VẺ ĐẸP CỦA MỘT BÀI THƠ TỨ TUYỆT TRONG QUÁN “MÔ TÊ”

Ngày đăng: 11/03/2023 08:16:18 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Bài thơ tứ tuyệt chỉ có bốn câu nhưng hội tụ đặc trưng giọng nói vùng miền, có người thân: Ba, Mạ, con, cháu, hồn quê… trong không gian giản dị mà ấm áp nghĩa tình. Tứ thơ bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn, qua thể thơ lục bát. Mô, Tê, răng, rứa,… thuộc về phương ngữ miền Trung nói chung và là phương ngữ Huế nói riêng, được tác giả sử dụng mở đầu tứ thơ mang ý nghĩa tượng trưng, có giá trị thể hiện một cách tinh tế niềm xúc cảm, tình yêu quê hương, hướng về nguồn cội. Bằng ngôn ngữ thơ hàm súc và rất hình tượng…trong không khí đàm đạo thơ phú, có tình quê hương kết tụ trong mỗi trái tim người xa quê. Bài thơ là một tiếng nói tri âm.

Trong cuộc mưu sinh của nhân gian đầy bận rộn nhiều trăn trở nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ nhung khắc khoải và lòng vọng tưởng quê nhà. Bấy nhiêu đó đủ tạo nên sắc điệu trữ tình của bài thơ.

Trước hết xin giới thiệu vài nét về chủ nhân của quán Mô Tê là anh Lê Quang và chị Kiều Thanh. Và cũng là tác giả khởi phát tứ thơ tứ tuyệt mà chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc. Anh là một cựu học sinh Quốc Học (bạn học của chồng tôi). Anh sinh trưởng tại cố đô Huế, cư ngụ trên con đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây xanh, nơi có cung An Định bên dòng sông An Cựu, phía nam thành phố Huế. Tuổi hoa niên êm đềm, anh chăm lo đèn sách, không phải bận tâm gì đến những lo toan của cuộc sống. Nhưng sau khi tốt nghiệp tú tài, do hoàn cảnh gia đình, anh cùng người bạn đời vào Nam lập nghiệp. Trả lại Huế những ngày tháng đẹp, những kỷ niệm êm đềm cùng người thân và bạn bè thuở thiếu thời. Đến Sài Gòn -nơi miền đất mới, anh bắt đầu những năm tháng vất vả mưu sinh. Anh cùng vợ làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có mở quán buôn bán. Và quán Mô Tê ở đường Lam Sơn, quận Bình Thạnh là một quán ăn phục vụ các món Huế, nổi tiếng một vùng của anh chị.

Tên quán anh dùng phương ngữ đặc trưng của Huế, để gợi nhớ cội nguồn cũng là ngầm giới thiệu mặt hàng phục vụ là những món ăn truyền thống của xứ Huế. Đó là món Bún Bò Huế, các loại bánh: bèo nậm lọc… Nhìn bảng tên quán “ Mô tê” người Huế xa quê ai cũng muốn hơn một lần ghé đến, không chỉ thưởng thức món ăn mà còn muốn tìm lại dư hương ngày tháng cũ ở quê nhà được người đồng hương mang theo, nhóm lên giữa đất Sài Thành hoa lệ. Quê hương như một chiếc nôi nuôi dưỡng người ta lớn lên nhưng “chiếc nôi quê hương” không dung chứa nổi tất cả mọi người con xứ sở. Trưởng thành, tỏa đi muôn phương để học tập, công tác và mưu sinh,v.v.

Trong một bữa nọ, có hai thực khách vào thưởng thức món ăn: anh Nguyễn Thanh Toàn (nhà giáo)  và chị Hồ Đắc Thiếu Anh (nhà thơ, nhà ẩm thực). Trong câu chuyện đàm đạo. Chủ quán đưa ra hai câu thơ:

“Mô tê răng rứa là chi /Ba trông, mạ ngóng, con đi, cháu về”. 

Câu đầu lý giải ngữ nghĩa Mô Tê được anh dùng đặt cho tên của quán. Câu tiếp theo anh nhắc đến những người thân yêu trong gia đình. Trước tiên là song thân .Những đứa con nào đi xa mà ba mẹ chẳng ngày đêm không trông ngóng, và chờ đợi con  trở về. Con xa quê, làm ăn xa xứ, nhưng nền tảng giáo dục của gia đình, vẫn hướng cho con cháu  không quên nguồn cội. Con đi, cháu về là ước lệ của thơ tứ tuyệt vốn ít lời mà nhiều ý. Con đi nhưng sẽ trở về, không những con mà cả và cháu nữa thường xuyên trở về. Cụm từ “con đi cháu về”  cũng  nói lên một nghĩa tổng hợp, sự thường xuyên các con cháu sẽ thay nhau về. Nhất là mỗi khi quê nhà có phương việc, dẫu có bộn bề cũng gác lại để về sum vầy bên ông bà cha mẹ.

Mở đầu tác giả dùng nghệ thuật tu từ.Tiếp theo dùng nghệ thuật liệt kê: “ ba trông, mẹ ngóng, con đi, cháu về”. Sử dụng phép tiểu đối trong câu: “con đi/cháu về” và khai thác khả năng liên kết vần để cho thơ lục bát tăng thêm biểu cảm. Cách gieo vần chỉnh chu, sử dụng bằng trắc xen kẽ hài hòa. Nội dung diễn đạt cũng là sự sáng tạo trong phương diện tạo nghĩa. Mô, tê, răng, rứa thường đặt ở cuối câu hỏi, câu kể trong giao tiếp hằng ngày của địa phương. Tác giả gom lại như một sự khái quát tất cả phương ngữ Huế, bằng những từ ngữ đặt trưng như vậy.  Đọc lên người Huế nói riêng và người miền Trung nói chung đều hiểu và gợi nhớ quê nhà da diết.

“Mô tê răng rứa là chi” Cũng là một câu hỏi tu từ đầy hình tượng và dạt dào cảm xúc. Ai ở miền Trung, xứ Huế đã từng xa quê mới thấy thú vị của tứ thơ này. Vần thơ khơi gợi những tình cảm sâu nặng tiềm ẩn trong tâm hồn tác giả và những người con xa xứ. Anh Lê Quang mở đầu bằng thể thơ lục bát ý nghĩa thấm thía rất nhẹ nhàng, dung dị như lời ru của mẹ. Tình cảm chất chứa, dồn nén, gợi mở nhiều tầng lớp ngữ nghĩa, gói gọn trong mấy câu thơ tứ tuyệt. Kiệm lời mà ý phong phú, cô đọng, hàm súc là đặc trưng của thơ tứ tuyệt.

Anh nhờ hai anh, chị thực khách tiếp thêm hai câu câu thơ sau và chốt lại bài thơ.

Viễn phương chập chộ hồn quê/Bây chừ dừng lại Mô Tê hẹn hò”

Viễn phương là nơi phương xa. Chộ (thấy). “Chập chộ” là một từ láy được tạo nghĩa mới nghĩa là thấy khi ẩn khi hiện, đôi khi giữa những bộn bề, bị công việc cuốn đi. Nhưng những phút giây tĩnh lặng hay giấc chiêm bao, vẫn đau đáu về quê hương, canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê. Trong mỗi người đều có bóng dáng quê nhà, hiện hữu trong trong tâm hồn. Và hôm nay, tại quán Mô Tê. Hai tiếngMô, tê…thổ âm xứ Huế- đặc trưng trong lời nói thường nhật và những món ăn Huế cũng làm nao lòng cho người xa xứ. Tô bún bò, vị sả ruốc, bánh bèo, nậm, lọc cũng gợi nhớ hồn quê.

Từ suy tưởng, đến thực tại. Như vậy Mô tê bên những món ăn rất Huế với một tinh thần Huế. Từ gợi nhớ: mô, tê, răng rứa, đến tình cảm vấn vương quê nhà nơi có cha mẹ, người thân và khung trời kỷ niệm với Huế yêu, chưa bao giờ thôi khắc khoải kể cả  trong mơ. Những lúc có dịp gặp gỡ, như giây phút thú vị trong bài thơ “Bây chừ ngồi lại Mô Tê hẹn hò” thì còn gì bằng.

Tứ thơ của anh Lê Quang, chị Hồ Đắc Thiếu Anh và anh Nguyễn Thanh Toàn đã làm nên một bài thơ tứ tuyệt giản dị thôi nhưng ấn tượng và đậm chất Huế.

Bài thơ chỉ có bốn câu nhưng nó là một bài thơ tứ tuyệt đầy sáng tạo. Thi liệu vừa hiện thực vừa ước lệ. Nội dung nói lên tình cảm của người xa quê hương luôn hướng về nguồn cội đã chạm đến trái tim của những người ly hương cùng có chung tâm trạng. Ngay cả tên quán dùng để gợi tứ mở đầu: “Mô tê răng rứa” cũng là một chi tiết nghệ thuật ấn tượng. Chỉ với bốn chữ thôi mà gợi lên cả một trời thổ âm phương ngữ Huế. Vì hoàn cảnh, thời thế mà phải xa quê, xa những gì thân yêu trong đó có cả giọng Huế. Mô, tê, răng, rứa… mang theo nơi đất khách quê người nhưng ít dùng đến. Chỉ nói với nhau khi cùng ngôn ngữ vùng miền. Còn giao tiếp, với người nơi khác họ sẽ không hiểu, hoặc hiểu rất chậm. Mà cuộc sống cần giao lưu, công việc, làm ăn với người bản địa, người tứ xứ. Để đạt hiệu quả tối ưu khi giao tiếp, phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông. Nếu có thể thì ăn cơm ở đâu nói tiếng vùng đó người ta dễ tiếp thu hơn. Khi gặp gỡ người cùng quê (như cá gặp nước)  thì cứ giọng vùng miền mà tuôn ra thôi!

Bài thơ là tiếng nói cất lên từ trái tim, hồi ức kỷ niệm ùa về. Nỗi nhớ niềm thương, dồn nén cả một đời bật ra tự nhiên qua tứ thơ đầy biểu cảm. Đó là một cảm hứng nghệ thuật bất chợt mà độc đáo. Lục bát 6-8 lại thích hợp để diễn tả tâm tư nỗi niềm tình cảm nhẹ nhàng, êm ái dễ đi vào lòng người. Trong giới hạn, tứ tuyệt vẫn đảm bảo trọn vẹn về nội dung bài thơ có kết cấu như một chỉnh thể hoàn lưu.

Vì vậy thơ tứ tuyệt không phải cứ viết theo cảm xúc mà phải chọn lấy tinh chất, chọn lọc vật liệu ngôn ngữ có sức gợi và khái quát cao. “Con mắt thơ tứ tuyệt tập trung ở cái tứ của bài thơ. Cái tứ ngang với phát hiện độc đáo- một nhận thức với tác giả và và đối với người đọc” (Võ Văn Luyến).

Làm thơ tứ tuyệt không hề dễ vì dùng ít chữ nhưng nội dung biểu đạt lớn, đòi hỏi người sáng tạo nghệ thuật như đi đào quặng. Trong kho ngôn ngữ, chọn những từ nào đắt cho việc biểu đạt hàm súc mà hiệu quả. . Khuôn khổ nhỏ giới hạn trong bốn câu nhưng có khả năng bao quát lớn. Bài thơ gợi chứ không tả. Vận dụng các biện pháp nghệ thuật phù hợp, sử dụng ẩn dụ, yếu tố tỉnh lược. Loại thơ tứ tuyệt giàu suy tưởng, triết luận đòi hỏi người viết có chiều sâu trí tuệ, có tư duy thẫm mỹ để khái quát vấn đề của cuộc sống có ý nghĩa biểu trưng. Từ suy nghĩ đến hình tượng thơ sinh động có có chiều sâu chiêm nghiệm, có tiếng nói tri âm là cả nỗi niềm của người xa quê. Gợi tình cảm gia đình, người thân, có ông bà cha mẹ con cháu… Chỉ vài nét chấm phá biểu lộ hồn cốt ý tứ, tâm tư tình cảm của người thơ đầy xúc cảm.

Bài thơ tứ tuyệt lục bát giàu chất trữ tình và tự sự. Không làm dáng văn chương mà nói thật lòng mình. Thốt lên từ chính cảm xúc chợt trào ra từ trong tâm hồn. Đó là cảm xúc rất đỗi chân thành bật ra từ rung cảm của chủ quán và những người thực khách Huế. Tứ tuyệt khởi lộ chủ yếu dựa trên tứ thơ. Một tứ thơ thi vị của thể lục bát truyền thống.  Chị Thiếu Anh và anh Thanh Toàn tiếp nối hai câu nữa để đem đến vẻ hoàn chỉnh một bài thơ tứ tuyệt mang âm hưởng xứ Huế. Văn hóa Huế, văn hóa hướng về cội nguồn là hồn cốt của bài thơ. Đọc bài thơ chúng ta thêm yêu, thêm nhớ cả xứ sở trời quê. Và tôi chạnh lòng nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Bùi Vợi:

Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể/Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”

Khi tôi viết những dòng chữ này thì quán “Mô Tê” chỉ còn trong hoài niệm. Bởi vì nó đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của gia đình. Chủ nhân mở quán, buôn bán tảo tần để nuôi đàn con ăn học nên người. Nay các con đã thành đạt, anh chị cũng đã đến tuổi nghỉ ngơi. Nhưng bài thơ tứ tuyệt thì vẫn ở lại với những người xa Huế, yêu Huế, anh em bạn bè từng một lần đến quán Mô Tê.

Sài Gòn ngày 21/2/2023

Hoàng Thị Bích Hà

——————————————————————

Mời quý vị đọc trọn vẹn bài thơ:

“Mô tê răng rứa là chi?

Ba trông mạ ngóng con đi cháu về

Viễn phương chập chộ hồn quê

Bây chừ dừng lại mô tê hẹn hò”.

Ký tên: Lê Quang, Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyễn Thanh Toàn.

 

Có 1 bình luận về VẺ ĐẸP CỦA MỘT BÀI THƠ TỨ TUYỆT TRONG QUÁN “MÔ TÊ”

  1. Bacsi Suu nói:

    Tôi sinh trưởng ở miền Nam, đọc những “mô, tê, răng, rứa…” thì cũng nghe lạ tai! Nhưng khi đọc toàn bài viết thì tôi thấy hay quá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác