RƯỚC PHẬT VỀ NHÀ
Con người, ai cũng có riêng cho mình một góc tâm linh. Kinh kệ là cầu nối giữa hiện thực và tâm linh, hầu như khi đã là Phật tử thì ai cũng dành một thời gian nhất định trong ngày để đọc hoặc nghe kinh.
Hiện nay, những người quy y theo đạo Phật ngày càng đông. Phật tử cũng có nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau, nên đường tu học cũng khác nhau. Trong thời đại khoa học phát triển tân tiến, việc theo tu hành cũng có phần thông thoáng hơn. Cụ thể Phật tử không cần đến chùa nghe kinh, đọc kinh, lạy Phật mà họ ở ngay tại nhà mở máy ghi âm để nghe kinh rồi tụng theo và chỉ đến chùa vào ngày rằm, mùng một hang tháng. Cúng dường thì vào trang web tìm tài khoản của chùa để chuyển khoản. Những bài giảng, thuyết pháp của nhiều vị hòa thượng từ xa hiện nay cũng theo đường truyền internet mà đến với người mộ đạo, lúc yên tịnh hay rảnh rang Phật tử mở ra nghe rất tiện. Ai muốn nghe thầy nào thì đánh vào từ khóa tên thầy ấy.
Ở công ty tôi làm việc có vị tổng giám đốc tuổi gần 60 theo đạo Phật, quy y ở chùa Huyền Trang trên đường Quang Trung, Gò Vấp. Vì quản lý một công ty Xuất nhập khẩu lớn nên công việc có lúc chiếm mất luôn ngày chủ nhật, nhưng vốn là Phật tử mộ đạo, cô ấy lập một gian phòng thờ Phật ngay tầng trên cùng của căn nhà mình đang ở. Phòng thờ giống như một chánh điện thu nhỏ trong chùa, gồm một bàn thờ Phật Thích ca, một bàn thờ Phật bà và các chư vị ở giữa phòng, nhang đèn hoa quả nghiêm trang thành kính, mỗi tối tụng kinh tại nhà trước khi đi ngủ. Cô đến chùa vào ngày rằm, mùng một hàng tháng. Thỉnh thoảng cô ấy tổ chức cúng rằm tại nhà và mời các bạn trong nhóm tu về nhà cùng tụng kinh.
Tôi cũng nhiều lần ghé thăm nhà một người chị là một danh ca, chị là Phật tử từ nhỏ, trong khu biệt thự của chị có một căn nhà riêng biệt làm nơi thờ Phật rất uy nghiêm, chị tu tại nhà và lập nhóm hộ niệm, mối khi ở đâu có ma chay, ngày giỗ thì nhóm của chị đến đó tụng niệm. Chị thuộc làu kinh kệ và còn chuyển thể thành công những bài kinh thành ra nhạc, điều này khiến Phật tử vô cùng thích thú bởi giai điệu trầm bỗng du dương khi nghe kinh.
Tôi có người anh, sống ở Đức Trọng. Anh lập một điện thờ như một ngôi chùa nhỏ, rồi anh chị sống ẩn cư với cuộc đời tu hành của mình. Với lòng thành kính, anh chị trường chay và thành kính tụng niệm rất nghiêm túc, anh tin rằng gia đình anh đang hưởng phúc như ngày nay là do sự tụng niệm thành tâm này.
Bản thân tôi cũng tin vào điều ấy, vì với ba trường hợp nêu trên, tôi thấy gia đình họ đều có một đời sống sung túc và hạnh phúc sau thời khốn khó trước đây.
Lập một góc tu hành tại nhà hiện nay có xu hướng phát triển, bởi vì trong nhà Phật tử nào cũng thiết lập một góc riêng để tụng kinh và lễ bái. Đây là một ý tưởng hay và mới, rất tiện cho người không thể đến chùa vì chân yếu, mắt mờ hoặc không có thời gian.
Phật tử tu tại nhà, ít bị va chạm với thị phi, tránh những sân si, ồn ào của xã hội. Gia đình có một bàn thờ Phật, có người tụng kinh hàng ngày, không khí gia đình cũng được lắng động, nhẹ nhàng. Và điều này vô tình tạo một không khí Phật giáo tại nhà cho con cháu noi theo. Tôi quan sát thì hầu như gia đình nào có người tu tại gia đều có một cuộc sống gia đình êm đềm và hạnh phúc.
Người có khả năng mang Phật về nhà thường là người đã thuộc làu kinh kệ, biết nghi thức cúng bái, có điều kiện dựng một Phật đường nho nhỏ để tịnh tâm và yên tĩnh. Về sau, con cháu trong gia đình cũng có thể tụng niệm tại đây, thậm chí, láng giềng thân cận vào đây cùng niệm Phật chung. Điều kiện sống không đưa ta đến với Phật thì ta rước Phật về nhà vậy.
NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG