MUA CHỮ- TỤC LỆ TẾT Ở MIỀN NAM
Có người hỏi tôi sao lại là mua chữ (?) Thường thì nói xin chữ ông đồ nghe cho thanh lịch, Thật ra , ở miền Nam không có tục xin chữ như ở miền Bắc mà là đi mua chữ ở các chợ Tết từ thành đến chợ quê về treo. Đến với ông đồ, khách hàng trả giá từng tấm thư pháp lớn nhỏ, chất liệu mành tre, giấy bồi, khác với Hà Nội xin chữ và để lại tiền cám ơn. Hiện nay, ở các tỉnh thành đều có các nhóm thư pháp xuất hiện vào những ngày tết để phục vụ nhu cầu chơi chữ của khách. Mỗi tỉnh thành như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, có một vài nhóm thư pháp có tên tuổi viết chữ đẹp để tổ chức vào các hội xuân.
Nhà thư pháp Luu Thanh Hải
Thầy đồ bán chữ Hán-Nôm
Nhớ mấy chục năm trước các chợ tết đều có ông đồ ngồi bán chữ. Nói là ông đồ cho “oai” chứ thật ra đó là những ông học chữ Nho trong làng, như thầy chùa, thầy cúng ngày thường ít có dịp viết chữ, 23 Tết ra chợ ngồi viết kiếm chút tiền tiêu Tết. Cụ thể ở quê tôi, mấy ông sư trong chùa ngày thường đi tụng đám, mực Tàu và bút lông để viết sớ, viết trên tràng phan trong các đám tang, viết bài vị trên bàn thờ. Tết có dịp vẽ bài vị Táo Quân vì Ông Táo không có tranh kiếng thờ như ThầnTtài, Ông Địa có bán sẳn ở tiệm. Nhà nhà trang hoàng nhà cửa giấy dán vách, giấy tiền vàng bạc thì cắt đôi dán vật dụng trong nhà như tủ, lu gạo, gạc măng ghê… Ông tôi nói cho đồ đạt ăn tết (?) chỉ có Táo Quân cần thay là tờ giấy hồng đơn (giấy đỏ) viết vài chữ : “Ngũ phương ngũ hổ phúc đức chính thần” viết thêm hai câu đối:” Hữu đức năng tư hỏa” “ Vô tư khả đạt thiên” (1)
Trước năm 1960, ở quê tuy là nhà tranh, vách lá nhưng có những người thích dán trước nhà 2 câu đối. Câu đối do nhặt trong sách vở nhờ thầy viết dùm dán trên hai cột nhà cùng với 2 cột cửa rào. Chính giữa trên thanh cửa , dán chữ Ngũ Phúc Lâm môn, cửa buồng thì dán 4 chữ Xuất nhập Bình an. Khách đến nhà đọc được hay không, không quan trọng, họ nhìn từ xa thấy đỏ đỏ, đen đen là nhà có vẻ tết. Trên bàn thờ trái dưa hấu, trái bưởi có dán giấy đỏ chữ Phúc, chữ An hình vuông. Nhờ vậy mà những thầy bán chữ kiếm được vài đồng ăn tết.
Ở đường Hải Thương Lãn Ông, đường Phùng Hưng, quận 5 trước đây có nhiều người viết chữ Hán, hoạt động quanh năm, nhưng nay mỗi con đường chỉ còn 1 đến 2 người viết vì những câu đối, câu chúc ngày tết ít ai nhờ viết bởi ở các tiệm bán đồ trang trí, câu đối, chữ Phúc, chữ Đại Cát đều được in đẹp in mạ vàng, giá rất rẻ, so với mướn người viết chỉ bằng 10%.
Gặp một anh viết chữ ở Hải Thượng Lãn Ông, anh cho biết: trình độ của anh không hết cấp hai, nhưng có tay nghề viết chữ đẹp, khách hàng nhờ viết và hàng ngày luyện chữ đẹp nên được tín nhiệm. Mấy năm trước, các công ty nhờ viết thông báo sinh hoạt treo trước cổng ngày nghỉ tết, ngày khai trương cho công nhân biết. Nay công nhân có đọc được chữ Việt nên ít ai nhờ viết loại này, có chăng viết hai loại chữ Hoa Việt. Tuy nhiên tín ngưỡng người Hoa vẫn có người thích chữ viết tay, bởi người sống không dùng chữ chết (chữ in) khách chuộng người viết cho mình năm rồi mà năm qua làm ăn phát đạt thì năm nay nhờ người đó viết dù chữ không đẹp như các nơi khác.
Chữ viết đẹp không phải là thư pháp. Muốn viết được thư pháp phải gần như họa sĩ, viết chữ đẹp xuất thần không có khuôn mẫu. Ở Chợ Lớn những họa sĩ như Phùng Dũ, Trương Lộ, Lâm Hán Thành , Trần Hải đều là những nhà thư pháp nổi tiếng viết đẹp đến nổi người Trung Quốc ở Đài Loan, Thượng Hải qua Việt Nam tìm mua. Hàng năm, các nước và lãnh thổ dùng tiếng Hoa đều tổ chức cuộc thi thư pháp , thư pháp gia Chợ Lớn cũng tham gia.
Thư Pháp tiếng Việt
Thư Pháp tiếng Việt không biết có từ bao giờ, nhưng có người cho là nhà thơ Đông Hồ, Lâm Tấn Phát người Hà Tiên, giảng viên Đại Học Văn Khoa viết đầu tiên. Sinh thời ông là người khoái chữ viết đẹp nên dùng bút lông và mực Tàu viết chữ quốc ngữ. Sau này nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh phát động việc viết thư pháp chữ Việt. Sư Triều Tâm Ảnh pháp danh Thích Giới Đức, trụ trì chùa Huyền Không ở Hương Trà , Thừa Thiên- Huế. Ông trụ trì ở đây được mười năm, thời gian này ông thiết kế tại chùa một không gian thiền với tre trúc, khung cảnh thơ mộng đương nhiên có những câu thơ trình bày dạng thư pháp treo quanh chùa. Ông cho biết nghệ thuật viết thư pháp của ông cũng bắt đầu khoảng năm 1975 (2)
Thư Pháp của Mỹ Lý
Năm 2000 tại thành phố Hồ chí Minh rộ lên phong trào thành lập CLB Thư Pháp, CLB Thư Họa Giác Ngộ; gần Tết tại nhà văn hóa Thanh Niên có CLB Net Việt. năm 2007 tại Cung Văn Hóa Lao động có khu triển lãm thư pháp trước hành lang vào dip gần tết. Những người đi đầu trong lãnh vực này là KTS Nguyễn Thanh Sơn, Song Nguyên, Lê Lân. Nguyễn Hiếu Tín, Lưu Thanh Hải, ..Nối tiếp các vị này có những nét bút tài hoa như Huỳnh Mỹ Lý, Hoa Nghiêm, Minh Hoàng, nhưng cả hai đều mất sớm ở tuổi 34. Có một người viết thư pháp theo dạng tượng hình là Viên Ngộ, các bức thư pháp của ông đều có tượng hình cùng nét chữ Việt.
Làm ông đồ viết thư pháp ngoài hoa tay vẽ đẹp còn phải có kiến thức về văn học, Phật học để khi khách cần chữ gì thì nhà thư pháp phải biết một câu có chữ đó minh họa cho đầy đủ. Thường thì khách trẻ tuổi không quan tâm đến chữ đẹp mà thích những câu danh ngôn, câu ca dao tục ngữ có tính răn người để treo trướt mắt ra vào nhìn cho nhập tâm.
Hiện nay, ở các tỉnh thành đều có các nhóm thư pháp xuất hiện vào những ngày tết để phục vụ nhu cầu chơi chữ của khách. Mỗi tỉnh thành như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, có một vài nhóm thư pháp có tên tuổi viết chữ đẹp để tổ chức vào các hội xuân.
LƯƠNG MINH
- Có đức trông coi việc lửa/Vô tư có thể lên trời.
- Thư Pháp là gì ? của Nguyễn Hiếu Tín
Buổi triển lãm thư pháp của Mỹ Lý
H3