THỊ TRƯỜNG KHÔNG ĐỒNG- HẠNH BỐ THÍ ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA

Ngày đăng: 12/10/2023 02:44:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Mới đây, BS Xuân , bạn tôi bên Mỹ gọi điện về hỏi ý kiến tôi vụ mua đất ở Bình Thuận để hồi hương. Mấy chục năm nay anh mở phòng mạch bên Mỹ rất khá , giờ tuổi lớn có tiền nên muốn nghỉ ngơi, tôi nghĩ chuyện đó hợp lý thôi. Anh còn cho tôi biết ý định của anh là mở phòng mạch “không đồng” ở Bình Thuận để giúp bà con nghèo vùng biển có nơi chữa bệnh. Bệnh nhân sẽ được khám bệnh miễn phí, với các loại bệnh thông thuờng thì cấp thuốc không đồng luôn. Về dịch vụ khám bệnh miễn phí thì dễ dàng, bời công sức của mình, nhưng thuốc men miễn phí thì phải làm sao ?

Tôi hỏi,  trong khi anh không có viện bào chế thuốc hay công ty dược phẩm nào cả. Anh cho biết, chuyện đó không khó, bệnh nặng thì không có đủ thuốc để chữa, chứ bệnh nhẹ thì thuốc không đắt có thể xin  bạn bè hoặc các tổ chức từ thiện sẽ không thiếu. Tôi nghe qua, hoan nghênh ý tưởng của anh và cho biết thêm ở Việt Nam phòng thuốc Nam của Tịnh Độ cư sĩ hoạt động từ lâu rồi hay các phòng mạch từ thiện trị bằng Tây Y cũng có như ở chùa Sơn An, huyện Long Hồ Vĩnh Long. Phòng mạch này hoạt động cách nay hơn 11 năm nhờ một số y sĩ bệnh viện Tỉnh hỗ trợ, nguồn thuốc thì có một số Y, Bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương và một nhóm mạnh thường quân tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo giúp đở. Tuy nhiên , đây cũng là trạm y tế cấp cơ sở, bệnh nhân bệnh nặng cũng phải chuyển đi bệnh viện tuyến trên.

Vận tải không đồng

Ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có Sơn Hòa Tự thuộc giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo. chùa này có ba chiếc xe cứu thương chuyên tải người bệnh đến các bệnh viện trong tỉnh hoặc thành phố Hồ Chí Minh mà không lấy tiền. Xe này ban đầu do đồng đạo đầu tư, tài xế là tín đồ và nhiên liệu thì do nhiều tín đồ trong huyện đứng ra chi trả. Mỗi chuyến đi, tài xế chỉ lại cây xăng đổ, tới tháng có người đến cây xăng trả tiền, người bệnh dù nghèo hay giàu chỉ trả “không đồng” cho chuyến đi tới bệnh viện cần đến. Có gia đình bệnh nhân khá giả trả tiền xe cho chùa, nhà chùa từ chối nói rằng chùa không phân biệt giàu nghèo, chở giúp bệnh nhân chứ không phải chở giúp người nghèo. Nghe đâu không phải chỉ có ở Chợ Lách mà tất cả chùa thuộc hệ thống giáo phái này ở An Giang đều hành động y như vậy. Anh Tư Tùng, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Bến Tre cho biết, tình Bến Tre có 6 xe, Chợ Lách chiếm 3 xe, những xe này không kể ngày hay đêm, khi nào người bệnh nặng gọi điện đến, thành viên trong đội xe cấp cứu từ thiện sẵn sàng lên đường phục vụ, họ không màng đến quyền lợi riêng tư vì nghĩ đó là công đức.

Bữa ăn không đồng

Hôm tôi lên xe đò Đại Ngân về Sài gòn, phía băng dưới cùng có bốn năm người phụ nữ cười nói và yêu cầu lơ xe cho xuống bệnh viện Cù Lao Minh, tôi thấy lơ xe không lấy tiền vì đây là những người nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Ngày nào họ cũng đi xe Đại Ngân tuyến Chợ Lách –Sài Gòn, nhưng xuống doc đường gần bệnh , viện . Họ nằm trong đội nấu cơm từ thiện, 5 người này nằm trong một đội. Trong huyện có nhiều đội thay đổi nhau để nấu cơm và phát không cho bệnh nhân. Phần ăn cũng đủ 3 món: Canh, mặn, xào và ngày nào cũng phát tại BV 100 suất. Nhà họ ở Chợ Lách đến BV cũng phải ba mươi cây số nên đi nhờ xe đò. Chủ xe cũng là người có tâm nên cũng lấy “không đồng” tiền xe cho các chị nấu cơm từ thiện này. Cơm gạo, đồ ăn có người đi chợ, người nấu bỏ công và phân phát cho bệnh nhân. Công việc này mệt nhọc và tốn nhiều công sức nhưng nét mặt ai cũng vui tươi nói cười vui vẻ.

Bánh mì không đồng

Phường 4, TP Vĩnh Long có Đội đờn ca Tài tử vừa làm từ thiện. Hàng ngày nhóm đi ca hát các tụ điểm văn nghệ, nhà hàng được khán giả ủng hộ cho tiền, tiền đó được đưa vào quỹ. Mỗi tháng, vào ngày rằm Đội mở ra quầy bánh mì bên vệ đường Trần Phú, phường 4 cũng gần bệnh viện Đa Khoa tỉnh Vĩnh Long, bán cho khách đi đường với giá “không đồng”. Chị Mai Lương , đội trưởng cho biết cứ mỗi đợt phát từ 800 đến 1000 ổ bánh mì thịt. Số lượng phát tùy theo bà con ủng hộ nhiều hay ít nhưng không dưới 800 ổ. Việc làm này khởi sự từ năm 2020 với 20 đội viên ca nhạc, còn trước nữa chị đơn thân phục vụ cho người nghèo mà chưa có người hỗ trợ.

Việc mua bán không đồng, ngày càng nhiều người làm, với nhiều loại hàng hóa dịch vụ. Tên nghe mới có vẻ KÊU, thật ra chỉ là hạnh bố thí của Phật giáo có từ ngàn năm nay.

LƯƠNG MINH

(bài đăng báo Hương Thiền số Mùa đông)

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác