Ra mắt “Chợ Tỉnh Chợ Quê” tại Sài Gòn
Ngày 15/11, nhóm thân hữu nhà báo tại Thành phố Hồ chí Minh đã tổ chức buổi ra mắt tập sách “Chợ Tỉnh Chợ Quê” tại quán cafe Trung Nguyên số 19B Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM. Có hơn 30 nhà báo và thân hữu của tác giả đến chúc mừng ngày vui này.
Họ đã mua ủng hộ Lương Minh &Các Ngọc một số sách để tặng bạn bè trong tủ sách gia đình, các tác giả đã ký tên trên những quyển sách mới này. Trong dịp này, Lương Minh đã cám ơn bạn bè đã nhín chút thời gian có mặt và ủng hộ, Các Ngọc cám ơn Công ty Vietravel đã mua 100 cuốn, trang bị cho hướng dẫn viên du lịch, cám ơn các đồng nghiệp đã giới thiệu sách trên các báo.
http://thoiluan.com.vn/46-8308/cho-tinh-cho-que-cua-hai-nha-bao.html
Chợ tỉnh –chợ quê: Tiểu từ điển về chợ Việt Nam
Nhiều người cho rằng loại hình chợ sau này sẽ dần dần bị triệt tiêu, thay vào đó là các siêu thị sẽ tràn ngập. Theo cái nhìn của người đi nhiều chợ, thích tìm hiểu văn hóa chợ, hai nhà báo Lương Minh và Các Ngọc nhận thấy dù có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại thì chợ vẫn tồn tại trong cuộc sống người Việt Nam.
Năm 2000, hai tác giả đã ra đời quyển “Đời Chợ” viết về những chợ và phố ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, nhận được nhiều lời khích lệ. Đầu tháng 11.2012, hai tác giả tiếp tục ra mắt độc giả quyển sách “Chợ Tỉnh – Chợ Quê”, ghi chép lại 100 chợ ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, chưa kể các phố kinh doanh chuyên một mặt hàng.
Qua các chợ ở Sài Gòn, hai tác giả đúc kết chợ không chỉ là nơi để mua bán mà còn là nơi giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của đất và người Sài Gòn. Đọc “Chợ Tỉnh – Chợ Quê” được biết phụ nữ ở Thủ Đức, Bà Điểm vẫn đi chợ bằng xe ngựa, vùng Chợ Lớn tập trung hầu hết chợ đầu mối hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Sài Gòn có chợ họp thâu đêm suốt sáng, có chợ chỉ họp nửa buổi sáng, có chợ chỉ đông đảo về đêm, tiểu thương ở mỗi chợ có những hoạt động hình thành “nét văn hóa chợ”.
Mỗi khi đi các tỉnh, thành, nơi hai tác giả không bỏ qua cũng là chợ. Ở miền Đông Nam bộ, chợ Dĩ An (Bình Dương), chợ Hóa An (Biên Hòa) gắn với đời sống của công nhân; chợ Trảng Bàng, chợ Long Hoa không thiếu những đặc sản riêng có của Tây Ninh như bánh tráng phơi sương, muối tôm; có chợ ở Biên Hòa chỉ cấp phường nhưng ngày càng phát triển; cũng có chợ vùng biển như chợ Phan Thiết, chợ Vũng Tàu.
Miền Tây là vùng nông nghiệp, những chợ chanh Lương Quới, chợ Chợ Lách, chợ sầu riêng Ngũ Hiệp, chợ vú sữa Vĩnh Kim… đều là chợ trái cây, nhưng cách buôn bán có những nét riêng; người mua bán hàng rau củ quả, gạo ở miền Tây ngày xưa vận chuyển dựa vào đường sông, giờ những khu chuyên gạo ở Bà Đắc hay chuyên rau ở Châu Thành (Tiền Giang) tạo không khí tấp nập trên quốc lộ 1A. Miền Tây có sông, chợ nổi trên sông là nét đặc trưng thu hút khách du lịch; lại cũng có biển, nên chợ vùng biển giải quyết được khâu tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Hai tác giả không ngại lặn lội đến những chợ vùng biên giới, đi chợ vào mùa nước lụt, tìm lại chút ký ức khi đi chợ tết ở quê.
Hơn 400 trang sách, chưa nhiều, song “Chợ Tỉnh – Chợ Quê” là quyển sách viết về nhiều chợ, có nhiều thông tin để tham khảo và giữ làm tư liệu. Sách có bán tại các nhà sách FAHASA, giá 95.000 đồng/quyển.
Trần Nhã
Báo Thế Giới Tiêu Dùng
Như thế thì ông sãi đã quá ưu tiên cho quý độc giả của quê nhà , Nơi chôn nhau cắt rốn của ông sãi .Chúc cho ông sãi buôn may bán đắt ,cuốn sách CHỢ TỈNH,CHỢ QUÊ sẽ có mặt trong mọi tủ sách gia đình .
Xin hỏi, chợ Chòm Hổm mà tôi biết nó rất lớn, đủ nhiều mặt hàng trên thế giới,
có trong quyển sách nầy không ?
Xin Chúc mừng và chân thành cám ơn anh chị Lương MInh và Các Ngọc đã cho ra mắt tập sách Chợ tỉnh Chợ quê. Tuy tác giả cho là thể lọai ghi chép nhưng tác phẩm biên tập hết sức phong phú và cần thiết cho đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa chợ. Tập sách ghi chép rât công phu và chi tiết về các chợ truỳền thống khi đọc ta có cảm giác tác giả là người địa phương hoặc phải là dân ăn dằm nằm dề lâu ngày ở các chợ. Ví như khi nói về chợ Thanh Đa tác giả đề cập đến món cháo vịt Thanh đa nổi tiếng, thịt ngọt, mềm, nhất là món chuối cây giòn rụm ngọt ngào. Tác giả viết thêm ( trang 116 ): “Đầu chợ là 2 -3 sạp báo với khá nhiều lọai báo bán đúng giá bìa ” Chính xác là như vậy, khi đến Thanh Đa bạn sẽ ngạc nhiên khi mua bất cứ tờ báo nào cũng sẽ được thối lại đúng giá bìa kể cả những người bán báo dạo, điều này không gặp bất cứ nơi nào ở Sài Gòn. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của chợ Thanh đa , không nói thách, bán đồ tươi .( Đây tôi cũng nói theo thời điểm tác giả víết bài 7/5/2003 ) Trước đó trên báo Sgtt cũng có những bài viết tương tự như vậy nhưng không đều không đủ, nay tập sách Chợ tỉnh Chợ quê ra mắt thật công phu và xứng đáng là quyển cẩm nang không dành cho giới tiểu thương, sinh viên mà còn trợ giúp cho đông đảo bạn đọc gần xa. Xin cám ơn hai tác giả Lương Minh và Các Ngọc chúc anh chị nhiều sức khỏe và sớm có nhiều tác phẩm giá trị độc đáo.
Chợ Tỉnh , Chợ Quê , Chợ Việt Nam , môt tài liệu hay và có già trị giúp mọi người hiểu biết thêm kiến thức , NT tự nghỉ cuốn sách có giá trị tinh thần cho những người xa xứ khi nhớ về quê hương và các món ăn đặc biệt… chỉ nghe cái tựa đã thấy hấp dẫn rồi , tác giả Lương Minh và Các Ngọc có những sáng kiến và sưu tầm thiệt hay .Ứớc mong sách phổ biến và in ấn nhiều và bán chạy như một món ăn bổ dưỡng tinh thần mà ai ai cũng cần có và cần biết . NT Snow.
Bài nầy vừa đăng báo Thanh Niên (Trang ĐBSCL) ngày hôm nay. Trên đó chắc không có, gởi ông đọc.
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121127/di-cho.aspx