Quán trà

Ngày đăng: 26/03/2015 05:32:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Thi thoảng các thân hữu ở ba miền gặp tôi hay hỏi – mở quán trà rồi sao? Hiii, thằng tôi cười tủm tĩm, mở tiệm bán trà có mà chết ah? Vì sao vậy?

Các bạn có bao giờ thấy tiệm bán trà nào chỉ thuần túy chỉ có trà và trà?

vien– Chưa bao giờ!

Tiệm bán trà muốn tồn tại được thường bán kèm cùng với trà là cà phê, rượu, các loại trà thảo dược, thảo mộc.

Ở Xì Gìn, có nhiều tiệm bán trà ngoài 30 năm vẫn chưa dám bán độc nhất sản phẩm trà thuần túy. Ngoài trà, người ta còn bán thêm cà phê, ấm trà, trà cụ, máy xay cà phê v.v. Có như vậy họ mới tồn tại được.

Sáng nay vào một cửa hàng bán đặc sản Đà Lạt, đường Nguyễn Chí Thanh, gần khu Hòa Bình, em bán hàng đon đả đón khách rồi giới thiệu chi li từng loại sản vật của địa phương này. Ở TP. Đà Lạt và khu chợ trung tâm, nay người ta biết thiết kế gian hàng khá bắt mắt, thậm chí có phần nhỉnh ở Xì Gìn.

Vẫn là thói quen, mình vẫn chú ý đến các loại trà Olong mang thương hiệu: Cầu Đất, Long Đỉnh, Hà Linh, Hayih, Tâm Châu v.v. Trà Olong đúng là nhiều vô số kể ở thành phố sương mù.

Em bán hàng thường uống loại trà nào?

Em không rành về trà! Vậy làm sao tư vấn cho khách mua đúng loại trà ngon? Cô ấy cười..!

Có vẻ như cô bán hàng đánh giá loại trà ngon theo số sao được in sẵn trên bao bì: 3 sao, 5 sao, 7 sao, 9 10 sao, hoặc thấy khách mua loại trà nào nhiều sẽ đón chừng là trà đó ngon, hjoặc căn cứ trên giá tiền in gói trà mà phân cấp được trà sếp loại A, B, C.

Để đánh giá phẩm chất trà Olong ngon hay thường thường bậc trung, trước tiên phải nhìn thấy cọng trà được se tròn có đường kính gần như hạt đậu Hà Lan, đậu nành hay đậu phộng.

Trà Olong cọng nhỏ là ngon nhất vì nó được thu hoạch phần chồi, búp, thông thường là một búp hai lá. Ở VN hiếm thấy bán loại trà này vì chúng được xuất khẩu sang Đài Loan hết 90% sản lượng. Trong trường hợp mua được loại trà này chỉ có cách tiêu thụ đồ gian, có nghĩa là nhân viên nhà máy chè chôm mang ra ngoài bán. Chỉ có người sành trà, thân thiết với các chủ tiệm trà may ra mới tìm được trà chôm từ loại Olong xuất khẩu!

Trà Olong hiện nay trồng ở vùng Lâm Đồng chưa thấy thương hiệu nào có sản phẩm gọi là “tuyệt đỉnh công phu”, phần đông là trà Olong lai gọi là giống Tứ Quý hay Kim Tuyên. Hai giống trà này giúp người trồng trà tăng sản lượng và thu hoạch rút ngắn thời gian chỉ tầm 25-30 ngày/đợt. Trong khi trồng trà Olong thuần 45 ngày hái một đợt.

Có thể các nhà trồng trà muốn tiếp cận với người tiêu dùng trong nước đa phần có mức thu nhập trung bình, chính vì thế giá bán trà Olong giống lai giá khá mền, trung bình mỗi lạng từ 60-80.000 đồng/lạng. Loại trà Olong có giá dưới 60.000 đồng/lạng chỉ dành cho phân khúc mới biết uống trà hoặc muốn uống trà Olong cho nó sang chút chút so với trà Thái Nguyên, trà ướp hương Kim Biên.

Các loại trà Olong giống lai khi pha, cọng trà ban đầu có đường kính cỡ hạt đậu phộng sẽ bung ra trong nước sôi thẳng đuột. Lúc đó cọng trà sẽ hiện ra độ dài tương đương ngón tay giữa của người lớn, trên cọng trà có khoảng 4-5 lá, riêng phần thân trà cũng dài cỡ hai đốt ngón tay. Hình dáng trà Olong loại này nhìn rất phản cảm, mùi vị đậm chất trà xanh, có thể chất tanin trong trà chưa được chuyển hóa hết.

Trà Olong ở Lâm Đồng có thể nói nhiều lăm lắm, đa dạng không kém trà Thái Nguyên ở phía Bắc. Dân gian nói tiền nào của đó đương nhiên là chính xác. Vậy người tiêu dùng nên tỉnh táo chọn những loại trà đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, được cấp chứng nhận Organic, VietGap, Iso.

Kinh doanh trà từ thương mại đến chế biến trà, mở tiệm trà, quán trà là hành trình gian nan. Người không có sự đam mê, kiến thức dày dạn, tâm huyết, đủ năng lực tài chính thì không thể đi đến cuối đoạn đường này.

Trong giới trà, kẻ bốc phét, ba hoa chích chòe, nổ tung trời đất cũng không ít. Nhóm kinh doanh trà này chỉ thành công giai đoạn ngắn và tâm trong trong, lòng không sáng thì không thể chọn trà làm kế sinh nhai.

Ba năm trở lại đây người yêu trà lần lượt bước vào con đường kinh doanh cũng xuất hiện khá nhiều. Đối tượng này đi từng bước cơ bản, vạch ra chiến lược ngay từ đầu. Họ phần đông chú trọng đến khâu sản xuất, đầu vào làm căn bản. Sản phẩm của họ ít mà tinh hơn là làm ra nhiều chủng loại rồi từ từ rối loạn, mất phương hướng.

Nhắc lại chuyện mở quán trà, chỉ có thể thành công khi mặt bằng đó là nhà mình sẽ ít bị áp lực. Có mấy ai đủ điều kiện này ở các thành phố lớn, thành phố du lịch.

Quán trà là nơi đón khách tới thưởng trà, hàn huyên đối ẩm. Tiệm trà là nơi bán trà mang về.

Có phải vì uống trà, thưởng trà là thú vui tao nhã nên rất kén khách. Mà hễ khách ít đến quán thì càng khó kinh doanh. Ngoại trừ, người chủ quán rất am hiểu về trà, đầu tư vào quán trà châm chút từng li, từng tí, đi vào phân khúc từ khá trở lên mới may ra thành công.

Sở dĩ nói phân khúc từ khá trở lên là đối tượng vào quán là người biết thưởng trà, có thể nói chuyện về trà, về ẩm, về văn hóa, lịch sử, hội họa, âm nhạc… với các thân hữu. Họ đồng thời cũng dám chi tiền vào việc thưởng trà như một buổi tiệc sang trọng và đẳng cấp chứ không như lè tè đi vào quán nhậu với bộ dạng ta đây nhá!

Hôm khác sẽ nói tiếp chuyện để đầu tư quán trà thành công!

Ngày 26-3-2015.
Phổ Tâm

 

Có 1 bình luận về Quán trà

  1. hoàng Hưng nói:

    Ngày xưa bên Tân Định cũng có quán trà. Làm ơn chỉ dùm ở Việt Nam bây giờ có loại trà nào, hái vào chỉ xấy khô, không thêm bất cứ thứ gì vào. Cám ơn nhiều.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác