NHIẾP ẢNH GIA NGUYỄN BÁCH THẢO, TRẢI LÒNG VỚI CUỘC SỐNG TRONG TỪNG TÁC PHẨM

Ngày đăng: 5/08/2020 05:17:21 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trong nhiều năm nay, tên tuổi của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bách Thảo đã trở nên quen thuộc với giới nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và với văn nghệ sĩ tỉnh Vĩnh Long. Để có được kết quả này, anh đã trải qua một quá trình tự học, tự phấn đấu, tự rèn luyện liên tục không mệt mõi.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bách Thảo sinh năm 1943 tại xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1954, anh học Phổ thông Cấp 1, cấp II tại xã nhà. Năm 1962, anh chọn nghề giáo và quyết định thi vào trường Trung cấp Sư phạm liên tỉnh Hòa Bình (Tây Bắc).

Năm 1964, tốt nghiệp Sư phạm, khi đó mới 21 tuổi, anh được phân công về dạy tại trường Phổ thông cấp II xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Đây là một xã vùng sâu, vùng xa còn lắm khó khăn, vất vả, cách xa huyện lỵ của một tỉnh miền núi hiểm trở.

Anh chuyên dạy văn, sử. Tính tình hiền hòa và luôn gần gũi với học sinh nên anh được học sinh và phụ huynh yêu quý. Năm 1967, Ty Giáo dục tỉnh Hòa Bình điều động và quyết định anh về làm Hiệu trưởng trường Phổ thông Cấp II xã Mai Hịch, thuộc huyện vùng núi cao Mai Châu. Sau 4 năm dốc lòng với các học sinh vùng cao, anh được chuyển về dạy học tại trường Phổ thông Cấp II quê nhà.

Đây cũng là thời điểm mà các trường Phổ thông cấp II, cấp III triển khai việc in thẻ cho học sinh. Như vậy là phải có ảnh. Thời kỳ khó khăn đó, thợ chụp ảnh rất hiếm. Nhà trường phải lên tận phố huyện, thậm chí lên tận tỉnh lỵ Nam Định tìm thợ, rồi hẹn ngày, hẹn giờ mới có người đến chụp ảnh.

Là một nhà giáo, anh Bách Thảo cũng mong muốn có một chiếc máy ảnh để ghi lại hình ảnh của người thân, những phong cảnh, những sinh hoạt nơi anh từng bước chân đến. Bây giờ, đứng trước nhu cầu thiết yếu là chụp ảnh cho học sinh; anh quyết định lấy số tiền lương ít ỏi của mình, đồng thời vay mượn thêm của bạn bè để mua bằng đươc chiếc máy ảnh Zenit do Liên Xô sản xuất. Nghề ảnh chưa biết, anh nhờ người hướng dẫn, rồi sau đó tự mày mò chụp, rồi cũng tự vào phòng tối tráng phim, rọi ảnh theo phương pháp thủ công.

Những tấm ảnh đầu tay ra đời, anh vô cùng tự hào và phấn khởi. Đó là những bức ảnh về chân dung người mẹ, ảnh đứa con yêu quý trong những ngày thơ ấu và chân dung của những người thân yêu trong gia đình. Thời gian này, anh đã góp phần cùng nhà trường chụp ảnh thẻ cho học sinh, không phải đi xa vất vả tìm thợ. Ban Giám hiệu nhà trường đã biểu dương anh việc này.

Điều làm anh vô cùng phấn khởi mà có lẽ đây cũng là tác nhân quan trọng tạo tiền đề cho bước đường nghệ thuật của anh về sau. Đó là bức ảnh ghi lại việc nuôi thả bèo hoa dâu của thầy, trò trường anh đang công tác được đăng ở vị trí trang trọng trên số báo xuân Hà Nam Ninh năm 1976 . Rồi tiếp theo đó là bộ ảnh phóng sự được in kín cả trang báo Thương mại, phản ánh hoạt động của Hợp tác xã mua bán Đồng Sơn phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.

Năm 1981, anh được chuyển về công tác tại tỉnh Cửu Long (khi đó tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh nhập lại). Công việc chính là biên tập tờ tin Công nhân trực thuộc Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Đối với anh, đây là một công việc hoàn toàn mới nhưng lại rất phù hợp với khả năng và kiến thức của một giáo viên dạy văn và cũng có hiểu biết ít nhiều về nghề ảnh. Thời gian này, ngoài ảnh thời sự cho tờ tin, anh còn chụp ảnh nghệ thuật báo chí, cộng tác với các báo trong và ngoài tỉnh.

Được bạn bè Vĩnh Long giới thiệu, anh tham gia hoạt động tại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long từ năm 1998, chuyên ngành nhiếp ảnh.

Một thành tích, một kỷ niệm đặc biệt đối với anh khi chuyển sang lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Đó là năm 2000, cây cầu treo dây văng Mỹ Thuận nổi tiếng nối liền đôi bờ sông Tiền được khánh thành. Sự kiện này đã thu hút hàng trăm nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên các tờ báo trong cả nước đến chụp ảnh. Đủ mọi góc độ được các nhà nhiếp ảnh khai thác. Riêng anh Bách Thảo thì điềm tĩnh quan sát để tìm góc độ, thời điểm thích hợp cho riêng mình. Đêm hôm đó, với chiếc máy ảnh trong tay, anh cứ đi tới đi lui nhiều lần trên cầu suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau một đêm thức trắng, anh đã chụp hết 3 cuộn phim màu, trên 100 ảnh với nhiều góc độ khác nhau. Anh chọn ra một tấm ưng ý nhất, đặt tên là “Cung đàn quê hương”.

Nhân sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận, hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.HCM tổ chức một cuộc thi ảnh nghệ thuật. Trong số hơn 500 ảnh dự thi, bức “Cung đàn quê hương” đoạt giải nhì. Anh giới thiệu về bức ảnh: “Tôi vốn sinh ra ở miền Bắc, rồi sau đó sống ở Nam bộ, trong số các bộ môn nghệ thuật, tôi rất yêu thích cải lương. Trong Ban nhạc cải lương không thể thiếu cây đàn tranh 16 dây, tương ứng với cầu Mỹ Thuận có 8 vỉ, mỗi vỉ 16 dây văng, tựa như cây đàn tranh trong đờn ca tài tử Nam Bộ. Hàng đêm, khi đèn trang trí bật lên hắt sáng rõ từng sợi dây văng, cùng với âm thanh của gió ngân rung, làm cho cầu Mỹ Thuận giống như cây đàn huyền diệu giữa bầu trời. Tôi đặt tên cho tác phẩm này là “Cung đàn quê hương” xuất phát từ cảm nghĩ đó.”

Năm 2000 và 2001, tác phẩm “Cung đàn quê hương” nhận liền 3 giải chính thức: Giải ảnh địa phương, Giải ảnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Giải ảnh quốc gia. Sau ba giải thưởng đầy ấn tượng đó, cuối năm 2001, anh được kết nạp vào hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đến năm 2003, anh được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Vĩnh Long (liên tục bốn nhiệm kỳ).

Thời gian đầu làm Chi hội trưởng, anh đã nổ lực, xông xáo trong công tác, góp phần làm cho nhiếp ảnh tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Năm 2004, hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức cuộc thi ảnh qua mạng với đề tài “Việt Nam đang chuyển động”. Tác phẩm “Niềm tin” của anh Bách Thảo đạt giải nhất. Ảnh chụp cận cảnh hai gương mặt mẹ và con có nụ cười rạng rỡ, hết mình cổ vũ cho bóng đá Việt Nam. Bức ảnh đó trở nên quen thuộc, được xuất hiện liên tục trên các tờ báo mỗi lần đội bóng đá Việt Nam tranh giải.

Năm 2005, anh lại nhận được giải thưởng lớn trong cuộc thi EPSON Photo Gallery Award, khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tác phẩm “Tình cha”. Ảnh ghi lại khoảnh khắc trò chơi kéo mo cau mà thuở ấu thơ ngày xưa ở quê trẻ em thường chơi. Nhân vật chính của tác phẩm đắc địa này là một bé trai ngồi trên mo cau, hai tay vịn vào thành mo, cười hí hởn, gương mặt vui tươi, lộ đầy biểu cảm thích thú của một trò chơi bình dị khi được chính người cha của mình kéo (ảnh chỉ ghi lại đôi chân đang chuyển động của người cha với chiếc quần ngắn). Bức ảnh động, nhưng lắng sâu trong tâm hồn người xem tình cảm cha con ngọt ngào, thi vị. Nụ cười hồn nhiên với một chiếc răng sún của em bé có gì đó làm rưng rức lòng người xem.

Mấy mươi năm qua, anh có nhiều tác phẩm về con người, cảnh đẹp vùng sông nước, cây trái miệt vườn vùng Nam bộ được trao các giải thưởng quốc gia, quốc tế và báo chí trong nước. Anh đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp, đầy ấn tượng về quê hương, đất nước, con người Việt Nam trên đường phát triển đi lên. Tác phẩm của anh gắn liền với hơi thở cuộc sống.

Năm 2012, anh được hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ xuất bản tập ảnh với tựa đề “Nhiếp ảnh và tôi”. Lời giới thiệu tập ảnh của hội VHNT ghi: “Ảnh của anh giản dị, gần gủi với người xem bởi hương sắc bốn mùa, trời mây non nước hữu tình, hòa quyện cùng ánh mắt nụ cười của nhân vật mà anh đã kịp thời năm bắt, được chắt lọc công phu, vận dụng hợp lý những thủ pháp kỹ thuật… Cuốn sách tập hợp những tác phẩm ưng ý, là sự lắng đọng trong tâm hồn người nghệ sĩ, là thành quả lao động nghệ thuật, là món quà tinh thần quý giá mừng sinh nhật lần thứ bảy mươi của ông”. Tập ảnh có trên 90 tác phẩm ảnh màu và trắng đen, phản ánh phần nào nội dung sáng tác của tác giả trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Tính đến nay (thời điểm tháng 10/2018), anh đã nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: 1 cúp bạc VAPA (hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), 3 huy chương bạc, 8 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích quốc tế, 1 giải thưởng lớn, 12 lần triển lãm quốc gia – quốc tế, 8 giải nhất, 12 giải nhì, 9 giải ba và trên 100 tác phẩm đạt giải khuyến khích hoặc triển lãm.

Năm 2014, anh được hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong Tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc.

Đầu năm 2015, anh là 1 trong 6 nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc trong cả nước được chọn dự cuộc gặp gỡ chúc tết của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Hà Nội.

Đối với anh, nghề giáo đã hỗ trợ cho nghề ảnh, bởi anh là giáo viên văn nên có thế mạnh về kiến thức văn học và giao tiếp. Bởi sáng tác ảnh phải biết cách giao tiếp, ứng xử với nhân vật hoặc cơ quan, đơn vị được phản ánh; đặc biệt là đối với những người mẫu… Anh cho biết ứng xử văn hóa trong tác nghiệp nhiếp ảnh là rất quan trọng.

Tin tưởng rằng với điều kiện hiện nay, anh sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật ấn tượng hơn nữa; góp phần xây dựng phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long cũng như cả nước ngày càng phát triển./.

Văn Hiến Vĩnh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác