Hạnh và Nhung
“ Con gọi cô là má luôn nha. Con ước được như vậy.” Dòng tin nhắn ngắn ngủi của cô bé mang đến cho tôi niềm vui nho nhỏ pha lẫn chút ngỡ ngàng. Tôi nhớ hôm đó là ngày lễ bổn mạng. Từ sáng tinh mơ tôi đã nhận được những lời chúc mừng đầy yêu thương và vui nhộn từ bố và hai “ ông anh và ông em.” Sau lễ chiều sẽ là những gương mặt trẻ trung thân quen của nhóm mừng tất cả ai mang tên Thánh như tôi. Cô bé gặp tôi trong vai bệnh nhân. Cô bé nhỏ nhắn, trẻ trung, đơn sơ như sinh viên năm nhất. Cô bé hoàn toàn không bệnh, đang bị stress. Như bao bệnh nhân khác tôi cho cô bé lời khuyên, từ đó thỉnh thoảng cô bé gọi điện thăm tôi….Cho đến một hôm cô bé xin được làm con gái nuôi của tôi. Điều này quả thật tôi ngạc nhiên! Tôi suy nghĩ “ làm con nuôi ”, ba từ đó cứ lập đi, lập lại trong trí khiến tôi nhớ đến con bé Hạnh ngày nào…
Chiều hôm đó là phiên trực của tôi. Sau khi khám bệnh ở Phòng cấp cứu tôi về khoa A thăm bệnh. “Tránh đường cho cô đi, con.” Bà mẹ vừa nói vừa kéo đứa bé đứng dậy, vì nó đang ngồi duỗi chân thoải mái choán ngạch cửa lối vào. Tôi gật đầu chào nói cám ơn con. Buổi tối, Nga – bà mẹ đứa bé- tìm tôi. Em ngỏ ý cho tôi bé Hạnh, đứa bé gái ban chiều tôi gặp. Tôi sững sờ! Hóa ra các em y tá Khoa A mỗi ngày cho mẹ con Nga tắm nhờ, cho bé Hạnh ăn, giữ bé Hạnh giúp Nga vì thật sự bé Hạnh không bệnh mà chính đứa em trai bệnh đang nằm điều trị tại khoa Nhiễm. Nga xuất thân từ cô nhi viện “ Bồ câu trắng,” sau 1975 em được một gia đình đón về làm con nuôi. Gia đình giàu lòng nhân ái ấy cũng nghèo xơ xác, chạy ăn từng bữa cho 7 đứa con nheo nhóc. Em cố gắng tìm việc làm tự nuôi thân và giúp đỡ gia đình cha mẹ nuôi. Và trong chuyến về miền Tây làm mướn em gặp ba bé Hạnh. Họ đến với nhau không lễ cưới, không hôn thú. Hai vợ chồng sống hòa thuận bên nhau trên mảnh đất Ô Môn, quê nội bé Hạnh. Đến một ngày… nhà nội không muốn nhìn nhận sự có mặt của mẹ con Nga. Tôi không hình dung nổi cuộc sống gia đình với những thử thách nghiệt ngã, những nghịch cảnh không ngờ….Ngày bé Kiệt bệnh, Nga phải ôm cả hai con đi bệnh viện vì ba Hạnh và nhà nội đã xem như chưa hề có mẹ con cháu Hạnh trên đời. Họ không một lần đến thăm con, thăm cháu. Tôi biết cõi lòng người mẹ cùng quẫn ấy đã nát tan như thế nào khi nghĩ đến chuyện cho con mình. Hai đứa con, chao ôi, thật xinh xắn, dễ thương làm sao!. Hạnh nói sỏi, rất ngoan ngoãn, lễ phép dù nó chỉ mới hơn ba tuổi đầu. Có vài gia đình nuôi con nằm bệnh viện biết chuyện xin bé Hạnh, bé Kiệt về nuôi nhưng Nga đều từ chối với lý do rất tế nhị. “ Em để ý, nhìn cô cả tuần nay, em muốn cho bé Hạnh làm con cô.” Tôi, tôi không nghĩ đến chuyện lập gia đình, thật sự cuộc sống tôi chưa có gì gọi là ổn định. Tôi đang ấp ủ giấc mơ tu nghiệp nước ngoài. Tôi đắn đo, cân nhắc. Dù không nhận nuôi bé Hạnh, tôi tự thấy mình có phần trách nhiệm với mẹ con Nga. “ Nga nè, nếu tôi tìm được một người tử tế nuôi bé Hạnh, em đồng ý không?”. Và ba người chúng tôi gặp nhau. Mẹ nuôi bé Hạnh là chị của một soeur. Chị ấy hiền lành, ngoan đạo, sống độc thân. Khi nghe chuyện chị mừng rỡ, hối thúc soeur Châu chở bé Hạnh về nhà gặp mẹ nuôi và ông ngoại để làm quen. Chúng tôi chụp hình chung và hứa với nhau sẽ cho bé Hạnh biết tất cả sự thật khi bé trưởng thành. “ Tôi sẽ nuôi bé Hạnh cho ăn học nên người. Nếu bé có ơn gọi, tôi cho đi tu, ngày cháu khấn tôi sẽ mời chị Nga về dự. Nếu cháu lập gia đình, ngày đám cưới cháu chắc chắn mẹ ruột phải có mặt”. Còn lại bé Kiệt, tôi lại phải “ cầu cứu ” dòng tu nữ của Vú ( marraine ). May thay, các soeur gặp được vợ chồng người Pháp đang tìm bé trai nhận làm con nuôi. Các soeur giúp họ làm thủ tục nhanh chóng. Tội nghiệp mới 18 tháng tuổi đã phải bơ vơ, xa cha mẹ và chị, tha phương nơi xứ người. Cha mẹ nuôi bé Kiệt giữ tấm hình chụp chung, giữ lại bộ quần áo bé đang mặc để sau này bé nhớ đến người mẹ khốn khó đáng thương. Theo lời hứa, bé Kiệt sẽ được về Việt Nam biết mẹ và chị khi tròn 18 tuổi. Đó là cuộc chia ly đầy nước mắt tôi từng chứng kiến. Cuối cùng là Nga, em được dòng tu nữ cưu mang, giúp đỡ một thời gian. Vài lần gặp em, em vẫn đau đáu nỗi nhớ con. Em tự trách mình không nuôi nổi hai con, rồi lại tự an ủi khi nghĩ đến tương lai hai con được sung sướng, học hành đến nơi đến chốn trong gia đình đầy đủ mẹ cha. Em khóc với tôi, em mừng cho hai con có được tuổi thơ ngọc ngà, êm ấm. Tôi chỉ biết im lặng, ôm em như đứa em thơ dại và cả hai cùng khóc. Nga, em thật đáng thương hơn là đáng trách. Ước mong chuỗi ngày sau này em luôn đón nhận được nhiều ơn phúc. Vì lời hứa, lúc ấy tôi không thể tiết lộ bé Hạnh vẫn ở quanh quẩn trong thành phố, rất gần bên Nga. Một gia đình đổ vỡ, tan nát vì lý do gì hỡi những bậc làm cha, làm mẹ ? Chuyện con nuôi của tôi buổi đầu đầy éo le và nước mắt…
Sinh nhật tại bãi Sao Phú Quốc
Tôi không có một thứ gì ở cuộc đời này, tại sao cô bé lại muốn làm con tôi? Con ruột là kết tinh của tình yêu được sinh ra từ trong lòng mẹ. Con nuôi luôn mãi nằm trong tim mẹ bởi lẽ vì tình yêu mà mẹ đón nhận, yêu thương. Con ruột hay con nuôi đều được mẹ thương yêu như nhau ngay từ phút ban đầu. Ngày cô bé Nhung gặp tôi, như một món quà ưu ái gởi tặng tôi nhân ngày bổn mạng. Còn bé Hạnh, ngày đó tôi chưa kịp nghĩ ra là quà tặng của riêng mình. Tôi nhận được câu trả lời của Nhung “ những cái mọi người có, má không có, con không quan tâm. Con chỉ mong một điều duy nhất được làm con của má.” Câu nói giống in lời bố “ bố muốn nhận con làm con chỉ vì bố ao ước có đứa con như con!” Ít ai biết từ năm 1990 tôi cũng có một gia đình nhỏ tuy không giống mọi gia đình khác, tôi vẫn gọi đùa là “ tổ kén ” – tổ của những con nhộng tự dệt ra chiếc kén êm ái, nhốt mình, ẩn dật chờ ngày hóa bướm. Bốn thành viên của “ tổ kén ” là dân độc thân, gắn bó với nhau duy nhất bởi một chữ “ thương ”! Bố hiền lành, bao dung, thương các con như bao người cha đáng kính khác, “ ông anh và ông em ” với tôi như tình anh em ruột thịt – lúc nào cũng bận bịu chăm lo họ đạo nghèo tơi tả… Tôi ở giữa được “ ông anh ” thân ái gọi “ cô em thế gian ”. Thật ra ông ấy hàm ý rằng dù tôi sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian này. “ Tổ kén ” ấm êm chúng tôi dệt bằng tơ trời mềm mại bền chặt yêu thương. Thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp họp mặt nhưng mỗi thành viên đều biết quan tâm đến nhau. Chúng tôi nhớ nhau qua lời kinh nguyện mỗi ngày.Tôi sẽ dắt cô bé Nhung về thăm “ tổ kén ” thân thương. Ở đó cô bé có dịp gặp gỡ bà con nghèo, tâm hồn chất phác. Nhà chỉ còn một lon gạo nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ với người hàng xóm. Một chị liệt hai chân được tặng xe lăn. Sau khi nhận xe chị vội vã trao ngay cho người bạn cụt hai chân vì người ấy cần hơn mình. Đôi mắt “ ông anh ” tôi ươn ướt ánh lên niềm vui khôn xiết vì bà con đã biết thực hành đức ái, chẳng bõ công “ ông anh ” giảng dạy nhân bản từng chút, từng ngày. Hoa trái đã đơm bông kết nụ trên miền quê nghèo khó. Đối diện với những người cơ cực, nghèo khổ đó, tôi hiểu ra mình cũng nghèo, nghèo thê thảm. Nghèo khó trong tâm hồn, trong cư xử với nhau, nghèo nàn đến mức độ thảm thương! Thảm thương vì chúng tôi chưa nhận ra cái nghèo của chính mình!!! Ở đó tôi từng học được nhiều điều từ những con người mộc mạc, rất đỗi bình thường. Cứ tưởng mình đến giúp họ, cho họ bao nhiêu là thứ… nào ngờ cuối cùng họ tặng lại mình nhiều phần quà vô giá buộc mình phải nghĩ suy. Quà họ gởi chúng tôi là câu nói thật thà, là hình ảnh vất vả đời thường, là mơ ước thật nhỏ nhoi, thật đơn sơ…có khi chỉ là gói xôi đủ cho hai chị em buổi sáng! Ước gì con bé Hạnh, cô bé Nhung của tôi biết dấn thân phục vụ mọi người trong yêu thương, biết sống vì nhau, sống cho nhau trong mọi hoàn cảnh. Hơn lúc nào hết, tôi thương nhớ gởi đến con bé Hạnh ngày nào tiếng “ Má ” dẫu có muộn màng mà lẽ ra con bé đã được gọi tôi từ nhiều năm trước…..
THANH THỦY D5
( Sau chuyến đi Phú Quốc 06/4/13 )
Hạnh và Nhung – Tác giả Thanh Thuý thật tuyệt vời! Không phải ở bài viết hay, chuẩn mực mà toát ra tính nhân ái chân thật từ trái tim. Cám ơn tác giả đánh thức nhân bản trong mỗi người đọc.
Anh Phong Tâm,
Cám ơn anh đã ngợi khen. Điều tôi muốn nói, muốn gởi gắm với mọi người – anh đã nhận ra. Đó là niềm vui hơn cả lời khen nữa, anh ạ! Tôi gởi tặng con bé Nhung bài viết này mừng sinh nhật, con bé khóc sướt mướt mấy ngày. Sau đó con bé biết quan tâm đến mọi người và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất….” vì con thấy mình được nhận nhiều thứ quá, má à”.
NT nghỉ cuộc đời con người , ai cũng có số mạng , số kiếp căn phần , ngày đó , giờ đó sẽ chuyển đổi cuộc sống con người từ khốn khó trở nên sung sướng hay ngược lại , đó là định phần và cố kiếp , và nó có thể liên đới tới cái luật nhân quả từ kiếp trước, vì thế cho nên duyên cơ đưa đẩy và duyên phần Hạnh , Nhung , Nga ,Kiệt…..gặp nhau , từ đó thay đổi số phận cuả 1 con người , nhờ vào tấm lòng tốt và nhân ái đã được trời phật lập sẳn 1 chương trình , câu chuyện rất cảm động , 1 điều ước rất đơn giản, thật thà , chất phát , người nhận và người cho cũng quả là duyên trời định , thật tuyệt vời !
Chị N. Tuyết,
Em cũng nghĩ như chị vậy! Có nhân duyên mới gặp nhau. Có quả báo, có luân hồi….Đôi khi em cũng ray rức khi gặp cảnh ngộ mà mình chẳng giúp được gì nhiều. Lúc đó em chỉ biết an ủi, đồng cảm với họ, giúp họ tìm lại niềm tin hoặc đức tin đã đánh mất.
Cám ơn chị đã chia sẻ bài viết của em.
Không cần phải vào dòng tu, cũng không cần phải khấn trọn đời, nhân vật trong câu chuyện quả thật là một tấm gương sáng về lòng bác ái, tinh thần dấn thân phục vụ cho tha nhân mà không hề tính toán. Hy vọng những đứa con mà chị yêu thương sẽ học tập theo những đức tính quí báu của chị để luôn sẳn sàng đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người.
Kiều Oanh ơi,
Lâu quá mới gặp K. Oanh. Cám ơn Kiều Oanh đã cảm nhận bài viết của mình. Một câu chuyện hoàn toàn có thật đó K. Oanh. Đến bây giờ mình vẫn chưa thể quên gương mặt trẻ thơ bầu bĩnh của bé Hạnh!