KỶ NIỆM THỜI ĐI HỌC (KỲ 2)

Ngày đăng: 8/09/2023 08:38:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Ngày đầu tiên vào học trường Trung học Tống Phước Hiệp, tôi cũng không nhớ là ngày nào, chỉ nhớ khoản đầu niên khóa 1967_1968, tôi xin chuyển từ trường trung học Chợ Lách về trường Tống Phước Hiệp.

TIẾT ĐẦU HOC PHÁP VĂN

Ngày đầu một đứa học sinh trường quận lên trường tỉnh, bỡ ngỡ tay cầm giấy nhập học đi tìm lớp đệ ngũ 12. Sau cùng cũng tìm được, vào lớp trình diện đưa giấy nhập học cho cô giáo Trương Tiểu Dung (Pháp văn), cô hỏi tôi mấy câu bằng tiếng Pháp, tôi ngơ ngác một lúc. Nhìn vẻ mặt nai tơ của tôi , cô ra hiệu xuống tìm chỗ ngồi.

Hình minh họa, nguồn Net

Vừa tìm được chỗ ngồi bàn kế dãi chót, cất tập xong cô lại bảo ” aller “. Tôi chậm chạp đứng lên vừa đến gần bảng, cô bảo ” conjuguer le verbe avoir” . Tôi đưa mắt nhìn vừa lấm lét sợ sệt, cô hỏi lại lần thứ hai, quýnh quáng không hiểu cô nói gì , giận quá cô nói lớn ” về chỗ đi thằng ông nội” cả lớp cười rần… Quá ê mặt, đúng là cậu bé nhà quê mới ngày đầu lên tỉnh ( vì năm lớp thất lục ở trường quận giờ Pháp văn còn dùng tiếng Việt xen lẫn).

Có lẽ các bạn trong lớp thấy một thằng nhà quê mới lên tỉnh, trông dáng vẻ nhỏ nhắn ốm nhom trắng trẻo như con nai tơ đi lạc, gương mặt buồn thiu.  Đến giờ chơi có vài bạn thấy tội nghiệp đến làm quen an ủi, có một bạn cười lớn nói tếu ” Hôm nay nhờ mầy mà lần đầu tiên tao thấy cô Dung nói tiếng Việt trong lớp.”

Tuổi học sinh là thế đấy các bạn, vui buồn có nhưng rất vô tư giúp đỡ nhau. Trãi qua hơn nửa thế kỷ, hôm nay ngồi nhớ trường nhớ lớp nhớ bạn, lòng cảm thấy bùi ngùi, làm sao trở lại thời thơ ngây ấy!

THẦY BẢO VÀ THẦY HÀI

Vào những ngày đầu năm học lớp đệ tứ, tôi còn nhớ một buổi tiết hóa đầu giờ, do thầy Bảo dạy. Chắc các bạn còn nhớ vì thầy có nét đặc biệt (độc nhãn) , nếu tả lại chắc bạn hình dung ra ngay: đeo kính đen, đầu lúc nào cũng láng bóng, áo quần ủi thẳng, miệng hay ngậm ống vố phì phèo ,đầu hơi niễng.

Hôm nọ đầu tiết thầy vào lớp, cũng với thái độ dáng đi hơi tếu đó, vừa vào ghế giáo viên, học sinh ngồi xuống, bổng thầy Bảo nhảy dựng lên, cả lớp giật mình. Thì ra có bạn nào chơi cắt cớ, để tàn thuốc đang cháy trên mặt ghế ngồi của thầy, kết quả là thầy bị phỏng chỗ nghiệt, thầy giận quá bỏ lớp đi thẳng. Vài phút sau thầy Tỏ tổng giám thị xuống lớp. Thế là cả lớp bị phạt suốt một tiết học, phải đành chịu mà không biết đứa nào làm nên cớ sự (?).

Cả lớp buồn tức lắm nhưng cũng chả làm gì, vài hôm sau vào đến lớp, các bạn đều thấy trên vách cuối lớp, dưới câu ” TỔ QUỐC TRÊN HẾT’ xuất hiện thêm câu” hận Tỏ già ” Ai cũng nhìn thấy , mỗi người tâm trạng khác nhau nhưng chẳng ai lên xoá. Vài phút sau chuông vào học, đến giờ sử của thầy Hài ( Võ Hoà Hài ? )

Thầy thấy liền, nhưng thái độ điềm tĩnh, ổn định lớp xong thầy bắt đầu vào chuyện kể ( nội dung học sinh là tương lại của tổ quốc sau này phải làm việc gì hay hơn chớ đi làm việc nhỏ nhặt tào lao) tôi chỉ nhớ đại ý nội dung chuyện thầy kể . Câu chuyện rất hấp dẫn cả lớp im lặng say mê nghe thầy kể , dứt câu chuyện cả lớp vui vẻ , anh trưởng lớp xung phong bắt ghế leo lên ghế xoá liền câu ” hận Tỏ già” .

Riêng tôi từ đó rất say mê nghe thầy giảng, mỗi tuần trông mau đến giờ sử để gặp mặt nghe thầy nói chuyện.

Sau năm 1975 , nghỉ dạy thầy làm nghề sửa xe máy, tiệm Miễu Quốc Công, gần công sở xã Long Châu cũ. Biết chỗ thầy ở , tôi có vài lần đến thăm thầy.

Còn thầy Tỏ tổng giám thị. Khoảng gần 30 năm sau tôi có đến nhà cô Lê Ngọc Mỹ Dung ( phường 9 ngang tịnh xá Ngọc Hạnh) là bạn học chung lớp thời Sư Phạm Vĩnh Long đến đây mới biết Mỹ Dung là con của thầy Tỏ. Tôi có ra phía sau nhà mộ đốt nén hương tưởng nhớ đến thầy cô.

 THÍCH THIỆN THẢO

(Văn Thành Thông 11B4 NK71)

16/08/2023

 

Có 2 bình luận về KỶ NIỆM THỜI ĐI HỌC (KỲ 2)

  1. Lê Thế Hùng nói:

    Hôm nay vào trang  Web đọc được 2 bài viết Kỹ Niệm Thời Đi Học (1) và (2) của anh Văn Thành Thông. Bài viết thật chân tình, cảm động , làm sống lại trong tôi bao kỹ niệm đẹp về Thầy Cô và bạn bè trong ngôi trường Tống Phước Hiệp nầy. Tôi cũng như anh Thông đã chuyển từ trường quận Giáo Đức(Tỉnh Tiền Giang) vào học tiếp lớp 10B (Pháp văn), NK 70-71.

    Mặc dù chỉ học tại ngôi trường Tống Phước Hiệp  một năm ngắn ngủi (vì sau đó tôi  phải chuyển trường  lên Sài Gòn học / TH Hồ Ngọc Cẩn), nhưng những kỹ niệm đẹp về Thầy Cô và bạn bè nam và nữ vẫn sống mãi trong tôi. Tôi rất mong tìm lại Thầy Cô và bạn bè xưa cùng lớp.

    • Luong Minh nói:

      Có nhiều người học ở trường 1 năm. Vì trước đó học ở trường quận , đậu Tú Tài 1 thì mới vô lớp 12 (đệ nhất) nên sau này hỏi bạn là ai, không biết nhiều lắm thậm chí không biết mình học 12 A mấy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác