CHỊ HAI TÔI ( bài 2)

Ngày đăng: 21/11/2021 11:28:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Rồi những năm sau đó, nhà ngày càng đông người mà thu nhập buôn bán của Ba Má ngày càng khó khăn. Má thì buôn gánh bán bưng, ba thì làm thợ mộc. Khi dọn về xóm Kho Dầu Cũ, nhà tôi có 5 chị em: chị Hai, tôi, Ngọc Minh, Ngọc Châu, và Ngọc Sương. Đến cuối năm 1959 thì có thêm 2 em gái và 1 trai nữa là Ngọc Mai, Ngọc Trước và Kim Hoàng. Chị Hai ngoài chuyện phụ má chuẩn bị gánh hàng, còn phải giữ em và tắm rửa cho em út, vì má đi bán từ sáng sớm đến chiều tối mới về, có khi đến nửa đêm má mới về. Riêng tôi, dầu lúc nào má cũng khuyên cố gắng học hành cho có chữ có nghĩa với đời chứ để dốt là cả đời phải cực. Má nói: Con ơi ráng học, dầu không làm ông này bà nọ, nhưng dẫu sao vẫn đỡ hơn dốt.

Trong xã hội hôm nay, dốt cũng là một cái tội đó con ơi! Má nói thì nói, nhưng đến khi tôi thấy má và chị Hai quá cực, sau khi vừa học xong bậc tiểu học, tôi quyết định nghỉ học ở nhà phụ việc với chị Hai và má. Tôi nói với má: “Con bây giờ đã học xong tiểu học, chứ đâu có dốt, con bây giờ biết đọc biết viết và còn biết làm toán nữa kìa.” Má thấy trong xóm nầy, ngay cả mấy đứa bạn đồng lứa với con lại là con nhà khá giả như thằng Út con nhà ông Chín, thằng Phước con bác Năm Đặng đó cũng lần lượt nghỉ ở nhà để đi bán bánh mì phụ giúp gia đình, nhà mình nghèo, con nghỉ học đi bán bánh mì phụ giúp ba má là phải rồi. Má nói: Con nghỉ ở nhà rồi suốt đời con chỉ đi bán bánh mì thôi hả? Dầu tôi biết má nói có lý, và dầu má và chị Hai có cản tôi nghỉ học thế mấy, tôi cũng không thèm đi học nữa. Thấy tôi nghỉ học thật sự, chị Hai luôn tìm cách khuyên tôi đi học trở lại. chị nói: “Chị bỏ học để bị dốt là dữ lắm rồi, em mà dốt nữa thì coi như gia đình mình sụp luôn. Trong khi Ba tôi thì luôn thúc tôi ra tiệm mộc làm phụ với Ba. Tôi nói với Ba: “con nghỉ học là để phụ việc nhà và giúp chị Hai giữ em út, chứ con đâu muốn nghỉ học để đi làm thợ mộc đâu. Sau hơn một năm nghỉ học, tôi thấy má tôi ngày nào cũng khóc. Chị Hai thì nói: Thôi bây giờ em ráng đi học một buổi, buổi còn lại ở nhà làm công chuyện phụ với chị cũng được mà. Điều quan trọng là em phải đi học thì chị mới có bài vở đặng chị tự học ở nhà chứ! Hơn một năm sau, tôi thấy chị Hai và má nói có lý, nên tôi tiếp tục nộp đơn thi vào lớp đệ thất của trường trung học Tống Phước Hiệp, và đậu được hạng 6, nên mỗi năm vừa đi học mà vẫn được nhà trường phát học bổng cho 1.800 đồng bạc, năm 1962, một đồng Mỹ Kim ăn 76 đồng VN, như vậy số tiền lãnh học bổng cho một năm cũng khá lớn.

Đến cuối năm 1963, bác ba Tình thấy hoàn cảnh gia đình nhà tôi nghèo quá nên bác kêu Ba tôi và bán rẻ một tạy lưới kéo, một tay lưới giăng, một bộ đăng và một chiếc tam bản bị gãy mũi. Ba quyết định mua lại và sửa chữa chiếc tam bản. Thế là từ đó mỗi đêm tôi và em Mình đều ra sông Long Hồ giăng lưới hay bủa đăng ở mấy vàm rạch nhỏ quanh đó, dầu có cực khổ hơn, nhưng gia đình chúng tôi cũng đỡ khổ hơn về mặt thực phẩm. Thú thật, ngày đó, tới trường học là tôi phải ráng mà thu vô đầu những gì thầy cô dạy ngay trong lớp, được phần nào hay phần ấy, chứ mỗi khi đi học về, quăng cặp xuống là phải giữ em, làm công chuyện phụ mẹ và chị Hai, rồi chiều đến là hai anh em chúng tôi phải chống xuồng ra sông Long Hồ để giăng lưới hay bủa đăng, nên chuyện có thời gian để học bài ở nhà đối với tôi là một thứ xa xỉ phẩm không thể nào mơ tới được.

Có lúc nhà quá túng quẩn, má tôi quyết định bán ngày 2 gánh: sáng thì má gánh bánh mì đi bán dạo, và chiều thì má bán gánh cháo ở chợ Chiều Cầu Lầu. Đôi vai má đã trĩu nặng, giờ lại trĩu nặng hơn. Chị Hai cũng vậy, công việc của chị bây giờ phải gấp đôi lúc trước vì phải chuẩn bị đến 2 gánh hàng cho mẹ. Đối với anh em chúng tôi, tình mẹ tình cha đã cao như núi Thái Sơn, thì tình của chị Hai cũng cao không kém. Cũng như với mẹ, đối với chị Hai, hạnh phúc là những gì giản dị và bình thường mỗi ngày, hạnh phúc của chị là thấy được mấy em của chị khôn lớn nên người hữu dụng cho gia đình, xã hội và đất nước. Chính vì vậy mà chị luôn lầm lủi làm công việc quần quật trong nhà. Chị luôn là tấm gương hy sinh trên cả tuyệt vời, vì chị chỉ biết suốt đời sống vì tương lai của các em các cháu mình.

Đã vậy, có khi rảnh tay một chút là chị giành ẵm em cho tôi và em Mình học bài. Chị bảo: đưa em cho chị bồng cho, đi học bài đi, được chút nào hay chút ấy. Nhưng thấy chị cực quá tôi liền nói: em hổng sao đâu chị hai, em đã thuộc bài lúc còn ở trong lớp rồi. Nói vậy cho chị yên tâm chứ tôi có thuộc bài thuộc vở gì đâu, vì có học đâu mà thuộc? Nói về chuyện thuộc bài, tôi có rất nhiều kỷ niệm với thầy Đào Khánh Thọ dạy Vạn Vật và cô Võ Thị Ngọc Dung dạy Sử Địa. Lúc qua Mỹ, tôi có ở gần thầy cô và thường đến nhà thầy cô chơi. Thầy thường hay nhắc chuyện không thuộc bài của tôi với mấy anh chị cựu học sinh Tống Phước Hiệp: “Cậu học trò nầy làm sao thầy quên được, cậu học giỏi và năm nào cũng được lãnh thưởng, nhiều năm được lãnh thưởng toàn trường nữa chứ, vậy mà mấy anh chị có biết cậu ta có biệt tài gì hôn? Thấy không ai trả lời được, thầy liền nói: cậu có cái biệt tài là chưa bao giờ thuộc bài Vạn Vật của thầy và Sử Địa của cô Dung. Ngày đó, thầy có kêu cậu lên trả bài vài lần, nhưng không lần nào cậu thuộc bài. Vậy nên từ đó về sau, thầy tha luôn không kêu nữa.

Dầu cực khổ suốt ngày như vậy, nào là chuẩn bị gánh hàng cho má, cơm nước ức cho cả nhà, giữ em, tắm rửa em út… thế mà tối đến khi em út đã yên giấc ngủ, chị Hai lại chong đèn dầu, lấy bài vở của tôi ra chép lại để học cho đến thật khuya. Nên năm tôi xong lớp đệ tứ (lớp 9) thì chị cũng làm đơn thi và đậu bằng trung học. Phải thực tình mà nói, chị Hai là người rất có nghị lực và ý chí vững chắc. Một khi chị đã quyết làm chuyện gì là việc đó phải xong. Nhờ vậy mà về sau nầy chị mở lớp dạy vở lòng cho đám trẻ trong xóm. Lớp học của chị nổi tiếng đến độ ông hiệu trưởng trường tư thục Khai Trí ngoài chợ Vĩnh Long phải công nhận và xin với Tỳ Tiểu Học cấp giấy phép cho chị dạy học với tư cách là giáo viên của trường tư thục nầy.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, đến năm 1968, lúc nầy nhà tôi có thêm các em Út Anh, Bích Vân và Út Giỏi. Khi vừa đậu xong Tú Tài I, tôi không còn chịu nổi cảnh cơ cực của mẹ và chị Hai nữa nên tôi quyết định không đến trường học nữa, dầu hồi đó mỗi năm tôi đều được lãnh thưởng và năm đệ nhị tôi lại được lãnh thưởng toàn trường (phần thưởng này do bộ giáo dục phát, mỗi trường mỗi năm chỉ có 5 đứa được lãnh). Mẹ tôi khóc rất nhiều về quyết định nầy của tôi, mẹ nói: “Con cũng lớn rồi và cũng có cái suy nghĩ của riêng con, mẹ biết mẹ không thể nào ngăn cản được con, nhưng mẹ chỉ mong sao sau nầy dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải ráng vươn lên. Con ơi! Muôn tội không tội nào nặng hơn tội dốt đâu con. Mẹ dốt người ta khi dễ đã đành, mẹ dốt nát nên mẹ vật lộn với cuộc sống một cách vô cùng vất vả mới có thể nuôi được các con, mẹ chỉ mong các con của mẹ có được chữ nghĩa với đời để sau nầy các con nuôi cháu của mẹ không khổ cực như mẹ đang nuôi các con bây giờ. Chị Hai cũng nói: chị biết em là đứa con hiếu thảo và có ý chí kiên nghị. Chị biết gia đình mình không cách nào lo được cho em ăn học lên đại học, và chị cũng biết em thấy hoàn cảnh gia đình mình lúc nầy nợ nần chồng chất nên em không chịu được mà phải quyết định như vậy. Chị biết chị không ngăn cản được em trong quyết định nghỉ học nầy, nhưng em luôn nhớ mới mười chín hai mươi tuổi đầu mà em phải bỏ học để dấn thân vào đời không dễ đâu em, em phải hết sức cẩn thận.

Chính nhờ sự khuyến tấn nầy của má và của chị Hai nên dầu đã vào quân đội, tôi không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh, không bao giờ lãng phí bất cứ thời gian nào mình có được. Năm sau đó tôi từ quân trường ra thi và đậu Tú Tài II, rồi sau đó vẫn tiếp tục học hàm thụ trên đại học để xong cử nhân Anh Văn và Việt Hán. Dầu cả hai thứ nầy không đúng như mơ ước của tôi, nhưng cũng làm cho má và chị Hai sung sướng vô cùng.

(còn nữa)

NGƯỜI LONG HỒ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác