KỸ NIỆM THỜI ĐI HỌC (kỳ 1)

Ngày đăng: 5/09/2023 10:34:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đây là loạt bài của Văn Thành Thông, CHS lớp 11B4  (NK71), anh hiện nay là tu sĩ Phật Giáo ở cái Nhum với pháp danh Thích Thiện Thảo viết về thời đi học của mình. CHS của trường thì nhiều, nhưng kể lại sinh hoạt trong trường thì rất ít, nên những dòng này gợi lại những kỹ niệm ngày xưa của chúng ta dưới mái trường TPH.

Thầy TRẦN THAI HÙNG

Tôi học toán với thầy Hùng lớp đệ tam năm học 1969_1970. Với thầy tôi có hai kỷ niệm khó quên đã in sâu vào ký ức trên 50 năm. Tôi còn nhớ rất rõ đó là tiết học đầu tiên của môn toán do thầy dạy vào đệ tam B4. Tôi chọn ngồi ngoài bìa của dãy bàn đầu tiên kế bàn của thầy. Trong tiết đầu tiên của năm học mới, vừa vào lớp ổn định xong, thầy chỉ tôi lên bảng vẽ điểm A. Tôi thông thả lên bảng vẽ điểm x A ( 2 đường giao nhau và chữ A kế bên) . Thầy Hùng cao hứng khen ngợi ” đúng là học sinh ban toán trường công lập có khác, tôi đã gọi nhiều em ở trường bán công đều lên bảng viết Chữ A và dấu chấm ( . A)”

Thầy Hùng và Cô  (hình chup năm 2022 ảnh Nguyễn ngọc Hạnh)

Có một lần vào khoảng giữa năm học đệ tam, lớp tôi có bạn tên Phan Thanh Thủy chứng minh một bài toán hình học có phần cá biệt lạ và cũng hay nên thầy khoe với lớp khác. Có bạn nữ cùng cấp hỏi thầy ” bạn Phan Thanh Thủy là nam hay nữ ” . Thầy trả lời ” lớp tam B4 là lớp nam nên suy ra rằng bạn Phan Thanh Thủy phải là bạn nam ” , đúng là suy luận theo toán học. Đó là câu chuyện vui thầy vào lớp tôi kể lại.

Hôm nay, tình cờ vào Facebook của bạn Ngoc Hanh Nguyen thấy hình thầy Hùng, bao nhiêu hồi ức kỷ niệm về thầy chợt ùa về trong tâm trí tôi một thuở nơi trường Tống Phước Hiệp,

       BÁC MAI PHÙNG VÕ

Những năm học trường Tống Phước Hiệp từ đệ ngũ đến đệ nhị ( 1967 đến 1971) tôi giữ nhiệm vụ ban học tập của lớp, nên thường xuyên lên phòng của Hội phụ huynh học sinh (PHHS) để in tài liệu học cho các bạn. Xưa chưa có photo, muốn in bài tôi phải đánh máy lên tờ giấy stencil ( giấy sáp) rồi quay ronéo. Trong văn phòng PHHS của bác Võ có máy quay nên  tôi có mặt thường xuyên thành thói quen.

Ông Mai Phùng Võ phát huy hiệu cho hoc  sinh

Đến năm 1971 gần ngày thi tú tài 1, tôi bị cú sốc về gia đình nên đã bỏ học trước ngày thi. Tôi về chùa của mẹ ở Cái Nhum ( xưa là quận Minh Đức) . Mẹ tôi buồn lắm, vì ở chùa nên không chăm sóc gì cho con được , nhìn mẹ rơi nước mắt, tôi không cam tâm nên chỉ ở chùa vài hôm rồi trở về Vĩnh Long.

Thấy tôi vắng lên văn phòng , bác Võ cũng lấy làm lạ hỏi mấy đứa bạn cùng lớp, các bạn nói với bác ” không biết sao thằng Thông gần đến ngày thi mà bỏ học” . Bác bảo mấy bạn trong lớp ” đứa nào biết nhà đến gọi nó đi học lại bác sẽ cấp học bổng cho”.

Nghỉ độ hơn tuần tôi trở lại lớp, bác Võ gọi tôi lên văn phòng an ủi , động viên tôi cố gắng vượt qua khó khăn, lo học, bác còn xin cho tôi được một phần học bổng ( 2.700 đồng).

Nhờ tình thương của mẹ và sự quan tâm an ủi động viên của bác Mai Phùng Võ, tôi có động lực cố gắng vượt qua , cuối năm đó tôi đậu tú tài I dù kết quả không được cao.

Khi đã bước chân vào trường Sư phạm, tôi còn giật mình , mai là có sự động viên của bác Võ kịp thời, nếu không giờ nầy chắc đã đi lính ( trung sĩ) mà chắc gì còn sống.

Nhớ ơn Bác Võ nên những năm rời trường Tống Phước Hiệp, tôi vẫn thỉnh thoảng ghé thăm bác, một vị Hội trưởng hội PHHS làm việc không lương, không chế độ phụ cấp, đã tận tụy hy sinh suốt cả cuộc đời vì sự học tập của đàn con em.

THẦY LÊ MINH THUẬN

Tôi học thầy Lê Minh Thuận môn Pháp văn lớp đệ tứ niên khóa 1968_1969 , là niên khóa cuối cùng của cấp 2 ; thầy còn dạy trường Tống Phước Hiệp, trước khi đổi về giữ chức hiệu trưởng trường Thủ Khoa Huân.

Giữa tôi và thầy Thuận có bí mật nhỏ, nên các bạn trong lớp hay thắc mắc ” không biết thằng Thông và thầy Thuận có thù oán từ kiếp nào, hể vừa vào lớp thấy mặt là thầy gọi nó trả bài quay nó như dế ”

Thầy Lê Minh Thuận tại cuộc hop mặt trường Thủ khoa Huân

Hôm nay, ngồi nhớ đến thầy với bao kỷ niệm, xin phép hơi dài dòng một tí để thố lộ bí mật nhỏ này. Đầu năm 1968 sau tết mậu thân, tôi cùng Đỗ Văn Nguyện là đứa bạn thân chung lớp được thầy Tỏ dạy văn ( thầy Tỏ trẻ mang kính cận chớ không phải thầy Tỏ già tổng giám thị), hướng dẫn hai đứa gia nhập sinh hoạt Gia Đình Phật Tử ( GĐPT) Chánh Minh. Sinh hoạt hằng tuần vào buổi chiều chủ nhật tại chùa Long An, trong hẽm gần chợ Long Châu phường 2 ( ở ngã ba Cần Thơ)

Thời gian đó thầy Lê Tương Ứng giữ chức gia trưởng GĐPT Chánh Minh, còn thầy Lê Minh Thuận giữ trưởng ban hướng dẫn GĐPT tỉnh Vĩnh Long. Có lẽ qua nhiều lần sinh hoạt ở cấp tỉnh, thầy Thuận biết mặt nên đến lớp là thầy nhận ra liền.

Thú thật các bạn, tôi chỉ học trên loại kém một tí, có môn toán, lý, văn là tạm ổn, còn các môn khác, nhất là môn cần học thuộc bài thì loại bét, cũng mai là nhờ năm thi đó các môn đa số trắc nghiệm.

Trở lại vấn đề, chắc mới gặp ở lớp thầy biết tôi có sinh hoạt trong GĐPT , khi biết tôi kém môn Pháp văn, thầy tạo ra tình huống ấy để kềm cập cho tôi khá hơn. Thật ra, hôm nào tôi có điểm tốt thầy mới cho vào sổ, còn thường thầy ghi vào sổ tay để theo dõi ( bí mật nhỏ đấy chỉ có tôi và thầy thầm hiểu nhau).

Đến hết học kỳ 1 thấy tôi đã tiến bộ nhiều nên thầy buông tha không truy bài gắt nữa. Thế là bệnh lười lại tái phát, môn Pháp văn tuột dốc từ từ.

Bí mật thầy trò trên 50 năm hôm nay mới thố lộ, nhớ ơn thầy lắm, đó là những kỷ niệm đẹp trong bốn năm học ở trường Tống Phước Hiệp mà tôi nhớ mãi.

Từ 26/7 đến 14/08/2023

Thích Thiện Thảo

( Văn Thành Thông)

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác