HỒI ỨC 40 NĂM CỦA MỘT HỌC SINH VĨNH LONG

Ngày đăng: 17/11/2023 10:42:45 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tác giả Đinh Kim Phúc

Cái thời sinh viên đã qua 40 năm nhưng ký ức thì vẫn còn đó. Nhớ năm 1984 về lại trường xưa để thực tập sư phạm. Tôi có 5 năm là học sinh Trung học Thủ Khoa Huân (1970-1975), một thời hào hùng:

Thủ Khoa Huân ta nhắn về phương Bắc,

Đừng ngông cuồng mưu nhổ vẩy Rồng Nam.

Đó là cái ngày mà học sinh Vĩnh Long tham gia cuộc biểu tình lớn chưa từng có ở tỉnh nhà để lên án Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19/1/1974).

Rồi sau ngày 30/4/1975, Thủ Khoa Huân chỉ còn là kỷ niệm. Tất cả là học sinh cấp 3 Thị xã Vĩnh Long.

Về trường cũ thực tập có cái hay là quen biết nhiều thầy cô cũ, nhưng cũng có cái không hay là khó múa rìu qua mắt thợ. Thầy Nguyễn Mười hướng dẫn, phải công bằng mà nói thầy Mười dù mới ra trường chỉ được 4 năm nhưng là giáo viên dạy lịch sử phổ thông tuyệt vời, còn tôi, anh sinh viên thực tập sư phạm, luôn cháy giáo án vì cứ cho rằng học sinh phải có kiến thức lịch sử như sinh viên ngành Sử. Nhớ 26/3, vì tôi là trưởng đoàn sinh viên nên phải ra kế hoạch cho sinh viên thực tập và học sinh toàn trường sinh hoạt ngày truyền thống của Đoàn.

Gặp thầy giáo cũ, thầy Ngô Quang Vỹ, tôi trình bày, nào là thi đánh cờ tướng, cờ vua, nhảy bao bố…và hàng chục môn thi đấu khác.

Thầy Vỹ khen, chú quá hay, đi mới mấy năm mà bây giờ giỏi quá. Nhưng ai làm trọng tài? Haha. Một câu chửi khéo theo phong cách của thầy Ngô Quang Vỹ.

Ba tháng thực tập, có một việc chắc khó có sinh viên thực tập nào dám làm khi đứng lớp: đuổi thẳng cổ 3 học sinh ra khỏi lớp vì có thái độ coi thường các thầy thực tập, mà một trong số đó hình như là con của nguyên Giám đốc Sở Giáo dục.

Nhìn nhiều thầy cô năm nào đã từng dạy tôi hồi phổ thông, ngày qua lại nhìn văn phòng Đoàn trường, một kỷ niệm buồn năm nào hiện về, nhớ mãi.

Cuối năm 1975, suốt 15 đêm, anh Tư Đạo (lúc đó đám đoàn viên chúng tôi chỉ gọi bằng anh) là lãnh đạo nhà trường ra lệnh cho tất cả đoàn viên nhà gần trường phải thực hiện một nhiệm vụ tối mật: thống kê và chép lại danh sách các thầy cô từng là sĩ quan biệt phái, hay từng có cộng tác với các tổ chức của VNCH trước ngày 30/4.

Lúc đầu bọn tôi không hình dung ra chuyện gì, nhưng lúc làm gần xong hồ sơ, tôi khóc.

Sáng hôm sau tôi đi vào trường rất sớm, đứng cạnh bãi xe dành cho thầy cô. Thầy Đinh Văn Thạnh vừa dừng xe, tôi nói ngay: thầy nhìn vào hướng nhà bác Bảy lao công nhe, đừng nhìn về phòng giáo viên.

Có chuyện này em muốn nói với thầy, mà thầy cũng không nên thông báo với các thầy cô khác, tới tai anh Tư Đạo là em đi tù như chơi. Các thầy là sĩ quan biệt phái sắp đi học tập cải tạo, nhưng không phải 7 ngày đâu. Thầy chuẩn bị tâm lý.

Cách nay hơn 10 năm, thầy Đinh Văn Thạnh về Việt Nam, tôi và thầy nhắc lại chuyện xưa. Thầy nói, thầy nhớ hoài chuyện đó.

Rồi ngày thực tập cũng chấm dứt. Thầy Nguyễn Mười cho tổng số điểm thực tập là 8. Sau về lớp mới biết các bạn trong lớp toàn điểm 9 và 10.

Hôm rồi về Vĩnh Long mời thầy Mười ra cafe để tặng sách. Thôi thì bao nhiêu chuyện trên đời, học hành, tình duyên và hành trạng, mới đó đã đi một cái vèo 40 năm.

Mang ơn thầy Mười và chỉ trả ơn bằng cách: Cựu sinh viên ngành Sư phạm lịch sử của Đại học Cần Thơ chỉ có em là sống được bằng kiến thức lịch sử mà không phải làm thêm bất cứ ngành nghề nào.

Nhưng

Bụi phấn mỏng lâu ngày tích lũy,

Xây đời ta một nấm mộ buồn.

Lời của GS Hà Ngọc Dương cách đây 48 năm.

ĐINH KIM PHÚC

Note. Báo tin mừng cho thầy Mười. Quyển sách em tặng thầy năm nào nay đã được dịch sang tiếng Nhật:

Đinh Kim Phúc, Biển Đông-Phát ngôn từ Việt Nam. NXB Vista, Japan, 2020.

Tổng thống Đông Timor José Ramos-Horta & Đinh Kim Phúc  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác