VẤN ĐỀ PHÊ BÌNH THƠ

Ngày đăng: 18/04/2023 04:02:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Mới đọc bài viết của Hoàng Thị Bích Hà về phê bình thơ đăng trên trang web tongphuochiep-vinhlong.com , tôi thấy thích và nghĩ rằng đề tài này có thể được coi là vấn đề thời sự trên văn-thi đàn, không phải chỉ hiện nay mà từ lâu rồi!

Trong bài viết, đầu tiên tác giả nhắc lại lời nhận xét (có vẻ thảng thốt) của một nhà thơ: “Bây giờ nhà thơ nhiều quá! Ai cũng làm thơ được, ai cũng in thơ được” và cho biết ngay là không đồng ý với lời nhận xét này. Tác giả viết: “Tôi nghĩ: Nếu được vậy là điều đáng mừng chứ đâu phải đáng lo mà thốt lên có vẻ đầy hoảng hốt vậy! Làm thơ được chứng tỏ trước hết là người biết chữ, là người có tâm hồn, có cảm xúc và dĩ nhiên ít nhiều có năng khiếu. Nhu cầu giải tỏa cảm xúc, nhu cầu giải bày là nhu cầu chính đáng… Viết được là điều rất đáng khích lệ”.

Tuy nhiên trong phần tiếp theo, tác giả cũng đồng ý với việc góp ý và phê bình thơ, nhưng theo cô: “Khi góp ý không chỉ ra được cái hay, cái chưa hay cho người ta thì không có sức thuyết phục. Và khi góp ý, cần đúng lúc, đúng nơi. Có ý tôt, góp ý xây dựng thì người nghe sẽ tiếp thu, sẽ tôn trọng và cố gắng khắc phục”. Và cần phải: “Hãy điềm đạm khi khen chê” và “Đừng hiếp đáp cảm xúc”… Rồi cô ấy kiến nghị: “ Đừng biến tranh luận thành tranh cãi, và cãi cùn. Nếu đủ sức hãy tranh luận văn minh, lịch sự và thuyết phục”.

Tôi đồng ý với hầu hết lập luận của tác giả nhưng xin phép có ý kiến thêm. Trước hết nên khuyến khích nhiều người viết văn, làm thơ! Thật tế trong cuộc sống hiện nay, có thể vì phải mưu sinh, tranh sống nuôi gia đình và cả tranh nhau làm giàu… nên nhiều người ít khi cầm bút viết, cùng lắm khi cần thiết chỉ gõ vài lời chat hay nhắn tin trên điện thoại hoặc comment trên FB… với một thứ chữ kì quặc, lạ lẫm… được ngụy biện là theo “thời trang” của giới trẻ nước ngoài! Riết rồi thành quen! Lâu ngày không viết nên nhiều người thấy rất khó khăn khi muốn viết một bản văn bình thường. Trong khi đó, lối viết như thế đã khiến những ngôn từ giao tiếp trên mạng ngày nay trông “quái dị”, không đếm xỉa tới những qui định về chính tả và ngữ pháp! Do vậy theo tôi hiện nay nhiều người nên “trau dồi” lại ngòi bút, nhất là giới trẻ và lại là giới trẻ có học, đừng nên cứ cái gì cũng bắt chước người ngoại quốc! Bất cứ ai khi rảnh rỗi cũng nên tập viết, viết đơn từ, viết thư tình, viết nhật ký hay viết văn tả tình tả cảnh… cũng được. Riêng những người, như tác giả Bích Hà đề cập, có tâm hồn, có cảm xúc, muốn làm thơ… thì cứ mạnh dạn làm thơ. Tôi nghĩ xã hội ngày nay cần tạo điều kiện khuyến khích việc viết văn, làm thơ. Càng thực hành nhiều việc viết văn làm thơ này thì văn- thơ càng hay, ngôn ngữ của chúng ta sẽ được “sáng sủa” hơn, bớt dần những “quái thai” trong văn thơ chữ nghĩa!

Tuy nhiên, văn hay thơ ít nhiều đều là nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì có hay có dở. Ngay chuyện ẩm thực bây giờ cũng đã được đẩy lên hàng nghệ thuật. Ăn một miếng thịt, miếng cá, uống một ly trà, ly rượu… cũng phải nhận biết được ngon- dở, và có quyền bật lên lời nói khen chê! Thế thì văn hay thơ cũng có cái hay cái dở và phải chấp nhận chuyện khen-chê! Thông thường càng thực hành nhiều, càng có kinh nghiệm thì tác phẩm hay càng nhiều, càng được đánh giá cao bởi giới phê bình. Thêm nữa phải hiểu rằng, nếu viết văn làm thơ rồi mà chỉ cất đi, một mình mình đọc, một mình mình thưởng thức rồi rung đùi khoái chí tự đánh giá mình là “nhất”, thì chẳng ai muốn nói đến làm gì. Nhưng nếu đã đăng báo, in sách hoặc đưa lên mạng, tức là đã “công chúng hóa”, muốn có người xem… thì ắt có người đọc đến và ắt phải gặp chuyện khen-chê!

Như vậy những người viết văn, làm thơ nên biết dẹp bớt tự ái để “lắng nghe” những lời góp ý phê bình. Ngày trước, hầu như trang thơ nào của các nhật báo, tạp chí hay tập san đều mở cửa cho sự “bình thơ”, lôi kéo được nhiều người theo dõi, tham gia, trao đổi học hỏi lẫn nhau. Nhờ vậy phong trào làm thơ phát triển mạnh, làng thơ ngày càng có nhiều bài thơ hay, nhiều “nhà thơ” bớt ảo tưởng “mình là nhất”, mạnh dạn “tự soi rọi mình” một cách đúng đắn và hiểu biết hơn! Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều trang thơ được lên mạng nhưng đa số là trang web của những nhóm nhỏ hay chỉ là email group, FB group, Zalo group… nên chỉ một số ít người trong nhóm đọc thơ của nhau… Và thông thường trong những nhóm nhỏ đó, họ nể nang nhau, không muốn chê nhau nên tặng nhau vài lời khen… sinh ra hiện tượng “mèo khen mèo dài đuôi”… ai cũng được hài lòng! Một số nhóm thơ của người có tuổi cũng bằng lòng với cách làm như vậy, coi như đó là niềm vui của tuổi về chiều! Riết rồi ai cũng là “nhà thơ”, dầu già hay trẻ, và có ảo tưởng thơ của mình là hay, là nhất! Có một số người làm được vài chục có khi vài trăm bài thơ được đăng như vậy mà không thấy có ai chê mình, chỉ có lời khen (cũng có thể có một số bài thật sự hay) nên tự cho là mình “lão làng”, sinh tự kiêu, tự mãn… chê người khác thì được mà có ai lên tiếng “nói động” tới mình thì không được!

Có thể cũng vì vậy mới có người kêu lên thảng thốt: “Bây giờ nhiều nhà thơ quá…”! Tôi nghĩ người đó than như vậy không theo nghĩa đen là có nhiều nhà thơ, nhưng vì muốn nói tuy số lượng “nhà thơ” thì nhiều mà “chất lượng thơ” lại không nhiều!

Đến đây lại phải đề cập tới người phê bình. Thông thường để nhận xét một món ăn ngon hay dở, người nêu nhận xét phải biết “lựa lời” để tránh chạm tự ái người nấu bếp. Chuyện ăn uống đã vậy. Chuyện “bình thơ” phải “trí thức” hơn. Đừng có “thô bạo” làm “thui chột” cái hồn thơ của người ta! Phải khuyến khích những “ nhà thơ trẻ” mạnh dạn tiếp tục làm thơ! Như trên đã nói, viết văn không phải dễ, phải “tập tành” viết… thì muốn viết lời phê bình, nhất là để lời phê có chất lượng, thì cũng phải tập tành nhiều. Có viết nhiều, rồi đọc lại, tự rút ra kinh nghiệm với những điều mình đã viết, trau dồi kiến thức những vấn đề có liên quan… thì lần lần những lời phê bình của mình mới có “giá trị” hơn, người bị phê dễ tiếp nhận hơn và độc giả có nhiều tin tưởng hơn!

Thật tế người phê bình âm nhạc có thể không cần phải là người có sáng tác bài nhạc hay. Người phê bình hội họa có thể không cần vẽ được một bức tranh đẹp… Nhưng họ phải có kiến thức đủ sâu và rộng về lĩnh vực mà họ muốn phê bình. Người phê bình thơ cũng vậy. Không phải ai cũng có đủ tư cách (về trình độ) để bình thơ người khác … và lại càng không đủ tư cách nếu lời phê chỉ xuất phát từ lòng ganh tị! Tuy nhiên một ngành nghệ thuật nào mà không có (hay không chấp nhận) những lời phê bình nghiêm túc, xây dựng… thì ngành nghệ thuật đó sẽ không thể phát triển!

Trong xã hội nói chung cũng thế. Tôi nghĩ một trong những lý do khiến người mình chậm tiến bộ trên một số lĩnh vực… vì cứ ảo tưởng mình là “nhất” và nhất định không “ngửi” được giọng điệu người khác phê bình mình!

Long Xuyên, tháng 4/ 2023

KHƯƠNG TRONG SỬU

 

Có 6 bình luận về VẤN ĐỀ PHÊ BÌNH THƠ

  1. Bacsi Suu nói:

    Tôi không phải cựu học sinh Tống Phước Hiệp nhưng thấy trang web này “sáng sủa” và có nhiều bài viết hay, nên có nói với anh Minh Lương cho đăng một số bài viết của tôi. Mong là có dịp trao đổi văn-thơ và một số ý kiến khác về văn hóa với các bạn!

    • Luong Minh nói:

      Trang này có rất nhiều người không phải là HS của trường và may mắn được nhiều nhà văn khắp nơi như bác sĩ tham gia. Tôi chợt nhớ câu chuyện báo Thanh Niên, phụ nữ đọc vẫn được

      • Bacsi Suu nói:

        Tôi không dám nhận mình là “nhà văn” đâu như bạn Lương Minh đã “phong tặng”! Tôi tham gia vào sinh hoạt của trang web này vì cũng muốn đóng góp phần mình trong một hoạt động văn hóa mà tôi nghĩ rằng ta nên duy trì và phát huy!
        Mỗi bài tôi đã viết đều nhắm đến mục đích đó! Còn gì tốt hơn nếu đa số chúng ta đều “có lòng” với sự phát triển văn hóa nói chung, bắt đầu từ từng địa phương. Tôi mong bài viết của mỗi người, dầu thuộc đề tài gì, đều có đông người khác đọc và góp ý bàn luận. Khi đầu óc tôi chưa bị Alzheimer “hành” thì tôi vẫn muốn trao đổi học hỏi với mọi người!

  2. Bacsi Suu nói:

    Tấm hình minh họa có mặt tôi do ban biên tập đưa vào, có lẻ để giới thiệu một “khuôn mặt” mới (nhưng già quá rồi)! Hình chụp khi tôi ngồi trước một tịnh thất của một anh bạn ở Núi Cấm (Tịnh Biên), sau lưng là núi Bà Đội Om.

  3. Bacsi Suu nói:

    Tôi đăng bài trên cả hai trang web của tongphuochiep-vinhlong.com và trunghoccholach.com để nhiều người có thể đọc và tham gia bàn luận. Tôi rất muốn trao đổi học hỏi với mọi người, nhất là đối với các bạn Chợ Lách và Vĩnh Long. Phát triển “văn hóa đọc” đang là xu hướng được nhà nước khuyến khích. Tôi nhận thấy chủ trương này rất đúng, rất hợp thời. Nhưng tôi cũng muốn khuyến khích không chỉ việc đọc mà còn việc viết… và việc làm thơ nữa!

  4. Hoàng Thị Bích Hà nói:

    Da cảm ơn BS Suu đã đọc và có bài viết phản hồi đầy tâm huyết và trách nhiêm. Bich Ha đồng ý với ý kiến BS và chúc BS luôn an lành, sức khỏe và luôn là bạn đọc bạn viết nhiệt tình của trang Web Tongphuochiep-Vinhlong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác