ĐẶC SẢN CHỢ LỚN 

Ngày đăng: 1/07/2020 10:34:44 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi là dân quê lên Sài Gòn, may mắn được sống vùng Chợ Lớn nên được biết nhiều cái lạ. Gọi là Chợ Lớn vì nó không phải là một quận huyện mà là khu vực có nhiều quận: Quận 5, quận 6, một phần quận 11, một phần quận 8, thậm chí có người còn cho là khu vực này nơi nào có người Hoa sống thì đó là Chợ Lớn (?)

 

Câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây” thì ăn ở Chợ Lớn thì là tuyệt. muốn thưởng thức tinh hoa ẩm thực của người Hoa ắt phải vào các nhà hàng như Đồng Khánh, Ái Huê, … còn người dân có thu nhập trung bình như tôi thì làm sao có được? Anh Nhựt, bạn tôi ở quận 6 giới thiệu, ông nên đi ăn ở các khu ẩm thực ở Phan Xích Long, nơi đó có đủ các món của người Hoa mà giá không đắt lắm. Tôi biết, ăn đồ Tàu lúc nào cũng giá cao hơn món Việt, một tô hủ tiếu vói miếng thịt xá xíu nhỏ, một miếng gan cứng nhưng giá bao giờ cũng cao hơn hủ tíu Mỹ Tho. Tôi có cảm tưởng như người Hoa dùng kỷ thuật trong nấu ăn, nguyên liệu ít nhưng chất lương nhiều!. Khẩu vị hay sở thích của người Việt thì tô hủ tiếu nào cục thịt to, bột bánh nhiều mới cho là ngon. Tôi đã từng ăn hoành thánh ở Chợ Lớn, tô nhỏ vài sợi thịt nạt vậy mà giá ngang ngữa với tô hủ tíu lớn, thịt nhiều ở Sa Đéc.

Đến khu Phan Xích Long, quận 11, con đường nhỏ như con hẽm, ấy vậy mà có cả chục tiệm ăn, chủ yếu bán về đêm,khoảng bốn giờ chiều là các quán đã dọn ghế bàn để đón khách. Các quán bán đủ các thứ mà thực khách cần, nào là vịt tiềm thuốc Bắc, óc heo chưng, hoành thánh mì, hủ tíu xào, mì xào dòn. . . Các món tiềm tức chưng cách thủy nhiều giờ liền cho thịt vịt, thịt heo mềm, hay gan, tim cật, trong đó có các vị thuốc Bắc bổ dưỡng như đảng sâm, thục địa, táo Tàu, hoài sơn. Mỗi quán có một cách nấu riêng mà họ cho là gia truyền nên hương vị khác nhau, khách quen phù hợp với quán ăn mà chọn lựa. Khu này cũng có bán há cảo, sủi cảo, loại khô (hấp) và loại nước , tùy theo người thích.

Nói đến sủi cảo tức món ăn như hoành thánh (người bắc gọi là vằn thắn) nhưng trong miếng bột gói nhân có ít tôm xay, có người nói nó từ món hoành thành chế biến thành, bởi vì cả hai loại này đều có miếng bột mì vuông bỏ thịt vào xếp lại. Hoành thánh thì thịt bầm được bỏ vô miếng mì mỏng vò viên, sủi cảo cũng tương tự nhưng thịt có pha chút tôm nhuyễn vào miếng bột mì túm lại.

Sủi cảo hay há cảo ở Chợ Lớn có hẳn một khu phố ở đường Hà Tôn Quyền, quận 11 mang tên nó.  Phố sủi cảo có chừng mươi quán ban ngày cũng có hoạt động, nhưng nó sôi động về đêm do đèn sáng dài cả con đường. Tên phố sủi cảo nhưng các tiệm quán đều có bán hủ tiếu, mì, xíu mại, đồ tiềm nhưng món chính vẫn là sủi cảo, há cảo. Nhớ có một buổi trưa, chán cơm rủ bạn ra đây làm tô sủi cảo chiên, ngồi nhâm nhi vài lon bia, tuy không giống ai nhưng rất thú vị.

Nếu như khu vực đường Hà Tôn Quyền toàn quán bán đồ Tàu thì cách đó không xa là xóm Giá đường Hồng Bàng, hẽm 702 chuyên bán đồ chay phục vụ người hay đi chùa. Thật ra, các món chay giá thấp hơn đồ Tàu nên các học sinh , sinh viên , người lao động đến đây ăn nhiều. Tên xóm Giá là do ngày xưa khu này bà con chuyên làm giá đậu bán cho các chợ, bán cho các tiệm mì, hủ tiếu, về sau họ lấy hủ tiếu về bán cùng với giá thành món chay. Nhiều người thắc mắc vì sao hình thành xóm bán đồ chay, một ni cô giải thích do gần đây có rất nhiều chùa, nào là chùa Sùng Đức, Tuyền Lâm, Huê Lâm, Tịnh xá Phật Quang..nên nhiều người ăn. Ban đầu, hủ tiếu xòm Giá bán cũng đắt, về sau nhiều quán chay mở ra khắp nơi, giá cả không cũng mềm nên lượng quán chay khu này giảm bớt, giờ chỉ còn lại ít và hủ tiếu Xóm Giá chỉ còn là vang bóng một thời!

Ăn đồ Tàu cũng có đồ ăn tráng miệng giống như chè, nhưng người Hoa gọi đó là đồ ngọt. Đồ ngọt có chí mè phủ (chè mè đen), lục tàu xá (chè đậu xanh) hùng tàu xá(chè đậu đỏ) nấu có bỏ vỏ quýt khô gọi là trần bì, ăn có mùi vị thơm lạ, gia đình tôi mỗi khi nấu chè đậu đỏ, tôi cũng bỏ vỏ quýt vào. Đồ ngọt còn có hột gà trà, sâm bổ lượng,chè hạnh nhân, bạch quả, hạt sen…Trong các món đồ ngọt này, có món trở thành chè phổ thông của người Việt là sâm bổ lượng. Tiệm đồ ngọt ít có ở chợ mà là ở các con đường như tiệm Hà Ký, đường Châu Văn Liêm, hay điểm bán đồ ngọt đường Trần Quý, khu vực Chợ Thiết, quận 11.

Trong các loại đồ ngọt, có nhiều món người muốn làm ở nhà nhưng không biết cách nấu hoặc tìm không đủ nguyên liệu.Thí dụ muốn nấu sâm bổ lương, mua táo Tàu, bạch quả trong tiệm chạp phô, nhưng muốn có nguyên liệu tuyệt hảo phải vào phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông mới có. Huơng vị trà nấu hột gà trà cũng vậy, mua ở các hiệu trà không có, phải đến phố này và rồi khi mua xong phải hỏi cách nấu, nếu không thì trà ra trà, hột gà ra hột gà không hòa quyện với nhau thành món ăn hấp dẫn.

Chuyện ăn uống ở Chợ Lớn nói hoài khó hết, nhưng ăn uống thì đi kèm với giải trí. Các rạp xi né xưa ở Chợ Lớn thì cũng phục vụ người Hoa lẫn người Việt. Có một thời các rạp Thủ Đô, Lê Ngọc, Đại Quang chiếu phim võ hiệp Hong Kong, người Việt người Hoa đều xem được. Mọi người đều đồng sở thích, đồng ngưỡng mộ tài nghệ của Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, nét đẹp của Chân Trân, Lý Thanh, Lưu Hiểu Khánh… Tuy nhiên, để dành riêng cho người Hoa ở Chợ Lớn thưởng thức thì phải có các đoàn ca nhạc .

Năm 1994, ở quê mới lên sống Sài Gòn, buổi tối tôi đi dạo khu Chợ Thiếc thấy có văn nghệ của người Hoa, liền bước vào xem thử. Tuy không biết tiếng Hoa nhưng điệu nhạc làm tôi thích thú rất nhiều. Ngồi kế bên một ông lão, tôi hỏi chuyện khá nhiều, ông ấy cắt nghĩa tôi nghe lời ca diễn tả gì, người mới ca trên sân khấu không là ca sĩ chuyên nhưng cũng có trình diễn ở Hong Kong mấy bận.

Chỗ này là một hội quán, cuối tuần các nghệ nhân tụ lại với nhau ca hát như các tụ điểm hát với nhau của người Việt. Ban nhạc thì chuyên nghiệp, ca sĩ không chuyên nhưng cũng thuộc loại ca hay mới dám bước lên sân khấu. Khán giả ngồi ở dưới được uống cà phê đen, cà phê sữa với giá bình dân, ấy vậy mà khi có người ca hay, khán giả cũng đem tặng mười ngàn đến năm chục ngàn đồng cho ca sĩ và ban nhạc. Trên sân khấu có bục gỗ vẽ huy hiệu ban nhạc, trên có sợi kẽm căng ngang cùng các cây kẹp giấy để khán giả tặng tiền kẹp vô đó. Nghe đâu, số tiền đó cuối giờ được gom lại cho các nhạc công. Loại hình tụ điểm này hiện nay không còn nữa, các ban nhạc như Hữu Nghị, Thống Nhất, Hoa Sen giờ trình diễn ở các nhà hàng lớn như Cát Tường (đường Trần Hưng Đạo). Các ca sĩ đoàn ca kịch Thống nhất Triều -Quảng cũng có người được danh hiệu nghệ nhân nhân dân.

Những khách đi ăn sáng ở nhà hàng Cát Tường, hiện nay còn được thưởng thức ca nhạc lời Hoa và giá cà phê – món ăn không cao lắm.Theo tôi, dù khách thưởng thức ngày càng ít đi nhưng với sự trợ giúp của các doanh nhân người Hoa cũng như của Phòng Văn hóa thông tin quận 5 thì đây là điểm dành cho khách du lịch các nơi đến tham quan.

Lương Minh

(Bài được đăng trong tập bút ký: QUẬN 5 TRONG TÔI)

H3

h4

h5

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác