CỦA CHUNG CÒN MỘT CHÚT NÀY

Ngày đăng: 3/01/2024 05:07:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Ông ngoại chúng tôi qua đời vì bạo bệnh trong năm 1947. Vì vậy mà lứa cháu thuộc thế hệ thứ ba, anh em chúng tôi hầu như ít có người đủ tuổi để thấy được mặt ông trong thời sanh tiền. Bà ngoại mất năm 1979 hưởng thọ 85 tuổi.

Ông bà có gốc gác tổ phụ lập nghiệp ở cù lao Mây, Trà Ôn.tỉnh Vĩnh Long Những năm của thập niên 1920, nhờ sự trợ giúp của ông bà cố, đồng thời với chương trình đào kinh khai hoang của chinh phủ Bảo hộ (Pháp). Ông bà ngoại xuôi theo con kênh xáng Cái Côn đến xứ Ngã Bảy mua và mướn người khai khẩn lô đất bề ngang ước chừng 600 mét dọc theo bờ trái kinh xáng Quản Lộ, vị trí cách chợ Phụng Hiệp khoảng 2 cây số. Thửa đất có chiều dài ước chừng 1.700 mét, chót đuôi đụng vào con kinh cặp theo quốc lộ về Sóc Trăng.

Phía bờ sông xem như mặt tiền, ông bà chừa ra một dãi đất phân cách mé sông và đất vườn để bồi đấp lộ làng cao ráo khang trang vừa làm đê ngăn nước tràn mùa lũ. Phân nửa chiều dài của thửa đất, tính từ bờ kinh xáng Quản Lộ trở vô khoảng 50 mét, ông bà ngoại cho bắt đầu kế hoạch đào mương to, lên liếp lớn lập vườn trồng sầu riêng và măng cụt. Nửa phần còn lại thì cấy lúa để có tài chánh, lúa gạo và cá mắm nuôi sống người làm. Gần triệu mét vuông đất rừng cầm thuỷ, dưới sức người và nhờ dòng Hậu Giang mang phù sa đổ vào sông Cái Côn cuồn cuộn. Đất ông bà ngoại rất gần vùng trung tâm của 7 ngã chụm lại, hai phía đầu đất tiếp xúc với hai con kinh chánh. Vì vậy mà nhận đủ lượng nước sông còn tươi ngọt để rửa phèn, bồi bổ lớp phù sa lên mặt ruộng vườn. Chỉ vài năm là đất đai trở nên mầu mỡ, cá mắm dư thừa. Mọi việc canh tác phát triển nhanh chóng, thuận hoà. Cơ ngơi của ông bà ngoại mỗi ngày đông vui trù phú, hứa hẹn một tương lai rực rỡ.

Thế rồi cơn đại biến 1945 xảy đến, chiến tranh Việt-Pháp lan tràn cả nước. Ông bà ngoại và các cậu mợ vẫn an toàn nhưng mang nặng lo âu. Nhà cửa lâu đài có lệnh tự san bằng, của cải phải chôn giấu hay san sẻ khắp nơi. Các cậu vô vùng kháng chiến. Cả nhà của ngoại tản cư tứ tán. Vườn ruộng không người chăm sóc đã bắt đầu hoang phế. Ai cũng có quyền vô vườn của ngoại chặt phá đốn cây không cần lý do. Cơ nghiệp xây dựng một thời trai trẻ của ngoại lụn tàn theo cuộc chiến.

Hai năm buồn rầu vì chứng kiến cảnh quốc phá, gia vong, ông ngoại lâm bệnh nặng rồi qua đời vào năm 1947, hưởng thọ 61 tuổi. Hiện tại thì con cháu còn giữ lại khoảng 7% đất đai để lo tròn hương hoả.

Từ nhỏ, đám trẻ chúng tôi chỉ hình dung ông ngoại qua những lời kể của cha mẹ. Những năm gần đây, lúc mà hai cậu Mười và cậu Mười Một còn mạnh khoẻ, chúng tôi biết thêm chuyện xưa tích cũ và lịch sử của ông bà mình.

Hôm nay, thế hệ thứ hai của ông bà ngoại là các dì dượng, cậu mợ đã lần lượt quy tiên. Những chuyện về ông bà ngoại khai phá, xây dựng cơ nghiệp vùng đất đai màu mỡ nầy chỉ trong 20 năm. Tất cả sẽ theo thời gian chìm vào quên lãng.

oOo

Nhờ siêng năng sử dụng Zalo. Tôi thường xuyên biết được tin vặt vụn như: Nửa tháng trước, một đứa em “con nhà dì” ở Bình Minh, nó có dịp về Ngã Bảy và ghé thăm một đứa em con nhà cậu. Chúng tôi thuộc nhóm hay nói giỡn với nhau. Thay vì đơn giản trong ví dụ “cháu ngoại ông Cai nói chuyện với cháu nội ông Cai”. Hoặc là “hai anh em cô cậu trò chuyện với nhau”. Thì tụi tui thích xài câu rắc rối nhẹ cho vui “thằng cháu ngoại ông nội nói chuyện với thằng cháu nội ông ngoại”.

Tào lao một hồi, thằng vai anh chỉ vào 2 chiếc ghế, 1 chiếc đứng mỏi mệt, xiêu vẹo ở góc nhà. Chiếc đứng kế tủ cẩn xa cừ có vẻ mạnh dạn và sạch sẽ hơn, nhưng người ngồi không dám buông thả toàn phần cơ bắp.

– Anh quen người thợ sửa chữa, phục chế đồ xưa ở chợ Cái Vồn. Em có muốn để cho anh đem hai chiếc ghế về nhờ người ta tân trang. Họ làm xong thì anh chở xuống trả lại, bảo đảm khi đi trâu chột trâu què, khi về trâu mạnh và láng như xe Huê Kỳ!

Đứa em, con trai lớn của cậu Mười Một ráng nhịn cười để trả lời lễ phép:

– Em cũng kiếm thợ sửa mà không quen biết nhiều như anh, nên còn chừa chiếc ghế gãy mấy cây then ngang. Tụi đi mua đồ cũ hay ghé năn nỉ em bán cặp ghế nầy cho chúng. Riết rồi em không dám để chiếc ghế gãy ngoài mái chái phía sau sợ mất. Chiếc ghế trong nhà thì còn nguyên phụ tùng, tuy mộng chốt hơi xệu nhưng không đến nỗi. Hồi ba chớm bệnh, người yếu sức. Sáng nào ba không đi ra sân, em nhắc ghế nầy ra hàng hiên cho ba ngồi hóng nắng. Sau ngày ba mất, mỗi sáng em mời ba một ly cà phê, bữa trưa thì một mâm cơm đơn giản đặt trên mặt chiếc ghế này. Tưởng như ngày hai cha con ngồi bên nhau hàng giờ. Anh thấy chở được thì mang cặp ghế về trển dùm em, tiền thợ bao nhiêu, em sẽ trả lại. Em chỉ sợ người ta thấy nó quá già mà chê không nhận. Theo em gom góp sử liệu, hai anh chị này tròm trèm khoảng tuổi tám mươi.

Thằng anh con nhà cô Năm nói với đứa em con nhà cậu:

– Tiền thợ anh lo được. Tụi mình phải có bổn phận giữ gìn, quý mến những kỷ niệm, truyền thống của ông bà, cha mẹ để lại.

Nhiều lắm, em ơi!

THẾ ĐIỂN

 

 

 

 

 

 

Có 1 bình luận về CỦA CHUNG CÒN MỘT CHÚT NÀY

  1. Hoài Thương nói:

    Sư huynh Lương Minh ơi!
    Đọc qua bài viết này em lại tưởng nhớ đến những bộ phim dựa theo các tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh, song em cũng hình dung ra trước mắt em là những kỷ vật ở nhà các cô,bác em vẫn còn lưu lại những hiện vật xưa như trường kỷ, choé, bàn ghế thời ông bà còn sót lại…. Và khi nhìn tên tác giả thì em cũng nhớ ra là sư huynh Thế Điển, tuy không được hội ngộ lần nào nhưng khoảng 10 năm trước em có tiếp chuyện với huynh vài lần trên phone và làm em càng nhớ anh Thế Điển thêm !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác