NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG THƠ MÁ NĂM

Ngày đăng: 28/09/2023 03:32:59 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nhà thơ Nguyễn Kiều Phương, hay còn gọi là Má Năm, má của năm trăm đứa con, làm tôi nhớ lại một cái tựa đề từ trong ký ức của tôi luôn có sẵn “ Đâu chốn quê nhà” của ba tôi. Đến bây giờ tôi vẫn không biết ba đã viết được bao nhiêu trang trong dự án này ? Cảm xúc là thứ gì đó khó định nghĩa nhưng được cảm nhận rất rõ, được miêu tả rất cụ thể. Tôi không dám định thơ hay bình thơ, vì tôi vốn dĩ cảm thơ dở hay rất dở. Nhưng, khi cầm cuốn ‘Thơ MáNăm” trên tay, tôi bị hút bởi gương mặt “điện ảnh” của bìa tập thơ, sự thanh thản, yên bình trên gương mặt của Má Năm rất đẹp, gam màu của hình ảnh đầy đủ sắc tối – sáng làm cho gương mặt Má Năm mang nhiều nét của một diễn viên điện ảnh.

“Trong bao la trời đất

Tìm người chốn bể dâu

Giữa dòng đời tất bật

Tôi tìm tôi nơi đâu.” (CẢM XÚC)

An Thảo và Nguyễn Kiều Phương

    Bài thơ Cảm Xúc của Má làm tôi nhớ đến sự cô đơn vô định, tôi hay nói là sự cô độc từ sâu thẳm trong tâm hồn. Tôi có thói quen thích đặt tên trước cho những câu chuyện dù chưa viết chữ nào, nhưng vì cảm xúc bật ra ngay lúc đấy dạt dào quá nên đặt tên như một xương sống của câu chuyện. Tôi có dự định một cái tên cho cuốn tiểu thuyết mà hy vọng ở thì tương lai tôi sẽ viết ra, đó là “Đâu chốn dung thân”, cũng từ cái tựa này, tôi lại hiểu một cách khác từ cái tựa “Đâu chốn quê nhà” của ba tôi, cả cuộc đời xa nơi chôn nhau cắt rốn, biền biệt xứ người tận bốn mươi năm, tôi chưa thấy ba tôi thôi nguôi ngoai nổi nhớ quê hương. Cái trí nhớ non nớt nghĩ rằng, nó chỉ là sự nhớ nhung phong cảnh, mùi vị, những hình thức của một làng quê nghèo nàn. Bây giờ tôi có thể hiểu đó là sự tìm kiếm nương náu của tâm hồn, muốn tìm về sự bình yên của tuổi thơ, sự xum vầy của một gia đình đầy đủ anh chị em.

Tuổi thơ chẳng có gì, thế nhưng đó là giai đoạn đẹp nhất của đời người, sự vô lo, sự hồn nhiên của đứa trẻ dù nghèo đi chăng nữa thì cũng là cả niềm mơ ước mặc ai có thật sự giàu có. Tôi cũng vậy.

Như đã nói, Chúa không cho tôi cách cảm thụ về thơ, tuy vậy tôi vẫn lần dở đọc tập thơ của Má. Đọc lời cảm ơn của Má, Má biết ơn tất thảy những gì Má đang có trên cuộc đời này, đó là lòng biết ơn mà ngày nay con người đang mất dần đi nhường chỗ cho sự vô ơn. Trang tiếp theo là lời tựa của nhà văn Lương Minh, tôi đã được đọc trên Facebook, nhờ lần đọc trước này mà tôi hiểu rõ hơn về má Năm, tôi đọc lại lần nữa thì bắt gặp bài thơ Tự Kỷ

“Sáng nay,

em bị đứt tay

anh đừng mắng em hậu đậu !

Máu chảy nhiều

vì vết cắt hơi sâu

em khóc…

một chút thôi, rồi tự nín

vì biết rằng

không ai dỗ

khóc chi lâu.”

Đọc hết bài thơ, chừng như muốn khóc, tôi im lặng, nhẹ nhàng gấp cuốn sách lại như tự an ủi mình, như đang xoa xoa một vết đau từ trong tim mình. Chột dạ nghĩ rằng, sao Má Năm giống mình thế, đã nhiều lần mình cũng tự nhủ mình như thế, khóc một chút rồi thôi vì chẳng ai lau nước mắt, chẳng ai dỗ dành. Tôi chưa hề biết Má Năm là ai trước đây cho đến ngày được đọc lời tựa của nhà văn Lương Minh, tôi gặp Má Năm lần đầu là hôm gia đình tôi tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ một năm ngày mất của ba tôi. Tôi nhìn Má Năm lạ lùng, nhưng Má nói chuyện với tôi rất ân cần như rất quý mến. Sau lần đó tôi không gặp lại Má lần nào, nhưng hình dáng của Má quái, phong cách ăn mặc của Má thoải mái theo gout của Má làm tôi khó quên Má. Cho đến ngày Má rủ rê tôi đến buổi ra tập thơ của Má, Má còn “đặt hàng” tôi hát nhạc Lê Uyên&Phương cho Má nghe, nhưng bữa đó tôi bị “bể show” vì không gian khá ồn ào và vì cơn mưa nặng hạt.

Sau khoãng thời gian im lặng, tôi dở tiếp tập thơ của Má, bài thơ Muộn lại đập ngay vào mắt rồi đi thẳng vào tim tôi

“Ra đường gặp một người

Mặt nhìn thấy ương ương

Về nhà bỗng biếng cười

Mới biết mình đã thương.”

Tôi không biết Má viết bài thơ trong hoàn cảnh nào, nhưng tôi cảm nhận tình yêu chớm nở này xuất hiện trong hoàn cảnh “chúng ta đã không thể thuộc về nhau”, sự kiêu hãnh của những người đã có một nơi thuộc về, sự lý trí của trách nhiệm với tổ ấm đã níu giữ tình yêu chớm nở ấy chặt trong tim. Tình yêu đôi khi ngang trái, mà những kẻ chẳng có tâm hồn nhạy cảm, hay những xao xuyến của nét ban sơ chẳng thể nào hiểu được. “Ương ương” ngang với “đơ đơ” hay trơ với cảm xúc, dặn lòng mình chẳng thể yêu, tránh xa những rung cảm không nên có để mọi sự được yên. Tôi thấm đẫm hơn những câu ca của Mặc Thế Nhân trong Tương Tư 4, “ Phải chi em đừng có chồng, và anh không của riêng ai. Thì giờ đây, anh không buồn, không âu sầu, không lo lắng, không phân vân …”. Nếu Má viết cho phụ nữ thì ôi thôi, thiệt là buồn ….Má ạ !

Nhìn Má, tôi biết Má buồn, nhìn Má tôi biết Má yếu đuối sâu trong tâm hồn. Phụ nữ chúng tôi là thế, không ai đỡ đần thì cứ thế mà mạnh mẽ lên, ông trời “ưu ái” gì thì chúng tôi nắm giữ cái đó, không dám mưu cầu gì hơn hai chữ “bình yên”. Nhưng lúc một mình, đối diện với chính mình, mới thấm hai chữ “bình yên” nào có giản đơn.

“Những người ta yêu thương

đều bỏ ta đi cả

Bám víu vào cuộc đời

Đôi bàn tay rời rã … Đau”

Đau gì hả Má, mà chẳng còn ai để cầm bàn tay nắm bàn tay đi trong cuộc đời? Ta còn gì để nắm, cuộc đời vốn chông chênh, người đàn bà nắm vào sự chông chênh, cố giữ cho đời thăng bằng, đi qua hết thăng trầm thì đôi bàn tay cũng rời rã. Má thường nói lớn, Má cười thật to, sảng khoái . Má bảo Má chẳng thích ăn diện, giống mẹ của Má. Nhưng mà tôi nghĩ Má cố che giấu, Má giả bộ tạo cho mình một phong thái như vậy để mọi người xung quanh nghĩ rằng Má “cóc sợ gì”, vì Má quá mạnh mẽ. Hay là Má quen với sự mạnh mẽ, Má nói “Đau” mà nhẹ tựa lông hồng, cũng có khi chẳng có ai cho Má tựa vào nên Má mới như vậy.

Tất cả như thế nào tôi cũng chỉ đoán, nhìn nhận qua thơ của Má, tôi không hỏi, không khai thác gì qua các lần trò chuyện với Má. Tôi muốn cảm nhận Má một cách tự nhiên nhất, vì như vậy chúng tôi mới hồn nhiên ngồi bên nhau, hồn nhiên nói “con cô đơn quá Má”, “con buồn quá Má”, “Má kỳ quá”…Tôi dung từ “Má” ngụ ý như là chị em, tôi muốn coi Má như một tri kỷ vì tôi cảm nhận Má giống tôi dù ít gặp gỡ.. Đến với Má tôi chẳng e ấp phải quần áo xúng xính, đến nỗi mặc mỗi cái đầm body, giày cao gót mà ngồi với Má tôi thấy mình không tôn trọng Má, vì Má quá giản đơn, Má quá chân phương, mộc mạc..

Trong cõi tạm này, mọi sự sắp đặt đều có ý của Thiên Chúa, tôi luôn tin như vậy. Cũng như tôi được gặp Má, được Má ôm vào lòng cũng là sự sắp xếp của Thiên Chúa ở giai đoạn này của cuộc đời. Thơ của Má làm tôi muốn tiếp tục viết, tiếp tục trãi lòng mình qua những câu chữ vốn lâu nay chết đứ đừ trong vòng xoáy kim tiền chưa có hồi kết thúc. Hay Má được gởi đến để tôi tin rằng, cũng còn nhiều người phụ nữ mạnh mẽ, giỏi giang, đầy lòng kiêu hãnh trong cuộc sống và trong văn chương dù cuộc đời có xô đẩy về đâu….

“Thật hay giả mặc tình

Ta vẫn là chính mình

Lọt vào cõi điêu linh

Đời điên còn ta tỉnh”

Tự Trọng – MáNăm

SÀI GÒN, 27.9.2020

AN THẢO

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác