Sách Và Cuộc Đời

Ngày đăng: 10/06/2021 10:18:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi thích sách nên thiết kế trong nhà mình có một góc riêng để làm thư viện. Đó còn là nơi tôi đọc, viết, nằm nghỉ hoặc nhâm nhi ly cà phê với thuốc lá nồng nặc bốn mùa. Đó cũng còn là nơi tôi trốn tất cả để vui chơi với vài cuốn sách mình yêu thích. Bắt chước Dostoievsky, tôi đặt cho thư viện bé nhỏ của mình dưới thang lầu cái tên là “ Hầm “ theo như tác phẩm : “ HồI Ký Viết Dưới Hầm “ của ông.

Không có gì hạnh phúc cho bằng những đêm mưa dài lê thê hay những đêm vì mê sách và cà phê mà chong đèn khuya để được ẩn mình trong cái hầm ấy ( có cửa sổ và quạt máy thông gió tới nỗi đã gây ra tí lạnh như của mùa thu ).

Đó là một thế giới riêng mà trong gia đình, tôi được đặt biệt danh là “ Người Cõi Trên “ ! Việc đó riêng của gia đình, miễn là họ để yên cho tôi tự do trong cái không gian bé tí ấy là tốt rồi. Từ ngày thanh niên tới khi đã có cháu ngoại, thư viện ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi với không biết bao nhiêu là trang giấy in đầy chữ ! Tôi đã phải cảm ơn Sách – Người Thầy và là Người Bạn chí cốt nhưng chưa bao giờ có một ý kiến gì về tôi. Tất cả mọi sự trên đời này đều có sẳn trong ấy; tôi chỉ làm một việc đơn giản nhất là mở nó ra từng trang khi nó đang ở trước mặt mình ! Người Thầy, Người Bạn ấy lúc nào cũng ở ngay bên tôi – cần là có tưc thì với tinh thần không vụ lợi ! Đó là Sách !..

Với tôi xưa nay, thà mình sẵn lòng tặng sách cho bạn chứ nhất định chưa bao giờ cho bạn mượn sách – dù chi vài giờ hay một đêm ! Mình yêu và mê sách đã chắc gì hơn bạn ? Sách quí nhưng ta vì không giữ lòng mình trước tình bạn thiêng liêng nên mới đem tặng cho bạn; về sau ta sẽ có dịp tìm ra để mua lại cuốn khác. Quí sách và quí trọng bạn chắc đều giống như nhau – tôi đã nghĩ vậy !

Nhưng có một lần tôi đã khóc như một em bé khi tiếp nhận một cuốn sách từ một người bạn học thời lớp nhất. Bạn ít tới chơi, nhưng lần đầu hai đứa trốn vào hầm đã làm cho bạn cảm thấy một nỗi buồn nào đó tới tận khi ra về. Khoảng tuần sau, bạn lại đến với cái hầm của tôi lần nữa. Bạn cho biết ở vùng rừng núi xa thăm thẳm ấy, bạn không có việc gì cần tới sách. Và bạn đã gói kín nó trong mấy lớp bì ny – lông rồi đạp xe hơn 40 cây số để về tặng tôi. Hai đứa bạn học cũ ngày nào nay đã trở thành hai ông già đang nắm tay nhau mà khóc vì một cuốn sách quí in tại Paris năm 1952 với bìa dầy in nổi cảnh mặt trời lên ở đồng quê Việt Nam. Đó là cuốn “ Từ Điển Pháp Việt “ của Đào Duy Anh !..

Trưa đó, hai đứa ra quán cơm bình dân và uống hai chai bia. Dĩ nhiên tôi trả tiền quán. Rồi tôi còn gửi chút ít về “ cho tụi nhỏ “. Nhưng bạn “ la “ rồi trả lại cho tôi số tiền. Hai thằng như hai đứa con nít cứ đưa qua rồi đẩy lại món tiền ấy làm cho bà chủ hàng cơm nhìn mà cười …

Hơn tháng sau, tôi chạy xe về thăm nhà bạn. Vì tôi ghé đột xuất nên hai thằng lại tim quán cơm bình dân. Nhà bạn trống trước trống sau nên đám gà vịt thấy khách lạ liền bỏ chạy một hơi băng qua giữa nhà để thoát ra phía sau … Nhưng bất ngờ làm sao khi tôi chợt nhìn thấy trên cái giường tre cũ kỷ và đen sạm vết bẩn trong ngôi nhà ấy một cuốn “ Truyện Kiều “ khá xưa do Giáo sư Lê Văn Hoè hiệu đính và được in tại Sài Gòn năm 1959. Đặc biệt, sách có cả chục tranh minh hoạ hai màu đen trắng của Lão Hoạ sĩ Tú Duyên. Sách có đầy dẫy những chú thích cho từng câu trong hơn bốn ngàn câu thơ Truyện Kiều. Ngoài ra, có hằng chục tranh vẽ phụ bản in kèm trong sách. Đặc biệt, tôi vẫn thích coi đi coi lại tranh vẽ chàng Từ Hải “ râu hùm hàm én mày ngài “ đang ngạo nghễ đứng chống gươm trước nàng Thuý Kiều e lệ trong lần đầu hai người gặp nhau.

Bạn biết tôi thích cuốn sách lắm mà không dám nói. Hai thằng ra trước sân đầy nắng chiều ngồi nhìn vào chân núi với những đám ruộng “ khỉ ho cò gáy “. Bạn nói, giọng có vẻ buồn buồn :

– Hôm nọ mình đã tính đem cuốn này về tặng nhưng vợ con cản vì lý do đời mình sẽ không còn có gì vui nữa ngoài cuốn sách gần rách tả tơi này…

Xưa, bạn từng là sinh viên Văn khoa với các môn Pháp văn và Hán văn là những môn ruột nên vốn chữ nghĩa của bạn có thể làm thầy mình được. Vừa qua, vì quí mình nên bạn đã dành cho mình một tình cảm rất đẹp ấy với hai vòng xe đạp gần cả trăm cây số đường rừng núi chỉ để đem về tặng mình cuốn Tự điển kia vốn rất giá trị so với thời ấy.

Bây giờ, với kỹ thuật in hiện đại, người ta có thể làm mới cho đẹp hơn tất cả các sách cũ; và chỉ cần có tiền là bạn sẽ có tất cả với những hộp giấy sặc sỡ màu sắc đựng sách khá trân trọng bán khắp nơi nhưng có thể “ xa “ với khả năng tài chánh của nhiều người khó khăn nên Sách không để gì trở thành phổ thông trong sinh hoạt văn hoá của cả nước !

Trước khi tạm biệt bạn để ra về, tôi vờ coi cuốn Truyện Kiều rồi len lén để lại ít tiền cho gia đình bạn mua gạo. Bạn không hề biết nhưng suốt dọc đường về, lòng tôi cứ cảm thấy buồn ray rứt mãi vì mình đã làm cho bạn nghĩ sai về một thằng bạn có dư chút ít vật chất …

Tôi đã nhiều lần đến tận bên “ Đường Sách “ ở Sài Gòn nhưng rồi tôi lại không muốn vào dù đã rất hăm hở khi đang trên đường tới. Tôi chỉ biết đứng hồi lâu để nhìn vào Đường Sách với niềm vui nho nhỏ của một người từng “ mê “ sách tới tận cuối đời. Rồi thôi, tôi quay về ! Dọc đường, tôi lại tự mình “ tra tấn “ lấy mình về việc đã tự đối xử “ quá khích “ với sách như vậy !

Các quốc gia văn minh và tiên tiến trên thế giới đều dành cho Sách một tình cảm đẹp mang đậm màu sắc nhân văn và một không gian rộng lớn đầy ắp màu sắc dân tộc họ với tinh thần trân trọng nhất, trong đó ngoài hằng trăm nhà sách khắp từ thành phố tới tận làng quê hẻo lánh đều còn tồn tại những nhà sách hay các “ trạm “ bán sách lưu động, họ vẫn có những Đường Sách hay những lễ hội đi kèm với lịch sử phát triển của ngành In ấn thế giới nhằm tôn vinh giá trị của Sách đối với nhân loại. Thái độ trân trọng với Sách của họ đã tồn tại hằng trăm năm nay chứ không phải “ cố gắng lắm “ chỉ để được phép tổ chức một “ Đường Sách “ duy nhất dài khoảng trăm mét như của một thành phố hoa lệ từng có một lịch sử văn hoá hơn ba-trăm-năm là Sài Gòn đang làm !

Sáng nay tôi im lặng giã từ “ Đường Sách Sài Gòn “ quí hiếm này để ra về. Có một con chim bồ câu vừa vụt qua rồi bay lên đậu trên gác chuông Nhà thờ Đức Bà gần đó. Tôi thấy thèm đứng lại giây lát để chờ con chim cúi xuống nhìn thấy mình

NGUYỄN NHƯ MÂY

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác