Đi chợ

Ngày đăng: 12/10/2020 11:00:24 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đi chợ như kiểu của hai vợ chồng nhà báo Lương Minh – Các Ngọc, thiệt là công phu; bởi không chỉ đi mua sắm, thăm thú chợ búa mà còn để viết báo, viết sách. Sau cuốn “Đời chợ” in năm 2000, tháng 10.2012, anh chị cho ra mắt tiếp cuốn “Chợ tỉnh – chợ quê”, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Lần này anh chị kể chuyện về 116 cái chợ ở khắp ba miền đất nước; chuyện nào cũng có hình ảnh minh họa và vài phác thảo thú vị về nét văn hóa xã hội của địa phương liên quan tới chợ. Thí dụ như ở ĐBSCL có hai cái “chợ lạ”, đó là chợ hột Cái Mơn ở Chợ Lách (Bến Tre) và chợ rơm Tân Hòa ở Lai Vung (Đồng Tháp). Dù chợ hột chỉ hoạt động từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch nhưng bán đủ loại hột như hột xoài, hột sầu riêng, hột chôm chôm, hột cam, hột quýt… Và theo như tác giả, thì: “Phát sinh chợ hột từ khi nhu cầu trồng cây ăn trái các tỉnh miền Đông Nam bộ tăng vọt, tại Cái Mơn có một vài hộ thu mua các loại hột về bán cho các nhà vườn ươm cây. Những trái xoài, sầu riêng, chôm chôm được người tiêu dùng ăn xong bỏ hột, dân quét rác ở các chợ trên TP.HCM gom lại bán cho vựa hột ở chợ Hòa Bình và từ đây lại chuyển về cho các vựa ở chợ hột Cái Mơn. Hột xoài thì bán tính thiên, hột sầu riêng tính ký, hột cam, hột quýt thì bán đong từng lít”. (Chợ lạ ở ĐBSCL).

Đi chợ Dương Đông ở Phú Quốc hồi tháng 1.2005, tác giả kể: “Đặc biệt, khách du lịch nước ngoài đến chợ Dương Đông, họ không mua đồ khô mà mua thực phẩm tươi sống như thịt heo, rau quả, hải sản cùng với soong nồi để nấu ăn trong ngày. Một chị bán cá nói rằng khách nước ngoài đến Phú Quốc đều muốn tự khám phá nét độc đáo của hòn đảo này, thế nên 90% khách tự tổ chức lấy bữa ăn, thông thường họ chỉ ăn sáng ở khách sạn theo tiêu chuẩn, còn trưa chiều thì đi chơi đến đâu nấu ăn ở đó”.

Đi chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vào một ngày giữa tháng 5.2011, tác giả nhìn thấy sức sống lan tỏa từ nơi này: “Hiện nay, dọc hai bên bờ sông cặp chợ nổi Cái Răng hình thành nhiều vựa trái cây, chuyên đóng hàng đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, lên Đà Lạt, Tây Nguyên bằng xe tải. Mỗi ngày, thương lái chở trái cây từ các nơi tập trung về chợ nổi, đổ hàng lên bờ cho các vựa”.

Kể câu chuyện “Chợ Sài Gòn: giữ thêm đẹp đất, đẹp người”, tác giả viết: “Sài Gòn khi mới ra đời đã được định hình là chợ, là đầu mối giao thương phía Nam Việt Nam và với vài nước miền Nam châu Á. Với tiểu thương, chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của đất và người Sài Gòn”.

Cùng là nhà báo (Lương Minh làm ở Thời báo Tài chính Việt Nam, Các Ngọc làm ở báo Sài Gòn Tiếp thị), nên hai tác giả, trong “Lời nói đầu” cuốn sách của mình, đã đồng lòng gởi nhận xét này tới bạn đọc: “Theo cái nhìn của nhiều người đi chợ, thích tìm hiểu văn hóa chợ, chúng tôi nhận thấy chợ truyền thống rất phù hợp với người Việt Nam, nên dù có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại thì chợ vẫn tồn tại trong cuộc sống của người Việt Nam”.

Huỳnh Kim

Bài đăng báo Thanh Niên 2012

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121127/di-cho.aspx

Hôm đăng bài của Nguyễn Ngọc Hạnh, tìm trên Google ảnh của Lương Minh, tình cờ thấy bài này của nhà báo Huỳnh Kim đăng trên báo Thanh Niên. Nhận thấy thông tin này trang nhà chưa có, nên đăng thêm để bạn đọc thưởng thức (Phi Rom)

h2

h3

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác