DÁM NGOÁI ĐẦU NHÌN LẠI

Ngày đăng: 22/07/2021 07:42:30 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Đây là cuốn sách thứ ba của Tịnh Thy, phê bình tiểu thuyết của 5 tác gia đã và đang gây chấn động văn đàn Trung Quốc đương đại: Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa.

Cảm ơn nhà văn, hoạ sĩ Lê Minh Phong đã đọc 500 trang bản thảo để vẽ bìa cho cuốn sách. Khi người chọn bìa nhận xét: “Đây là một bìa sách đầy sẻ chia và ký thác”, tôi cảm thấy thật yên lòng.

Bìa sách sử dụng một bức trong dòng tranh về Những Người Đàn Bà Trên Quê Hương, những người đàn bà mộng du lang thang và điên loạn, đôi mắt của họ như là những minh chứng của sự đoạ đày thống khổ… Họ đang nhìn vào nguồn cơn của mọi khổ ải với tiếng nói câm lặng trong đêm đen.

Lê Minh Phong giải thích, về bút pháp, bức tranh là sự hòa quyện giữa nghệ thuật siêu thực và biểu hiện xã hội. Những mũi nhọn trong tranh tượng trưng cho sự gánh chịu khổ nạn, chông gai lẫn sự mạnh mẽ và phản kháng…

Cảm ơn thầy Phạm Xuân Nguyên đã động viên tôi thực hiện cuốn sách này khi tôi đắn đo, chần chừ.

Cảm ơn Nguyễn Thị Diệu Hiền và Nguyễn Hữu Minh đã nhiệt tình làm độc giả đầu tiên và giúp sửa bản in cho cuốn sách, TS. Nguyễn Thị Minh Thương với những lời giới thiệu đầy tâm huyết.

DÁM NGOÁI ĐẦU NHÌN LẠI là thành quả lao động bút mực của cá nhân tôi. Tôi có thể đo được thời gian hoàn thành cuốn sách là 5 năm, nhưng không thể đo được những tình cảm yêu thương, sự động viên và giúp đỡ của người thân, thầy cô, đồng nghiệp và bằng hữu. Tôi có thể viết được mười sáu vạn chữ cho 500 trang sách, nhưng không thể viết nhiều hơn bốn chữ Vô Cùng Biết Ơn với tất cả mọi người. Tôi hiểu, chỗ mà lòng đã đến rồi, bút bất tất phải đến! (Nguyễn Thị Tịnh Thy)

Ông Đặng Tiến, một hoc giả ở Thái Nguyên nhận xét, cuốn sách nghiên cứu giới thiệu 5 nhà tiểu thuyết đương đại Trung Quốc – đại lục gồm Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện (hiện mang quốc tịch Pháp), Dư Hoa và Diêm Liên Khoa, với trên 500 trang, in ấn chuẩn chỉ, sách đẹp đến độ hoàn hảo, mình chợt nhớ tới ý kiến của PGS.TS La Khắc Hòa, một người làm khoa học nghiêm minh, khi ông dùng từ “các học giả trẻ tuổi” để gọi một lớp các nhà nghiên cứu trẻ, trong đó có mấy anh chị giảng viên đang làm việc tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nguyễn Văn Thuấn, Trần Huyền Sâm, Thái Phan Vàng Anh … những người bạn tuyệt vời này quả là mang tầm vóc “học giả”. Nếu ai còn “ngờ vực” xin hãy đọc những công trình nghiên cứu có hàm lượng tri thức chuyên môn rất đáng tin cậy với những hướng nghiên cứu hiện đại, mà nói nôm na là mọi nghiên cứu, mọi diễn giải, mọi kết luận đều có “chứng” có “lí” chứ tuyệt đối không có cái lối tôi cảm thấy mù mịt, mờ xa cho dù có thể rất là nên thơ dễ được hoan hỉ từ những bạn đọc ưa bình tán văn chương véo von, bóng bảy, mượt mà.

Cầm sách bạn cho chỉ còn biết nói lời khâm phục!

5 tác giả tiểu thuyết Trung Quốc đương đại được nghiên cứu trong sách này thì chỉ còn Lý Nhuệ là mình chưa đọc. Đúng là chưa đọc một trang nào, dù có nghe đây đó. Bốn tác giả kia trời ơi, nhìn tác phẩm dày cộp của họ lòng thấy hoang mang! Đọc vào thấy họ rất khác, rất khác chúng ta, khác thậm chí “một trời một vực”. Khác cái gì? Hình như họ đã tiến về phía Hậu/Hiện đại từ trong căn cốt! Còn chúng ta, phần lớn hình như vẫn có vẻ loay hoay tầm mức thế kỉ 19! Công chúng độc giả lại càng thế! Công chúng nào thì văn học ấy!

Vì vậy, những sách vở của “các học giả trẻ tuổi” rất cần cho công chúng hôm nay, cần như những người thầy, những người môi giới văn học, những cây cầu tri thức, những cánh cửa mở ra với thế giới bên ngoài.

Không có tri thức thì sẽ bị cầm tù ở tầm mức quá khứ! (Đặng Tiến)

 

 

Có 1 bình luận về DÁM NGOÁI ĐẦU NHÌN LẠI

  1. Hoàng Nguyễn nói:

    Tôi đang tìm mua cuốn sách này mà không có ở đâu bán? Đến ngay chợ sách SG mà cũng ko có. Tiếc là ko có bản eBook lưu hành trên mạng để mọi người cùng đọc .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác