Trân Châu Cảng

Ngày đăng: 7/06/2015 03:06:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Ngày ấy tôi là sinh viên của trường đại học Washington, còn Yoko là bạn cùng lớp với tôi. Cha mẹ nàng vốn là kiều dân Nhật sang Mỹ lập nghiệp khi nàng chưa đầy bảy tuổi. Trong ký ức mơ hồ của nàng, quê nhà Kyoto xa xôi là những cây liễu rũ soi mình bên bờ sông Takase, những ngôi chùa cổ trầm mặc trong những khu vườn mênh mông…

hinh

Hình minh họa trong phim, nguồn net

Yoko có vóc người mảnh dẻ, mái tóc đen tuyền và đôi mắt huyền mơ mộng. Nàng có nụ cười khiến lòng tôi xao xuyến. Với tôi nàng đẹp như một cánh hạc bay trong trời chiều.

Và chúng tôi yêu nhau. Mối tình chúng tôi tựa như một giấc mơ. Tôi không bao giờ quên những giây phút tuyệt vời cùng nàng dạo chơi bên dòng Potomac ngắm hoa anh đào nở trắng lúc xuân sang.

– Hoa anh đào đẹp nhưng chóng tàn, anh nhỉ. Có lần nàng nói với tôi trong khi những ngón tay thon thả mân mê một cánh hoa vừa rụng.

Thời kỳ này bên châu Âu chiến tranh đang diễn ra khốc liệt. Quân Đức làm mưa làm gió khắp chiến trường. Quân Nga bị đánh tơi bời, chỉ có lùi và lùi. Thủ đô Luân Đôn bị dội mưa bom, còn Pháp, Ba Lan, Bỉ và nhiều nước khác thì đã bị Đức nuốt chửng từ lâu. Việc nước Mỹ sẽ tham chiến ở Châu Âu chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, dù con cọp Nhật đang gầm thét ở châu Á nhưng ít có khả năng Mỹ sẽ đánh nhau với Nhật vì dù sao phía Nhật chưa làm gì đụng chạm tới quyền lợi của Mỹ, nhất là vào lúc này đang có một phái đoàn ngoại giao của Nhật đến Washington để đàm phán với Mỹ về những vấn đề tranh chấp giữa hai nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Báo chí cho biết phái đoàn Nhật có thái độ khá hòa nhã và nhân nhượng.

Nhưng một sự kiện quan trọng đã làm đảo lộn tất cả. Ngày 7 tháng 12 năm 1941 Quân Nhật bất ngờ mở cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng. Hôm ấy tôi và Yoko vừa nghe xong buổi hòa nhạc ở Carnegie Hall do dàn nhạc giao hưởng New york tổ chức thì người dẫn chương trình thông báo tin trọng đại trên. Ông ta mời toàn thể khán thính giả đứng dậy hát bài quốc ca của nước Mỹ : “Lá cờ lấp lánh sao”. Tôi hát vang bài ca yêu nước này mà nhiệt huyết dâng trào. Nhưng tôi để ý Yoko chỉ im lặng với vẻ đầy bối rối.

– Bọn Nhật là quân đểu cáng! Bố tôi hét lên khi nhận được tin trên qua đài phát thanh. Chúng bay sẽ phải trả giá gấp trăm lần, gấp ngàn lần những gì đã làm hôm nay.

Trận tấn công của Nhật đã làm 2.300 người Mỹ thiệt mạng, 1.200 người bị thương và phá hủy phần lớn đội tàu Thái Bình Dương của Mỹ đang thả neo ở đó. Trong nỗi đau chung của nước Mỹ, gia đình tôi cũng có nỗi đau riêng: cả hai người chú ruột của tôi là lính hải quân đều hi sinh trong trận này.

Căm hờn trào dâng khắp nước Mỹ. Ngày hôm sau quốc hội Mỹ nhất trí biểu quyết tuyên chiến với Đức và Nhật. Trong lòng người Mỹ lúc này chỉ có một ý chí: Phải trả thù. Với Mỹ, người Nhật nào cũng là quân hèn hạ, phản trắc. Thế rồi hơn 120.000 người Mỹ gốc Nhật rơi vào cảnh bị giam cầm, trong đó có cả người yêu của tôi, Yoko. Giám sát việc giam giữ này là Francis Biddle, bạn học trước đây của cha tôi.

Thực lòng mà nói, tôi không đồng ý về việc này. Đó là điều sai lầm. Dù căm giận thế nào, người Mỹ cũng không nên vơ đũa cả nắm. Lẽ nào mọi người Nhật đều xấu?. Không phải vì người yêu của tôi là người Nhật mà tôi nghĩ như thế. Hoàn toàn không.

 

***

 

Như hàng vạn thanh niên Mỹ khác, tôi lên đường tòng quân. Theo truyền thống gia đình, tôi gia nhập hải quân. Cha tôi vốn là một sĩ quan hải quân về hưu.

Nhật Bản, ba ngày sau trận Trân Châu Cảng, đã cho quân đổ bộ lên đảo Luzon của Philippines rồi sau đó tràn xuống khắp đông nam Á và các đảo ngoài Thái Bình Dương. Tướng Douglas Mac Arthur bị đánh bật khỏi Philippines. Quân Nhật tiến như vũ bão, tưởng chừng không ai có thể đánh bại được. Nhưng rồi Mỹ đã nhanh chóng lật ngược thế cờ, mở đầu bằng chiến thắng ở Midway vào tháng 6 năm 1942. Trước trận thua đau này của con cháu Thái Dương thần nữ, nhiều người đã ví von: “Mặt trời đã lặn tại Midway!”. Trong trận này tôi bị thương nhẹ ở tay nhưng mau chóng bình phục.

Nhưng trận đánh quan trọng nhất mà tôi tự hào được tham gia chính là trận đánh ở vịnh Leyte. Tôi xin lược kể như sau:

Ngày 20 tháng 10 năm 1944, tức bốn tháng sau khi quân đồng minh đổ bộ thành công lên bãi biển Normandie, quân Mỹ chính thức đổ bộ lên đảo Leyte nằm giữa hai đảo Luzon và Mindanao. Mỹ đã huy động vào trận đánh này hàng chục tàu sân bay và tuần dương hạm cùng hàng trăm tàu phóng lôi, tàu ngầm, tàu đổ bộ… Trên các tàu sân bay có gàn 1.300 máy bay tiêm kích. Lực lượng đổ bộ gồm tập đoàn quân 6 và 3 sư đoàn thủy quân lục chiến. Một tuần trước khi tiến hành chiến dịch này, Mỹ cho máy bay liên tục ném bom các sân bay của Nhật ở Đài Loan, Singapore… Đoán được ý đồ của Mỹ sẽ đổ bộ lên đảo Leyte, hai hạm đội Nhật từ Indonesia đã tiến sang Philippines trợ chiến. Nhưng cả hai đã bị tàu ngầm và máy bay Mỹ tấn công. Nhiều tuần dương hạm của Nhật bị đánh đắm trên đường đi. Từ phía Bắc, một hạm đội Nhật cũng được điều xuống bảo vệ Philippines nhưng khi chưa tới đảo Luzon đã bị hạm đội Mỹ chặn đánh. Ba tàu sân bay và hai tuần dương hạm Nhật phải gởi xác dưới biển sâu. Một hạm đội khác của Nhật từ Đài Loan xuống, dù tới được Leyte song phải rút lui ngay sau khi bị đánh chìm bảy tuần dương hạm.

Đây là trận hải chiến lớn nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong thế chiến thứ hai. Quân nhật thua tan tác chỉ trong vòng 24 giờ. Lính thủy Nhật chết hàng vạn người. Lực lượng hải quân xứ Phù Tang gần như tan rã hoàn toàn.

Trong niềm vui chiến thắng, tôi hôn lên tấm hình của một người Nhật mà tôi vô cùng yêu mến. Chính là nàng, Yoko. Nàng mãi mãi là thiên thần của tôi. Tấm hình nàng đi đâu tôi cũng mang theo mong vơi đi phần nào niềm nhung nhớ.

Giữa năm 1945, sau khi phát xít Đức sụp đổ ở trời Âu thì ở Á Châu phát xít Nhật cũng đồng chung số phận. Nhiều trận mưa bom được Mỹ liên tiếp dội xuống các thành phố Nhật và cú đấm cuối cùng là 2 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước nhật đầu hàng vô điều kiện. Nước Mỹ đã trả được thù. Nước Nhật đã phải trả giá gấp trăm lần, gấp ngàn lần những gì họ gây ra cho nước Mỹ ở Trân Châu Cảng.

Song xét cho cùng, người dân Nhật không tội tình gì cả. Có tội chính là bọn cầm quyền hiếu chiến. Bọn chúng đã đưa nước Nhật vào cảnh binh đao, gây điêu linh cho bao dân tộc, trong đó có cả dân tộc Nhật. Không những thế còn làm liên lụy đến hàng trăm ngàn kiều dân Nhật sống ở Mỹ. Họ bị giam cầm sau trận Trân Châu Cảng và chỉ được thả ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Đau buồn thay, tôi, người lính trở về, sẽ không bao giờ được gặp lại người yêu dấu của đời mình. Yoko đã ra đi mãi mãi. Bố mẹ nàng cho biết nàng đã qua đời trước đó mấy tháng vì lâm bệnh nặng. Trong cơn hấp hối nàng còn gọi tên tôi.Tôi sững sờ, không tin vào tai mình nữa. Lẽ nào… Số phận thật nghiệt ngã. Sao không phải ai khác mà lại chính là nàng. Tôi nghẹn ngào nhớ lại lời nàng nói khi xưa:

– Hoa anh đào đẹp nhưng chóng tàn, anh nhỉ.

Giờ đây nhớ đến nàng, tôi chỉ biết bưng mặt khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc.

                                                                        Trần Thế Kỷ

Có 2 bình luận về Trân Châu Cảng

  1. Nguyen Tuyet nói:

    Cám ơn vì đọc được câu chiện  kể quá hay va cảm động này , tội nghiệp cho nàng YoKo quá…Cuộc chiến đã gây sốc và kết liễu đời nàng…. Ôi chiến tranh thảm khốc… gây nên bao nỗi đoạn trường cho  dân tộc… Lỗi là do bọn cầm quyền….bọn lãnh đạo tham lam….gian xão…vì ích kỹ cho quyền lợi của tập đoàn…. mà làm khổ  cả dân tộc  trên thế giới  chịu cảnh thảm khốc….Một lân nữa cám ơn tác giả post bài hay có ý nghĩa  để cho NT va các bạn có cơ hội  biết rỏ và hiểu rõ cuộc diện lịch sử xãy ra giữa Nhật Mỹ hay Mỹ Nhật va thế giới.

  2. vothilai nói:

    Một câu chuyện thật cảm động, chiến tranh rất tàn nhẩn vì thế mà trên trái đất mỗi người trong chúng ta ai cũng muốn sống trong ” Hòa Bình “.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác