PHẠM ĐỨC MẠNH NHÀ THƠ…BẠCH MÃ HOÀNG TỬ

Ngày đăng: 20/09/2020 08:40:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

1. Tui có cảm giác vừa được tháp tùng một chuyến du ngoạn bốn mùa cùng một bạch mã hoàng tử trong vườn thượng uyển sau khi tui đọc xong tập thơ ” Em đừng rủ nhớ đi xa” của nhà thơ Phạm Đức Manh . Tui liên tưởng đến ‘ hội Tao đàn ‘ vương giả của hoàng gia , của các vương tôn công tử nho nhã ngày xưa mà tập thơ 108 bài của anh là một trong những vì tinh tú , duyên dáng lấp lánh từ xa , lại phát sáng chói lóa mắt tui khi tui vượt không gian đáp xuống hành tinh mới đó. Như phải vạch ánh sáng leo vào trong chiêm ngưỡng những bài thơ mướt rượt ý lời ; đọc xong lâu rồi mà ấn tượng vẫn chưa phai.


2. Hình như anh là người dư thừa phước báu trên văn đàn nên sự cát tường luôn mỉm cười với anh có lẽ? Hình như anh bước vào cuộc chơi trong lãnh vực văn chương nhiều thuận lợi với những tập thơ đã phát hành với mục tiêu vô cùng thanh lịch đó là tìm bạn tri âm , kiếm người đồng điệu tương tác mà thưởng ngoạn một trời thơ anh sở hữu và muốn sẻ chia ? Làm thơ và có người cùng thưởng thức thơ là hạnh phúc của anh. Cái hạnh phúc đó bắt anh phải luôn làm mới mình cho cảm xúc luôn thăng hoa qua con chữ qua lời thơ phong nhã thanh tân dù nguồn cảm xúc của anh không phát xuất từ nổi đau dằn xé ? .Anh không vắt tim mình và viết thành thơ. Hình như anh có nhiều hạnh phúc trong cuộc đời chớ không phải sự khổ đau như trái tim nát bét của thi sĩ Mặc Tử họ Hàn ? Cái hạnh phúc đó còn thể hiện qua cách lựa và sắp xếp con chữ điệu đà y như bạch mã hoàng tử tuyển lựa ..thái tử phi với tiêu chuẩn là nhan sắc và phẩm chất phải song hành , nên ý thơ của anh tao nhã , lời thơ mượt mà ; tui tìm hoài không ra sạn cát trong câu .
Lắm khi anh cũng chui vào chính trái tim mình mà lôi cảm xúc từ trong đó , lôi ra , vì anh là chủ sở hữu , nó là của anh .Nguồn thơ bất tận đó mà anh là người nhận diện cảm xúc của mình , quản lý được cảm xúc trong cái chừng mực điềm đạm của một người từng trải , nhìn và thấu hiểu sự đời chững chạc , có lúc bao dung có lúc khắt khe tự đề ra một cái khuôn , với cái ‘ khổ’ vô chừng.Anh là người quan sát cảm xúc chứ không bị cảm xúc chế ngự . Thành ra anh vẫn có sự tự do và tự tại của mình vì anh thưởng thức nàng thơ , nàng thơ không thể bắt anh làm nô lệ.

Yêu em
yêu rã cả hồn
Nhớ em
cháy cả
hoàng hôn mỗi chiều”

” Nhủ lòng
chỉ ngắm em thôi
Hứa không rạo rực bồi hồi trong tim
Đã dằn nhớ chỉ lặng im
Mà sao ….rồi vẫn chết chìm trong say”

” Tưởng chừng
như đã ngủ say
Mối tình vụn dại thuở ngày chớm yêu”

” Những đêm
nhạt vợ chát chồng
Lại ôm vụng dại phập phồng vẩn vơ “

…dằn cảm xúc để quản lý sự việc tốt hơn là cách ‘ yêu ‘ của anh có phải?
Đọc mấy câu ‘ nghịch ngợm ‘ đời thường , tui chợt mỉm cười , tui nhớ nữ sĩ Hồ Xuân Hương tuyệt vời khi hóa tục thành thanh , tui nghĩ đến chàng trai thể hình …..sáu múi rừng rực men tình , yêu ngây ngất những tượng thần vệ nữ, khi nhìn những cô gái hớ hênh , vô tình hay cố tình khoe …của quí , lòng anh cũng lan man niềm …sinh sự !

Vô tình nút cấm quên cài
Để ai lúng liếng ngực ai căng tròn
Mắt vương trên đỉnh đồi non
Quẩn quanh khe núi hương còn đang bay “

Không phải anh quá biết hưởng của giời đó sao ?

Nụ đào nhu nhú rung rinh
Chuốc say những kẻ một mình mê hoa “

Thích , mê và thưởng thức vẻ đẹp thể hình là điều rất nhân bản đó thôi, ai cấm anh nuôi cặp mắt no nê ? Anh không cần ‘ đạo đức giáo khoa ‘ như những ai miệng gào không mà tâm muốn có !!!Còn nữa đây , ngây thơ như con trẻ, tự nhiên còn hơn cái thưở ‘ bang bang ‘ , câu thơ trần trụi mà dễ cưng hết sức .

Sầm sầm nước trắng sông quê
Dụ bầy trẻ nhỏ hả hê tắm truồng
Mặc ba ba , kệ thuồng luồng
Con chim teo ngắt vẫn thường tắm mưa “

Tâm hồn dào dạt yêu thương nhưng có chừng mực . Tui chợt nghĩ con người nầy cũng chừng mực ở đời thường , không vì cái tình trong thơ mà gây ra hệ lụy . Cái lãng mạn của anh nó ở trong đầu nó nép trong tim , nó không vung vãi ngoài đường một cách phàm nhân .

Che em má lúm đồng tiền
Che đôi mắt lụa đảo điên kẻ thèm
Để còn chỉ anh với em
Mở toang niềm nhớ đầy men tình nồng “

Là người có trách nhiệm chung thủy với đối tượng thương yêu. Phân biệt thơ và đời . Thơ để thưởng thức đời , để đời phong phú nhờ thơ mà sống cho chất lượng . Nghe anh tâm sự lúc anh ở nhà một mình vì vợ nhập viện ; anh chồng tốt , đáng tuyên dương .

“Ngôi nhà thiếu em từng giờ khô héo
Anh lang thang như ngọn gió bụi đồi
Những ý nghĩ xa xăm bắt đầu run rẩy
Đêm trắng vật vờ sợ giấc mơ rơi “

” Sao em hay đùa số phận
Trái tim giỡn với tử thần
Đắng cay một mình em nhận
Ngọt bùi cho hết ngưởi thân”

Như bao nhiêu nhà thơ khác , anh cũng đẽo got câu thơ đến mức cầu kỳ cho ngôn ngữ anh dùng càng lúc càng thanh để cuối tập thơ ai đó đang nằm đọc phải ngồi lên , vỗ bàn cái ‘độp ‘ mà thốt lên ‘ HAY ! QUÁ ĐÃ ! ‘ như cách bình dân miệt vườn Ba tui đã từng làm lúc hãy sinh tiền khi ba nằm võng đọc thơ . Câu thơ mượt mà đôi khi hơi sáo ngữ của anh , nó không cần hiểu bằng nghĩa của cái đầu mà phải cảm từ trái tim đồng điệu , không phải đọc mà ngâm lên mới thấy thú vị gì đâu! Sáo ngữ đó quả thật trong trường hợp này như là ‘ khuyết ‘ lại hóa thành ‘ ưu’ !

Em đừng rủ nhớ đi xa
Bỏ bê trời tủi nắng già trầm ngâm
Cô đơn trăng khóc âm thầm
Mắt tim ngấn lệ tím bầm nổi đau”

” Bơi chiều câu nổi buồn rơi
Sông thu cườm nắng trắng trời mênh mông
Tương tư gội bến mây hồng
Hương tình em thả gió bềnh bồng bay “

Giọng điệu của anh chàng ga lăng , lịch lãm , chưa hẳn đã lụy tình , dùng lời ướp mật dụ cả kiến chúa bò ra khỏi tổ !! Nếu ngày nào anh đổi ‘ xì tai ‘ quay qua viết tiểu thuyết diễm tinh thì với phong cách nầy , chắc nữ đọc giả sẽ …. rần rần chạy tới , mặc sức anh câu ‘likes’ mệt mỏi .
Phạm Đức Mạnh vẫn có cái thế mạnh riêng của mình mà không bị lẫn vào người đi trước , kẻ đồng thời. Đó là cách dùng hình tượng trong bài thơ lục bát , song thất lục bát ‘ được ‘ phá cách một cách hiện đại , lạ thường làm ý thơ của anh càng bay bổng , điệu đà hơi đỏm dáng với những chữ sử dụng độc quyền.

Hồi hôm qua NGÕ THỜI GIAN
Để quên nổi nhớ trên GIÀN NGÂY THƠ
Tính sang chuộc đổi mộng mơ
Sợ em trao HẠT HỮNG HỜ…lại thôi”

“Cuốn rèm sương mở cửa tâm hồn. Nghiêng hạt nắng thu soi vàng nhớ . Hứng tiếng chim tỏ tình lật giò. Mắt trời vui lấp lánh mộng mơ “

Một khổ thơ bốn câu không xuống hàng , rất lạ. Đọc lên chỉ hiểu bằng tim , không phân tích bằng đầu để hiểu.Người đọc chỉ cẩn ‘ cảm ‘ , đâu cần hiểu làm chi !

Tình yêu trong lục bát của anh chung thủy như dòng sông quê hương một lòng trôi ra biển cả mênh mông. Anh tắm gội tung tăng trong dòng sông ấy nhưng không quên phía trên thượng nguồn , nơi xuất phát của dòng sông

Cãi mẹ làm rách câu thơ
Giờ ngồi vá víu bơ vơ một mình
Trăng tu treo chéo đầu đình
Không em còn lại mảnh tình cô đơn”

3. Hóng chuyện từ tâm hồn nhà thơ Phạm Đức Mạnh qua tập ” Em đừng rủ nhớ đi xa ” mà làm chuyện của mình ; tui cảm xúc từ những cảm xúc của anh mà thấy cuộc đời sao phong phú quá vì trên đời có bao nhiêu tâm hồn dạt dào của người tài giỏi thế kia . Chỉ mom mem ngoài rìa thế giới văn chương của các nhà thơ mà thưởng thức , tui đã chết ngộp khộng biết bao lần với cung điệu thấp cao. Đôi khi tui cũng lẫn lộn giữa đời thật và đời thơ của người ta mà …quét nhà ra rác ! Nhưng tui vẫn nghĩ về anh , một nhà thơ ‘ quí tộc ‘ , một bạch mã hoàng tử đủ phẩm chất cho một sứ mệnh hoàng gia là đem chiếc giày thủy tinh đi tìm nàng công chúa . Dù chỉ một lần đọc thơ Phạm Đức Mạnh thôi , ấn tượng đẹp về một tâm hồn nhạy cảm, điềm đạm chừng mực luôn xây dựng thế giới thơ của mình với chất liệu tốt nhất trong cái lý tưởng cầu toàn . Cho nên với toàn bộ những bài thơ của anh ; tui nghĩ , đã vừa đẹp lời , vừa đẹp cả ý thơ.

Nguyễn Ngọc Hạnh

H1

H2H3H4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác