LỜI CUỐI CỦA MỘT NHÀ VĂN

Ngày đăng: 3/06/2021 11:03:26 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Huỳnh Ngọc Chiến, nhà nghiên cứu Phật học, nhà văn, dịch giả , với các bút danh: Hoàng Ngọc, Liêu Hân đăng trên các báo Kiến Thức Ngày Nay, Văn Hóa Phật Giáo, Giác Ngộ, Tia Sáng, Quảng Nam cuối tuần, v.v…  có bằng thạc sĩ công nghệ thông tin nhưng  sống bằng nghề viết sách, dạy học, dịch thuật”. Tác phẩm đáng chú ý của ông gồm: Lý Hạ, quỷ tài – quỷ thi (2001), U mộng ảnh (dịch, 2007), Đạo Phật và khoa học (dịch, 2009), Chu Dịch thiền giải (dịch, 2012), Di sản phương Đông (dịch, 2014), Phản triết học nhập môn (dịch, 2020), Diệu nghĩa Kinh Lăng Già (dịch, 2020)6  nổi tiếng nhất là Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ, tiểu luận về Kim Dung ( Văn Học xuất bản 2002)

Sáng 2/6/ 2021 anh đã từ giả cõi đời ở tuổi 67. Bài lời cuối được Huỳnh Ngọc Chiến viết cách nay một tháng khi anh biết mình sắp ra đi. Đăng lại để anh chị em hiểu thêm về lẽ đời của kiếp người (Lương Minh)

LỜI CUỐI

Bận tâm chi chuyện hợp tan

Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay

Đến như hoa thắm bên này

Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia

Một làn sương mỏng cách chia

Đến hôm nay đúng 8 tháng trời kể từ ngày tôi phát bệnh. (Tôi phát hiện mình bị K thực quản vào khoảng ngày 15/8/2020). Trải qua ba lần hóa trị, một trận đại phẫu, rồi sự cố hậu phẫu, v.v…, nói chung là nếm đủ mùi khổ não của cơn bệnh nan y. Bệnh tình đến nay vẫn không có dấu hiệu gì khả quan, cơ thể dần suy kiệt và bắt đầu những cơn đau nhức ngày càng tăng dần, bác sĩ tiên lượng có thể kéo dài được một vài tháng nữa, nên tôi muốn ghi vội lời cuối này, như một Lời từ giả, phòng khi những cơn đau nhức hành hạ khiến tôi không còn đủ sức lực và tỉnh táo để có thể ghi lại đúng như ý muốn, trước khi bước qua “làn sương mỏng cách chia”.

Kể từ khi ngã bệnh, tôi may mắn được sống trong sự quan tâm chăm sóc của gia đình, người thân, con cháu, bạn bè, đồng nghiệp cũ, học trò. Thú thực tôi cũng không ngờ mình được thương mến và quan tâm nhiều đến vậy. Mọi người đều theo dõi diễn biến sức khỏe của tôi với sự quan tâm lo lắng chân thành, khiến tôi thấy mình như mang một món nợ ân tình. Ngoài bà xã tôi túc trực bên cạnh, có một người bạn thân luôn theo dõi sức khỏe tôi từng ngày kể từ khi tôi ngã bệnh. Anh lục lọi đủ thứ tư liệu về ung thư để hỗ trợ cho tôi điều trị. Anh lo cho tôi từng củ sâm, hộp sữa, thậm chí quan tâm đến từng miếng ăn ngon, từng ly cà phê cho tôi, dù hai đứa cách nhau hơn một ngàn cây số. Có những người bạn nhiều đêm mất ngủ vì tôi. Tôi tự cho mình là một trong những bệnh nhân hạnh phúc nhất thế giới trong vòng tay bè bạn..

Căn bệnh mà ai cũng sợ hãi này không làm tôi hoang mang, thậm chí nhờ nó mà tôi trải qua những kinh nghiệm kỳ lạ và hiểu thêm ý nghĩa đời và lòng người. Cũng nhờ căn bệnh quái ác này mà tôi lại có thêm những quan hệ thân thương mới, chân tình và cảm động. Suốt thời gian tôi điều trị ở Chợ Rẫy, một bác sĩ ở Từ Dũ, bạn bà xã tôi, nhờ có mối quan hệ thân tình với bệnh viện Chợ Rẫy, đã lo toan, sắp xếp chu đáo mọi chuyện để tạo điều liện thuận lợi cho tôi, từ lúc xét nghiệm, hóa trị cho đến khi nằm hậu phẫu, tận tụy hơn cả một đứa em gái ruột thịt. Trong thời gian tôi nằm dưỡng bệnh tại nhà người em gái ở Q.9, có một kỹ sư trẻ, con của một người bạn, đã tự nguyện đưa đón tôi trong suốt thời gian 3 tháng hóa trị, từ Thủ Đức đến bệnh viện Chợ Rẫy; rồi sau đó vào bệnh viện chăm sóc tôi ngày đêm khi tôi nằm mổ, tận tụy hơn cả một đứa con. Khi về dưỡng bệnh ở Tam Kỳ, những lần gặp sự cố bất thường về bệnh tật lúc nửa đêm lại có một bác sĩ ở bệnh viện Minh Thiện đến tận nhà xử trí, rồi sau đó tự tay chăm sóc vết thương cho tôi, dù đó không phải là nhiệm vụ của anh, và anh em chỉ biết nhau qua một vài lần ca nhạc nhậu! Tôi tin đó là những túc duyên hạnh phúc mà tôi may mắn có được.

Tôi thấy mình trải nghiệm cũng nhiều của cõi đời rồi. Hơn bao người khác. Tôi có cơ duyên làm người khách nhàn du rong chơi bao năm trong những phương trời âm nhạc cổ điển phương Tây, thơ Đường, Phật học, triết Đông, triết Tây, tin học, v.v… du lịch đây đó cũng nhiều, cũng có viết sách đôi chút để đóng góp cho Phật pháp, cho đời. Như vậy là quá đủ cho một đời người.

Ai rồi cũng phải bước xuống một bến ga nào đó trong chuyến xe đời. Tôi cũng sắp từ giã mọi người để xuống một bến ga. Trên chuyến xe đời ở kiếp này, giữa bao trầm luân trôi nổi, tôi thấy mình là lữ khách hạnh phúc. Tôi đã vào đời bằng tiếng khóc giữa tiếng cười của cha mẹ, người thân, bây giờ sẽ ra đi bằng nụ cười giữa sự thương yêu của người thân, bè bạn, v.v… Hạnh phúc đó đâu phải ai cũng có thể có được đâu?

Tôi là Phật tử, tin tưởng tuyệt đối vào Phật Pháp, nhưng tôi không tin những nghi thức tụng niệm trong tang lễ theo kiểu Phật giáo có thể giúp con người siêu thoát. Tu hành tinh tấn bao nhiêu kiếp còn chưa chắc đã thoát khỏi luân hồi, không lẽ chỉ nghe những lời kinh siêu độ lúc lâm chung mà có thể siêu thoát được chăng? Hơn thế nữa, những người thuộc tôn giáo khác, hoặc qua đời trước khi các nghi thức tụng niệm này xuất hiện thì không siêu thoát hay sao? Tất cả đều do Nghiệp Lực chi phối. Bởi vậy, tôi đã sắp xếp để tang lễ diễn ra đơn giản, và vợ con tôi cũng đồng ý. Thân xác tôi sẽ được hỏa táng, tro rắc xuống biển, sông, và một ít trong vườn nhà. Sẽ không có chiêng trống bùm beng, cùng các loại kèn ò í e não ruột; cũng không có các loại cờ phướng xanh đỏ tím vàng hoa hòe sặc sỡ. Trước quan tài là một bàn thờ để tượng đức Phật Thích Ca và Phật Quan Âm (của bàn thờ trong nhà), một bộ chuông mõ và ít hương trầm. Thân hữu đến viếng lễ tang sẽ tự tay gõ 3 tiếng chuông thay cho nhang đốt. Nhang bây giờ chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường, sao ta không thể thay bằng tiếng chuông cho thanh tịnh? Nếu thân hữu nào đến viếng lễ tang mà có thể ngồi tĩnh tọa (kiểu như ngồi Thiền) trước quan tài tầm 5-10 phút, thì đó là mới là điều tuyệt diệu.

Tôi nghiệm được rằng khi một người thân đến thăm tôi mà trò chuyện trong tâm trạng hân hoan thì tôi thấy hưng phấn, ít mệt mỏi. Ngược lại, nếu đến thăm mà vì thương yêu nên muốn chia sẻ tình trạng bệnh tật với tôi bằng những cảm xúc sầu bi thì tự nhiên tôi thấy mệt mỏi một cách nhanh chóng. Cho nên, nếu người thân và bạn bè đến viếng lễ tang bằng những tình cảm thương yêu mà không bi lụy thì linh hồn tôi hẳn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng.

Tôi từng ghé thăm nghĩa trang Wiener Zentralfriedhof ở Vienna, nơi các thiên tài Beethoven, Schubert, Schumann, Bramhs, v.v… yên nghĩ. Nghĩa trang trông thơ mộng và xinh đẹp như một công viên, chẳng có chút gì gợi lên sự chết chóc, khiến khách đến viếng mộ thấy lòng thanh thản và cảm nhận được sự nối kết dịu dàng giữa sự sống và cái chết. Tôi cho đó là ý tưởng cực kỳ minh triết, và học hỏi điều này. Sao ta cứ muốn biến lễ tang thành cảnh tượng khổ não sầu bi, trong khi nó là cái kết tất yếu cho tất cả mọi người? Thân hữu đến viếng lễ tang tôi sẽ uống trà hoặc cà phê, và nghe nhạc cổ điển. Như nhiều người đã từng đến thăm tôi, uống cà phê và nghe nhạc với tôi khi tôi còn sống. Tiễn đưa linh hồn (tạm gọi thế) ra đi bằng tiếng nhạc êm dịu có khác gì tiếng tụng kinh? Mọi người rồi sẽ trải nghiệm được rằng chết là bước chuyển để nối tiếp cuộc sống theo một thể điệu khác, trong chu kỳ sinh hóa vô cùng.

Tôi xin cảm ơn tất cả những người, trong gia đình lẫn ngoài đời, từ những bậc đàn anh đến thân hữu, học trò, đồng nghiệp, v,v,,, đã gặp gỡ và thương yêu, quý mến tôi trong chuyến rong chơi giữa cõi Ta Bà này. Trong kiếp sau, hay nhiều kiếp sau nữa, nếu có duyên chúng ta vẫn có thể gặp lại nhau.

Đến lúc này, tôi thấy cái Chết cũng chỉ là cái sân khấu ở nơi khác để tôi bước lên chơi đàn như trong đêm nhạc Cung Trầm, mà nhóm bạn thân tổ chức cho tôi vào đêm 28/12/2019 tại Tam Kỳ. Chỉ hơi hồi hộp chút xíu vì có thể tôi sẽ gặp những người khách lạ!

Trân trọng.

Tam Kỳ 5/5/2021.

HUỲNH NGOC CHIẾN

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác