MỞ SÁCH – MỞ PHONG CÁCH
Khi đọc tập tản văn Thơm xứ Thần kinh của tác giả Trang Thuỳ, tôi cảm giác mình đang mở sách – mở phong cách.
Trang sách của Trang Thuỳ mở ra một phong cách sống rất đáng yêu: sang trọng nhưng không cầu kỳ, kiểu cách nhưng không huê dạng, dịu dàng nhưng mạnh mẽ, lam lũ nhưng thanh tao, nghiêm trang nhưng gần gũi… của chính mình và những con người xứ Huế được tác giả tái hiện trong 56 đoản khúc tản văn.
Tôi nghĩ, khi ngang qua chợ Trường An, phía góc đường Phan Bội Châu – Trần Anh Tông, thấy một quầy bán dừa nho nhỏ treo cái bảng tên rất giản dị: Trang Dừa, có lẽ không ai có thể hình dung được cô bán dừa đầu đội nón lá sụp mặt, tay tất bật băm băm chặt chặt đó lại là người có nhiều bài đăng trên các báo Thanh niên, Thừa Thiên Huế, Sông Hương, Văn học Sài Gòn, Ngôn Ngữ,… và là tác giả của tập tản văn mới xuất bản năm 2021 có cái tên thật lãng mạn và nhàn tản như một làn khói trầm hương: Thơm xứ Thần kinh. Ngoài viết văn, cô chủ Trang Dừa còn là thành viên của câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, là người tích cực tham gia nhiều sự kiện văn hoá trong tà áo dài lụa đi kèm với chiếc kiềng bạc đầy duyên dáng, kiêu sa mỗi khi xuất hiện. Quả thật, cuộc sống và con người luôn chứa đầy những ẩn số. Mỗi người ta gặp, mỗi cảnh ta qua, nếu tìm hiểu kỹ, sẽ luôn cho ta những bất ngờ thú vị. Tác giả và tác phẩm Thơm xứ thần kinh là một trường hợp như vậy.
Trang Thuỳ thuộc dạng tác giả “viết bằng mười đầu ngón tay”, nhưng đặc biệt là, cô viết trên điện thoại vào những lúc bán buôn rảnh rỗi ngay tại cái vỉa hè mưu sinh của mình. “Cần mẫn hàng ngày bấm phím viết lên những dòng chữ tri ân cuộc đời, để thêm tha thiết yêu thương từng khoảnh khắc trôi qua”, Trang Thuỳ đã thể hiện một cốt cách – phong cách sống yêu cái đẹp và yêu văn chương rất bình dị của cô.
Yêu cái đẹp, đối với Trang Thuỳ, là yêu mồ hôi nước mắt lao động, là biết tạo nên những thú vui tao nhã, giản dị để cuộc đời thêm hương sắc: thưởng thức một ly cà phê Chiều trong không gian nghệ thuật nhỏ nhắn như một nét Huế đằm sâu, uống trà đêm trên ga Huế, dã ngoại trên đồi Thiên An, về làng Sình để ngắm tranh dân gian, đến Phước Tích để nghe ấm nóng hồn gốm cổ, sang làng Bao La để thấy trong mỗi sản phầm mây tre đều chan chứa bao la tình, về cầu ngói Thanh Toàn để nghe giọng thơ dân dã của người buôn thúng bán bưng,…
Yêu cái đẹp còn thể hiện ở văn hoá đọc. Hầu như thời gian mà Trang Thuỳ dành cho sách cũng khá nhiều. Tác giả đã viết nhiều bài giới thiệu về các cuốn sách mình đã đọc. Khi mà văn hoá đọc đang là mối bận tâm của toàn xã hội, đặc biệt là với ngành giáo dục, thì việc có thêm những người đọc như Trang Thuỳ quả là rất đáng quý.
Nhà văn Trang Thủy
Trang Thuỳ viết Thơm xứ Thần kinh bằng một lối văn giản dị, giàu hồi ức và trải nghiệm (Ngày mùa, Trái bầu tuổi thơ tôi, Khi mẹ là người bán dừa, Mùi của Tết, Tôi bán hoa ngày Tết, Thơm xứ thần kinh, “Rạp chiếu phim” của nhà tôi, Muối sả của mạ,…). Đôi chỗ, tác giả thay đổi ngôi kể chuyện để làm mới nghệ thuật tản văn và làm tăng độ xúc cảm của tác phẩm. Trong “Mùa nấm mối”, ngôi thứ ba “nó” trở thành chủ thể mang điểm nhìn từ lời người kể chuyện giấu mặt được “đánh tráo”. Hoặc trong tản văn “Chuyện vui buồn cái ti vi đời cũ”, Trang Thuỳ để cho cái ti vi xưng “tôi”, kể chuyện đời mình. Đó là cách mà cô thổi hồn vào sự vật, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, truyền cảm hơn.
Thơm xứ Thần kinh của Trang Thuỳ thể hiện một cái tôi chân thành, yêu lao động, yêu người lao động, và hơn hết là tình yêu đối với văn chương nghệ thuật. Tác phẩm là thông điệp về một phong cách sống biết làm giàu cho đời sống tinh thần, làm đẹp cho mình và cho cuộc đời. Và cái đẹp ấy chắc chắn không tuỳ thuộc vào đặc thù nghề nghiệp hay điều kiện vật chất, mà tuỳ thuộc vào việc bạn có biết cách nuôi dưỡng tâm hồn mình hay không.
Mở sách – mở phong cách, mở Thơm xứ Thần kinh, bạn đọc sẽ được nhìn thấy một nét Huế khá đặc biệt từ câu chuyện cuộc đời và câu chuyện văn chương của chính tác giả..
NGUYỄN THỊ TỊNH THY
*
Thơm xứ thần kinh, Trang Thuỳ, Nxb Thuận Hoá, 2021.