Hành trình vào tâm dịch và chuyện tình xuyên biên giới

Ngày đăng: 2/04/2020 07:47:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Vì yêu vợ, người chồng từ Việt Nam tất tả tìm đường sang Ý – là tâm dịch corona khi đó. Ba lần trắc trở chuyện vé, sau cùng ông cũng được bay trên chuyến cuối, một ngày trước khi Ý chính thức đóng cửa biên giới…
“Bạn bè tôi hỏi, ông không sợ sao. Sợ chứ – tôi trả lời – vì tôi đâu có phải anh hùng. Nhưng lúc ấy, tôi không sợ chết mà chỉ sợ mình không về kịp. Giả như tôi bị lây nhiễm trên đường về, hay vợ tôi bên đó có chuyện gì, thì cuối cùng hoá ra những cố gắng của mình là vô ích”, nhà văn Trương Văn Dân nói vậy với BBC News Tiếng Việt, khi hồi tưởng lại chuyến hành trình vào tâm dịch, về Ý, của ông, nửa tháng trước.Chuyến đi của trái tim, trách nhiệm
“Đây không phải là lần đầu tiên có những sự việc chia cách chúng tôi, và bằng cách này hay cách khác chúng tôi đều tìm được cách giải quyết. Nhưng lần này thì giống như cuộc chiến chống lại cối xay gió, chống lại một cái gì không có hình thù cố định. Không có gì rõ ràng về virus corona đang gây ra rất nhiều vấn đề: Nó hét lên cho chúng ta biết rằng con người chỉ là những vi sinh vật trong thế giới và hiện có một cái gì đó mạnh hơn, đang quyết liệt phản công”.
Đó là những dòng trong một tuỳ bút mà người vợ, bà Itala Elena Pucillo viết từ Ý gửi cho chồng, bằng tiếng Ý, khi biết rằng, mình đã không thể bay về Việt Nam như đã hẹn.
Họ hẹn sẽ gặp lại ở Việt Nam, sau khi cùng ăn Tết ở Milan và ra mắt cuốn sách “Phút giây tự do” của bà, và ông Dân có việc phải về Việt Nam trước.
“Tính là tháng 3, Elena sẽ về Việt Nam. Vé cũng mua rồi, nhưng thấy số người nhiễm Covid-19 ở Ý tăng lên từng ngày, nên đổi vé sang ngày 28/2. Nhưng đến lúc đó, nếu về Việt Nam lại lo chuyện nhập cảnh, vậy nên tôi nói vợ hãy ở lại Ý” – ông Dân kể lại.

Nhạc sĩ khiếm thị tri ân những người trên tuyến đầu chống Covid-19 ở Việt Nam bằng một ca khúc.
Nhưng khi đã quyết định như vậy, nỗi lo lại hướng về người vợ. Ở Ý, vợ ông có mỗi một thân một mình.”
Vợ tôi có một người chú nhưng đã cao tuổi, mấy đứa cháu cũng lu bu lắm, nên rất lo. Ở Việt Nam thì tôi có bà con, anh em và bạn bè, rất nhiều. Bởi vậy, tôi quyết định lên đường sang Ý trở lại”.
Ngày 12/3, ông đặt vé trở lại Ý, trên chuyến bay dự tính sẽ cất cánh ngày 16/3. Nhưng chưa kịp bay thì vé bị hủy.
Ông lại đặt vé lần hai, chuyến bay quá cảnh Singapore và Đức, nhưng vé lại bị huỷ phút cuối.
Một người bạn nhận lời đặt vé giúp ông lần thứ ba. Chuyến bay dự kiến khởi hành chiều 14/3, quá cảnh ở Belgrade (Serbia).
Nhưng khi đến sân bay, đang khấp khởi mừng vì chuyến bay không bị huỷ, ông Dân mới hay, người mang hộ chiếu Ý không thể nhập cảnh vào Serbia, trong khi chuyến bay của ông phải quá cảnh ở Serbia, rồi mới đổi sang hãng khác để bay về Milan.
“Lúc đó, tôi đã thụp xuống vì thất vọng. Nhưng tôi xác định phải bay về Ý ngay trong tuần, vì sang tuần sau, có thể Ý đóng cửa biên giới. Xác định vậy nên tôi lại nhờ bạn bè tìm mua giúp vé máy bay khác”.
“Lúc này ở sân bay đã về khuya, nhưng tôi vẫn ngồi lại đó. Bao tâm trạng rối bời, giữa lo âu, thấp thỏm và hy vọng… Mãi đến nửa đêm, người bạn sốt ruột quá mới khuyên tôi về nhà, hứa sẽ báo ngay cho tôi khi có vé. Đêm đó với tôi, quả như ác mộng và tôi không thể chợp mắt nổi”, ông nhớ lại.


Sáng hôm sau, người bạn thông báo có chuyến bay về Rome, quá cảnh Doha (Qatar). Ông Dân lại ra sân bay. Và lần này, mãi khi đã làm xong thủ tục gửi hành lý, ông cũng không yên tâm, chưa dám nói với ai mãi đến khi lên được máy bay. Gọi cho vợ, ông chỉ dám nói rằng, ông đã gửi được hành lý, còn bay được hay không, chưa thể nói trước điều gì.
19 giờ, chuyến bay khởi hành sang Doha. Nhưng ông cũng chưa thấy nhẹ lòng, bởi biết vẫn còn một chuyến bay nữa phía trước.
Suốt 9 tiếng đồng hồ quá cảnh ở Doha, ông không dám rời khu vực bán kính vài chục mét quanh tấm bảng thông tin về cửa ra máy bay.
“Sân bay vắng chỉ còn khoảng ¼ so với ngày thường. Còn tôi cứ nhấp nhỏm, 10-15 phút, tôi lại ra ngó chừng một lần, chờ đến khi tấm bảng thông báo để xem đã hiển thị cửa ra máy bay của chuyến bay kế tiếp tôi sẽ đi hay chưa. Nhưng đã đến gần giờ check-in mà số hiệu chuyến bay đó vẫn chưa thấy hiển thị. Thay vào đó, có hai chuyến khác, tuy có cùng giờ bay và điểm đến, nhưng số hiệu lại khác. Tôi tiến về phía quầy thông tin để hỏi, cô lễ tân hơi khó chịu với ông khách châu Á; tôi lại sang quầy khác và được bảo hãy an tâm đợi ở cổng số 3. Nhưng an tâm sao nổi, tâm trí tôi khi đó cứ nặng như chì. Bạn bè và vợ liên tục nhắn hỏi han tình hình, tôi chỉ dám nhắn lại: “Đang ở Doha, chưa thể nói trước điều gì”.
Đến sáng, số hiệu chuyển bay mới hiển thị trên tấm bảng ngay trước cửa ra máy. Lúc này, ông mới thở phào và tự thưởng cho mình chiếc bánh ngọt dằn bụng.
Chuyến bay hạ cánh xuống Rome, còn cách Milan tầm 600 km. Nhưng đặt chân lên đất Ý, đứng vào hàng người chờ để khai báo y tế, ông mới thở phào vì đã đến đích.

Nhưng khung cảnh sân bay khiến ông tưởng chừng như đang chứng kiến khung cảnh nước Ý trong phim về Thế Chiến 2.
“Hàng quán đóng cửa, sân bay vắng tanh, chỉ nhân viên an ninh mang súng đi qua đi lại như thời chiến” – ông Dân kể.
Ông vẫn còn một hành trình phía trước, đó là bắt xe buýt từ sân bay ra ga xe lửa, rồi đi tiếp chuyến tàu về Milan. Tranh thủ ăn chiếc bánh pizza nơi nhà ga, ông tưởng như được sống lại với quãng thời gian sinh viên gian khó mà ngọt ngào, những ngày đầu đặt chân lên đất Ý.
Và trên hành trình vài tiếng đồng hồ trên chuyến xe lửa vắng tanh, cứ qua mỗi trạm dừng, ông lại nhắn tin cho vợ. Những thắc thỏm và âu lo, theo đó vơi dần.
Chiều hôm đó, ông Dân về đến Milan. Qua tấm kính nơi nhà ga, ông đã thấy dáng bà Elena đợi ở đó.
Hạnh phúc vỡ oà.

Mối nhân duyên hai nền văn hoá
Giờ thì, trong một căn hộ nhỏ ở Milan, họ đang yên bình bên nhau, chồng dịch thuật hay viết lách, vợ làm việc ngay giữa mùa dịch.
Ông Dân chưa hết 14 ngày tự cách ly, mà ông nói là ông tự quyết định vậy chứ không đến từ yêu cầu của giới hữu trách.
“Nhịp sống thành phố như chùng hẳn xuống. Đường sá vắng lặng. Tôi tự cách ly nên chỉ ở trong nhà chứ không đi đâu. Mỗi tuần, chỉ một người trong nhà được đi mua sắm và thường là Elena lái xe đi từ rất sớm, mua vội một vài món đồ cần thiết ở siêu thị rồi về. Đây là quãng thời gian tôi có thể tập trung nhiều cho chuyện viết lách, và tôi cũng tính ghi lại những suy nghĩ của mình dọc chuyến trở vể, để thêm một lần nghĩ thật sâu, về cái chết, sự sống, nỗi sợ hãi và tình yêu”.
“Tôi cũng hay gọi điện cho bạn bè, rồi thỉnh thoảng nói chuyện với hàng xóm qua khoảng cách của chiếc ban công, thì thấy mọi người vẫn vững tin lắm, họ rất lạc quan nhìn về phía trước chứ không ai hoảng loạn. Tất nhiên, phần do khu tôi sống tình hình vẫn khá ổn, chỉ có 2-3 ca nhiễm, chưa có trường hợp nào tử vong. Nhưng ở thành phố cách đây khoảng 25 cây số thì thê thảm lắm. Nhưng bất luận thế nào thì giờ là lúc ta cần sống trong tình yêu, niềm lạc quan và sự chia sẻ”, ông Dân tâm sự.

Đôi chồng Việt – vợ Ý, Trương Văn Dân và Pucillo Elena, vốn khá quen thuộc trong các sinh hoạt văn học – nghệ thuật ở Sài Gòn mấy năm nay. Và câu chuyện tình xuyên biên giới của họ cũng được nhiều người biết đến.
Ông Dân từng kể với tác giả, trong một cuộc phỏng vấn tại Quy Nhơn, quê hương của ông, rằng đó là nhân duyên, nhân duyên để ông đến Ý, để ông gặp bà Elena, và nhân duyên để họ quyết định chọn Việt Nam như điểm dừng chân, để cùng sống và viết.

Năm 1971, mới 18 tuổi, ông Dân còn là du học sinh, lơ ngơ đặt chân lên đất Ý.
Chẳng hiểu thế nào mà một ngày, cô nữ sinh Elena Pucillo 16 tuổi cùng bạn đi bơi. Bể bơi mà bà thường đến hôm đó lại đang tạm đóng để làm vệ sinh, vậy là bà đành tìm bể bơi khác xa nhà hơn.
Ở đó, bà tình cờ gặp ông.
Với ông, bà là một thiếu nữ ngây thơ, hồn nhiên và đa cảm.
Với bà, nét đẹp châu Á kết hợp với vẻ ngoài lịch lãm của ông đã hút hồn bà ngay từ cái nhìn ban đầu.
Tình yêu đẹp như mơ của họ đã ươm mầm nảy nở giữa mùa đông lạnh giá của nước Ý.
Sau này, cả hai nhận ra họ không thể sống thiếu nhau khi họ cùng chia sẻ những trăn trở chung của một thế hệ trẻ, tuy trưởng thành từ hai đất nước nhưng cùng có lòng nhân hậu và chung tình yêu với văn chương.
Ăn mắm tôm, sầu riêng và học tiếng Nẫu
13 năm yêu nhau trước khi đám cưới, rồi sau gần 40 năm ở Ý, họ bỏ ngang tất cả để về Việt Nam.
Là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, bà Elena Pucillo Truong đi dạy tiếng Ý và văn hóa Pháp, viết sách; còn ông Dân, bên cạnh nghề nghiệp chính là một chuyên gia hoá dược, đã dấn thân vào con đường sáng tác mà ông vốn yêu từ ngày nhỏ.
“Tôi yêu văn chương từ nhỏ, nhưng khó thể mưu sinh bằng ngòi bút, nên tôi phải chọn ống nghiệm. Nghiên cứu đòi hỏi tính nghiêm túc và sáng tạo, nên theo tôi, nó cũng chỉ khác nghề văn về đối tượng, chứ phương thức làm thì cũng có phần giống nhau. Tôi bước vào làng văn, chỉ muốn thực hiện những say mê mà khi còn trẻ mình chưa làm được. “Hành trang ngày trở lại” là tập truyện ngắn đầu tiên của tôi và được in tại Việt Nam năm 2007″- ông Dân kể.
Còn với bà Elena, về Việt Nam, bên cạnh khác biệt lối sống, còn là sự thay đổi để thích nghi với một nền văn hoá mới.
Nhưng có hề gì, khi họ có, một tình yêu.
Bằng tình yêu ấy, bà Elena học nấu các món ăn Việt, rồi theo mẹ chồng đi thăm rất nhiều chùa và trở thành Phật tử, cũng như xốn xang cài lên ngực mình những bông hồng trong mùa Vu Lan mỗi năm.
Bà nghe nhạc Trịnh ngay từ những năm 1970 trên đất Ý, biết Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm. Đi đâu – giao lưu văn học hay giới thiệu sách – bà rất thích mặc áo dài. Món Việt nào bà cũng ăn ngon lành, từ sầu riêng đến cả… mắm tôm. Và tất nhiên, về nhà chồng, bà phải học nghe tiếng Nẫu.
Nhớ một cái Tết hơn chục năm trước, Elena về quê chồng xứ Nẫu ăn Tết. Năm đó, bà đã hơn 20 năm làm dâu Việt, nhưng đây là lần đầu tiên mới được “mục sở thị” mọi khâu làm bánh chưng, bánh tét, từ hầm đậu xanh, đến rửa lá, lau lá gói bánh và nấu trên bếp lửa sôi sùng sục.
Bà cùng em chồng đi chợ mua các trái cây “Cầu, Dừa, Đủ, Xoài” về chưng bàn thờ tết và được nghe giải thích vì sao người ta lại thích chưng các loại trái cây này trong những ngày đầu năm.
Mùng Một Tết, cả nhà lại đi hội Chợ Gò ở Tuy Phước mua trầu cau, đu đủ; đi một vòng chợ chịu tuổi đặng lấy hên cả năm.
“Thật vui và đầm ấm quá đi mất. Vui, vui quá…”- Tết đó, bà Elena cứ lặp đi lặp lại cụm từ này bằng tiếng Việt khá sõi của mình, khi kể cho tôi nghe về những ngày Tết lý thú của mình trên đất Việt.

Ghi lai theo Đặng Châu Long

h3                                                          Hai vợ chồng tại Ý khi chưa có dịch

h4                                                        Những ngày vui vẻ ở Sài Gòn

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác