PHẬT-BỒ TÁT ĐỀ TÀI HẤP DẪN CỦA GIỚI MỸ THUẬT

Ngày đăng: 11/09/2023 11:51:48 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Đến với phòng trưng bài của Mai Thanh Xin- giám đốc xưởng Gốm Biên Hòa tôi thấy hàng loạt tượng Bồ Đề Đạt Ma, sư tổ thiền tông và người khai sáng võ học Thiếu Lâm. Tôi hỏi Mai Thanh Xin,  tác giả tượng là ai, anh cho biết đó là Nguyễn Trung Nguyên. Tôi chợt nhớ ra, hôm triển lãm Gốm ở Hội Mỹ thuật hồi cuối tháng 7/2023 có ba tác phẩm Bồ Đề Đạt Ma gây cho tôi nhiều ấn tương, bụng tròn to giống như con lật đật khổng lồ. Cái hay của vị tổ sư này là có nét dễ nhận ra, người xem không cần học Phật nhiều cũng biết: Mắt lộ tròn xoe, râu xồm xàm, còn cái bụng tròn lớn như chứa cả bầu tri thức của vũ trụ.

Tới tư gia của thầy Nguyễn Hiếu Tín, thư pháp gia ở Bình Thạnh thấy không biết cơ man nào tượng Bồ đề Đạt Ma, tượng gốm có, tượng gỗ có, có tượng làm bằng võ lũa, đương nhiên do nhiều tác giả tạo hình không thể nào nhớ hết được. Hình vẽ vị tổ này cũng không thiếutrong thế giới mỹ thuật, hình tổ vát gậy quảy chiếc giày, hình ngồi thiền nhìn vách núi. Trước đây hình tượng đó để thờ trong chùa, sau này giới thưởng ngoạn xem đó là tác phẩm nghệ thuật để trang trí trong phòng thiền, phòng khách.

Tác giả nổi tiếng chuyên vẽ sư tổ này trên giấy là Họa sĩ Phượng Hồng ở Nha Trang, anh có hàng trăm bức họa với đề tài này. Hình như những họa sĩ vẽ tranh thiền thì cũng có trong người ít nhiều kiến thức thiền, ngoài bức tranh mô tả tác giả còn cho thêm vài câu kệ của các bậc thiền sư cổ xưa hay đương thời hoặc của chính mình nếu nội lực cao thâm.

Cũng trong phòng trưng bày của Mai Thanh Xin, tôi còn thấy đĩa gốm hình Liên Hoa Bồ tát (Liên Hoa sinh) vị bồ tát này là một nhân vật huyền thoại ở Tây Tạng được mọi người tôn kính như Bồ đề Dạt Ma bên Trung Quốc. Tôi hỏi chủ nhân, tác giả đĩa đó là ai , Thanh Xin cho biết là của Bé Hoa, một họa sĩ nhỏ tuổi ở Biên Hòa. Ngoài cái dĩa hình Liên Hoa bồ tát này, Bé Hoa còn có sáng tác mấy tượng Phật Bà Quan Âm bằng gốm rất đẹp. Thực ra , đề tài Phật trên gốm đã được Gốm Biên Hòa thực hiện khá nhiều trên bình hoa, trên chậu để trang trí và họa sĩ Nguyễn Cường thực hiện. Anh này quê ở Quảng Ngãi nhưng đã vào Biên Hòa sống và làm việc ở xưởng gốm.

Nói đến tượng Phật bằng gốm, tôi chợt nhớ đến nhà thơ Hồng Lĩnh ở Gò Vấp, sở trường của chị là làm thơ nhưng lại có thú chơi gốm nên đã tự làm một số tác phẩm mà phần lớn là tượng Phật. Hôm đến nhà chị, tôi thấy không biết bao nhiêu là tượng Phật bằng gỗ, bằng gốm rất đẹp đến nổi BS Đỗ Hồng Ngọc phải mở miệng ra xin thỉnh về. Ông là một Thiền giả có tiếng ở đất Sài Gòn, viết sách về Thiền học rất nhiều, dễ hiểu mà người lớn tuổi đọc sách và học theo sách rất đông. Tôi hỏi chị Hồng Lĩnh, nắn tượng Phật bằng đất rồi đem nung thì dễ hiểu, còn tượng gỗ thì sao? Chị cho biết, vẽ phát họa trên giấy rồi nhờ bên điêu khắc gỗ  tạc theo ý mình. Những tượng Phật gỗ giống như những thế tập Yoga mà các môn sinh thường tập, uốn lượn đủ kiểu, muốn mở miệng thỉnh một tượng để biếu cho đứa em phụ trách phòng tập Yoga ở Vĩnh Long nhưng không dám, vì biết đó là tác phẩm nghệ thuật sản xuất độc bản giá trị cao.

Về mỹ thuật có nhiều loại hình, nhưng đề tài về Phật thì có rất nhiều, phải chăng sự giác ngộ của Phật đã đánh thức, khai mở sự sáng tạo của nghệ sỹ.

Lương Minh.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác