SỐ PHẬN NGƯỜI BỆNH VIỆT NAM?

Ngày đăng: 27/02/2024 09:48:17 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tình cờ đọc được bài viết của một bác sĩ hành nghề ở Na uy, thông qua trường hợp người nhà mình, viết về số phận người bệnh Việt Nam, được một bác sĩ Việt Nam dẫn lại.

Trích đoạn tôi đọc được:

“BỆNH VIỆN

T.A là bệnh viện tư nhân người thân tôi nằm. Thủ tục đầu tiên là nộp giấy chứng minh thư, giấy bảo hiểm sức khỏe, tiền ứng cho tiền phòng. Có nhiều mức giá: phòng 6,3, 2 hay 1 người, ngoài ra có phòng VIP. Chúng tôi chọn phòng 1 người với giá 980.000 ngày. Đặc cọc trước 5 ngày. Trong phòng có 1 giường cho bịnh nhân và 1 giường cho người thân đi NUÔI bịnh nhân. Vì 2 vợ chồng tôi ở lại, nên mướn thêm ghế bố 30.000 mỗi ngày. Tiền phòng bao gồm cháo buổi sáng, 3 món trưa và tối cho người bệnh, 1 lần lau sàn nhà và 1 lần lấy rác. Thay ra mền vệ sinh cho bệnh nhân là trách nhiệm người nhà !

ĐIỀU DƯỠNG

Trách nhiệm điều dưỡng: đưa thuốc cho người nhà để cho bệnh nhân uống, thay băng, thử máu, chích thuốc. Ngoài những việc khác người nhà phải lo cho bệnh nhân. Cây kim chích, băng thay, từng miếng bông gòn ĐỀU ĐƯỢC GHI ĐỂ TÍNH TIỀN.

-Khi họ vào phòng, họ không giới thiệu họ là ai, phần hành gì.

-Khi cần gọi họ đến, nhưng không làm gì, chỉ trả lời là họ sẽ hỏi bác sĩ đã.

Trong 2 ngày đầu họ coi thường chúng tôi lắm. Sau khi mổ xong người thân tôi mê sảng và sốt. Tôi yêu cầu đo nhiệt độ, thử máu và xem xét cho trụ sinh. Họ không làm ngay

-Tôi yêu cầu gặp bác sĩ D, người mổ và người tôi quen.

-Điều dưỡng thông báo là bs bận mổ.

Tôi không đồng ý và tôi tự gọi bs. D xuống ngay. Từ khi bs thông báo cho họ biết tôi là ai, họ đã làm theo yêu cầu của tôi không cần thông qua bs D. nữa. Tôi thật sự rất khó chịu tính quan liêu và kiêu ngạo.

Bệnh nhân gãy xương và sau khi mổ với cơn đau dữ dội nhưng họ chỉ cho Paracet để giảm đau. Tôi phải yêu cầu dùng morfin và chấp nhận trả tiền họ mới cho. Rõ khổ.

BÁC SĨ

Ngoài bs D quen biết và biết tôi làm gì, còn những bs khác thì hỡi ơi!

Hôm bà bị mê sảng, có 1 bs đến. Ông vào phòng với 1 điều dưỡng. Ông không tự giới thiệu mình là ai và vào làm gì. Ông hỏi bệnh nhân tên gì, tại sao vào đây? Khi nghe bị gãy cổ xương đùi, ông ta chỉ xoáy vào việc là có phải do choáng váng, mất thăng bằng và té. Ông chỉ muốn xác định là do tai biến đưa đến té. Ông hỏi có dùng thuốc loãng máu vì sao? Tôi giải thích là do trước đây vài năm có triệu chứng tai biến và khi dùng thuốc loãng máu, triệu chứng không còn sau khi uống thuốc vài phút, từ đó bs bệnh viện cho dùng tiếp.

Ông ta không nhìn tôi mà chỉ chăm chăm hỏi bà cụ. Tôi không thể hiểu ông đang làm gì. 1 người đang mê sảng không thể nhớ hay có khả năng trả lời.

Tôi phải ngắt lời và hỏi ông là ai? Ông báo là bs chuyên khoa thần kinh, tên S, ông muốn bà cụ phải chụp hình MRI để xác định đã bị tai biến và khi ấy mới tiếp tục dùng thuốc loãng máu. Tôi cũng xin phép tự giới thiệu về mình và giải thích yếu tố phòng hộ ban đầu đủ để bà cụ dùng thuốc loãng máu (tiểu đường, cao áp huyết, triệu chứng tai biến). Xác định có tai biến để dùng thuốc loãng máu là phòng hộ thứ hai

người mê sảng không thể nằm yên 30 phút’ để chụp MRI và không bs nào đi lấy bệnh án người mê sảng khi không nói chuyện với người nhà.

Tôi trả lời tôi không đồng ý chụp MRI, tôi tự quyết định cho bà dùng thuốc loãng máu và tôi không cần bs S ở đây. Tôi không đồng ý trả tiền cho sự có mặt của bs”.

Hết trích.

Do không nắm rõ bệnh tình và các yếu tố chuyên môn, tôi không bàn về chuyên môn, dù bài viết có khá nhiều vấn đề liên quan đến những nhận định chuyên môn, với ý cho rằng bác sĩ Việt Nam kém chuyên môn.

Tôi không biết bệnh viện tư nói ở đây là bệnh viện nào, nhưng mức giá đưa ra là mức giá khá thấp, kể cả so với giá phòng dịch vụ trong các bệnh viện công. Đi bệnh viện tư, hoặc vô khu vực dịch vụ của bệnh viện công, mà dịch vụ giá thấp, thì khó có được dịch vụ tốt. Tất nhiên, nếu những gì mà bạn này mô tả về điều dưỡng và bác sĩ là đúng, thì cái bệnh viện này tệ thật, tệ hơn nhiều so với mức giá mà họ thu của người bệnh.

Những gì bạn mô tả về điều dưỡng và bác sĩ ở cái bệnh viện tư này không đại diện cho các bác sĩ và điều dưỡng ở Việt Nam. Ở các bệnh viện tư không quá tệ, không có chuyện người nhà nuôi bệnh, người nhà chỉ được có mặt, để người bệnh an tâm, theo tập quán của người Việt. Và không có chuyện để bệnh nhân mê sảng và sốt ở phòng bệnh thường, giao cho người nhà nuôi, lại không thử máu, đo nhiệt độ… mà để cho người nhà phải chỉ định.

Theo mô tả của bạn ấy, thái độ của điều dưỡng và bác sĩ ở bệnh viện mà người thân của bạn ấy nằm là rất không tốt, khi không biết bạn ấy là ai. Tuy nhiên, qua cách bạn ấy tự quyết định dùng thuốc chống đông, và không cần bác sĩ, thì thấy rõ là bạn ấy coi mình là cao, và coi thường bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện. Từ đấy, tôi đặt dấu hỏi, có khi nào bạn ấy bị cảm xúc lấn át mà mô tả chưa đúng về bác sĩ, điều dưỡng?

Bản thân tôi, đã từng mổ cho một số bệnh nhân người Na uy gốc Việt, mà họ về Việt Nam để mổ không phải vì lí do chi phí. Những người bệnh tôi mổ đều than phiền là ở Na uy, họ không được bác sĩ giải thích rõ về bệnh tình. Một bệnh nhân 97 tuổi than phiền, là các bác sĩ ở Na uy từ chối mổ vì tuổi cao, mà không quan tâm đến yêu cầu và sự khó khăn của người bệnh.

Y tế ở Việt Nam còn nhiều điều chưa tốt. Bệnh viện ở Việt Nam cũng rất ít cái đạt được chuẩn mực. Nhiều bác sĩ, y tá ở Việt Nam giao tiếp kém. Nhưng nếu chỉ dựa vào một bệnh viện chất lượng dịch vụ thấp, không đại diện cho bệnh viện công, mà cũng chẳng đại diện được cho bệnh viện tư, để nói về số phận bệnh nhân Việt Nam, thì có lẽ là hơi vội vàng.

VÕ XUÂN SƠN.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác