo từ anh. Với anh tôi thật sự tâm đắc quan điểm “chậm mà chắc” trong viết lách giống như tác phong sinh hoạt đời thường từ tốn chậm rãi của anh. Thuở ấy, khi phân công phóng viên viết phóng sự thu thanh, phóng sự điều tra thu thanh, mẫu chuyện, bài phản ánh các vấn đề kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng v.v… Lĩnh vực nào anh cũng đều nhắc nhở chúng tôi cần chuẩn bị chu đáo các bước: nghiên cứu đề tài, thu thập tư liệu, nghiền ngẫm ý đồ thể hiện thật kỹ lưỡng trước khi đặt bút viết. Khi viết không được viết vội vả, hời hợt, chiếu lệ qua loa. Viết chậm nhưng chất lượng cao mới là hiệu quả. Bài học vỡ lòng này theo suốt cuộc đời viết lách của tôi, đến nay vẫn mang ý nghĩa cốt lõi. Nhà văn Đoàn Văn Đạt còn là người anh, người thầy phát hiện đào tạo nhiều “đệ tử” từ ngành phát thanh sau này trở thành những nhà báo tên tuổi. Nhà báo Nguyễn Thành Tín – Phó Tổng biên tập Báo An Giang bây giờ là một trường hợp điển hình. Khi ấy, Nguyễn Thành Tín là nhân viên phòng Kỷ thuật – Đài truyền thanh thị xã Châu Đốc. Nhà văn Đoàn Văn Đạt bấy giờ từ Đài truyền thanh huyện Châu Phú, anh được luân chuyển về giữ chức vụ Trưởng Đài truyền thanh thị xã Châu Đốc những năm 89-90… Và có một năm nhân lệ cúng Thanh Minh tảo mộ tháng ba âm lịch, ngẫu hứng thế nào mà anh giao kỷ thuật viên Nguyễn Thành Tín trong một ngày phải vào tận khu nghĩa địa Núi Sam tham quan thực tế và viết một bài phản ánh lễ cúng Thanh Minh của bà con địa phương nộp cho Ban biên tập. Kết quả là… bài viết ấy được Trưởng đài Đoàn Văn Đạt chỉnh sửa “mực đỏ” kín các trang bản thảo vì Nguyễn Thành Tín lúc ấy là một kỷ thuật viên làm sao viết được bài hoàn chỉnh(!) Nhưng sau đó anh Đoàn Văn Đạt quyết định phân công Nguyễn Thành Tín làm nhiệm vụ phóng viên, anh nói: “Thành Tín có năng lực viết lách, phù hợp nghề báo”. Thật vậy, về sau Nguyễn Thành Tín từ một PV của Đài truyền thanh TX. Châu Đốc trở thành PV báo An Giang. Lần lượt được đào tạo chính quy đại học báo chí  và sau đại học với học vị Thạc sĩ báo chí anh được cơ quan tín nhiệm giao giữ chức vụ phó Tổng biên tập báo An Giang bây giờ. Nhà báo Nguyễn Thành Tín là đàn em, là học trò của nhà văn Đoàn Văn Đạt.

NHÀ VĂN ĐOÀN VĂN ĐẠT LÀM THƠ VÀ MÊ ỚT.      

Có thể không nhiều người biết tác phẩm văn học đầu tay của nhà văn Đoàn Văn Đạt là Thơ. Bởi, đã là nhà văn thường thì ai cũng nghĩ tác phẩm sáng tác đầu tiên phải là văn xuôi, là truyện, là bút ký, tùy bút vv… chứ sao lại văn vần? Sao lại là thơ? Vậy mới lạ. Rất nhiều lần uống rượu với nhau. Nhà văn Đoàn Văn Đạt tâm sự với tôi rằng những sáng tác đầu tay của anh là thơ. Sau 1975 anh mới viết văn xuôi chủ yếu là truyện ngắn. Những ngày đầu tham gia hoạt động văn nghệ anh sáng tác thơ gửi các báo ký bút hiệu Đạt Lệ Giang. Cùng với văn xuôi anh viết gần trăm bài thơ, nếu lưu giữ đầy đủ anh dư số lượng bài để in thành tập thơ. Và anh sáng tác thơ tùy hứng. Anh thường làm thơ 4 câu. Có lẽ đó là sở thích sáng tác riêng anh. Bài thơ nào của anh cũng cô đọng, súc tích, sâu lắng, triết lý nhân sinh. Ghi lại cảm xúc thơ trên những tờ giấy học trò và nhiều nhất là trên những tờ lịch rời là thói quen sáng tác thơ của anh. Anh ít khi sử dụng máy tính, nên đa số bản thảo Thơ của anh luôn bị thất lạc. Về sau này những bài thơ in trên tạp san Văn nghệ Châu Phú và tạp chí Thất Sơn như các bài: Ảo ảnh chiều cuối năm, Số Không, Mẹ ơi, Tiếng súng Củ Chi, Du lịch, Nhìn trăng vv… ký bút hiệu Viên An thì còn lưu giữ được. Với thơ anh cũng viết chậm như viết văn xuôi. Anh chọn từ rất kỹ tính. Anh hay nói với tôi văn xuôi đã phải chọn lọc kỹ từng chữ từng từ thì với thơ mỗi từ ngữ càng phải “chắt chiu” để sao cho có được những từ “đắc địa”… Như vậy bài thơ mới đáng gọi là thơ, mới giá trị mới đi vào và ở lại trong lòng người đọc. Sau này, những năm về hưu mỗi khi sáng tác xong bài thơ nào anh thường rủ tôi hoặc  Phan Lạc Nhân, hay nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam, nhạc sĩ Lê Quang Kỹ “lai rai” dăm ba ly rượu nói chuyện văn thơ nhạc họa. Anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ anh vừa sáng tác tràn đầy niềm hứng thú. Và anh cũng thường đọc thơ của anh em, nhắc đi nhắc lại những câu, những chữ trong bài thơ của anh em bạn bè anh thích… Tôi nhớ, sân trước nhà anh có bàn ghế đá, có những chiều tôi và anh hay ngồi đối ẩm nói chuyện văn nghệ tự cổ chí kim. Phía ngoài chiếc bàn đá là vuông đất trồng rau mà tôi gọi là “vườn rau xanh” do anh trồng các loại rau cải, mồng tơi, tía tô, hành hẹ để ăn hàng ngày, cao hứng mang tặng anh em bạn bè… Trong đó đặc biệt anh trồng hàng chục giống ớt… thứ trái anh mê say tới nỗi sáng tác thành truyện ngắn “Ăn ớt”. Nhà văn Đoàn Văn Đạt còn có cái thú đi chợ. Anh thích quan sát sinh hoạt chợ, quan sát con người trong buổi chợ… Và khi đi chợ mua thức ăn, món hàng anh để tâm “điều nghiên” nhiều nhất vẫn là thứ trái cay nồng: Ớt! Từ trái ớt lí nhí cay “hiểm” đủ màu sắc xanh, trắng đến trái ớt đỏ chóe “sừng trâu” hay ớt trái tròn to trồng trên cao nguyên Đà lạt, ớt “chim ị” anh đều sưu tầm tất tật. Đi ăn tiệc nhà hàng, khách sạn, giỗ chạp, nhậu nhẹt với bạn bè bao giờ anh cũng “móc” từ trong túi ra góp vào bàn tiệc nhúm ớt dăm ba đến chục trái mời những anh em cùng sở thích ăn cay tăng thêm phần khoái khẩu…

Sau ngày anh mất, khi tổng hợp tư liệu để viết bài về anh tôi được chị Bạch Tuyết – vợ anh – cung cấp cho tôi mấy tờ lịch, tờ giấy học trò là “bản thảo” thơ anh viết thời gian qua còn sót lại đâu đó trong nhà. Thật quý hóa! Ngoài 4-5 bài thơ đã in trên các số tạp san văn nghệ như: Tiếng súng Củ Chi, Ảo ảnh chiều cuối năm, Mẹ ơi!, Du lịch… Có 2 bài thơ anh chưa gửi in.

 ĐOÀN VĂN ĐẠT VỚI VĂN XUÔI   

Được xem là một cây bút tiêu biểu của Văn nghệ An Giang nói riêng, của đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Những trang viết của nhà văn Đoàn Văn Đạt dù truyện ngắn, tùy bút, Ký hoặc bất kỳ thể loại nào, ngòi bút của anh đều thể hiện tinh thần nhập cuộc, mạnh dạn, xông xáo trước những vấn đề bức thiết của xã hội. Cách viết dung dị, hóm hỉnh, chân thật sử dụng vốn từ ngữ địa phương mộc mạc, giản đơn đã bật lên một phong cách văn xuôi riêng biệt đậm chất tây nam bộ không trộn lẫn với ai. Vốn sống, tầm hiểu biết sâu sắc, bao quát miền sông núi An Giang cùng với tình cảm sâu nặng dành cho quê hương con người An Giang đã mang vào từng trang viết của anh ngồn ngộn hình ảnh sống động chan chứa nghĩa tình, nhân văn, triết lý, đạo lý… đến mức khi đọc các tác phẩm của anh, bạn đọc dễ có cảm nhận tác giả đã viết bằng cả tình cảm yêu thương gắn bó lẫn những suy tư trăn trở, buồn vui với vùng đất phương nam nhiều nắng gió.

Là đàn em, nói khác hơn giống như một người bạn vong niên với anh, hầu như sáng tác nào của anh tôi cũng đều đọc qua, nghiền ngẫm. Ngoài những tác phẩm đã xuất bản như: Đệ tử ruột (tập truyện in năm 1993), Ác mộng đàn bà (tập truyện in năm 2001) và Thông Thiên (tập truyện in năm 2012) nhà văn Đoàn Văn Đạt còn có nhiều sáng tác in chung trên 20 tập truyện ký. Không chỉ gắn bó với miền sông nước An Giang,  Đoàn Văn Đạt còn là người có kỷ năng quan sát, tích lũy vốn sống qua trải nghiệm thực tế một cách sâu sắc. Gần gũi anh trong sinh hoạt đời thường, tôi cứ miên man thấy anh giống một thiền sư hơn một người làm văn nghệ. Anh chậm rãi, trầm tĩnh trước mọi diễn biến, mọi vấn đề. Những lúc man mác cơn say anh thường suy tư, ngẫm nghĩ và đau đáu về kiếp nhân sinh, về cái vô thường “sắc sắc không không” của nhà Phật, cái vô hạn, hữu hình của vũ trụ bao la với nhiều trăn trở. Tất cả những điều đó giúp nhà văn có được sự sáng tạo nghệ thuật phong phú, dung dị, tự nhiên như không hề dụng ý sắp xếp mà câu chuyện cứ thế diễn ra một cách bình thường. Giống như trong đầu nghĩ gì anh viết nấy hết sức độc đáo mà không cẩu thả tùy tiện. Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, cách đặt vấn đề theo kiểu diễn dịch, cách vào truyện, dẫn truyện thu hút, hấp dẫn và tạo ấn tượng thuyết phục bạn đọc là thế mạnh trong sáng tác truyện ngắn của anh. Người ta nói đọc văn hiểu người. Thật vậy, với giọng văn thâm trầm nhiều cung bậc, màu sắc, đầy tràn cảm xúc pha nét dí dỏm có thể hình dung ra anh là một con người dễ gần gũi bởi sự hóm hỉnh và hài hước. Tiếp xúc anh, người đối diện có cảm giác thoải mái dễ chịu bởi ngoài sự điềm đạm, chững chạc vốn có. Anh còn toát lên tính thích vui đùa, lãng tử.

Sinh thời, tâm sự với anh em, bạn bè văn nghệ khi trà dư, tửu hậu nhà văn Đoàn Văn Đạt thường bộc bạch :

 “…Thời học trò thơ nhiều, đăng báo chủ yếu là thơ, chỉ sau này bỏ thơ. Hỏng phải bỏ hoàn toàn, lâu lâu hứng làm một vài bài chơi. Chủ yếu tôi viết truyện, viết ký… Chung là mình viết văn là trải lòng mình trước cuộc sống vậy thôi. Đôi khi viết là để mình đọc, cho bạn bè đọc, in báo, in sách vậy thôi. Chứ mình cầu vọng gì cho nó xa… hỏng có. Nhất là làm kinh tế… hỏng có. Văn thì nó nghèo…”                 

Và anh hay so sánh: “Tôi là nhà Văn ư? vậy thì giống cái gì? Giống cô bia ôm? Đề tài ôm ấp rất nhiều, nhưng hầu hết bị cho vào quên lãng! Giống con bò ư? nhai rất kỷ trước khi cho vào dạ dày. Vậy mà có lúc còn bị sỉnh bụng. Giống người đạp xe lôi xe kéo ư? không thể dứt bỏ cái thùng xe phía sau. Muốn vươn tới chỉ có cách là chiến thắng nó. Giống nhà nông ư? phải cày xới khó nhọc mới có thu hoạch… Có điều nhà Văn thường gặp “thiên tai địch họa”, cả đời cày ải may mắn được một mùa bội thu cũng đủ cho nhà Văn xuôi tay nhắm mắt. Ngược lại nếu tôi là người làm ruộng, đạp xe kéo xe lôi, bán bia ôm, hay con bò, tôi có nét gì giống nhà Văn?…”

Với quan niệm và vốn sống ấy tạo cho nhà văn Đoàn Văn Đạt một bút pháp dí dỏm, hài hước thú vị hình thành một cá tính rất riêng trong phong cách văn xuôi. Nên những vấn đề anh đặt ra dù nghiêm trọng như: Tranh chấp đất đai, đền bù giải tỏa, lũ lụt thiên tai, tín ngưỡng tôn giáo vẫn khiến người đọc không cảm thấy nặng nề mà ngược lại luôn thích thú với bao chi tiết đời thường, thân quen hợp tình, hợp lý. Do vậy, cho dù bất cứ lĩnh vực nào của đời sống hay những việc khó khăn gay góc thậm chí “sự việc ít chất văn học nhất” anh vẫn không hề ngại xông xáo. Bởi, anh là một nhà Văn.

Tuổi thơ, có một thời gian nhà văn Đoàn Văn Đạt sống hẳn trong chùa Tây An Núi Sam với một người bạn. Không khí nhà chùa thấm đẫm trong anh, có lẽ chốn thiền môn tạo anh thói quen tĩnh tâm, an lạc. Anh nghiên cứu sâu sắc đạo Phật mà không lệ thuộc hay ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo. Ngoài sở thích ăn cay uống say, Nhà văn Đoàn Văn Đạt còn có những cái thú rất riêng tư. Dự trại sáng tác do Hội Nhà văn tổ chức ở miệt biển… Trong khi mọi người tìm mua những món đặc sản vùng miền thì anh góp nhặt sưu tầm mang về một bao các loại đá có sẵn trên bãi biển.Về nhà tự tay sắp những viên đá này thành hòn non bộ ghép cây cảnh để chiều chiều ngồi ngắm. Sinh ra và lớn lên từ xứ núi, đá núi vẫn chưa thỏa mãn tình yêu với đá trong anh, đi biển vẫn cứ gom góp từng viên đá với nhiều hình thù riêng biệt đưa vào hết một chiếc bao bì choán chỗ trên xe lại phải khuân vác ì ạch một cách nặng nề, anh cũng cứ mang về (!) Còn khi say anh chỉ nhớ và nghêu ngao mỗi bài hát “Tình khúc thứ nhất” của nhạc sĩ Vũ Thành An. Anh thích nhất câu hát này: “Tình vui trong phút giây thôi…” và hễ đã uống say thì lặp đi lặp lại: “Tình vui trong phút giây thôi…”. Ngày dự hội thảo “Người nhặt chữ từ những cánh đồng” của nhà văn Mai Bửu Minh về tới Châu Phú, ngồi nhậu với tôi, nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam, nhà văn Võ Diệu Thanh. Anh cũng nghêu ngao bài hát này, cũng câu hát “Tình vui trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời…”. Không ngờ, đây là lần cuối cùng chúng tôi nghe anh hát!

Mỗi dịp tết đến xuân về anh thích dành thời gian tỉa tót chậu mai vàng, mỗi chiều cuối năm đón xuân bên ly rượu tách trà ngon ngắm nghía từng cành mai và ngẫm nghĩ. Đặc biệt, anh có cái thú đón xuân gần như “cố định”. Đó là sáng mùng một năm nào cũng vậy, anh thường một mình cỡi xe gắn máy chạy suốt một lượt qua các vùng quê hẻo lánh nhìn ngắm, ghi nhận không khí tết ở nông thôn, đến tận trưa mới về tới nhà. Anh thường nói với tôi: “Không khí Tết ở quê bao giờ cũng ấm áp, rộn ràng hơn ở chợ…”

Ấp ủ một cuốn tiểu thuyết đang viết, những ngày cuối đời lúc anh em đối ẩm nhau nhà văn Đoàn Văn Đạt tâm sự với tôi rằng “Không biết tác phẩm này của tao tới bao giờ mới viết xong?…” Câu hỏi không cần có câu trả lời. Giờ… những trang bản thảo còn dang dở ! Và cũng chẳng biết tập bản thảo tiểu thuyết ấy anh lưu giữ ở đâu ?

Một đời cống hiến cho hoạt động văn học nghệ thuật nhà văn Đoàn Văn Đạt được trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” cùng các giải thưởng Văn học: Giải A cuộc thi truyện ngắn An Giang năm 1993. Giải I cuộc thi truyện ngắn An Giang năm 2000. Giải II cuộc thi truyện ngắn An Giang năm 2005.

Hai năm nay, tôi không còn nghe tiếng anh nhắc gửi bài in số báo Xuân trước mỗi dịp Xuân về! Cũng như mãi mãi không còn có dịp đối ẩm với anh vào những chiều cuối năm bên chậu cây mai vàng nói chuyện văn thơ nhạc họa ngày Xuân…Và nghe anh nghêu ngao hát “…Tình vui theo gió mây trôi, ý sầu mưa xuống đời…Tuổi thần tiên em đã…”.

 

                            NGUYỄN THANH QUANG

Nguyễn Thanh Quang và Lương Minh

                                   

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác