BẠN TA Ở TỐNG PHƯỚC HIỆP

Ngày đăng: 15/02/2024 05:41:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hằng năm vào tháng chạp gió bấc rì rào hắt hiu người co ro trong tấm áo gió khi ra đường. Năm nay gió như ít đi không thấy lạnh làm người đã quen với bao hình ảnh quen thuộc những ngày cuối năm như thiếu cái gì đó nhất là những nhà thơ để có cảm hứng viết… Thế nhưng anh Phong Tâm người bạn gì tưởng đâu tuổi tác đã lấy đi nguồn cảm hứng không ngờ bạn ta, trời đất sái mùa sái tiết. Nắng và mưa đã khác nhau. Thay đổi kiểu nào bạn vẫn có thơ. Thật là vui khi đọc trên mạng thấy thơ Phong Tâm.

Em ơi mùa lạnh không về nữa

Để nóng lòng anh nhớ một người

 Phong Tâm- Ngô Khắc Tài- Lương Minh đi thăm nv Phạm Trung Khâu ở Đồng Phú

Từ chuyện nọ nhớ qua chuyện kia. Hai là già trẻ từng thế hệ song song khi một thế hệ chưa mất đi thì ký ức vẫn còn nguyên. Những ngày cuối năm nhớ cái lạnh tôi chợt nhớ bài hát – Anh ơi có bao nhiêu – Sáu mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu Anh sống không bao lâu.

Bài hát với tiết tấu nhanh vui như để cho người nghe không thấy buồn đời người qua mau so với thời gian. Nhất là khoảng thời gian hai mươi năm đầu. Lúc đó người còn trẻ còn đầy đủ cha mẹ hàng ngày cắp sách đạp xe đến trường. Từ đó biết bao là kỷ niệm của người dưới mái học đường với bao gương mặt bạn bè, bao gương mặt thầy cô giáo thân thương. Nhiều bài tập đọc của khoảng thời gian ấy người đã quen nhưng qua đó bài Tôi đi học của Thanh Tịnh người lại nhớ mãi.

– Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây trôi bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Những kỷ niệm ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy vì hồi ấy tôi chưa biết viết. Nhưng mỗi lần thấy những em bé rụt rè nép dưới nón mẹ lần đầu đi học lòng tôi lại rộn ràng tưng bừng nhớ. Buổi mai hôm ấy một buổi sáng sương thu đầy gió lạnh mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn tới trường học theo con đường làng dài và hẹp.

Chẳng những không quên thời tôi đi học mấy mươi năm sau nhớ lại người vẫn nghe lòng xao xuyến bồi hồi. Thế còn cái cảm xúc lại rời khỏi ghế nhà trường thì sao. Chắc là ai cũng biết nó có nhiều bài thơ, bài hát viết về thời gian này mà còn thể hiện nổi nhớ ấy qua những việc làm các tổ chức như – Hội khuyến học – Hội cựu giáo chức – Hội cựu học sinh. Để mỗi năm người có dịp ngồi lại với nhau ôn lại những kỷ niệm đồng thời chia sẽ những buồn vui cuộc đời. Nói tới cuộc đời, người thì giàu kẻ thì lận đận. Người thì con cái làm nở mặt mũi ngước lên nhìn đời. Cái này mới là cái hiếu đúng nghĩa cái gọi là Đại hiếu tử hơn là có đứa con khiến cha mẹ phải cúi đầu xuống không dám ngước lên nhìn ai mỗi người một số phận của ai người nấy biết nhưng mỗi lần họp mặt bạn bè gặp nhau như trở thành anh em một nhà, cái vui, cái buồn như không còn là của riêng ai. Người như sống lại những chia sẽ của bạn bè người như được tiếp sức trở về với cuộc sống còn bao nhiêu việc đang chờ mình. Các hội cựu học sinh trong nước thì tôi không biết nhưng với hội cựu học sinh Tống Phước Hiệp ở miền Tây theo tôi biết là số một đứng hàng đầu hiện nay sẽ có người hỏi tôi là dân Long Xuyên có ở Vĩnh Long đâu mà biết trường Tống Phước Hiệp. Nhưng tôi biết không khí đầm ấm  của đám học sinh Tống Phước Hiệp qua trang mạng. Bài vở tin tức của hội cựu học sinh Tống Phước Hiệp phong phú chia sẽ bao kỷ niệm một thời. Trong khi các hội cựu học sinh ở các trường học ở miền Tây lại im lắng.

Và rồi tôi tình cờ được làm khách mời tới dự những buổi họp mặt đầm ấm của cựu HS.Tống Phước Hiệp.

Tới đây tôi phải thú thật gặp một lần như chưa đủ…Nhưng những khuôn mặt và không khí đầm ấm của buổi họp mặt để lại một ấn tượng thu hút tôi trở xuống Vĩnh Long lần thứ hai. Rồi lần thứ ba tôi ngạc nhiên khi thấy các bạn Tống Phước Hiệp hẹn nhau ở chùa Sơn An mừng thầy trụ trì được giáo hội phong Thượng Tọa. Để rồi điều tò mò của tôi được giải đáp. Hóa ra thầy Thượng Tọa cũng là thân hữu học sinh Tống Phước Hiệp. Cái cảm giác trước lạ sau quen thật là thú vị. Tôi đã có tuổi có cháu nội. Ngày xưa tôi cũng đi dạy có nhiều học trò. Nay gặp những người bạn mới quen trong buổi họp mặt. Cũng đều là người làm ông nội, bà nội. Ngồi nghe những lời trao đổi nhắc những kỷ niệm lúc còn ngồi ở ghế nhà trường, nhắc về mấy đứa học sinh mình dạy. Nhất là những lời tâm sự về gia đình phải nuôi dạy con cái rồi cháu lớn lên. Chuyện của người của các bạn mà sao thấy như chuyện của mình để rồi cái cảm giác khách mời bở ngỡ cảm thấy như quen với các bạn tự bao giờ. Thật ra trong buổi họp mặt có ba khuôn mặt là Lương Minh, Phong Tâm, Ngọc Hải là ba khuôn mặt tôi quen chính họ là nhịp cầu nối cho tôi đến dự những buổi họp mặt. Tôi biết bạn Lương Minh qua Facebook cảm mến những hình ảnh những gì anh viết. Có nghĩa là tôi quen với Lương Minh muộn hơn nhiều người nhưng trở thành thân.

Lương Thị Ngọc Hải

Trong khi nhiều khuôn mặt quen đã lâu lại từ từ xa. Xa nhau mà không mất ở những đường biên nhìn nhau như sao hôm với sao mai nhìn nhau. Buồn –  Chính Lương Minh mời tôi xuống Vĩnh Long họp mặt. Tôi xuống rồi thấy vai trò Lương Minh bạn của mình với nhóm CHS Tống Phước Hiệp. Lương Minh cho tôi cảm giác bạn là cái ghế ngồi không ai thèm thay thế …thà bỏ trống. Bạn còn là nhịp cầu nối những bờ vai, nối người người tìm đến nhau. Về ông bạn già Phong Tâm thì quen qua thơ của anh đăng trên các báo. Trước đã gặp Phong Tâm mấy lần ở Bến Tre lần này gặp anh trong buổi họp mặt. Nếu như có nhiều người được kết nạp vô hội nhà văn sau đó lại không viết được bài thơ nào ra hồn. Phong Tâm một nhà giáo, làm thơ lai rai mà xuất bản được 6 tập thơ. Và nhiều người, tuổi tám mươi đã ngừng viết, bạn ta lâu lâu thấy thơ như đã dẫn. Về Ngọc Hải là một khuôn mặt người nữ gặp nhau tôi nể phục nhìn bạn mà không biết nói lời gì. Chị là người dù có ở phương trời nào tôi vẫn không quên. Ông xã của Ngọc Hải là Ngọc Hiệp làm thơ. Tôi quen với Ngọc Hiệp trước.

Gần hết cuộc đời tôi mới hay thiên đường là có thật

Ngay chỗ mình đang sống với người thương

Qua thơ xuống Hội văn nghệ Vĩnh Long tìm Ngọc Hiệp mới biết Ngọc Hải. Hóa ra Ngọc Hải cũng làm thơ – bao giờ trở lại vườn xuân – Tiếc con bướm vàng bay đuổi – Tiếc mùa hương cau vời vợi – Nhớ nụ hôn đầu ai trao – Thơ của Ngọc Hải đằm thắm … nhưng về cuộc đời… Tôi rất ngưỡng mộ, trước hết tôi xin phép viết ra đây.

Nhà thơ Ngọc Hiệp ngã bệnh nằm một chỗ để vợ chăm sóc mà gia đình lại rất nghèo. Hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn nhưng hai vợ chồng laị có đứa con trai, theo tôi phải đưa  vô trại cải tạo. Một lần tôi xuống thăm hai vợ chồng Hải chính mắt tôi nhìn thấy – đứa con ngổ nghịch cha bệnh nằm đó mà nó la hét đập phá nhà cửa. Lý do không được mẹ cho tiền đi chơi. Thế mà Ngọc Hải – thay vì la thằng con, chị vẫn dịu dàng một mực chịu đựng. Có lẽ sự dịu dàng của người mẹ như mưa sâu thấm đất từ từ  cải hóa được nó và nay đã có nghề nghiệp nên người. Tôi ngưỡng mộ Ngọc Hải, ngưỡng mộ một người mẹ là vậy.

Những ngày cuối năm trẻ thì bụng dạ nôn nao đón Tết, người có tuổi thì ngồi nhớ lại với những hình bóng cũ, những khuôn mặt thân quen. Mình cũng vậy lan man tản mạn nhớ, nghĩ gì viết vậy. Cám ơn các bạn Tống Phước Hiệp theo mình đến đây.

Long Xuyên 15/1/2024

 Ngô Khắc Tài

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác