VỀ LAI KHU VƯỜN ẤU THƠ..

Ngày đăng: 14/04/2020 04:31:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Me tôi gọi : ” Me buồn quá, ở hoài trong căn phòng này chắc me chết mất.”
Trong thời điểm “mắc dịch” này, con cái đứa nào cũng ẩn nấp trong cái ổ an toàn của nó thì me tôi buồn là đương nhiên rồi.
“Con biết rồi, để con sắp xếp rồi về ở lại với me mấy ngày.”
Gặp ngay ông anh đầu ngõ:
“Mi về đó hở ? Về ở luôn với me đi, ta oải rồi!

Tôi phì cười, me tôi tuổi dần, ông anh tôi tuổi thân. ” Dần thân tỵ hợi tứ hành xung”. Vậy mà số phận lại bắt me tôi và anh tôi phải ở bên cạnh nhau.
Họ chỉ cần trò chuyện với nhau khoảng 30 phút là bất đồng ý kiến. Me tôi vào phòng nằm, anh tôi ra vườn hút thuốc. Nhưng sau đó lại trò chuyện, lại quan tâm đến nhau.
Me tôi có thể kể lại một câu chuyện đến lần thứ 100 mà kể vẫn đầy đủ tình tiết không chán. Không cần quà cáp, không cần tiền bạc chỉ cần về ngồi bên cạnh lắng nghe và gật gù tán dương là bà hết buồn ngay. Đơn giản như ăn nhãn vậy đó mà không phải lúc nào tôi cũng làm bà vui lòng.
Me tôi là người thông minh và năng động nên bắt bà ngồi im một chỗ chẳng khác gì bắt bà ở tù. Tôi nói với anh tôi:
” Anh để me ra vườn trồng bầu trồng bí, chăm sóc vườn tược theo ý bà thì bà mới khoẻ được.”
Anh tôi trợn mắt:
” Hôm trước bà té ở bụi chuối không ai biết, lỡ bà có chuyện gì tụi bây về bắt đền ta biết lấy gì mà đền.”
Tôi phì cười:
” Sống chết có số, anh tưởng dễ chết lắm hở. Nằm hoài trong phòng buồn quá cũng đổ bệnh mà chết.”
Anh tôi dứt khoát:
“Anh dọn cho me cái vườn nho nhỏ cạnh phòng ngủ của bà rồi, chừng đó thôi, đi lại cho an toàn.”
Khuya, tôi bước ra vườn nhà, tiếng ểnh ương đối đáp nhau liên hồi, tiếng dế nỉ non bốn bề, tiếng vạc kêu đêm thê thiết…tất cả hoà trong tiếng gió lao xao tạo ra cảm giác nao nao khó tả. Cảm giác ấm áp vì quanh tôi vẫn còn nhiều loài côn trùng đang thức, nhưng cũng có cảm giác thật đơn côi khi biết chỉ còn một mình đang thức trong đêm. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến nỗi cô độc của me tôi khi ba tôi không còn nữa. Ngôi nhà từ đường thênh thang trong đêm tĩnh lặng gợi cho tôi nỗi bất an khi tôi bỗng dưng nhớ đến câu chuyện của “thằng bạn ăn trộm” của me tôi.

Ngày ba tôi còn, suốt ngày ông ở trên gác sách. Thế giới của ba là sách vở, cây đàn và yoga. Dường như ông không quan tâm đến thế giới chung quanh. Me tôi lại là người thích giao tiếp rộng, bà làm bạn với tất cả, từ cụ già chống gậy đến đứa trẻ đầu trần chân đất. Chiều chiều bọn trẻ tụ tập quanh bà để chơi bài tiến lên, trong đó có cả ” thằng ăn trộm”. Đến chạng vạng tối, me tôi đuổi bọn nhỏ ” tiến lên” về để chuẩn bị cơm tối. Thằng ăn trộm lẻn vào nằm dưới chân phản từ lúc nào. Đến khuya khi ba me tôi ngon giấc, hắn lục tìm và ôm trọn hộp nữ trang của bà. Sáng sớm thức dậy phát hiện ra, bà biết ngay thủ phạm nhưng bình tĩnh đi báo trưởng thôn kèm theo lời dặn dò: ” Báo cho biết vậy nhưng im lặng cho đên khi tôi hô hoán lên mới ập tới nghe.” Và đúng như bà dự đoán, hắn trở về với túi tiền đầy nhóc sau khi bán mớ nữ trang của bà.
Cho đến khi ngồi trong trại giam, nó trao cho bà đôi bông tai và chiếc nhẫn ngọc bích thản nhiên nói: “Tui bán hết nhưng giữ lại cho bà đôi bông tai và chiếc nhẫn này để bà đi đám tiệc còn có mà đeo.”
Me rươm rướm nước mắt, trước khi ra về còn ngoái lại xin xỏ:
” Tôi xin mấy chú đừng đánh đập nó.”
Tôi hiểu nỗi cô độc của me tôi, cô độc đến nỗi phải làm bạn với cả ” thằng ăn trộm”. Và đâu phải ai cũng có can đảm để làm bạn và nhìn thấy ánh sáng lương thiện trong góc khuất của “Thằng ăn trộm” đó.

Buổi chiều, Chị dâu gói cho ít rau vườn và mấy chục trứng chim trĩ rồi dặn dò: “Thỉnh thoảng em về đây nghỉ ngơi và trò chuyện cho me vui”. Trời bỗng dưng chuyển gió, mây xám xịt và thấp lè tè, trời sắp mưa, tôi nhìn sang khu vườn của người hàng xóm, cỏ tranh vượt cao hơn mái ngói, tường nhà rong rêu ẩm thấp. Khu vườn ấy đã từng là khu vườn đẹp nhất làng của một gia đình giàu có. Vậy mà khi cha mẹ mất đi, con cái lo mưu sinh ở phương xa không có ai trở về chăm sóc nên nó đã trở thành khu vườn hoang. Anh em tôi không ai nói ra nhưng đều có chung một nỗi sợ hãi đó là tất cả rồi sẽ mồ côi lạc loài ngay trên chính khu vườn ấu thơ của mình. Phải chăng vì thế mà anh tôi đã bỏ phố quay về ở bên cạnh me tôi để giữ lại cội nguồn cho con cháu mai sau.

Trần Thị Trúc Hạ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác