Thú chơi của người Sài Gòn xưa THÚ CHƠI SÁCH

Ngày đăng: 5/08/2020 10:24:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trong thời đại Internet lên ngôi, sách được chép đĩa, phổ biến trên mạng, các tiệm sách bán ế, tác giả viết sách không buồn xuất bản, nhiều người tiên liệu không bao lâu sách sẽ bị tiêu vong. Ấy vậy mà gần đây, người chơi sách vẫn còn lùng sục sách quý, cửa hàng kỹ nghệ gỗ vẫn không ngừng được khách đặt mua tủ sách, Đường sách Sài Gòn vẫn được khách tìm lựa những sách cũ ngày xưa Không biết cái thú này bắt đầu từ bao giờ, nhưng có lẽ bắt đầu từ thời Pháp thuộc, khi mà có sách in bán tại thị trường Việt Nam. Giới Tây học mua sách của Pháp, nhưng gía quá đắt thì chỉ để thỏa nhu cầu đọc sách, đâu có nhiều để sưu tầm !

Khi sách chữ Việt xuất bản từ Bắc chí Nam thì mấy ông công chức, các tay học giả mới nghĩ đến thú sưu tầm sách. Năm 1961, nhà sưu tập Vương Hồng Sển có ra cuốn Thú Chơi Sách nhưng nói về sách rất ít khiến cho người sưu tầm, giới chơi sách không thỏa mản!

Theo cụ Vương, người đọc sách khác với người chơi sách, trong ngôi thứ, ông lại đặt người chơi sách cao hơn người đọc sách bởi vì đọc sách có thể mượn đọc, đến thư viện đọc, còn người chơi sách bắt buộc phải mua sách. Người chơi sách thì đi tìm sách quý, ngày xưa sách quý là sách hay, sách in đẹp , bìa cứng, sách xuất bản mấy chục năm không có tái bản. Dân chơi sách chẳng những đọc mà thôi, khi mới mua sách về còn mân mê cuốn sách, rờ cái bìa, lật xem trang giấy mịn màng. Trước kia, sách mới in không có xén rìa, người mua đem sách về lấy dao rọc từng tay xếp 8 trang cũng là cái thú.

Vì sao , người ta xem sách là vật quý ? Bởi có thể dùng nó làm tặng phẩm cho bạn bè, giúp cho sự kết giao thêm lâu bền. Sách tặng thường có chữ ký của người tặng, nếu đó là người viết sách thì việc ký tặng càng quý. Cụ Vương cho rằng, sách để trong tủ lâu lâu giở ra, đọc thấy trong đó có kiến thức dạy khôn, thì cũng làm tan đi phiền muộn trong ngày.

Người chơi sách thường tìm sách quý là các danh tác trên thế giới và trong nước, gần đây những sách được cho là quý gồm sách xuất bản nước ngoài, sách bị nhà nước thu hồi. Không lấy gì làm lạ một cuốn sách có tin bị thu hồi thì giá sách trên thị trường tăng gấp ba lần, ấy vậy mà cũng có nhiều người tìm mua. Những loại này, bản gốc mới có giá trị, bản photo thì không, vì sách không phải chỉ để đọc !

Trước năm 1975, Sài Gòn có nhiều hiệu sách lớn như Khai Trí (đường Lê Lợi) Sống Mới (Phạm Ngũ Lão), Lửa Thiêng (Đinh Tiên Hoàng), hiệu sách nào cũng đông đảo khách hàng mua sách. Dân chơi sách thường đến các hiệu sách này để được mua giảm giá 30% so với giá bìa (sách mới). Sinh viên thường đến chung cư Minh Mạng (lô O) để mua sách của nhà xuất bản Lá Bối được giảm 40%. Những sinh viên chưa làm ra tiền cũng ki cốp tiền ăn, tiền nhà để sắm cho mình những quyển sách hay. Thời đó, giáo sư, công chức lương khá cao so với khoản chi cho nhu cầu tiêu dùng, mỗi lần đi nhà sách là mua hàng chục cuốn, mà tuần nào cũng ghé nhà sách. Có sách quý và dày, họ đem lại chỗ đóng sách để gắn bìa cứng và mạ chữ vàng. Phía trên là tên tác giả, giữa là tựa sách , phần cuối là chữ Tủ sách Gia đình của Nguyễn văn X. Có người còn khắc con dấu tên, chức danh để đóng vào trang đầu quyển sách, nhờ vậy mà tiệm đóng sách, cơ sở khắc dấu có việc làm.

Người chơi sách hồi xưa rất cầu kỳ, thường tìm các bản in hiếm, bản đặc biệt giấy tốt, nhất là có chữ ký của tác giả, triện son khắc theo chữ Hán, chữ Việt thì có thêm giá trị(?) . Lệ này còn giữ tới ngày nay, sách mới ra nếu tác giả đem tặng, người nhận cũng bắt tác giả ký tên vào trang đầu hay người tặng ký tên cho mình, như thế mới oai.

Ngày nay, thành phần chơi sách thường là dân nghiên cứu, các giáo viên, dân có tiền. Những tủ sách của nhà chùa, nhà thờ, tủ sách của giám đốc doanh nghiệp đặt tủ sách trong phòng làm việc nhằm trang trí thì không được liệt vào giới chơi sách.

Có người nói, dân chơi sách thường là người ích kỷ, ít cho bạn bè mượn sách. Thật ra, lệ không cho mượn sách đã có cách nay hơn 60 năm, thuở mà giới học sinh ở Sài Gòn truyền tụng nhau câu vè này:

Có tiền mua lấy mà coi/ Có của cho mượn mất công đi đòi/ Không cho thì nói hẹp hòi…Tôi có người bạn là nhà báo Trần Thanh Phương, ở quận 3, ông là người chơi sách lập nên nhiều kỷ lục. Nghe nói ông có sách mới, mình cần tư liệu, định mượn đem đi photo trả liền. Ông nói, nếu chú cần cứ ngồi đây xem, tôi sẳn sàng nấu cơm cho chú ăn, xem đến bao giờ xong cũng được. Tiếc là hai mươi năm về trước chưa có smartphone, chứ có chỉ cần chụp vài kiểu là xong !

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, một thư pháp gia, là người sưu tầm nhiều tượng, gốm nghệ thuật, tranh nhưng cũng là tay chơi sách. Anh có một tủ sách khá lớn nhằm phục vụ cho nghiên cứu giảng dạy, ngòai ra do có nhiều sở thích về văn hóa, tôn giáo, trà đạo, thư pháp nên anh có rất nhiều sách về loại này. Là dân chơi sách, kiêm luôn viết sách nên trong nhà anh lúc nào cũng có sách dư của mình và của bạn nhằm để trao đổi với dân “cùng nghiện”. Đến tham quan tủ sách của anh, khách khoái cuốn nào anh có dư là sẳn sàng biếu tặng.

Một người ở Sài Gòn chơi sách có tiếng là nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh, anh chơi sách và thành lập một thư viện mini tại nhà với hơn ba ngàn quyển với năm kệ sách khác nhau, phân loại ra hơn 20 chủ đề, gồm Phật học, Kito học, triết học phương Đông, triết học phương Tây, âm nhạc, mỹ học, tâm lý học, văn học, thi ca, ngôn ngữ học, lịch sử, thư pháp, kinh tế, tài chính, ngân hàng, tin học, sức khỏe, Yoga, du lịch….Sở hữu lượng sách như vầy , anh đã bỏ ra 24 năm đi sưu tầm và thiết kế các tủ sách. Để nhớ hết hàng ngàn đầu sách , anh phải siêng nhập thông tin sách vào máy tính để máy tính nhớ giúp tựa sách, tên tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, giá sách sau khi mang sách về nhà.

Nói về lợi ích của thú chơi sách, BS Nguyễn Duy Long, nhà chơi sách nổi tiếng với tác phẩm Về Chốn Thư Hiên cho rằng, chơi sách để thấu đáo lẽ đời, để cuộc sống bớt nhàm chán, để ung dung tự tại, nhẹ nhỏm đi vào cuộc đời vốn nhiều ngang trái. Có người còn cho rằng , chơi sách không chỉ là thú tiêu khiển mà còn hiện thân của lối sống vương giả.

Theo tôi, trong các thú chơi, chơi sách có nhiều khó khăn, không sinh lời và có nhiều thiệt hại như mối ăn, chuột cắn, thời buổi nhà ở khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh, gia chủ di chuyển nhiều thì việc giữ sách được vẹn toàn là khó, nếu gặp biến cố lớn như năm 75 thì mấy tủ sách “văn hóa độc hại” cũng làm mồi lữa cho ông Táo. Tuy nhiên, muốn chơi sách nguời chơi tối thiểu cũng phải có trình độ để biết sách nào quý mà mua, phải có tiền dư chút chút để đi nhà sách.

Dân chơi sách ngày nay, phải săn những sách mới được công chúng tán thưởng trên mạng, trên báo, đến những hiệu sách cũ tìm những danh tác mà mình chưa có. Ở đường sách Nguyễn văn Bình có khu chuyên bán sách cũ; đừng tưởng những sách bìa cũ sờn mép, giấy vàng mà giá rẻ, có khi những loại này còn cao hơn sách mới xuất bản có cùng số trang, bởi đây là sách của những tác giả hồi trước 1975 không được phép tái bản ! Đi lục lạo sách cũ là một cái thú, đến Khu sách cũ trên đường Trần Nhân Tông, đường Trần Huy Liệu, phát hiện ra một cuốn sách mà mình biết nhưng chưa có với giá rẻ thì lòng còn sung sướng nào bằng. Ông giáo Tâm, ở Bình Hưng Hòa lúc hơn 75 tuổi , hàng tuần chủ nhật sau khi đi nhà thờ là đến ngay phố sách cũ Trần Huy Liệu để lục lạo, nhờ có thú vui đó mà ông sống khỏe mấy năm nay.

Nói thêm về việc chơi sách, anh Mộc Quốc Khanh cho rằng mua sách không phải để chưng, để khoe, mà còn là ủng hộ cho nhiều người trong xã hội, trong đó có tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, nhà in, đơn vị phân phối, nhà phát hành sách và lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh đó. Một quyển sách làm ra tốn biết bao nhiêu công sức, tâm huyết, thời gian và chi phí. Do đó, chơi sách cũng phải mua sách gốc, chứ không mua sách lậu, để đóng góp một phần vào lợi ích xã hội, thể hiện lòng biết ơn đến những con người đó, khích lệ văn hóa đọc, nâng tầm ý thức về quyền tác giả. Trên tinh thần đó, anh mua sách về trước đã, nếu không đọc hoặc đọc không hết thì vẫn còn cơ hội trao tặng lại cho người khác.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, người chơi sách là người đam mê sách, thấy sách là mua chứ không phải người chỉ có đọc sách. Đến nhà dân chơi sách, nếu không thèm thuồng, ngưỡng mộ tài sản quý giá mà họ tích góp được thì đừng có hỏi: Sách nhiều thế này anh có đọc hết không? Chứng tỏ mình là người không hiểu gì về một cái thú của người sống ở Sài Gòn nói riêng và ở

miền Nam trước đây nói chung.

Lương Minh

H1

H2

H3

H4

H5

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác