Nhớ lại một thời

Ngày đăng: 4/10/2019 03:12:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Công cuộc đổi mới của chính phủ nhờ việc mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, sự năng động của Sài Gòn khiến đời sống vật chất của người dân được cải thiện, dẫn theo các hoạt động văn hoá đa dạng hơn; trong đó, nghệ thuật tạo hình tỏ ra thực sự sôi động. Vào năm 1987, thưởng ngoạn tranh tượng đã trở thành một nhu cầu khiến các hoạ sĩ và điêu khắc gia miền Nam nô nức tập hợp chung quanh Hội Mỹ thuật Thành phố, góp phần tạo nên sự phong phú cho các tác phẩm mỹ thuật. Tuy vậy, bấy giờ các nghệ sĩ Sài Gòn vẫn còn dè dặt, họ gặp nhau theo từng nhóm nhỏ để tìm hiểu khuynh hướng sáng tác, điều kiện sinh hoạt…

Khu vực Đa Kao quận 1 là nơi nhiều hoạ sĩ cư ngụ gần nhau. Trước hết là ba hoạ sĩ cùng họ Hồ gồm Hồ Hoàng Đài, Hồ Hữu Thủ, và Hồ Thành Đức với vị phu nhân cùng “nghiệp” là hoạ sĩ Bé Ký. Ngoài ra còn có hoạ sĩ Nguyễn Trung cũng ở gần đó. Chính vì thế, khu vực này đã trở thành nơi quy tụ các nghệ sĩ tạo hình miền Nam. Dạo ấy, mỗi sáng, ba hoạ sĩ họ Hồ hay ngồi uống cà phê với nhau ở trước một tiệm chụp ảnh hiệu Mỹ Ngọc trên đường Đinh Tiên Hoàng, trước mặt ở phía bên kia đường là một trường tiểu học lấy tên theo tên đường. Đây không phải là một quán cà phê đúng nghĩa, chỉ nhờ trước cửa tiệm chụp ảnh là một khoảng lề đường rộng nên người con dâu của cụ chủ tiệm sắp bàn sắp ghế cho các nghệ sĩ có chỗ ngồi trò chuyện. Sau đó, lần lượt những vị như Đinh Cường, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Nguyễn Trọng Khôi… cũng hay lui tới, khiến cho chỗ này trở thành một trung tâm sinh hoạt bên lề của giới hoạ sĩ miền Nam, chủ yếu là để thăm dò không khí đổi mới đang diễn ra. Quả thực, những câu chuyện trao đổi quanh những ly nước phần lớn liên quan đến đường lối sáng tác, các bước hội nhập… giới thiệu với nhau những nơi cung cấp phương tiện sáng tác như bố, lụa, sơn, khung… hỏi thăm nhau về đề tài sáng tác, bàn bạc về những kế hoạch triển lãm chung, triển lãm riêng, triển lãm ở nước ngoài, đưa sáng tác phẩm mỹ thuật của người Việt ra thị trường tranh ngoại quốc… và tất nhiên là cả những câu chuyện bù khú, diễn ra trong một không khí thân tình, vì tất cả mọi người đều tự nguyện đến với nhau, chẳng ai làm “đầu trò”, cà phê ai uống thì người ấy trả tiền.

Dần dần, “quán Mỹ Ngọc” được nhiều người biết đến và lui tới, không chỉ những hoạ sĩ miền Nam mà còn cả những vị đang có chỗ ngồi ở Hội, như Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, và cả nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật khác.

Nhớ lại, về hoạ sĩ, có thể kể đến những tên tuổi như Cù Nguyễn, Nguyễn Uyên, Nguyễn Huệ, La Hon, Lê Xuân Hùng, Nguyễn Nam, Âu Như Thuy, Rừng, (Nguyễn Tuấn Khanh), Dương Phước Luyến… Về điêu khắc, có những gương mặt như Trương Đình Quế, Phạm Văn Hạng…  Có môt vị từng đoạt giải thưởng kịch nghệ thời Ngô Đình Diệm cũng hay có mặt là kịch tác gia Trần Lê Nguyễn. Về mặt truyền thông có nhà báo Nguyễn Quốc Thái, thường đến để tặng anh em những tấm vé đi xem phim tại Trung tâm Lưu trữ Phim ảnh ở đường Phan Kế Bính gần đấy. Có lần hai nhà báo “trẻ” là Nguyễn Công Khế và Trương Vĩnh Điện cũng ghé thăm, dường như muốn tìm nhạc sĩ Miên Đức Thắng và dường như bấy giờ hai anh chưa về đến báo Thanh Niên. Một người ở báo Tuổi Trẻ là anh Nguyễn Trọng Chức cũng đôi lần góp mặt vì anh cũng liên quan đến hội hoạ. Thỉnh thoảng ghé qua còn có những nhà văn như Cung Tích Biền, Hoàng Ngọc Tuấn và hình như cả Mường Mán, Nguỵ Ngữ nữa thì phải. Đặc biệt, có lần nhà thơ Trần Dần từ Bắc vào cũng nghe tiếng “quán Mỹ Ngọc” và được người nhà đưa đến; ông cho biết, vào Sài Gòn, ông muốn tìm lại một vài tập thơ của Vũ Hoàng Chương, là người thầy dậy ông thời còn thanh niên. Nhà thơ Hoài Khanh ở tận Biên Hoà cũng có vài lần tìm đến trò chuyện với mọi người, ông cũng muốn tìm lại những tập sách mà Ca Dao ngày xưa đã xuất bản. Về những người làm nhạc, có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thỉnh thoảng đến sớm khi ở “quán” có họa sĩ Đinh Cường, hai vị trao đổi với nhau vài câu rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra về ngay. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cũng là một người thường lui tới. Đặc biệt, vào dịp giải bóng đá Euro 1988 diễn ra, ông nhiều lần mời những người thường xuyên có mặt ở quán về nhà mình ở đường Võ Thị Sáu “thưởng ngoạn” trận đá banh bên cạnh những ly rượu đậm đà; trước đó, nhiều lần hoạ sĩ Hồ Thành Đức cũng thường lôi kéo một số người về nhà riêng để cùng uống với nhau vài ly rượu.

Vài chục năm đã qua, nhiều người đã đi vào thiên cổ… và lâu lắm mới lại gặp được một vài người… xưa. Gần đây có gặp nhạc sĩ Miên Đức Thắng.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng là một người khá đặc biệt. Thời thanh niên, ông đã nổi tiếng với bản nhạc “Hát từ đồng hoang”, bản nhạc khiến vào năm 1970, ông bị Toà án Quân sự Mặt trận của Việt Nam Cộng Hoà kết án năm năm tù khổ sai và chỉ được trả tự do sau khi dư luận quốc tế và quốc nội phản ứng quyết liệt. Lúc ấy nhạc của ông nếu không hùng tráng thì cũng đầy bi phẫn. Bây giờ, ông vẫn sáng tác nhạc, nhưng nhạc điệu của ông đã chuyển sang êm dịu, nhẹ nhàng. Ông cho biết nhạc ông làm hiện nay là phục vụ cho việc trị liệu tâm bệnh. Ông cũng làm thơ, và vì là người soạn nhạc, thơ của ông đầy nhạc tính bên cạnh nội dung mang màu sắc triết lý. Ông cũng sáng tác tranh sơn dầu và làm gốm mỹ thuật. Và trong lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng có những thành tựu nhất định. Hơn hết, nhạc sĩ Miên Đức Thắng vẫn sôi nổi nhưng là một sự sôi nổi đằm thắm.

Một thời đã qua… Mọi gặp gỡ đều là duyên. Nhưng mỗi người đều để lại những dấu ấn thời đại!

                   Hà Duy An

                                                    NS Miên Đức Thắng (Ảnh: petrotimes.vn)

NS Miên Đức Thắng ký tặng sách tại cà phê Hoàng Sa (ảnh LM)

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác